Blogger ‘chống tham nhũng’ nổi tiếng Trần Minh Lợi bị bắt lần hai
QĐB: Các nhà 'tranh đấu' VN hay thường 'ngây thơ' một cách hồn nhiên khi đặt mục tiêu của mình vào những khái niệm 'không cụ thể". Đảng csVN là một tập đoàn tham nhũng có tổ chức thì làm sao mà chống nổi?!. Nó cũng giống như TN. Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng mình không chống đảng mà chỉ chống 'cường quyền'. Một cái đảng độc tôn, độc tài, duy nhất, thì bản thân cái đảng đó đã là cường quyền. Chẳng thà Thức nói tôi chống đảng csVN vì đó là một đảng phái độc tài thì sẽ có nhiều người đồng tình và ủng hộ. Hình Internet.
VOA
Chủ trang Facebook “Diệt giặc nội xâm” nổi tiếng một thời, ông Trần Minh Lợi, lại bị chính quyền Việt Nam bắt tạm giam hôm 1/12 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, không lâu sau khi ông được trả tự do vào năm 2020.
Truyền thông Việt Nam cho hay Công an tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khám xét nơi ở và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, 55 tuổi, trú ở xã Ea B'Hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hôm 1/12 và cáo buộc ông thường xuyên phát trực tiếp trên mạng xã hội nhiều nội dung sai sự thật, xuyên tạc.
Ông Lợi trước đây được biết tiếng khi lập trang Facebook “Diệt giặc nội xâm” vào năm 2016. Trang mạng xã hội này đã thu hút nhiều người theo dõi vì đăng các tài liệu, chứng cứ tố cáo các hành vi sai phạm, nhận hối lộ của nhiều cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, sau đó vào tháng 3/2016, ông Lợi bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt để điều tra với cáo buộc “đưa hối hộ”. Tháng 3/2017, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt ông Lợi 4 năm 6 tháng tù về tội danh này, mặc dù ông liên tục kêu oan và nói chỉ đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng.
VnEpress dẫn lời cơ quan điều tra của Việt Nam nói sau khi ra tù vào năm 2020, ông Lợi đã lập Facebook Trần Minh Lợi và công ty tư vấn nhận hỗ trợ pháp lý cho nhiều người dân. Ông thường xuyên livestream nói về những vụ mà ông nhận hỗ trợ, hoặc khi làm việc với cơ quan chức năng. Nhà chức trách Việt Nam cáo buộc những nội dung ông Lợi phát trên mạng xã hội là “không đúng, xuyên tạc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Việt Nam bị xếp gần cuối bảng, đứng thứ 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới vì tình trạng trấn áp, giam cầm các nhà báo, bloggers, những cây viết tự do. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng sử dụng Điều luật 331 với những quy định mơ hồ về tội “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ” để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng và bắt giam những người lên tiếng bênh vực cho tự do, dân chủ.