Các cuộc rút quân tại vùng I (tiếp theo)

22 Tháng Tư 20199:00 CH(Xem: 10087)

CÁC CUỘC RÚT QUÂN TẠI VÙNG I

(tiếp theo)

CUỘC RÚT QUÂN TẠI CHU-LAI

 

 refugeesvnandsyrians

                                                                                   Hình Internet

 

 


 

Điệp Mỹ Linh
 Biên khảo
Trích từ Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975



 

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm Chu-Lai gồm có:

  • Duyên Đoàn 11 đóng tại Chu Lai.
  • Duyên Đoàn 15 đóng tại Chu Lai, Cạnh Sư Đoàn II Bộ-Binh.
  • Duyên Đoàn 16 đóng tại Cổ Lũy, Quảng Ngãi.
  • 2 Coast Guards.
  • 4 PCF được Hải-Đội I Duyên Phòng tăng phái.

Nhiệm Vụ

Tuần tiễu, bảo vệ, phối hợp hành quân với các đơn vị bạn

Phạm Vi Hoạt Động

Vùng Duyên Hải thuộc hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi, từ phía Nam Hội An đến ranh giới vùng II Duyên-Hải.

Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm Chu Lai là Hải Quân Trung Tá Ch. V.

Ngày 14 tháng 3, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt – Tư-Lệnh Sư Đoàn II Bộ Binh – về Đà Nẵng dự cuộc họp quan trọng do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chủ tọa. Phiên họp này gồm những vị Tư-Lệnh Sư-Đoàn và các Tiểu Khu-Trưởng. Trung Tướng Tư Lệnh Quân-Đoàn I chỉ thị các đơn vị trưởng phải cố giữ lấy đơn vị của mình và bảo toàn chủ lực. Khi áp lực địch quá nặng, hãy rút về cố thủ những yếu điểm.

Thời gian này, với quyết tâm muốn chiếm những tỉnh chung quanh để cô lập Đà Nẵng, Việt Cộng mở nhiều đợt tấn công vào Quảng Tín và Quảng Ngãi, hai thị trấn phía Nam Đà Nẵng.

Ngày 24 tháng 3, Quảng Tín thất thủ; vì Trung Đoàn 4 và Trung Đoàn 5 của Sư Đoàn II Bộ Binh bị các đơn vị của Nông Trường II Bắc Việt dùng đại bác và xe tăng tấn công rất ác liệt! Trên đường rút về Chu Lai, một số lớn quân nhân bỏ khí giới, đi tìm thân nhân. Hàng ngũ rối loạn, cho nên khi bị Việt Cộng chận đánh nữa, quân VNCH bị thảm bại!

Khi được tin quân VNCH không giữ được Quảng Tín, Đại Tá Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi đưa Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu cùng Trung Đoàn 6 Bộ Binh của Sư Đoàn II, Liên Đoàn Biệt Động Quân, Thiết Vận Xa, Địa Phương Quân, v. v… rút về Đà Nẵng và Chu Lai. Trên đường lui binh, quân lính cũng vất vũ khí, đi tìm gia đình; vì vậy quân VNCH  không thể chống trả được những đợt tấn công dai dẳng của Bắc quân. Tổn thất về phía VNCH rất cao!

Cùng ngày, Quảng Ngãi bị Việt-Cộng pháo kích liên tục. Áp lực địch dồn vào Duyên Đoàn 16 rất nặng. Đài kiểm báo 104 bị tấn công.

Chỉ Huy Trưởng đài kiểm báo 104 tại Sa Huỳnh – Hải Quân Đại Úy Nguyễn Thanh Vân –  bị Bộ Binh bắt đi theo; vì Bộ-Binh nghĩ rằng thế nào Hải Quân cũng đưa tàu vào đón Đại Úy Nguyễn Thanh Vân và Bộ Binh sẽ được đón luôn.

Khi hay tin Quảng Tín và Quảng Ngãi thất thủ, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt rút Sư Đoàn II Bộ Binh ra đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) làm trừ bị.

Sáng 25 tháng 3, căn cứ Sư Đoàn II Bộ-Binh tại Chu Lai bị dân chúng tràn ngập; vì họ nghe tin tàu Hải Quân sẽ đón quân của Sư Đoàn II Bộ-Binh.

 

*       *

*

Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ 802, đang công tác tại Phú Quốc, với nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho các chiến đỉnh thuộc Hải Đội 4 Duyên Phòng; và HQ 802 cũng là Tổng Hành Dinh lưu động của Bộ Chỉ Huy chiến dịch.

Sáng 23 tháng 3, lúc 6 giờ 30, HQ 802 được lệnh trả Bộ Chỉ Huy chiến dịch về An Thới, khởi hành hỏa tốc đi Đà Nẵng.

Là LST loại lớn, HQ 802 đã được biến cải thành Cơ Xưởng Hạm. Cửa đổ bộ đã được hàn kín. Vì máy móc trang bị và vật liệu sửa chữa tồn kho đã tăng trọng tải HQ 802 lên đến 6 ngàn tấn, cho nên, Cơ Xưởng Hạm HQ 802 không còn khả năng ủi bãi để Bộ Binh lên tàu nhanh chóng được.

Ngày 25 tháng 3, lúc 5 giờ chiều, Tướng Trần Văn Nhựt gọi Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm Chu Lai sang Sư Đoàn II và cho biết Sư Đoàn II chuyển quân ra Cù Lao Ré. Ngay sau đó, Trung Tá Ch. V. chỉ thị Duyên Đoàn 16 đưa gia đình binh sĩ ra Cù Lao Ré; và chính Trung Tá Ch. V. đưa Duyên Đoàn 11 và Duyên Đoàn 15 ra Đà Nẵng.

6 giờ 30 chiều, HQ 802 nhập Vùng I Duyên Hải và được lệnh chỉ huy Phân Bộ-Nam Hải-Quân vào Chu Lai đón và chuyển vận Sư Đoàn II Bộ Binh ra đảo Lý Sơn, cách bờ khoảng 50 cây số.

Phân Bộ-Nam Hải Quân gồm có: HQ 802, HQ 404, một MSF và HQ 505.

Trong khi các chiến hạm tiến về Chu Lai, Hải Quân Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm Chu Lai không hề biết gì về kế hoạch di tản này.

Vào thời điểm này HQ 505 đang có mặt tại vịnh Chu Lai để chuẩn bị đón quân của Trung Đoàn 4 và Trung Đoàn 5 thuộc Sư Đoàn II Bộ-Binh.

Khi HQ 505 đang lềnh bềnh trong vịnh Chu Lai, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt đáp trực thăng ngay boong chính của chiến hạm. Sĩ quan trực hướng dẫn Tướng Nhựt lên đài chỉ huy gặp Hạm Trưởng. Tại đây, Tướng Nhựt và Hạm Trưởng HQ 505 – Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nhượng – bàn định kế hoạch đón quân. Cả hai vị đều đồng ý sẽ rút quân vào ban đêm và sẽ cố vận chuyển tối đa quân cụ.

Khoảng 9 giờ tối, HQ 505 ủi bãi phía ngoài bờ biển chứ không vào vịnh Chu Lai. Nhưng vì bờ biển không đều, có nhiều chỗ quá sâu, lính Bộ-Binh không thể đem quân cụ lên tàu được. Hạm Trưởng cho lệnh chiến hạm lui ra, vào ủi bãi trong vịnh Chu Lai.

Tại bãi biển Chu Lai, khi HQ 505 vừa ủi bãi xong, cả một rừng người ào xuống nước, vây quanh chiến hạm! Lúc cửa đổ bộ (ramp) hạ xuống, không ai có thể biết được bao nhiêu người bị đè xuống nước! Trong lúc người đạp lên người để tràn vào lòng chiến hạm thì vài tiếng lựu đạn nổ ngay mũi tàu và mấy chiếc thiết giáp lừ lừ tiến đến…

Trước tình cảnh này, ngại nguy hiểm cho chiến hạm và cho mọi người trên tàu, Hạm-Trưởng HQ 505 ra lệnh kéo cửa đổ bộ lên, chuẩn bị lui ra. Khi cửa đổ bộ được kéo lên, nhiều người vẫn cố bám theo, bị kẹt vào giữa cửa và thân tàu, chết! Khi chiến hạm lui ra, tạo nên một sức hút dữ dội, khiến những người bơi quanh tàu bị nước hút, va vào thân tàu, chết! Những người bơi phía sau chiến hạm bị “chân vịt” nghiền nát! Không biết bao nhiêu xác người bập bềnh theo triền sóng!

