Ông Y Quynh Bdap: Tôi bị vu khống tội ‘khủng bố’
Ông Y Quynh Bdap - nguồn hình Internet
VOA
Ông Y Quynh Bdap, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã đặc biệt trong vụ bạo động ở Đắk Lắk, bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam, nói rằng ông bị “vu khống” và bị gán tội “khủng bố”.
Truyền thông nhà nước loan báo hôm 30/11 rằng Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt đối với 6 người với cáo buộc “tham gia vụ khủng bố, giết người” ở trụ sở 2 xã thuộc huyện Cư Kuin trong tỉnh ngày 11/6/2023, trong đó có ông Y Quynh Bdap.
Ông Y Quynh Bdap, 31 tuổi, người sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), nói với VOA sau khi hay tin ông bị phát bệnh truy nã đặc biệt với cáo buộc “Khủng bố” theo Điều 299 Bộ Luật Hình sự:
“Những hoạt động của tôi là về lĩnh vực tôn giáo và đòi nhân quyền cho người Thượng bản địa tại Việt Nam. Mọi hoạt động của Nhóm Người Thượng Vì Công lý với mục đích là đấu tranh cho công lý và đấu tranh ôn hòa.
“Tôi biết rằng nhà nước Việt Nam đã lợi dụng vụ này và vu khống cho Nhóm Người Thượng Vì Công lý của chúng tôi”.
“Chúng ta vô cùng lo ngại trước những cáo buộc thiếu cơ sở mới đây của chính phủ Việt Nam nhắm vào Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập MSFJ, một nhà hoạt động nhân quyền tận tâm. Những cáo buộc rõ ràng là nỗ lực làm mờ danh tiếng ông ấy và dập tắt tiếng nói nhân quyền mạnh mẽ của ông. Đáng nói là, họ đã điều tra ông mặc dù không có bằng chứng nào liên quan ông với bạo lực hay khủng bố”, ông Y Phic Hdok, đồng sáng MSFJ, người hiện nay đang sống ở California, Mỹ, viết trên Facebook.
VOA đã liên lạc Bộ Công an Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.
Như VOA đã đưa tin, hàng chục người đã tấn công, đốt phá hai trụ sở chính quyền xã ở Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, vào rạng sáng 11/6, giết chết 9 người, gồm 4 viên công an và 2 lãnh đạo xã và 3 người dân.
Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt giữ tổng cộng hơn 100 người tham gia hoặc dính líu vào vụ án này, theo Báo Điện tử Chính phủ.
Mặc dù đã rời Việt Nam, nhưng ông Y Quynh Bdap cảm thấy bất an:
“Ở Thái Lan chưa phải là một đất nước an toàn, vả lại đây là nước không ký bảo vệ người tị nạn, cho nên việc an toàn tại Thái Lan là không có, nhất là sau các vụ việc Trương Duy Nhất, Thái Văn Đường bị mật vụ Việt Nam bắt cóc và đưa về Việt Nam xử án. Và bản thân tôi cũng không ngoài phạm vi của họ vì họ đã ra lệnh truy nã và bản thân tôi cũng không an toàn”.
Truyền thông Việt Nam cho biết 6 người hiện bị truy nã vì họ đã bỏ trốn sau khi công an khởi tố họ về hành vi “khủng bố” vào tháng 8/2023.
Năm người khác bị truy nã gồm ông Y Chik Niê, 55 tuổi, từng sống ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk; Y Mut Mlô, 63 tuổi, từng cư trú ở huyện Krông Búk, Đắk Lắk; Y Chanh Byă, 40 tuổi, Y Bút Êban, 39 tuổi, và Y Niên Êya, 45 tuổi, là 3 người cùng cư trú ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Ông Y Quynh Bdap nói với VOA hôm 1/12 rằng ông không biết gì về 5 người này.
Chính quyền Việt Nam nói rằng vụ 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk bị tấn công vào ngày 11/6 là “hoạt động khủng bố có tổ chức” và cáo buộc một số người sinh sống ở Hoa Kỳ có liên can trong vụ án này.
Ngay sau vụ bạo động, Nhóm Người Thượng vì Công lý phát thông cáo báo chí, tuyên bố họ “không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì”.
Nhóm này cũng tái khẳng định chủ trương hoạt động là “ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm LHQ và các chính phủ của những nước dân chủ”.
Theo Trang Công an Đắk Lắk, nhóm MSFJ được thành lập vào năm 2019, thông qua trang mạng xã hội “liên lạc, kích động những người thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật”, đồng thời cáo buộc rằng nhóm này “sử dụng các thông tin sai sự thật và xuyên tạc” nhằm vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc với “mục đích vụ lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.