Muốn nhổ là nhổ
Phạm Văn An
RFA
Có một bình luận trên mạng Facebook tiếng Việt về quyết định phá hơn 600 ha rừng tự nhiên để làm hồ thủy lợi của tỉnh Bình Thuận như sau: “Hơn 600 ha rừng tự nhiên, nguyên sinh đó, chứ không phải bụi cỏ dại đâu mà muốn nhổ là nhổ”.
Tỉnh Bình Thuận: Rừng bị nhổ có chút xíu ấy mà!
Trong các lý lẽ bảo vệ dự án xây hồ thủy lợi Ka Pet, ngoài nhu cầu cấp thiết về nước sản xuất tưới cho vùng, tỉnh Bình Thuận nói hơn 600 rừng sẽ bị chặt phá rất nhỏ so với 360.000 ha rừng toàn tỉnh, chỉ chiếm 0,15%.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nói: “Nói riêng về rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 ha rừng đặc chủng (do Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông quản lý) cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn so với tổng thể chung”.
Còn báo Bình Thuận, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Bình Thuận thì ngày 06/9/2023 tiếp tục đăng một bài báo “bút chiến” với phe băn khoăn việc phá rừng nguyên sinh. Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông: “… Vùng nằm trong lòng hồ Ka Pet là 140 ha với tính chất rừng xếp loại trung bình trở xuống”. Mục đích nhằm hướng dư luận rằng giá trị của vùng rừng này thực ra không quý giá lắm, không cao như những nhóm dân sự đang độc lập khảo sát và kết luận.
Tác giả bài báo cũng cương quyết không sử dụng các tấm ảnh chụp vùng rừng rậm dày đặc mà đưa liên tiếp bốn tấm ảnh chụp thật cận trảng cỏ trống phía trước với nền rừng (dày rậm) xa xa phía sau.
Lời chú thích cũng không thể-xin lỗi-thiếu não hơn: “Bên cạnh những vùng có cây rừng, rừng ở khu vực lòng hồ Ka Pet thuộc tiểu khu 264 và 263 chỉ là những trảng cỏ”.
Thưa quý phóng viên báo Bình Thuận, vậy bên cạnh những trảng cỏ thì những vùng có cây rừng “chỉ là” có bao nhiêu cây rừng? Tác dụng giữ đất, giữ nước, tạo đa dạng sinh thái của chúng ra sao?
Báo cáo đánh giá tác động môi trường hồ Ka Pet: Vùng dự án có hệ sinh thái trên cạn và dưới nước rất phong phú đa dạng
Rất tiếc, tuy nhiệt tình bảo vệ dự án hồ thủy lợi Ka Pet nhưng phóng viên báo Bình Thuận lại chưa đọc kỹ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này (viết tắt là Báo cáo ĐTM).
Và éo le thay, trong chính Báo cáo lại có những đoạn hết sức mâu thuẫn nhau.
Đoạn đầu của Báo cáo ĐTM viết: “Trong đợt khảo sát tại dự án, Công ty đã tiến hành khảo sát thực tế về tài nguyên sinh vật. Theo đó, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu là rừng, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn. Động vật cũng rất nghèo nàn, chủ yếu là côn trùng và một số loài bò sát như tắc kè, rắn.... Khu vực không có các loài động thực vật quý hiếm”.
Thế nhưng không hiểu do các bộ phận khác nhau cùng làm báo cáo ĐTM và người tổng hợp cuối cùng chỉ biết cắt dán hay sao mà các phần chi tiết của báo cáo ĐTM lại khác hẳn kết luận trên.
Về rừng, phần hiện trạng tài nguyên sinh vật cho biết kết quả điều tra cây gỗ của 96 ô tiêu chuẩn điển hình tại khu vực điều tra đã ghi nhận được 4.262 cây gỗ của 78 loài cây gỗ thuộc 63 chi, 35 họ thực vật. Trong có có hai loài thuộc danh mục các loài quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam là giáng hương và sơn điều với 49 cây. Có một loài thuộc nhóm IIA (thực vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng).
