Manh Dang
Facebook Phạm Thanh Nghiên
Khuya ngày 24/11/2023, lực lượng cảnh sát hoàng gia Thái Lan đã đột ngột khám xét và bắt giữ 11 người Thượng gốc Việt tại khu vực Bang Yai vùng ngoại ô Bangkok vì lý do cư trú bất hợp pháp. Ngay khi ấy, họ đã bị đưa về tạm giữ tại Đồn Cảnh Sát Bang Yai. Được biết, tất cả 11 người bị bắt đều đã được cấp quy chế tỵ nạn bởi Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) trú đóng tại thủ đô BangKok, Thái Lan.
Ba ngày sau, ngày 27/11/2023, tất cả họ đều đã phải ra tòa án di trú Thái Lan để nghe xét xử, đối diện với phán quyết trục xuất khỏi Thái Lan. Thông thường, đối với các trường hợp này, phán quyết của tòa án sẽ tuyên trục xuất những người cư trú bất hợp pháp khỏi lãnh thổ Thái Lan, nhưng sẽ không tuyên rõ là trục xuất đi đâu? Về quốc gia nơi họ đã rời đi hay quốc gia thứ ba?
Để tham khảo, trước đây, vào thượng tuần tháng 07/2015, Thái Lan đã từng trục xuất khoảng 100 người tỵ nạn thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương về lại nơi mà họ đã rời đi là Trung Quốc.
Với 11 người Thượng vừa bị bắt giữ, sau phiên tòa, họ bị đưa về tạm giam tại trung tâm IDC Bang Khen, nơi trung chuyển trước khi đưa đến trung tâm IDC chính.
Theo ghi nhận của đồng bào người Thượng, kể từ tháng 10/2023 cho đến nay, thì ít nhất đã có đến 17 người Thượng bị cảnh sát hoàng gia Thái Lan bắt giữ với lý do tương tự.
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau khi các trại tỵ nạn ở các quốc gia lân cận đóng cửa đã chấm dứt câu chuyện thuyền nhân vượt biển tìm tự do, thì nhiều năm trở lại đây, Thái Lan vẫn là điểm đến tỵ nạn của nhiều quốc gia láng giềng đang duy trì chế độ độc tài, từ Miến Điện, Trung Quốc, Lào, Cambodia và Việt Nam. Dòng người tỵ nạn gốc Việt không chỉ là người Kinh, mà còn rất nhiều người thuộc các sắc tộc khác, người Thượng từ vùng cao nguyên, người Chăm từ các tỉnh miền nam trung bộ, người Khơ - Me từ các tỉnh miền tây nam bộ… Hầu hết họ đều đến Thái Lan bằng đường bộ.
Lý do tỵ nạn cũng khá phong phú, từ nạn nhân bị đàn áp tôn giáo, sắc tộc và chính trị (bất đồng chính kiến).
Đợt này, sự bắt giữ tập trung vào nhóm người Thượng đã đưa đến những đồn đoán về việc "đặt hàng" từ nhà cầm quyền Việt Nam liên quan đến chính biến có vũ trang xảy ra tại Đắk Lắk vào trung tuần tháng 06/2023, theo đó, đã có đến hàng trăm người Thượng bị khởi tố và nhiều người khác bị truy nã về tội danh "Khủng bố".
Trong quá khứ, ít nhất đã có hai người tỵ nạn gốc Việt đã từng bị an ninh Việt Nam tổ chức bắt giữ ngay trên lãnh thổ Thái Lan, trong đó, gồm ký giả Trương Duy Nhất, người vừa đăng ký quy chế tỵ nạn và người còn lại là blogger Thái Văn Đường đã được công nhận quy chế tỵ nạn, chờ phỏng vấn để tái định cư quốc gia thứ ba.
Tuy Thái Lan là quốc gia có số người tỵ nạn trên lãnh thổ đông nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng chính quyền của họ chưa từng tham gia ký kết Hiệp Ước Tỵ Nạn Quốc Tế. Thế nên, về phương diện pháp lý, Thái Lan không bị ràng buộc về các nghĩa vụ với người tỵ nạn, cho dù người tỵ nạn đã được công nhận quy chế tỵ nạn bởi Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.
Rõ ràng, sự kiện bắt giữ 17 người Thượng trong vòng hai tháng gần đây đã là tín hiệu bất ổn đối với cộng đồng lên đến vài nghìn người tỵ nạn gốc Việt khác đang tạm trú tại đây, gồm người Thượng, người Kinh, người Khơ - Me đang tìm kiếm tự do tại quốc gia thứ ba.
Chúng tôi sẽ còn trở lại sự việc này ngay khi có thông tin mới.
* Cập nhật: Ngày 28/11/2023, cảnh sát hoàng gia Thái Lan tiếp tục khám xét tại khu vực Bang Len, nhưng không có thông tin bắt giữ nào khác.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 29/11/2023
Manh Dang
- Ảnh 11 người bị bắt giữ (nguồn ảnh từ RFA)
Gửi ý kiến của bạn