12 giờ khuya, HQ 505 cập vào cầu tàu Chu Lai để tiếp tục đón quân và gia đình binh sĩ của Sư Đoàn II Bộ Binh. Cảnh hỗn loạn lại tái diễn. Mọi người xô đẩy nhau, rớt xuống biển. Một số quân nhân không lên tàu được, uất, thảy lựu đạn vào lòng tàu, làm bị thương và chết nhiều người!

Từ đây, HQ 505 mang biệt danh là “Con Tàu Máu”!

Sáng sớm ngày 26 tháng 3, lúc 5 giờ, HQ 404 và HQ 802 đến Chu Lai; nhưng HQ 802 không vào được; vì cửa Chu Lai quá nhỏ, dễ mắc cạn. Sương mù dày đặc, HQ 802 phải bắn trái sáng để HQ 404 tìm lối vào. Chỉ sau vài trái hỏa châu, lúc HQ 404 tìm được một hải đạo tốt để vào cũng là lúc Việt Cộng nhận ra xự xuất hiện của cả hai chiến hạm. Ngay tức thì, địch từ bờ bắn ra xối xả. Biết bị lộ, HQ 802 ngưng bắn hỏa châu. Khó khăn lắm Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn – Hạm Trưởng HQ 404 – mới đưa được HQ 404 vào cửa Chu Lai.

Một số LCU của Quân Vận từ Qui Nhơn biệt phái ra Đà Nẵng, lúc di chuyển ngang Đức Phổ, đã bị trưng dụng vào Chu Lai đón quân của Sư Đoàn II đưa ra đảo Lý-Sơn.

Lúc này, nơi cầu tàu Chu- ai, ngoài HQ 505 còn có HQ 404, một MSF và mấy xà-lan, tàu dòng của hãng thầu Phi Luật Tân, cũng đang đón người lên.

Không có cảnh hãi hùng xẩy ra ở HQ 404, vì Hạm Trưởng cặp tàu cách cầu tàu khoảng hai thước. Nhờ khoảng cách này, mọi người phải tuần tự lên chiến hạm bằng một cầu thang duy nhất.

Đầy người, HQ 404 lui ra. HQ 505, chiếc MSF và mấy xà-lan, chặt giây, tách bến, bỏ lại một xà-lan không tàu dòng.

 Ba chiến hạm và đoàn xà-lan vừa ra đến eo cửa Chu Lai thì Việt-Cộng nã hằng loạt đại bác xuống cầu tàu Chu Lai. Một xà lan bị trúng đạn, nhiều thương vong!

Hai tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn II rút về Chu Lai trễ, thấy chiếc xà lan bỏ trống, vội leo lên, chặt giây. Nhưng vì không có tàu dòng và vì thủy triểu dâng, chiếc xà-lan xấu số bị nước đẩy dạt về hướng Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Tín, nơi đã thuộc quyền kiểm soát của Việt-Cộng!

Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I tăng phái tám LCM8 vào Chu Lai, cũng với mục đích chuyển Sư Đoàn II ra đảo Lý Sơn.

Tối 26 tháng 3, lúc 11 giờ, tám LCM8 được mấy PCF của Hải Đội I Duyên Phòng hộ tống đến cửa Chu Lai, bị Việt Cộng bắn, cháy một chiếc. Không ai dám vào nữa!

Đến Cù Lao Ré, sau khi “đổ” Trung Đoàn 4 và Trung Đoàn 5 cùng gia đình binh sĩ, HQ 505 đươc lệnh trực chỉ Đà Nẵng, mang theo số thương binh bị thương đêm 25 tháng 3.

Sau khi “đỗ” quân xong, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt ra lệnh Đại Tá Liêm, Chỉ-Huy Trưởng Trung Đoàn 4, Đại  Tá Huân, Chỉ Huy Trưởng Trung Đoàn 5 và Trung Tá Hồ, Chỉ Huy Trưởng Trung Đoàn 6, kiểm điểm quân số. Kết quả là một nửa quân số – sáu ngàn binh sĩ – vắng mặt!

Riêng HQ 404, sau khi đến Cù Lao Ré, Hạm Trưởng cho neo, chờ lệnh. Lúc đó, một số quân nhân dùng vũ khí uy hiếp Hạm Trưởng, buộc Hạm Trưởng phải đưa họ về Đà Nẵng, vì họ không muốn xuống Cù Lao Ré. Trước yêu sách của nhóm quân nhân này, thẩm quyền cao cấp tại Đà-Nẵng chỉ thị HQ 404 khởi hành về Đà Nẵng.

HQ 404 đến cửa Đà Nẵng lúc trời tối và sương mù dày đặc mà các phao đèn hai bên lại bị bất khiển dụng. Hạm Trưởng phải cho nhân viên dùng đèn pha của chiến hạm, lần dò tìm lối vào. Cuối cùng HQ 404 “đổ” quân và gia đình binh sĩ xuống bãi Trịnh Minh Thế.

Phân Bộ-Nam Hải Quân không còn nữa.

Chiều 27 tháng 3, HQ 802 và chiếc NSF nhận lệnh về Đà Nẵng, trực thuộc Bộ Chỉ Huy hành quân tiền phương Hải Quân.

Ngày 28 tháng 3, tại Đà Nẵng, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt họp với các vị Tư Lệnh Sư Đoàn, dưới sự chủ tọa của Tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Trưởng chỉ thị Tướng Nhựt đem quân về Bình Tuy, chỉnh đốn hàng ngũ, chờ lệnh.

Tối 28 tháng 3, HQ 505 được lệnh đón một số quân, dân của Quân Đoàn I từ Đà Nẵng về Cam Ranh.

Ngày 29 tháng 3, trên đường ra Đà Nẵng, HQ 501 được lệnh đổi cấp, đến đảo Lý Sơn đưa quân của Sư Đoàn II Bộ Binh cùng tướng Trần Văn Nhựt về Bình-Tuy.

 

CUỘC RÚT QUÂN TẠI ĐÀ-NẴNG

 

Vào tháng 3 năm 1975, những đại đơn vị cơ hữu của Quân Lực VNCH tại Đà Nẵng gồm có:

  • Sư-Đoàn III Bộ Binh – Tư Lệnh là Tướng Nguyễn Duy Hinh.
  • Sư-Đoàn I Không Quân – Sư-Đoàn Trưởng là Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh.
  • Lực-Lượng Hải Quân Vùng I Duyên Hải – Tư Lệnh là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
  • Trung Tâm Huấn-Luyện Bộ Binh Hòa-Cầm.
  • Nhiều đơn vị Địa Phương Quân và Cảnh Sát.

Sau khi Quảng Trị và Huế bị bỏ ngõ, Quảng Tín và Quảng Ngãi thất thủ, Đà Nẵng đang bị những gọng kềm sau đây siết chặt:

  • Sư Đoàn 304 Việt-Cộng.
  • Sư Đoàn 324 và Sư Đoàn 325 cùng với vài thành phần của Sư Đoàn 34 Việt Cộng từ Quảng Trị và Huế kéo quân về Nam.
  • Sư Đoàn 2 và Lữ Đoàn 52 Việt Cộng từ Quảng Tín và Quảng Ngãi xua quân ra hướng Bắc.

Trong khi Đà Nẵng đang bị địch cô lập dần dần thì hai đại đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù đang ở trên các chiến hạm, sẵn sàng rời Đà Nẵng theo lệnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Không hiểu sự dằn co giữa Tướng Ngô Quang Trưởng và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra như thế nào, nhưng Sư Đoàn Nhảy-Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã lên HQ 504, HQ 505 và HQ 500 hai ngày rồi mà ba chiến hạm này vẫn chưa được lệnh tách bến.

