Người cũ Tô Lâm làm việc mới
Nguồn hình từ Facebook
Phạm Trần
Việt Báo
Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư đảng CSVN, thay ông Nguyễn Phú Trọng từ trần ngày 19/07/2024, nhưng ông Tô Lâm chỉ dám hứa sẽ tiếp tục đi theo con đường ông Trọng đã đề ra.
Ông Tô Lâm mang quân hàm Đại tướng Công an, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1957, quê quán tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông còn có biệt danh “anh Tư Tô Lâm, chú Tư Tô Lâm.”
Ông theo học ngành an ninh từ khi còn trẻ. Tháng 10 năm 1974, ông là học viên khóa sáu của Trường Công an Trung ương, sau đổi tên thành Đại học An ninh Nhân dân, nay là Học viện An ninh Nhân dân. Sau đó, ông theo học và nghiên cứu lĩnh vực pháp luật, nhận bằng Tiến sĩ Luật học. Ngày 22 tháng 10 năm 2015, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Khoa học An ninh.
Tiểu sử không ghi ông đã theo học ở nước ngoài, nhưng được coi là người có kinh nghiệm nhất về an ninh nội bộ.
Theo tài liệu của Trung ương đảng CSVN thì khi phục vụ tại “Cục Bảo vệ chính trị III, tiền thân là Phòng Trinh sát thuộc Vụ Bảo vệ chính trị, Bộ Công an, ông “tập trung vào việc điều tra khám phá, đàn áp các tổ chức, cá nhân bất đồng chính kiến ngoài nước.”
Ông được cho đã lãnh đạo chiến dịch chống lại những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, thắt chặt kiểm soát internet và khống chế những người tranh đấu đòi dân chủ, tự do và nhân quyền.
NHẬM CHỨC HỨA GÌ?
Trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức ngày 03/08/2024, ông Tô Lâm nói: “Tôi xin hứa trước Trung ương, trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng các đồng chí Trung ương kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm quý báu của Đảng ta và những thành quả mà các kỳ Đại hội, trong đó có Đại hội lần thứ XIII đã đạt được; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”
Ông cũng hứa sẽ “Kế thừa và phát huy những thành quả” được gọi là “ cách mạng” mà mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại, kể cả việc “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.”
Ông nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng…” (Họp báo ngày 03/08/2024).
Khi còn sống, ông Nguyễn Phú Trọng cũng từng tự hỏi: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?" (21/01/2022). Rồi cũng chính ông nghi ngờ liệu sai phạm đã xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Ông hỏi cán bộ: “Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?" Và “ai đã bao che, tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài ?"
Vì vậy, trước cái “bóng mờ” của Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm đã hứa: “Tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết tại các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy lùi tham nhũng vặt bằng những giải pháp cụ thể.” Ông nói trước các nhà báo: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được 'giặc nội xâm' này".
Tuy nhiên mấy chữ “giặc nội xâm” đã tồn tại trong suốt 13 năm ông Trọng giữ chức Tổng Bí thư. Dưới thời ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư (1991-1997), ông gọi tình trạng tham nhũng là “quốc nạn”, nhưng cũng bó tay. Sang thời Lê Khả Phiêu gọi là “kẻ nội thù”. Đến thời Nông Đức Mạnh thì tham nhũng đã công khai ở mọi nơi. Khi ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền (2011) thì những kẻ tham nhũng lại “cứ trơ ra” không sợ ai.
Ông nhìn nhận: “Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức rất lớn, đó là:
(1) Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...
(2) Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.” (Tuyên bố ngày 20/1/2024, tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng)
KIÊN ĐỊNH-GIÁO ĐIỀU
Về tư tưởng chính trị, không ai nghĩ ông Tô Lâm dám “xé rào” cho cởi mở. Ông là người bảo thủ và kiên định Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hơn ai hết. Vì vậy, ông đã hứa “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” Ông đã hứa trong ngày nhậm chức sẽ: “Kế thừa những thành tựu lý luận quan trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, đề ra …”
Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi nghe ông Tô Lâm nhắc lại lời trăn trối của ông Nguyễn Phú Trọng rằng: “Nếu là người, hãy là người Cộng sản.” (Điếu văn ngày 26/07/2024).
NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT
Tổng Bí thư Tô Lâm nói nhiều và ca tụng công lao người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng vì ông Trọng có ảnh hưởng bao phủ cả ông Lâm. Do đó, để giúp mình nổi bật, ông Tô Lâm phải đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự đảng khóa XIV. Nhưng liệu ông có khả năng “dẹp” nạn bè phái, chạy chức, chạy quyền và chạy các dự án xây dựng kinh tế của những kẻ tham nhũng hay không? Ngoài ra, ông Tô Lâm cũng phái đối phó với tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, trước mắt ông Tô Lâm phải củng cố quyền lực, xây dựng đội ngũ phụ tá và lấy lòng Quân đội và Công an là những “lá chắn” và “thanh bảo kiếm” bảo vệ chế độ.