Hai TNLT cáo buộc việc tiếp tục bị ngược đãi tại Trại giam số 6
RFA
Hai tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách vừa cho thân nhân biết việc tiếp tục bị ngược đãi tại Trại giam số 6. Trước tình trạng đó, bản thân ông Thuận tiến hành tuyệt thực để phản đối; còn gia đình ông Bách làm đơn khiếu nại.
TNLT Bùi Văn Thuận báo tuyệt thực 5 ngày
TNLT Bùi Văn Thuận bắt đầu tuyệt thực từ ngày 25/5 tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Ông Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông thông báo kế hoạch tuyệt thực kéo dài năm ngày cho gia đình trong cuộc gọi điện về ngày 20/5, vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, nói cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Bà thuật lại lý do tuyệt thực của chồng:
“Anh ấy có bảo là anh ấy sẽ tuyệt thực trong vòng 5 ngày để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu cho các tù nhân chính trị ra ngoài sân chung để giao lưu học tập với nhau.
Ba người hiện đang bị giam giữ trong một căn phòng rất là bí bách, cái phòng đấy ở cuối dãy nên là không có sân nào để có thể đi lại tập thể dục.”
Trước kia, trong dịp cuối tuần, trại giam thường mở cửa cho các tù nhân chính trị ở Phân trại 1 ra khu vui chơi chung để họ giao lưu gặp gỡ và thể dục thể thao. Tuy nhiên, gần đây, không rõ vì lý do gì mà trại giam không còn cho họ ra sân chơi chung nữa mà buộc họ phải ở trong phòng giam chật hẹp vào mùa hè oi bức ở miền trung thường có gió Lào khô và nóng.
Ông Thuận cho vợ biết ông quyết định tuyệt thực sau khi đã từ chối khẩu phần ăn của nhà tù trong một tuần để phản đối chế độ giam giữ vô nhân đạo nhưng phía trại giam im lặng.
Ông cũng nói với vợ là từ khi chuyển sang Phân trại 1 từ đầu tháng tư vừa qua, bệnh viêm khớp của ông tái phát, uống thuốc vẫn không đỡ, và ông cho rằng có nguyên do là bị giam trong buồng chật hẹp và không có không gian để vận động.
Để kiểm chứng thông tin, phóng viên tìm cách liên hệ với Trại giam số 6 và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, tuy nhiên không thể kết nối theo số điện thoại của hai cơ quan này đăng công khai trên mạng Internet.
Bà Nhung nói rất lo lắng cho sức khoẻ của chồng trong điều kiện giam giữ hiện nay.
“Gia đình rất lo lắng, muốn phía Trại giam số 6 thay đổi chế độ giam giữ và cho tù nhân được ra ngoài giao lưu học tập với nhau và đó là cái quyền lợi chính đáng của các tù nhân chính trị.”
Gia đình sẽ đồng hành cùng với anh Thuận để đòi lại quyền lợi cho anh Thuận và các tù nhân chính trị ở trong trại giam số 6. Nếu mà trại giam họ không thay đổi, gia đình để tiếp tục khiếu nại lên đến các cơ quan có thẩm quyền.”
Như đã đưa tin, bên cạnh việc giam giữ trong điều kiện vô nhân đạo, ông Thuận còn không được giao tiếp với bố mẹ và em trai bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Mường trong khi họ không thành thạo tiếng Kinh trong các buổi thăm gặp ở trại giam.
Việc tù nhân lương tâm tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ hà khắc xảy ra phổ biến ở nhiều trại giam trên cả nước. Ngay ở Trại giam số 6, hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách có nhiều lần tuyệt thực dài ngày trong vài năm gần đây. Lần gần đây nhất, ông Thức tuyệt thực một tuần và chấm dứt vào đầu tháng 02 vừa qua và ông Bách tiếp sức sau đó.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng tuyệt thực nhiều lần và có lần kéo dài 37 ngày ở trại giam này giữa năm 2013, chia sẻ với RFA:
“Tù nhân không ai muốn tuyệt thực cả nhưng mà ở trong cái môi trường như thế khi mà bị đàn áp không thể nào đưa được tin tức ra ngoài thì lúc đó tù nhân phải mang chính cái tính mạng mình ra để mà đấu tranh.
Khi mà anh em tù nhân tuyệt thực thì tất cả các trại giam ở Việt Nam tìm mọi cách ngăn chặn thông tin, không để thông tin lọt ra ngoài. Thứ hai nữa là khi mà anh đã ngưng tuyệt thực thì họ đưa truyền thông của họ vào để họ đối phó. Họ thu những hình ảnh của mình lúc mà mình đã hết tuyệt thực rồi và họ nói rằng là mình không tuyệt thực.”
Do vậy, ông cho rằng người thực hiện tuyệt thực hoặc bạn tù phải đưa được thông tin ra ngoài để cộng đồng ở bên ngoài lên tiếng, gây sức ép buộc trại giam phải cải thiện điều kiện giam giữ.
Gia đình TNLT Đặng Đình Bách khiếu nại về đối xử vô nhân đạo
Luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), cũng đang thụ án tù năm năm về tội danh “trốn thuế” trong Phân trại 1 của Trại giam số 6.
Vợ ông, bà Trần Phương Thảo, cho RFA biết ngày 24/5 vừa qua, bà đã gửi đơn tới Ban giám thị của Trại giam số 6 để khiếu nại về việc cơ sở giam giữ này không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của chồng.
Theo đó, chồng bà đang bị giam cùng với nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức trong một buồng giam chỉ rộng khoảng 10 mét vuông gồm cả bệ ngủ và khu vệ sinh. Phòng chỉ được trang bị một quạt nhỏ trong khi nhiệt độ trong phòng giam có thể lên tới 43 độ C vào mùa hè. Ông đã đề nghị được trại giam cấp thêm quạt nhưng cho tới nay giám thị vẫn chưa trả lời.
Thêm nữa, vì ông Bách ăn chay nên ông đề nghị trại giam thay thế thực phẩm từ động vật thành thức ăn thực vật, nhưng đề nghị của ông vẫn bị lờ đi.
Bà Thảo, người cũng hoạt động xã hội và nhân quyền, nói với RFA qua tin nhắn:
“Tôi cho rằng việc Trại giam số 6 giam giữ tù nhân trong phòng giam chật hẹp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt là hình thức tra tấn và ngược đãi họ.
Việc giam giữ họ biệt lập trong các buồng giam như hiện nay đang hạn chế nhu cầu tương tác xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần, khiến người tù có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý, lâu dần dẫn đến mất khả năng giao tiếp.”
Phòng giam của hai ông Bách và Thức có khoảng sân như mái hiên rộng khoảng 10 mét vuông nhưng không có cây cối xung quanh và trại giam cũng không cho tù nhân trồng gì. Trước kia, trại giam không mở cửa cho hai ông ra sân này, nhưng sau khi hai ông phản đối quyết liệt, gần đây giám thị mới cho mở cho họ ra vài tiếng mỗi ngày để hít thở không khí bên ngoài.