LTS: Cuối tháng 9, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố tài liệu nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo phục vụ chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo bị vô hiệu hoá, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng. Ngày 9 tháng 10, 2024, BPSOS tổ chức chuỗi hội luận tại Berlin, Đức để giới thiệu tài liệu này đến các giới chức chính quyền và nhân sĩ quốc tế tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trướng về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin.
1. BỐI CẢNH VÀ PHƯƠNG PHÁP
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vào tháng 10 năm 2023, chính phủ Việt Nam báo cáo rằng khoảng 27% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 26,5 triệu người, là tín đồ của các tôn giáo.[1] Tuy nhiên, chính phủ cũng lưu ý rằng mặc dù phần lớn dân số không theo tôn giáo nào, nhưng khoảng 95% dân số có đời sống liên quan đến tôn giáo và niềm tin hoặc duy trì một hình thức tín ngưỡng nào đó.[2] Dữ liệu từ cuộc kiểm tra dân số năm 2019 cho thấy người Công giáo chiếm 44,6% tổng số tín đồ các tôn giáo, Phật giáo chiếm 35%, Tin Lành chiếm 7%, và Cao Đài, Hòa Hảo, cùng các nhóm tôn giáo nhỏ khác chiếm 13,4% còn lại.[3]
Phúc trình này mô tả cách ĐCSVN và chính phủ sử dụng sáu tổ chức tôn giáo do nhà nước chỉ huy/điều khiển để kiểm soát các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số, gây thiệt hại đến quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin (FoRB) được quốc tế bảo đảm. Cuộc nghiên cứu đưa đến phúc trình này bao gồm việc xem xét kỹ càng các tài liệu, nghiên cứu các trường hợp điển hình, và các cuộc phỏng vấn phẩm chất cao với các nhân chứng và cộng đồng quan trọng để tìm ra phương cách mà chính phủ Việt Nam đã sử dụng các tổ chức tôn giáo do nhà nước chỉ huy/điều khiển để kiểm soát đời sống tôn giáo trong nước và tác động của nó đối với tình trạng tự do tôn giáo.
2. Các Cơ Quan Chính Của Đảng Và Chính Phủ Dùng Để Kiểm Soát Tôn Giáo
Ba cơ quan chủ chốt của Đảng và Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chịu trách nhiệm đóng góp vào việc phát triển luật pháp và xác định tính hợp pháp của các hình thức và biểu hiện của tôn giáo. MTTQVN ảnh hưởng đến các tổ chức tôn giáo thông qua các lãnh đạo tôn giáo được nhà nước bổ nhiệm. Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ, có trách nhiệm ban hành luật để quy định việc thực hành tôn giáo, phê duyệt và giám sát hoạt động của các tổ chức tôn giáo được chính phủ phê chuẩn, và chỉ đạo việc bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo. Bộ Công an thực thi pháp luật và giám sát các cộng đồng tôn giáo thông qua Cục An ninh nội địa. Sơ đồ ở trang XX thể hiện các cơ quan này và vai trò, vị thế của chúng. Các cơ quan Đảng và Chính phủ này cùng nhau theo dõi, giám sát các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát qua hai cách tiếp cận: (1) tác động thông qua các lãnh đạo tôn giáo được bổ nhiệm và (2) phát triển và thực thi các luật kiểm soát tổ chức tôn giáo và thực hành tôn giáo.
Sơ đồ về quan hệ giữa ĐCSVN và các cơ quan chính phủ có trách nhiệm về kiểm soát tôn giáo
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN)
ĐCSVN thành lập MTTQVN vào năm 1955 với vai trò cánh tay chính trị nối dài của Đảng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1955–1975). Vào tháng 2 năm 1977,[4] tổ chức này được tái lập để giám sát và kiểm soát đời sống chính trị và xã hội của toàn bộ công dân thông qua các tổ chức liên kết như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Nông dân. Điều 9 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 [5] nêu rõ rằng: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.” Mặc dù được mô tả là “liên hiệp tự nguyện,” thực tế là bất kỳ tổ chức tôn giáo nào muốn được đăng ký và công nhận, ngoại trừ Giáo hội Công giáo, phải tham gia MTTQVN. Hơn nữa, Điều 4 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định rằng MTTQVN tham gia soạn thảo các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và giám sát việc thực thi luật pháp và chính sách của chính phủ về niềm tin, tôn giáo.
TS. Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, đã phát biểu vào năm 2016 rằng mục tiêu của MTTQVN trong vấn đề tôn giáo là đề xuất các chính sách tôn giáo với ĐCSVN và chính phủ, giám sát việc thực hiện các chính sách này và theo dõi các hoạt động tôn giáo, chủ yếu thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.[6] Ông cũng nhấn mạnh rằng MTTQVN giám sát các vấn đề liên quan đến nhân quyền trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và ngăn chặn việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc và nhân quyền để gây tổn hại đến sự đoàn kết quốc gia.[7] Để thực hiện điều này, MTTQVN đã tham gia vào quá trình soạn thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Sự tham gia cụ thể của MTTQVN trong quá trình lựa chọn lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam chưa rõ ràng, vì hầu hết các tài liệu nội bộ của tổ chức này đều được dán nhãn “mật” (sẽ được đề cập bên dưới).Tuy nhiên, các lãnh đạo cấp cao của tất cả các tôn giáo được công nhận đều thường xuyên tham gia vào MTTQVN và một số thậm chí còn tham chính. Vào năm 2021, MTTQVN đã đề cử tám chức sắc tôn giáo vào Quốc hội. Họ được chọn từ các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát, và năm người trong số đó đã được đắc cử. [8]
MTTQVN cũng đóng vai trò “tòa án tôn giáo.” Tổ chức này làm việc với Ban Dân vận [9] của ĐCSVN để quyết định xem một "hình thức tôn giáo mới" có được coi là "dị giáo" hay không và liệu một nhóm tôn giáo có nên bị loại bỏ hay không.[10] MTTQVN đã dẫn đầu các nỗ lực của chính phủ nhằm triệt tiêu một số tổ chức tôn giáo độc lập, như: Đạo Cao Đài chân truyền (thành lập năm 1926) và gần đây là các nhóm tôn giáo dân tộc nhỏ như nhóm Hà Mòn ở Tây Nguyên và các nhóm Dương Văn Minh và Bà Cô Dợ ở Cao Nguyên Tây Bắc.
Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP)
Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) được thành lập vào ngày 2 tháng 8 năm 1955 và đặt dưới quyền Thủ tướng, nhằm giám sát các vấn đề tôn giáo. Năm 1993, Nghị định 37-CP giao nhiệm vụ cho BTGCP quản lý các hoạt động tôn giáo, bao gồm điều phối và soạn thảo các luật và chính sách về tôn giáo.[11] Vào ngày 8 tháng 8 năm 2007, chính phủ đã ban hành Nghị định 08/ND-CP, chuyển BTGCP từ Văn phòng Thủ tướng sang Bộ Nội vụ.[12]
Mặc dù BTGCP được cho là không thực hiện các chức năng liên quan đến an ninh hoặc chống khủng bố, nhưng cả bốn người đứng đầu gần đây của BTGCP đều là các sĩ quan Công an cấp cao, với kinh nghiệm làm việc trong Cục An ninh nội địa của Bộ Công an (MPS). Người đứng đầu hiện tại của BTGCP, ông Vũ Chiến Thắng, từng là Thiếu tướng Công an.[13], [14]
Bộ Công an (Bộ CA) và Cục An ninh nội địa (A02)
Bộ CA là cơ quan thực thi pháp luật của Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam. Bộ CA giám sát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập và can thiệp vào các hoạt động của họ bằng cách giam giữ, thẩm vấn, đánh đập và đe dọa các tín đồ. Bộ CA còn khởi tố những người đấu tranh cho tự do tôn giáo bằng tội danh liên quan đến an ninh quốc gia.
Dưới sự giám sát của A02, Cục An ninh nội địa của Bộ CA ở Hà Nội, các văn phòng An ninh nội địa tại các tỉnh thực hiện chính sách quốc gia nhằm mục tiêu vào các nhóm tôn giáo độc lập, nhằm chiêu dụ thành viên của các nhóm này gia nhập các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát. Giám đốc A02 tỉnh Đắk Nông báo cáo rằng nhiệm vụ của văn phòng ông là đảm bảo cho "người dân sống tốt đời đẹp đạo" và ngăn chặn "một số tôn giáo lạ và tà đạo xuất hiện." [15]
Bộ CA cũng nhắm vào những cá nhân và nhóm báo cáo các vi phạm nhân quyền. Vào tháng 7 năm 2021, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp thực hiện các cuộc đột kích để bắt và giam giữ một số người. Tất cả các phiên thẩm vấn tiếp theo đó tại đồn Công an đều xoáy vào cách thức và lý do những cá nhân này đã báo cáo các vi phạm nhân quyền lên Liên Hợp Quốc.[16] Vào tháng 3 năm 2024, Bộ CA đã chỉ định nhóm Người Thượng vì Công lý—một tổ chức nhân quyền được thành lập vào năm 2018 bởi một nhóm tín đồ Thiên chúa giáo người Thượng tị nạn ở Thái Lan—là một tổ chức khủng bố. Tổ chức này đã đưa ra gần 200 báo cáo về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Tây Nguyên. Vào tháng 1 năm 2024, chính phủ Việt Nam đã tuyên án vắng mặt một trong những người đồng sáng lập, ông Y Quỳnh Bdap, 10 năm tù về tội khủng bố. Tính đến tháng 9 năm 2024, ông Bdap đang có nguy cơ bị chính phủ Thái Lan dẫn độ về Việt Nam theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.[17]
[1] Phúc trình năm 2023 gửi đến Uỷ ban Nhân quyền LHQ (Các Quyền Dân sự và Chính trị)
[2] Bạch thư “Tôn giáo và chính sách về tôn giáo tại Việt Nam”, BTGCP, 2023
[3] Nha Thống kê (Việt Nam), 2019
[4] Báo của Quân khu 4, 2022
[5] HIến pháp Việt Nam 2013
[6] TS. Lê Bá Trình, 2016
[7] TS. Lê Bá Trình, 2016
[8] Bộ Nội vụ, 2024
[9] Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Dân vận là cùng một tổ chức trước năm 1981
[10] MTTQVN, 2024
[11] Nghị định chính phủ số 37-CP, 1993
[12] Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, 2020
[13] Bộ Nội vụ, không ghi ngày tháng.
[14] Một số nhân vật tôn giáo và nhóm xã hội dân sự đã đặt câu hỏi về vai trò được cho là của BTGCP trong việc quản lý các vấn đề tôn giáo. Việc bố trí các quan chức công an cấp cao để lãnh đạo BTGCP đã khiến họ coi BTGCP là một “cơ quan công an tôn giáo” trên thực tế. Làng Mai, 2017.
[15] Bản Tin Đắk Nông, 2024.
[16] Báo cáo năm 2021 về Tự do Tôn giáo quốc tế.
[17] RFA, 2024