Quá khuya 20 tháng 3, một Đại Tá từ Quân Đoàn I đích thân xuống chiến hạm, truyền lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Hạm Trưởng HQ 500 – Hải Quân Trung Tá Lê Quang Lập – rời bến. Tiếp theo, HQ 504 và HQ 505 cũng được lệnh rời bãi Quân-Vận Đà Nẵng.

Tin tình báo cho hay, khoảng 35 ngàn quân Việt Cộng đang có mặt chung quanh Đà Nẵng. Mặc dù có sự hiện diện của Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến tại phía Bắc đèo Hải Vân, nhưng sự triệt thoái Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến trong thời điểm đó khiến mọi giới tại Đà Nẵng xôn xao, lo ngại!

Riêng về Hải Quân, mối quan ngại lớn là: Nếu tình thế bắt buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, làm thế nào Hải Quân có thể đón tất cả quân bạn và gia đình binh sĩ mà vẫn bảo toàn được Lực Lượng Hạm Đội!

Ngoài một số ít MSF biệt phái cho các vùng và một số chiến hạm đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng Saigon, tất cả chiến hạm khác được lệnh trực chỉ Đà Nẵng.

Vào thời điểm rút quân tại Đà Nẵng, thành phần chiến hạm tại Vùng I Duyên Hải gồm có:

  • Hải-Đội I Tuần Duyên – Hầu hết MSF, PGM và một số PCF.
  • Hải-Đội II Chuyển Vận – HQ 802; HQ 801, HQ 502, HQ 503, HQ 504, HQ 505, HQ 402, HQ 403, HQ 404 và một số LCU.
  • Hải-Đội III Tuần Dương – HQ 2, HQ 3, HQ 5, HQ 7, HQ 12, HQ 17.

Ngoài ra còn có Lực Lượng Hải Quân Vùng I Duyên Hải với ghe Hải Thuyền và PCF.

Tại vịnh Đà Nẵng, khi áp lực địch đè nặng lên mạn Bắc đèo Hải Vân, các đơn vị trưởng của Bộ Chỉ Huy Hạm Đội được phân phối như sau:

  • Tư Lệnh Hạm Đội ở trên HQ 5.
  • Chỉ Huy Trưởng Hải-Đội I Duyên Phòng có mặt tại Trung Tâm Chiến Báo (ICC – Intelligence Control Center) Vùng I Duyên Hải, với nhiệm vụ phối hợp và điều động quân bạn và Hải Quân.
  • Chỉ Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển-Vận từ HQ 801 chuyển qua HQ 802 tại sông Hàn.
  • Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương ở trên HQ 5.

Khi điều động HQ 802 từ Cù Lao Ré về Đà Nẵng, Bộ Chỉ Huy Hải Quân có dụng ý muốn xử dụng chiến hạm này làm Trung Tâm Hành Quân lưu động cho Quân-Đoàn I. Nhưng dự định đó đã không thực hiện được, vì HQ 802 không có bãi đáp cho trực thăng. Nếu phải tháo gỡ những cần trục thì phương tiện không có, lại rất nguy hiểm vì dân chúng và binh sĩ đầy tàu.

Vì lẽ đó, HQ 801 được chỉ định chuẩn bị làm căn cứ cho Bộ Chỉ Huy chiến thuật Quân Đoàn I rút xuống, trong trường hợp Đà Nẵng bị tấn công.

Sau hai cuộc  rút quân từ Thuận An và Chu Lai, hầu hết Lực Lượng Hạm Đội đều tập trung trong vịnh Đà Nẵng, nhưng án binh bất động.

Rút kinh nghiệm ở Huế và Thuận An, khi thấy tàu Hải Quân neo đầy vịnh và nghe tiếng súng nhỏ nổ lác đác trong thành phố Đà Nẵng, mọi người ùa đến các cầu tàu và bãi cát.

Lúc này, hầu hết Tướng lãnh của Quân Đoàn I đều tập trung tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Hải Quân đặt kế hoạch là, nếu phải rút quân, bãi Mỹ Khê, phía Nam vịnh Tiên Sa, sẽ là bãi đón quân. Vì vậy, HQ 7 được lệnh tuần tiễu vùng này.

Trong khi tuần tiễu, HQ 7 vớt được một số Thủy Quân Lục Chiến.

Ngày 25 tháng 3, Việt Cộng pháo nhiều hỏa tiễn 122 ly vào thị xã Đà Nẵng.

Dân chúng từ Quảng Trị và Huế kéo vào, choáng đường, gây trở ngại rất lớn cho công cuộc phòng thủ Đà Nẵng. Cướp bóc bắt đầu hoành hành. Tất cả mọi nẻo đường, nhất là con đường độc nhất từ thị xã Đà Nẵng sang Tiên Sa, nghẹt cứng người, xe không thể di chuyển được. Vì lý do này, những đại đơn vị của VNCH không thể bố trí quân để chống trả với mấy Sư Đoàn Việt Cộng!

Trưa 25 tháng 3, tin tình báo cho biết Việt Cộng sẽ tấn công Đà Nẵng vào tối 25. Bộ Tổng Tham-Mưu chỉ thị Trung Tướng Tư Lệnh Vùng I cho di chuyển tất cả phi cơ về những phi trường phía Nam, thuộc sự kiểm soát của VNCH. Cũng thời điểm này, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng – Albert A. Francis –

ra lệnh tất cả phóng viên ngoại quốc và nhân viên Hoa Kỳ rời Đà Nẵng ngay sáng 26 tháng 3.

Sau khi được Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương cho biết điểm khởi hành sẽ là bãi Mỹ Khê, Tướng Nguyễn Văn Điềm băng mình trong rừng người, về Sơn Chà tìm gia đình. Tướng Nguyễn Văn Điềm hứa sẽ trở lại đi với Hải Quân, nhưng sau đó không thấy Ông trở lại.

Chiều 27 tháng 3, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng – Albert A. Francis – ra lệnh những người Mỹ cuối cùng phải rời Đà Nẵng.

Chuyến bay cuối cùng vừa cất cánh, phi trường Đà Nẵng đóng cửa; vì dân, quân tràn ra phi đạo, không một phi cơ nào có thể đáp hoặc cất cánh được nữa! Thời gian này, cũng tại phi trường Đà Nẵng, Tổng Lãnh Sự Albert A. Francis, bị dân quân Việt Nam hành hung; nhưng nhờ hai người Anh can thiệp kịp thời, đưa Ông về Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I, gặp Tướng Ngô Quang Trưởng. Vì phải sang Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến bên Non Nước hội, Tướng Trưởng đưa Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh theo, bảo họ chờ ở phòng ngoài.

Trên biển, hầu hết PGM thuộc Hải Đội I Tuần Duyên được huy động để bảo vệ an ninh cho vịnh Đà Nẵng. Những PGM này tạo một vòng đai phía ngoài, cách bờ từ 15 đến 20 dặm, để nghênh chiến trong trường hợp phi cơ hoặc tàu địch tấn công.

HQ 505 ủi bãi Sơn Chà với nhiệm vụ đón thành phần di chuyển của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. HQ 404, “nằm yên” tại bãi Trịnh Minh Thế chờ lệnh. Những chiến hạm thuộc Hải Đội III Tuần Dương và Hải Đội II Chuyển-Vận neo, chờ lệnh. HQ 230 và vài MSF tuần tiễu trên sông Hàn. Ngoài ra còn có ba thương thuyền của Mỹ, nhiều xà-lan và tàu dòng do Tướng Homer Smith – thuộc cơ quan D.A.O – từ Saigon gửi ra và vô số LCU, LCM, PCF và ghe Hải Thuyền.

Ngày 28 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng liên lạc vô tuyến với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, xin chỉ thị rút khỏi Đà Nẵng để bảo vệ Lực Lượng Quân Đoàn I. Trong khi Tổng Thống Thiệu chưa có một quyết định dứt khoát thì hệ thống truyền tin trúng đạn pháo kích. Cuộc điện đàm giữa Trung Tướng Tư Lệnh Vùng I – Tướng Ngô Quang Trưởng – và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị đứt đoạn.

