Vì sao nhỏ không học lớn lên thành... tiến sĩ?
Nguồn hình từ Facebook
Trân Văn
VOA Blog
Câu chuyện Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt – tự nguyện nộp lại hai văn bằng cử nhân và một văn bằng tiến sĩ để các cơ quan hữu trách “xử lý theo quy định” vì ông đã dùng “bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp” để có thể thủ đắc chúng [1] tiếp tục khuấy động dư luận.
Có thể vì nhiều người thắc mắc, tại sao Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) không gọi tấm bằng bổ túc văn hóa (BTVH) cấp ba mà ông Việt dùng là “bằng giả” mà xếp tấm bằng này vào loại “không hợp pháp” nên Kiem Mai Ba lý giải, đại ý: Bằng cấp không phải là hàng hóa có thể mua bán nên không có “giả”, chỉ có “bất hợp pháp”. Nhờ “thông thái”, Bộ GDĐT mới nghĩ ra việc sử dụng từ ngữ có tính học thuật để lượng giá như vậy, rồi bởi ông Việt “thừa nhận” thành ra không cần chuyển cho công an truy xét xem có mua bán bằng cấp hay không, các đại học chỉ cần làm thủ tục thu hồi những văn bằng đã cấp cho ông Việt là xong, không cần phải xử lý lý bất kỳ cán bộ, giảng viên nào đã “nhúng chàm” trong tuyển sinh và cho “sanh viên chưa tốt nghiệp cấp ba” hội đủ điều kiện nhận văn bằng cao hơn. Mai Bá Kiếm còn chỉ ra lợi ích khác khi xác định “bằng tốt nghiệp cấp ba BTVH không hợp pháp” là biến việc “thụ phong Tỳ kheo và tấn phong Trụ trì cũng... không hợp pháp” chỉ cần sắp xếp cho Việt ông tự nguyện trả hết là... ổn [2].
Tin Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt - tự nguyện nộp lại các văn bằng trên trang Facebook của VTV24 thu hút cả ngàn người tham gia bình luận [3]. Phần lớn bày tỏ thái độ ngán ngẩm về sự học ở Việt Nam. Không ít người như Trương Hiền xem đó là ví dụ về “sự ưu việt của chế độ”. Bên cạnh đó có không ít người đặt vấn đề như Nông Chí Minh: Liệu Bộ GDĐT có dám cho phanh phui cho hết những trường hợp học giả nhưng bằng cấp thật đã tồn tại rất lâu, nhất là những trường hợp không đỗ tú tài nhưng khi trở thành cán bộ thì thăng tiến cả về chức vụ lẫn bằng cấp? Nguyễn Văn Hóa không tin có cơ quan hữu trách nào dám làm chuyện này bởi: Nếu kiểm tra, thanh tra, toàn bộ văn bằng tiến sĩ đã cấp, chắc chắn sẽ phải thu hồi rất nhiều và chẳng còn mấy người làm việc! Đó cũng là lý do Lưu Hiếu khái quát hiện trạng: Người có bằng cấp chưa chắc có việc làm và địa vị xã hội nhưng người dùng bằng giả chắc chắn có cả hai!
Scandal liên quan đến ông Việt chọc ngoáy thêm một lần nữa vào khối u đã mưng mủ từ lâu nhưng chính quyền Việt Nam không muốn chữa trị. Cũng vì vậy thiên hạ mới nửa đùa, nửa thật kiểu như An Truong: Sai phạm xảy ra là điều không ai mong muốn song đừng đề cập trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào vì trách nhiệm thuộc về... toàn dân. Hoặc ngán ngẩm bồi thêm như Tk Kc: Nên quy trách nhiệm cho người tin vào cái giấy... Chẳng phải tự nhiên mà chỗ nào đề cập đến scandal này trên mạng xã hội cũng có những ý kiến tương tư như Trương Văn Tiến: Giờ mà sờ từ ngọn đến gốc thì khối ông to bà lớn ra đi. Hoặc như Nika Sang: Một bên vì danh lợi, một bên vì tiền, ô hợp cả bè, nhếch nhác, kinh tởm [4]. Đó cũng là lý do khi bàn về ông Việt, thiên hạ không thể quên các Giáo sư - Tiến sĩ ĐH Luật Hà Nội từng cung kính dâng cho ông Việt tấm bảng “quốc trung hiền sĩ” hay GSTS Hoàng Chí Bảo chuyên ca ngợi bác Hồ, đột nhiên chuyển sang tôn xưng ông Việt là “nhà văn hóa”, là “học giả uyên bác” [5].
***
Nhân chuyện thiên hạ bình phẩm về qui trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, ông Xuan Son Vo lưu ý: Vương Tấn Việt không phải là người đầu tiên có bằng như vậy. Ông Sơn nhắc một chuyện mà nhiều người làm việc trong ngành y ở TP.HCM còn nhớ, liên quan tới một bác sĩ được chọn làm Trưởng khoa một bệnh viện lớn. Tuy bác sĩ này nổi tiếng, rất nhiều người đổ đến phòng mạch của ông khám bệnh nhưng những người trực tiếp làm việc với ông đều nghi ngờ việc ông đã từng học trường y. Thế rồi bác sĩ đó hoàn tất “Chuyên khoa cấp hai”... Cuối cùng, do dư luận, Sở Y tế TP.HCM cử người sang Pháp xác minh và nhận được xác nhận là ông không học y tại Pháp. Theo ông Sơn, việc ông bác sĩ giả hoàn tất “Chuyên khoa cấp hai” là do qui trình đào tạo và sự “kín tiếng” của những người học chung với ông. Bộ môn qui định ba người làm chung luận án. Tuy ông không biết gì nhưng hai người còn lại thuộc hàng cây đa, cây đề trong ngành và không rõ khi làm chung luận án, hai người có nghi ông là bác sĩ giả hay không?
Xuan Son Vo nói thêm: Sau này, khi tôi làm luận án tiến sĩ, tôi mới thấy, nếu như làm theo qui định, việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Việt Nam khó hơn nhiều so với bảo vệ nó ở nước ngoài vì có nhiều yếu tố không chuyên môn xen vô. Thế nhưng, chất lượng chuyên môn lại là vấn đề rất khác [6].
Giống như nhiều scandal cùng loại, scandal liên quan tới Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt – cũng được mang ra nghị trường khi quốc hội Việt Nam “thảo luận về tình hình kinh tế xã hội”. Thêm một lần nữa, đại diện cho “ý chí nguyện vọng của nhân dân” đề nghị “quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng, thực chất để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội”. Thêm một lần nữa, ĐBQH thông báo: Cử tri cho rằng ngoài trường hợp này, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại? Những tiến sĩ ‘dỏm’ ấy đang ở đâu, họ đã và đang làm gì? Có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không? Vấn đề này cần sớm được quốc hội, chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, rà soát... Không thể đếm được đã có bao nhiêu đề nghị kiểm tra, rà soát, đã có bao nhiêu chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhưng không thể trả lời khi nào thì kiểm tra, soát xong hay không cần kiểm tra, rà soát nữa!
Chú thích
[1] https://tienphong.vn/ket-qua-xac-minh-bang-bo-tuc-van-hoa-cua-ong-vuong-tan-viet-post1684436.tpo