Nguyễn Tiến Tường
Báo Tiếng Dân
Cụ Đào Duy Anh định nghĩa văn hoá dân tộc ta là văn hoá “âm tính”, nghĩa là ẩn sâu bên trong. Nam thì uy dũng mực thước, nữ thời ý nhị thanh tao.
Văn hoá dựa trên văn minh lúa nước thuần nông, đoàn kết sẻ chia yêu thương đùm bọc.
Ví dụ tôi nhớ làng tôi mùa gặt bằng đò, phải đẩy đò qua con đê ở một cái lạch nhỏ, từng đò một. Thế là cả làng giúp nhau đẩy từng chiếc, chiếc cuối cùng có khi trăng lên rồi mà người làng không bỏ lại. Nhà nào cắt lúa tới tắt mặt trời chưa xong, cả làng người tay hái tay liềm xuống quơ phụ cái xong.
Văn hoá đó thầm lặng mà bền bỉ!
Giờ sao? Quan tham đường quan, dân trá đường dân. Quan lên ghế ngồi cố nghĩ sao quơ quén cho mình, nhà mình, họ mạc mình càng nhiều càng tốt.
Dân thì sưu thuế nhọc nhằn sinh ra gian, trồng rau hai luống nuôi lợn hai chuồng, bên để ăn bên để bán.
Ngày xưa hôn nhau trong bụi đái trong bụi, giờ vẫn hôn nhau trong bụi nhưng đái ngoài đường. Sài Gòn loa kẹo kéo ngự trị khắp nơi ăn nhậu phều phào, inh hết cả não. Mạnh nào đó sống, bản năng mà sống, mưa cứ mưa đi ai buồn biết liềng.
Cụ Trần Đức Thảo tiếc Hà Nội, bảo ngày trước đẹp từ không gian đến nết người. Tôi đọc Thạch Lam Vũ Bằng cũng thấy thế. Đẹp từ cô đầu, ả đào đẹp lên.
Rồi tự dưng kéo người về, biệt thự Pháp xẻ năm chia bảy thành nhà tập thể, nấu bếp khói um lên. Rồi xếp hàng đặt gạch tranh nhau chí choé. Nón cối điếu cày luôn ở trong trạng thái vật lý hung hãn.
Giờ tôi ra HN, thấy mặt ai nấy lạnh như cứt ngâm, người với người xa lạ kiệm lời, ăn tô phở Thìn cũng dấm dúi trả tiền trước. Còn đâu thanh lịch Hà thành.
Chẳng thà như ngày trước nghèo mà yêu thương nhau, còn hơn bây giờ không yêu thương nhau mà vẫn nghèo.
Chấn hưng là chấn hưng cái chi?
Phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc, các cụ dạy rồi. Làm cho dân nước giàu lên, dạy trẻ con dạ thưa cám ơn xin lỗi và đọc sách, tự dưng mà có văn hoá. Thế hệ này coi như xé nháp bỏ!
Chấn hưng chấn heo, 350k tỷ rồi các anh lại tuyên truyền, lại gắn bảng tùm lum tà la chạy theo hình thức. Có mà “chấn hoa văn hứng” chớ văn hoá quần què!