Tướng Ngô Quang Trưởng gọi Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại sang Bộ-Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến bên Non Nước họp để bàn kế hoạch di tản. Phiên họp gồm có:

  • Tướng Ngô Quang Trưởng – Tư Lệnh Vùng I chiến thuật.
  • Tướng Nguyễn Duy Hinh – Tư Lệnh Sư-Đoàn III Bộ-Binh.
  • Tướng Bùi Thế Lân – Tư Lệnh Thủy Quân Lục-Chiến
  • Phó-Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải

Tướng Trưởng chỉ thị Phó Đề-Đốc Thoại: Nếu phải rút khỏi Đà Nẵng, Hải Quân phải tận dụng mọi phương cách để chuyên chở binh sĩ và gia đình của họ. Tướng Trưởng cũng chỉ thị Tướng Hinh đưa Sư-Đoàn III ra bãi Hội An để tàu Hải Quân đón. Tướng Hinh xin 24 giờ nữa mới có thể điều động các đơn vị của Sư-Đoàn III được. Tướng Trưởng không chấp thuận. Phó-Đề Đốc Thoại đưa ý kiến là Tướng Hinh bay ra bãi Bắc Hội-An điều động binh sĩ, 4 giờ sáng sẽ có tàu vào đón.

Sau khi phiên họp kết thúc, vừa ra khỏi phòng họp, Phó Đề Đốc Thoại thấy Tổng-Lãnh-Sự Albert A. Francis và hai người Anh đang chờ phía ngoài. Cả ba người ngoại quốc này đều xin Phó Đề Đốc Thoại phương tiện rời khỏi Đà Nẵng.

Trên trực thăng riêng của Tư Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên Hải, ngoài Phó Đề-Đốc Thoại còn có Tướng Trưởng, Tổng Lãnh-Sự Francis và hai người Anh.

Tại Tiên Sa, Tướng Trưởng, Tướng Lân, Tướng Thi, Tướng Hinh, Phó Đề-Đốc Thoại và Đại Tá Nguyễn Thế L. Thủy Quân Lục Chiến (Đại-Tá L. bị thương, phải nằm trên bàn), họp ngay hầm chống pháo kích trong lòng núi Tiên Sa. Hầm này do Công Binh đào từ năm 1972, bên dưới tư dinh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên-Hải. Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh ở một hầm khác.

Nội dung cuộc họp cũng chỉ bàn về kế hoạch rút quân bằng cách nào mà sự tổn thất có thể giảm đến mức tối thiểu. Trung Tướng Trưởng chỉ thị Tướng Lâm Quang Thi lên HQ 5 ra phía Bắc Hải Vân điều động cuộc triệt thoái Thủy Quân Lục Chiến. Từ đây, HQ 5 được xem như Soái-Hạm.

Họp xong, Phó Đề-Đốc Thoại chỉ thị Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê xử dụng Soái Đỉnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đưa Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh ra Soái Hạm HQ 5, lập Bộ Chỉ Huy nổi. Thi hành công tác xong, Đại Tá Khuê phải gửi Soái Đỉnh vào ngay, để sau khi lo xong những việc khẩn cấp, Phó Đề-Đốc Thoại sẽ dùng để ra HQ 5.

Trung tâm hành quân Hải Quân Vùng I Duyên Hải gọi HQ 5 và thông báo cho HQ 5 biết Soái Đỉnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đang trên đường tìm đến HQ 5.

Trong khi đó, mặc dù người đông nghẹt trên bãi, tất cả chiến hạm vẫn chưa được lệnh ủi bãi.

Trưa 28 tháng 3, tất cả chiến hạm và tàu nhỏ nhận lệnh tiếp nhận quân bạn và đồng bào.

Khi HQ 402 và HQ 403 đang ủi bãi, thi hành nhiệm vụ chuyển tiếp quân và đồng bào từ bãi Tiên Sa ra tàu lớn thì nhiều thiết vận xa tiến đến, không cho Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh lên tàu!

Sau khi nghe Hải Quân bắt loa kêu gọi và hứa sẽ đón hết, xe thiết giáp mới dừng lại, tạo thành một dọc dài trên bờ biển!

HQ 403 vừa ủi bãi, cửa đổ bộ chưa kịp hạ xuống, không biết bao nhiêu người từ bờ đã ùa ra, vây quanh thân tàu, leo vào lòng tàu. Hạm trưởng cho thả thang giây và giây thừng loại lớn hai bên tả và hữu hạm cũng như sau lái để đồng bào bám vào, leo lên tàu.

Cửa đổ bộ từ từ hạ xuống. Hải-Quân Trung Úy Nguyễn Hữu Từ và một Trung Úy nữa – cũng tên Từ – được phái xuống cửa đổ bộ để kéo hoặc giúp đỡ quân bạn lên tàu. Không ngờ, tại cửa đổ bộ, cả hai Trung-Úy đều bị người ta kéo ngược xuống nước, không thể nào lên tàu lại được! Trên bờ, thiết giáp và GMC lại tìm mọi cách để tiến đến chiến hạm!

Hạm trưởng HQ 403 bắt loa kêu gọi đồng bào đừng bơi gần tàu và nhất là đừng đến gần sau lái, nguy hiểm. Hạm trưởng hứa sẽ trở vào đón thêm nhiều chuyến nữa. Nhưng, người người vẫn cứ từ bờ ào ra, chờn vờn quanh thân tàu, súng đạn vất đầy bãi cát.

Không xa HQ 403 lắm là HQ 402. Tình trạng chiến hạm này cũng không khá gì so với HQ 403. Nhìn một tàu đầy nghẹt người, nghe nhiều tiếng súng lớn phát ra và nhiều cột nước bắn lên từ phía HQ 402, Hạm Trưởng HQ 403 lo ngại, muốn cho chiến hạm lui ra. Nhưng thấy đầu người lúc nhúc quanh tàu, Hạm Trưởng không nỡ.

HQ 402 đang từ từ lui ra và nhiều tiếng súng bắn theo!

Thấy HQ 402 lui ra, và sau nhiều phút do dự, Hạm Trưởng HQ 403 ra lệnh: “Tay lái hết bên phải. Tả lùi. Hữu tiến.” Chân vịt khuấy lên. Nước cuồn cuộn đỏ nhưng con tàu vẫn không nhúc nhích!

Hạm Trưởng HQ 403 gọi Tư Lệnh Hạm Đội, xin cho tàu lớn vào kéo.

Đợi khoảng nửa giờ không thấy ai vào kéo mà chỉ thấy thêm người trèo vào tàu, Hạm Trưởng ra lệnh nhiệm sở tác chiến và tất cả quân nhân đơn vị bạn phải xuống lòng tàu.

Một lúc lâu, nhờ sự bình tĩnh của chính mình và cũng nhờ vào khả năng của sĩ quan cơ khí giàu kinh nghiệm, HQ 403 đã lùi được và quay thật nhanh. Vòng quay này thân tàu đã lướt trên nhiều thân người. Khi chiến hạm lui ra, một số người bị sức hút của nước kéo theo, đập vào thành tàu, chết!

Sau khi chuyển người sang tàu lớn, HQ 403 lại được lệnh trở vào bãi biển Tiên Sa đón thêm quân bạn và đồng bào. Vì ngại chiến hạm bị mắc cạn và sợ phải thấy những sự việc thương tâm như chuyến vừa rồi, Hạm Trưởng HQ 403 đề nghị cấp chỉ huy xét lại lệnh này.

Chiều 28 tháng 3, tất cả hệ thống truyền tin của mọi binh chủng thuộc Quân Lực VNCH bị Việt Cộng xâm nhập, khuấy phá, khiến sự liên lạc trở nên vô cùng khó khăn.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân Saigon liên tục gọi 27 chiến hạm trong vịnh Đà Nẵng, bảo tìm phương vị của Phó Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.

Soái đỉnh chở Tổng-Lãnh-Sự Francis cặp vào một Coast Guard và Coast Guard đưa Tổng Lãnh Sự Francis lên HQ 5. Lúc này, không thấy Phó Đề-Đốc Thoại trên Coast Guard cùng với Tổng Lãnh-Sự Francis, mọi người trên HQ 5 hoảng lên; vì nghĩ rằng Phó-Đề Đốc Thoại có thể đã mất tích hoặc chết rồi!

Khi Tổng Lãnh-Sự Francis vừa lên tàu, luồn phẫn nộ bộc phát dữ dội trong số quân, dân di tản; vì họ hận Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam! Hạm-Trưởng HQ 5 đưa Tổng-Lãnh Sự Francis lên phòng riêng và cho nhân viên bảo vệ Ông.

Trong khi Tổng Lãnh-Sự Francis được an toàn trên HQ 5 thì tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, Phó Đ -Đốc Thoại ra lệnh Tư-Lệnh Phó – Hải Quân Đại Tá Nguyễn Công Hội – kiểm soát tất cả các phòng rồi đưa Bộ Tham Mưu đi ra bãi Bắc. Phó Đề-Đốc Thoại ở lại.

 Hải Quân Trung Úy Đoàn Như Ngọc – tùy viên của Phó Đề-Đốc Thoại – tỏ ý muốn xin theo Đại Tá Hội. Nhưng, khi Phó Đề-Đốc Thoại thuận thì Trung Úy Ngọc lại đổi ý, xin ở lại. Biết Trung Úy Ngọc mới cưới vợ, Phó Đề-Đốc Thoại bảo Trung-Úy Ngọc hãy đi trước khi quá trễ. Quyết định này của Phó Đề Đốc Thoại đã gây trở ngại rất nhiều cho chính Ông, khiến Ông bị kẹt lại trên đảo; vì Trung Úy Ngọc mang theo tất cả mật mã truyền tin!

Soái đỉnh của Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải trở lại Tiên Sa với mục đích đón Ông. Nhưng đủ loại súng từ bờ bắn ra chiến hạm và chiến đỉnh cho nên không tàu nào dám vào!

Nhờ biết được tần số liên lạc, Việt Cộng gọi đích danh danh hiệu nhiều đơn vị trưởng để chiêu dụ. Đặc công Việt Cộng giả kẻ tu hành, gây náo loạn trên vài chiến hạm. Trên bờ, Việt Cộng mặc quân phục Thủy Quân Lục Chiến, lấy súng giết người, cướp của, hãm hiếp, cố tạo tiếng xấu cho binh chủng này, đồng thời gây kinh hoàng cho đồng bào.

Tối 28 tháng 3, khoảng 8 giờ, Tướng Ngô Quang Trưởng gọi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không gặp. Mười giờ, Tổng Thống Thiệu gọi lại. Tướng Trưởng xin Tổng Thống Thiệu cho di tản bằng đường biển.

Cuộc điện đàm vừa đến ngang đây, hỏa tiễn 122 ly của Việt-Cộng từ hướng Nam-Ô nã thẳng vào Bộ-Tư-Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, làm hư hại nặng trực thăng của Tướng Ngô Quang Trưởng và trực thăng của Tướng Bùi Thế Lân – Tư-Lệnh Thủy Quân Lục Chiến.

 Tướng Trưởng xử dụng một trực thăng khác, bảo bay về Quân Đoàn. Đến nơi, không thấy ai cả, Tướng Trưởng ra lệnh bay sang Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến tại Non Nước. Tướng Trưởng ở lại đây với Thủy Quân Lục Chiến. Lúc này Bộ Tham Mưu và lực lượng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến còn nguyên vẹn, dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến – Đại Tá Nguyễn Thành Trí.

12 giờ đêm 28 tháng 3, Trung Tướng Lâm Quang Thi và Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn dùng trực thăng của Tướng Thi bay ra và đáp trên một LST. Sau đó phi công mới biết là hai cánh quạt trên trực thăng của Tướng Thi bị bắn lủng hai chỗ. Từ LST, Tướng Thi và Đại Tá Sơn được một PCF đưa đến Soái Hạm Trần Bình Trọng HQ 5.

Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân và Đại Tá Nguyễn Thế L. kẹt lại. Sau khi thiêu hủy tất cả hồ sơ mật, Phó Đề-Đốc Thoại, Tướng Lân cùng nhiều sĩ quan các cấp đưa Đại Tá L. và cận vệ của Phó Đề Đốc Thoại – người này bị thương vì Việt Cộng pháo kích – đi bộ ngược lên núi Sơn Chà, đến một bãi cát nhỏ phía Bắc Sơn Chà. Tại đây, Phó Đề Đốc Thoại liên lạc truyền tin kêu cứu, không một đơn vị nào đáp lại!

4 giờ sáng 28 tháng 3, Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy, Thiếu Tá Căn và Đại Úy Sinh tìm cách đưa đoàn ghe của Duyên Đoàn 12, chở đầy người ra biển, tập trung tại vùng China Beach. Khi đoàn ghe vừa ra khỏi cửa Đà Nẵng, hướng về điểm hẹn thì Việt Cộng lại pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Một Trung-Úy Việt Cộng bị bắt tại chỗ trong khi anh ta đang liên lạc vô tuyến, cho tọa độ.

Thiếu Tá Hy mở máy liên lạc, các tần số Hải Quân đều yên lặng. Khi mở sang tần số đặc biệt, Thiếu Tá Hy nghe tiếng Phó Đề Đốc Thoại kêu cứu! Thiếu Tá Hy trả lời. Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải cho Thiếu Tá Hy biết địa điểm của Ông rồi chớp đèn, hướng dẫn để Thiếu Tá Hy cho ghe vào sát các mỏm đá.

Thiếu Tá Hy lần lượt kéo Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân, mấy bác sĩ Quân Y và hai sĩ quan hoa tiêu trực thăng lên ghe. Vì ghe nhỏ, không chở được nhiều, Thiếu Tá Hy cho ghe lui ra, đưa quý vị trên ghe lên một Coast Guard rồi trở vào nhiều lần nữa để đón những sĩ quan cao cấp Hải Quân khác.

Lần trở vào thứ tư Thiếu Tá Hy cứu được Hải Quân Thiếu Tá Trần Bích Thùy, Hải Quân Thiếu Tá Vũ Bá Trạch và một Trung Úy Hải Quân.

Cũng thời điểm này, HQ 403 được lệnh vào vịnh nhỏ bên trái cửa biển – gần Observatory Light Point – để đón một Đại Tá cùng binh sĩ và gia đình. Vịnh rất hẹp, sóng lớn. Tuy chiến hạm bị sóng nhồi, suýt đập vào vách đá nhiều lần, nhưng HQ 403 vẫn cố vào sát những mỏm đá, chiếu đèn pha và bắt loa gọi. Không ai trả lời.

Sáng sớm 29 tháng 3, sau khi báo cáo lên Tư Lệnh Hạm Đội về việc không tìm được vị Đại Tá và binh sĩ vào tối hôm trước, HQ 403 được lệnh lẩn quẩn trong sông Hàn, đón ghe chở quân nhân và đồng bào ra. Công tác này không thể thực hiện được, vì sóng lớn quá. Nếu ghe cập gần chiến hạm thì bị sóng đánh ập vô thành tàu rồi văng ra xa. Nhân viên HQ 403 tìm mọi phương cách nhưng vẫn không cứu vớt được ai – kể cả vợ của Hải Quân Trung Úy T., một sĩ quan của HQ 403!

HQ 403 lại được lệnh ủi bãi trong vịnh Liên Chiêu để đón những đơn vị Biệt Động Quân. HQ 403 chờ mãi vẫn không thấy đơn vị bạn xuất hiện.

Trong vịnh Đà Nẵng và bãi Tiên Sa, chiến hạm Hải Quân vẫn thực hiện công tác đón nhận binh sĩ và đồng bào một cách rất khó khăn và nguy hiểm. Trong lòng các chiến hạm, máy truyền tin của Bộ Binh vất đầy. Nhiều nhân viên của chiến hạm bắt được tần số của Việt Cộng, hai bên đấu khẩu.

Tại mũi Tiên Sa, HQ 802 vào gần sát bờ để đón Chỉ Huy Trưởng Hải Đội I Duyên Phòng. Xong, HQ 802 đến gần mũi Isabel (bờ Bắc vịnh Đà Nẵng), len vào thật sát các mỏm đá để đón Lữ Đoàn 258 và Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc đón quân này tương đối ít tổn thất vì tinh thần  kỷ luật của Thủy Quân Lục Chiến rất cao.

Vì hệ thống truyền tin bị khuấy phá, Hạm Trưởng HQ 802 –Hải-Quân Trung Tá Vũ Quốc Công – buộc phải nhập vào hệ thống truyền tin của Bộ Chỉ Huy Hạm Đội Tiền Phương. Trung Tá Công được lệnh đưa Thủy Quân Lục Chiến về vùng tập trung chiến hạm tại Cù Lao Chàm.

Trong khi đó, một trực thăng lượn qua lượn lại quanh HQ 404. Ngại bị trực thăng bắn, Hạm Trưởng ra lệnh kéo cờ nhiệm sở tác chiến. Sau vài vòng bay lượn, thấy chiến hạm báo động, nhóm người trên trực thăng ra dấu chào hỏi và liệng xuống một chiếc giày trận rồi bay vào bờ. Rời trực thăng, nhóm người ấy bơi ra HQ 404.

Sau khi vớt nhóm người từ bờ bơi ra, mọi người trên chiến hạm mới biết nhóm người đó là:

  • Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh – Sư-Đoàn Trưởng Sư Đoàn I Không Quân.
  • Đại Tá Phước – Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 63.
  • Đại Tá Vượng – Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Khu Trục.
  • Nhiều sĩ quan khác.

Chiều 29 tháng 3, HQ 404 được lệnh rời bãi Trịnh Minh Thế, đến cập cầu Căn Cứ Yểm Trợ tiếp vận Đà Nẵng bên Tiên Sa. Một số quân nhân và đồng bào đã leo được vào chiến hạm. Sau đó, HQ 404 lại được lệnh lui ra, neo tại sông Hàn, chờ lệnh.

Khuya 29 tháng 3, khoảng 12 giờ 30, Hạm Trưởng HQ 404 – Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn – nhận được mật lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân: “Chỉ thị HQ 404 đúng 04 giờ 30 sáng 30 tháng 03 năm 1975, vào cách bờ 05 hải lý để đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân-Đoàn I!”

30 tháng 3, đúng 4 giờ sáng, Trung Tá Nhơn báo cáo đã đến điểm hẹn. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 404 thả trôi lềnh bềnh, chờ lệnh trực tiếp từ Tổng Tham Mưu.

Đến 8 giờ sáng, không thấy lệnh mới, Trung Tá Nhơn liên lạc Bộ Tư Lệnh Hải Quân xin chỉ thị. Được trả lời: “Cứ lềnh bềnh ở đó, chờ lệnh.”

10 giờ sáng, Hạm Trưởng HQ 404 sốt ruột, dùng máy truyền tin PRC25 liên lạc bằng bạch văn với Tư Lệnh Hạm Đội. Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn trả lời: “Tôi không có thẩm quyền gì về chiến hạm của anh cả. Anh hãy chờ lệnh từ Tổng Tham Mưu. Tuy nhiên, cho anh hay là Trung Tướng Trưởng đang ở trên bờ, ngay trước mặt anh đó.”

Mặc dù không có lệnh nào cho phép ngưng thả trôi lềnh bềnh, Hạm Trưởng HQ 404 cũng vẫn cho chiến hạm vào gần bờ, với mục đích tìm vớt Tướng Ngô Quang Trưởng.

Khoảng 2 giờ trưa cùng ngày, từ Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Non Nước, nhân viên canh phòng thấy HQ 404 vào, liền trình lên thượng cấp.

Biết chiến hạm vào đón, Thủy Quân Lục Chiến tận dụng phao, poncho và tất cả vật nổi để làm bè. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng bơi ra chiến hạm HQ 404 với những người lính đã từng sống/chết với Ông!

Trên HQ 404, cũng như tại căn cứ Thủy Quân Lục Chiến ở Non Nước, Bộ Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến thảo công điện theo chỉ thị của Tướng Trưởng để gửi về Saigon.

5 giờ chiều cùng ngàyBộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 5 đón Tướng Trưởng từ HQ 404 sang Soái Hạm; vì HQ 5 đầy đủ tiện nghi.

Tuy cuộc rút quân thê thảm trong vịnh Đà Nẵng chưa chấm dứt, nhưng HQ 404 và HQ 5 vẫn chuẩn bị nghi lễ đúng truyền thống Hải Quân để đưa và đón Tư Lệnh Quân-Đoàn I – Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Hạm Phó HQ 5 – Hải Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Tường – mang sang HQ 404 mật điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tá Tường được Hạm Phó HQ 404 hướng dẫn gặp Tướng Trưởng. Trong bộ quân phục Hải Quân màu xám tím, không mang cấp bậc, áo bỏ ngoài, Tướng Trưởng rời giường ngủ của đoàn viên, cầm mật điện, xé ra đọc. Đọc xong, Tướng Trưởng ra lệnh cho Thiếu Tá Tường: “Báo cáo với Saigon là tôi xin được ở đây với anh em Thủy Quân Lục Chiến chứ không đi đâu cả.”

Yêu cầu của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được Tổng Thống Thiệu chấp thuận.

Những chiến hạm chở đầy người được lệnh rời vùng, di chuyển chậm để có thể đón thêm người từ ghe ra biển. Những thương thuyền của Mỹ, tàu nhỏ và xà-lan cũng rời Đà Nẵng.

HQ 17, sau khi nhận thêm một số Thủy Quân Lục Chiến và đồng bào, được chỉ thị yểm trợ HQ 404, đưa Tướng Ngô Quang Trưởng và Sư Đoàn Thủy Quân Lục-Chiến về Vùng II.

Trên hải trình xuôi Nam, khi qua mũi Sơn- hà, HQ 802 tình cờ bắt được liên lạc truyền tin với một thành phần của Bộ Chỉ Huy hành quân Quân-Đoàn I trên tần số giải tỏa. Nhóm này yêu cầu Hải Quân cứu giới chức thẩm quyền.

Ngại Việt Cộng xâm nhập, khai thác hệ thống truyền tin, Hạm-Trưởng HQ 802 trình lên Bộ Chỉ Huy Hạm Đội tiền phương. Giới chức này không giải quyết được và cho phép Hạm Trưởng HQ 802 tùy nghi.

Lời kêu cứu của nhóm Quân Đoàn I lại vang lên. Bây giờ lại thêm tiếng kêu cứu của nhóm khác: “Hải Quân ơi! Cứu Không-Quân với!” Nhóm thứ hai cho biết họ đang kẹt tại phía Nam bán đảo Sơn Chà. Họ phóng hỏa châu để HQ 802 dễ nhận ra vị trí của họ.

HQ 802 đổi hướng, quay lại đón nhóm Không Quân. Khi tiến vào bán đảo Sơn Chà, Hạm Trưởng cho phóng đèn pha lên trời để nhóm Không Quân nhận biết sự hiện diện của HQ 802. Vừa khi đó, trên sườn đồi sát mặt biển, đèn trực thăng bỗng lóe lên và tiếng kêu cứu của Bộ Chỉ Huy hành quân Quân Đoàn I cũng vang lên.

Hải Quân Trung Tá Vũ Quốc Thông – Hạm Trưởng HQ 802 – ra lệnh nhiệm sở tác chiến, đồng thời cho hạ xuồng đổ bộ vào cứu cả hai nhóm. Nhóm Bộ Chỉ Huy hành quân Quân Đoàn I có Tướng Nguyễn Duy Hinh – Tư Lệnh Sư-Đoàn III Bộ-Binh. Quân của Sư-Đoàn III Bộ-Binh về đến Nam-Ô thì tan rã, chỉ còn khoảng một Lữ Đoàn!

Công tác cứu người hoàn tất, HQ 802 trực chỉ về Nam. Trên hải trình, HQ 802 gặp lại đoàn tàu của Hải-Đội I Duyên Phòng và một trong những tiểu đỉnh đó chở Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. HQ 802 đón Phó Đề Đốc Thoại và đoàn tùy tùng của Ông sang.

Tối 30 tháng 3, sau khi rời Đà Nẵng, HQ 403 nhận quang hiệu từ phía sau, cho biết, họ là tàu dòng Seapac, đang kéo hai xà lan với khoảng mười ngàn người, cầu cứu nước uống. Hạm Trưởng HQ 403 do dự suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau cùng, biết chắc chắn không thể nào đủ nước uống cho từng ấy người, và lo ngại cho sự an toàn của HQ 403 khi chiến hạm cặp vào xà-lan, Hạm-Trưởng HQ 403 đành quyết định đi luôn.

Trên một trong hai xà-lan đó có Hải-Quân Thiếu-Tá Võ Văn Q., bạn cùng khóa với Hạm Trưởng HQ 403. Sau này Thiếu Tá Q. cho biết: Đồng bào và quân nhân trên hai xà-lan ấy nhờ liếm sương trên xà lan vào mỗi sáng sớm cho nên khỏi chết khát!

Còn hai xà lan khác đứt giây dòng trong đêm, trôi dạt phương nào, chiếc tàu dòng kiếm không ra. Về sau trực thăng Mỹ tìm thấy, nhưng mọi người trên hai xà lan ấy đã chết!

Ngày 31 tháng 3, lệnh trưởng phòng 3 hành quân di chuyển, từ Soái Hạm HQ 5, chỉ thị Hải Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong – Chỉ Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển-Vận – sang HQ 230, ngược trở lại để yểm trợ Duyên Đoàn 14 vừa từ Hội An ra. Công tác này được thực hiện tốt đẹp.

Khi đoàn tàu đến gần Qui Nhơn, vừa qua khỏi Cù Lao Chàm, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương – Hải Quân Trung Tá Lê Thành Uyển – được báo cáo là sót một chiếc phà đầy người tại đài kiểm báo 101.

HQ 17, HQ 8 và HQ 12, được lệnh sớt người qua những chiến hạm khác rồi quay lại Đà Nẵng. Hai trong ba chiến hạm đó được chỉ thị quan sát và yểm trợ để chiếc thứ ba vào đón chiếc phà.

Ngoài ba chiến hạm vừa trở lại, vịnh Đà Nẵng vắng tênh!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 20246:27 CH(Xem: 99)
Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ bị cáo buộc từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021 đã sử dụng bảy tài khoản mạng xã hội, bảy tài khoản Gmail để liên lạc với các thành viên khác trong tổ chức vừa nêu. Cáo trạng cho rằng bà Nguyễn Thị Bạch Huệ tích cực hoạt động nên được thăng cấp từ thiếu úy, thiếu tá đến trưởng nhóm và nhận được khoảng 10 triệu đồng từ tổ chức. Bà bị cho đã nói xấu, phỉ báng chính quyền Việt Nam, xúc phạm lãnh tụ, lôi kéo thêm người tham gia tổ chức CPQGVNLT.
16 Tháng Tư 20248:38 CH(Xem: 278)
Cúi đầu vận hạn thất kinh Hòa hợp hòa giải hiện hình ác gian Một miếng khi đói cơ hàn Mà sao đỉẻng nỡ phũ phàng ép ngưng Buộc chấm dứt buộc phải dừng Sân si nhỏ nhặt chẳng ngừng buông tha Gần nửa thế kỷ trôi qua Phân biệt đối xử cảnh nhà hai quê Da vàng máu đỏ thảm thê Lê la cầu thực não nề xác thân Kẻ thắng tàn bạo bất nhân Người thua buồn bã bần thần đớn đau Chung tay chung giọt máu đào Sẻ chia thống khổ lao đao giữa trời Đỉẻng cấm "Đi nốt cuộc đời" Hòa hợp hòa giải tráo hơi đến cùng
13 Tháng Tư 20245:54 CH(Xem: 291)
Công an tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 12/4 bắt tạm giam ông Lê Quốc Hùng (sinh năm 1967) với cáo buộc tuyên truyền đòi đa nguyên, đa đảng và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thông Nhà nước vào cùng ngày cho biết, ông Lê Quốc Hùng đã dùng Facebook để phát sóng (livestream) các nội dung xuyên tạc tình hình thực tế, kích động, xúc phạm ông Hồ Chí Minh nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ông Hùng bị khởi tố về tội "tuyên truyền, tàng trữ thông tin nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" quy định tại khoản 1 điều 117 Bộ luật Hình sự.
13 Tháng Tư 20245:54 CH(Xem: 288)
Hải Phòng khét tiếng Đỗ Hữu Ca Công an thiếu tướng, tiếng đồn xa Tấn công nhà Vươn, “trận đánh đẹp”(?) Lừa tiền chạy án, lộ mặt ra!… Đương chức oai phong, cứ tưởng là “Học tập làm theo”... sẽ tốt ra Mới hay tất cả đều trò diễn Tâm địa chứa đầy những xấu xa!
11 Tháng Tư 20247:22 CH(Xem: 614)
Vì đấy là xác người vô tội bị VC xua đuổi, hoặc lừa đảo, nên họ phải trốn ra nước ngoài. Họ là những người giàu có, có nhà cửa khang trang, cơ sở máy móc sản xuất, mà bọn cộng sản Bắc Kỳ xâm lược đang thèm thuồng muốn chiếm lấy làm cuả riêng, nên đã lừa họ mang của cải xuống tàu rồi tìm cách giết họ để chiếm đoạt của cải. Khi tàu nhô cột cờ lên khỏi mặt nước, một thảm cảnh mà suốt 16 năm sống xuôi ngược trên các dòng sông cuả VN, bờ duyên hải VN và Philippines tôi chưa bao giờ trông thấy cảnh tượng như thế. Qúy vị à! Một phụ nữ tay ôm chặt đứa bé gái khoảng một tuổi đã sình chương cuộn tròn như một quày dừa non.
09 Tháng Tư 20248:25 CH(Xem: 699)
Còn tại Hạt Bô Sa Châu thì mọi chuyện cũng y như cũ, dù rằng đã mất nước hơn 49 năm thế nhưng việc đòi lại cố hương là chuyện xa vời, bởi vì cái đám thảo dân lưu vong này đứa nào cũng có cái Tôi to tổ bố, đứa nào cũng muốn làm cha, làm quan, làm tướng mà không có đứa nào chịu làm quân sĩ thì cho dù có chống đến ngàn đời thì đảng khỉ vẫn còn nguyên. Hạt Bô Sa Châu đã đổi tên nhiều con đường như Trần Thống Chế, Lê Đại Vương, Đường Tự Lo, thế nhưng chắc chắn một điều là tên của hạt sẽ được thay đổi từ Bô Sa Châu thành Xa Bô Chê, mà Xa Bô Chê này không phải là một loại trái cây...
09 Tháng Tư 20248:25 CH(Xem: 532)
Thư ngỏ được đăng tải trên trang change.org vào ngày 4/4 để thu thập chữ ký, trong đó khẳng định "cuộc đàn áp gần đây của Việt Nam đối với cộng đồng người Khmer Krom bản địa đã đạt đến mức báo động, với nhiều báo cáo về các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù bất công và đàn áp tôn giáo." Liên đoàn Khmer Krom (KKF) nhắc lại việc tòa án ở một số tỉnh phía Nam kết án bốn nhà hoạt động người Khmer là ba ông Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, và bà Đinh Thị Huỳnh với các mức án tù khác nhau về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
06 Tháng Tư 20245:06 CH(Xem: 920)
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn “khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng gồm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.” Bởi vì: quyền con người ở đất nước chúng tôi chỉ là một giá trị ảo, đất nước chúng tôi dùng công an để đàn áp người dân, chúng tôi không có tam quyền độc lập mà chỉ có tam quyền độc đảng, do đó quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân là do công an đảm nhiệm. Trước là quản lý bằng hộ khẩu, CCCD gắn chip, sau là rình mò, bắt bớ...
06 Tháng Tư 20245:04 CH(Xem: 739)
Tổ thức The 88 Project phát hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 đóng dấu “mật”, được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong chỉ thị này, Bộ Chính trị ra lệnh quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh đối với cả cán bộ và công dân, ngăn cấm hình thành tổ chức chính trị đối lập; một mặt hướng dẫn việc tuân thủ thỏa thuận quốc tế về quyền người lao động, nhưng cấm thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
05 Tháng Tư 20249:05 CH(Xem: 723)
Gần đây nhất, theo tường thuật của Đài Á Châu Tự Do, là trường hợp anh Vũ Minh Đức 31 tuổi lại bị tử vong sau khi làm việc với công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, không lâu sau đó với nhiều vết bầm trên cơ thể và có dấu hiệu bị tra tấn. Được biết anh Đức bị công an triệu tập để làm việc về một vụ “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã An Phước vào đầu tháng 10 năm 2023. Vấn đề các nhân viên công lực bạo hành người dân vẫn xảy ra tại các quốc gia dân chủ trên thế giới, không chỉ riêng tại một quốc gia độc tài công an trị như tại Việt Nam. Sự khác biệt quan trọng nằm tại 3 trọng điểm như sau:...
17 Tháng Tư 2024
ngoại giao của nước VNcs tùy theo từng thời điểm, có thể khi công bố Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 thì TQ chưa có những hành vi manh động hung hăng như hôm nay, thế nhưng khi công bố lần thứ hai năm 2019 khi TQ gia tăng cường độ lấn chiếm thì chủ trương của Việt Nam vẫn không thay đổi, điều đó đặt ra một câu hỏi là liệu nhà cầm quyền csVN vẫn chấp nhận không thay đổi đường lối quốc phòng trong khi chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa nhằm đổi lấy một nền hòa bình nhu nhược, yếu ớt, và sự độc lập đang bị chỉ trích khi dân chúng nhìn thấy giới lãnh đạo TQ xem đảng csVN như thủ hạ của mình...
17 Tháng Tư 2024
Ở tấm thứ nhất, hình một viên cảnh sát mặc bộ quần áo màu kem, nón kết cũng màu kem là điều hoàn toàn sai. Đồng phục của cảnh sát VNCH là áo trắng, quần xám, áo 2 túi, nút áo trên gần sát cổ, không hở cổ hoặc phanh ngực, bên trên túi phải có bảng tên, tay áo trái có huy hiệu cảnh sát. Nón kết cũng trên trắng, viền xám ở dưới. Huy hiệu có dòng chữ Tổ Quốc, Công Minh, Liêm Chính khác với huy hiệu của quân đội là Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Cái chào tay của người trong hình cũng sai không đúng quân phong, quân kỷ. Khi chào, lòng bàn tay phải úp xuống, ngón cái hơi quặp lại, 4 ngón còn lại duỗi thẳng khép vào nhau, cánh tay...
12 Tháng Tư 2024
Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo để kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng và cho rằng việc cấp quy chế này cho quốc gia Đông Nam Á sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng.” Kể từ năm 2002, khi Mỹ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam, Washington coi quốc gia Đông Nam Á là một “nền kinh tế phi thị trường.” Trong 21 năm qua, Mỹ đã áp thuế chống phá phá giá đối với nhiều mặt hàng...
11 Tháng Tư 2024
Suy nghĩ gần giống như Phan Châu Thành, Minh Tâm Lê: Hy vọng sắp tới, khi ngắm tượng, nhân dân Nghệ An sẽ khơi dậy được sự tự hào truyền thống, không còn ‘xin gạo cứu đói khi giáp hạt’, không còn chứng kiến những thảm cảnh đau lòng như con em chui vào container” để sang lao động ở Anh, ở châu Âu, không còn cảnh leo hàng rào ở biên giới Mexico - Mỹ để thế lực thù địch, phản động bôi nhọ. Tin tưởng vào một ngày mai tươi mới
10 Tháng Tư 2024
Chủ trương “đảng hóa các tổ chức người Việt ở nước ngoài” là một chính sách từ thập niên 80 nhưng đảng giả bộ như không biết nên đã tìm cách phủ nhận: “Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách “đảng hóa” với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”!
08 Tháng Tư 2024
Để trả lời vấn nạn này, trước hết chúng ta nhận xét ngay rằng, tuy hiện giờ CSVN tôn CSTQ là quan thầy, tuy nhiên trong tương quan giữa quân đội và công an thì quân đội CSTQ giữ vai trò vượt trội hệ thống công an. Các cấp bậc chính thức trong công an TQ không rập khuông quân đội, như công an Việt nam. Tuy công an TQ cũng giữ vai trò kiểm soát nhân dân, nhưng uy tín thấp hơn quân đội rất nhiều. Tình trạng tại Việt Nam thì ngược lại. Bộ trưởng công an Tô Lâm và guồng máy công an hầu như làm lu mờ quân đội và mọi khía cạnh khác của bộ máy công quyền. Chỉ cần nhìn vào con số 2 triệu công an bán chuyên trách mà Tô Lâm....
04 Tháng Tư 2024
Dân đóng thuế để trả lương cho cơ quan công quyền, công an…. Để bảo vệ cho họ. Nhưng cơ quan công quyền, công an lại thất trách, không lo bảo vệ nhân dân, mà chỉ lo đi bảo vệ Đảng. CA báo kê các vụ cướp đất, cướp nhà, bảo vệ bọn quan chức tham nhũng, bắt bớ, đánh đập dân lành. Nhiều cái ch.ết của người dân trong đồn công an khi họ được mời lên làm việc…đã nói lên được bản chất man rợ, ác ôn của chúng! Đừng hỏi tại sao dân mất lòng tin nơi đảng! Lòng tin là một thứ xa xỉ của nhân dân đối với Đảng và chính quyền!
02 Tháng Tư 2024
Lý do QĐND viết như thế vì ai cũng biết Chủ nghĩa Cộng sản đã “tiêu diệt con người và xã hội Việt Nam” kể từ khi ông Hồ du nhập vào Việt Nam năm 1930. Trong 94 năm có mặt trên đất nước, đảng CSVN đã gây ra hai cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn”, ròng rã 30 năm 1945-1975 làm mất đi khối nhân lực trên 4 triệu con người, đất nước bị tàn phá không lời nào tả xiết. Vì vậy, khi có khuynh hướng chống lại để bảo vệ đất nước thì các cơ quan thông tin chủ chốt của đảng đã kiên quyết - bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh đế được tiếp tục lãnh đạo. Hơn ai hết, họ cũng biết rằng nếu tách riêng “tư tưởng Hồ Chí Minh ra...
02 Tháng Tư 2024
Hai tháng kể từ khi nhân vật số hai của Công an Trung Quốc xuất hiện ở Hà Nội, ngày 11/3/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã không còn úp mở, thẳng thừng cảnh cáo Hà Nội: ‘Việc tham gia các khối có mục đích ‘đối đầu’ và ‘bè phái’ là không phù hợp’ (4), ngay sau khi Việt Nam và Australia vừa thiết lập quan hệ CSP. Giới quan sát nhận định rằng lời cảnh báo như vậy cho thấy sự lo ngại của Bắc Kinh giữa các nỗ lực của Hà Nội muốn mở rộng các quan hệ đa phương. Bắc Kinh tiếp tục dạy khôn Hà Nội: ‘Không bao giờ được trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ phe phái nào và không bao giờ được lao vào vòng xoáy cạnh tranh...
30 Tháng Ba 2024
Còn chuyện có gắng làm ra vẻ trung lập của mình qua vụ tổ chức Hội Nghị Hoa Kỳ và Bắc Hàn dưới thời TT. D. Trump hay đề xuất làm trung gian hòa giải TQ- Mỹ của ông Sơn mới đây chỉ là trò tào lao, bởi vì không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới đều thấy được đảng csVN đã chọn phe theo trục ác khi chỉ đạo cho Đại Sứ Đặng Hoàng Giang tại LHQ 3 lần bỏ phiếu trắng không lên án nước Nga xâm lăng Ukraine. Vì thế Ngoại Trưởng Bùi Thanh Sơn có cố gắng dùng ba tấc lưỡi để thuyết khách như Tô Tần năm xưa cũng khó mà lừa được ai, bởi vì sau chuyến công du Mỹ ông ta lại có buổi hội đàm cùng tên Ngoại Trưởng cáo già Vương Nghị tại Bắc Kinh!.