Tại vùng rừng lá rộng rụng lá giàu, mật độ bình quân là 510 cây/ha, cao nhất 670 cây/ha, thấp nhất 330 cây/ha. Đường kính bình quân 25,3 cm, cao nhất 32,4 cm, thấp nhất 21,5 cm.
21,5 cm, khoảng một gang tay người lớn đó!
Tại vùng rừng lá rộng rụng lá trung bình, mật độ bình quân là 593 cây/ha, cao nhất 930 cây/ha, thấp n hất 340 cây/ha. Đường kính bình quân 18.8 cm, cao nhất 24 cm, thấp nhất 13,7 cm. Chiều cao vút ngọn bình quân 12,3m.
Ngay cả tại khu rừng lá rộng rụng lá nghèo thì mật độ bình quận cũng là 563 cây/ha, cao nhất 830 cây/ha, thấp nhất 280 cây/ha. Đường kính bình quân thân cây 15,7 cm, cao nhất 22, 7 cm, thấp nhất 13,4 cm.
Trong rừng, tùy vào tính chất rừng hỗn giao hay rụng lá giàu/nghèo mà có các loài cây gỗ nhiều nhóm, nhưng tại các rừng hỗn giao thì nhiều nhất là các loài cây gỗ thuộc nhóm gỗ III, chiếm hơn 33%. Gần 19% là cây gỗ thuộc nhóm I, nhóm II như trắc đen, giáng hương, sơn điều, cẩm liên, căm xe, sến cát và xây. Còn lại trong các loại rừng nghèo hơn thì có nhiều gỗ thuộc nhóm V.
Động vật trong rừng rất phong phú với 162 loài, thuộc 120 chi, 38 họ, 7 bộ, và 04 lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư, trong đó loài chim nhiều nhất với 77 loài. Thú ít nhất, có 06 loài.
Có 09 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 06 loài nằm trong nhóm II.B của nghị định 32 (về quản lý thưc vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) và 06 loài nằm trong danh mục của CITES 2017 (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng).
Trong 77 loài chim, có 06 loài thuộc Sách đỏ 2007, CITES và nghị định 32.
Khu hệ Cá xác định được 11 loài thuộc 11 giống, 7 họ của 3 bộ, phần lớn là những loài phổ biến và một số loài phân bổ đặc trưng ở khu vực suối. Đa dạng nhất là bộ cá Vược với 6 loài, tiếp đến là bộ cá Chép với 4 loài.
Cuối cùng, báo cáo ĐTM nêu kết luận như sau:
“Kết luận về hệ sinh thái trên cạn: Hệ sinh thái trên cạn khu vực dự án rất phong phú và đa dạng về số lượng loài. Ghi nhận được 57 loài trong danh lục của Sách đỏ 2007, CITES và nghị định 32.
Kết luận về hệ sinh thái nguồn nước: Hệ sinh thái khu vực dự án rất phong phú và đa dạng về số lượng loài. Phần lớn các loài cá ghi nhận được là những loài có giá trị kinh tế và giá trị thương phẩm.”
Ủa lạ này!
Bớ người ta lạ quá!
Mới dòng trước, cũng chính cái Báo cáo ĐTM này còn khẳng định động vật ở khu rừng bị phá rất nghèo nàn. Sao xuống đến đây lại kêu lên rằng nó rất phong phú và đa dạng, đã thế lại còn gần 60 loài nằm trong Sách đỏ?
Về lâu dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn
Chưa hết. Đánh giá từ việc thay đổi mục đích sử dụng rừng, đoạn này trong Báo cáo ĐTM rất quan trọng:
“Rừng tự nhiên có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật, có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Về lâu dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn: Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,… ngày càng nghiêm trọng do tình trạng rừng bị tàn phá.
Lớp phủ thực vật tại khu vực dự án bao gồm rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ và cây nông nghiệp, cây bụi…. Khi lớp phủ thực vật trong khu vực dự án mất đi, khu vực này rất dễ bị xói mòn do đất không được cố định bằng thực vật che phủ. Đất có nguy cơ bị xói mòn cao và sẽ bị xói mòn tại nhiều vị trí”.
Về tác dụng đối với sản xuất nông nghiệp: “Thay đổi diện tích đất nông nghiệp sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực” (trích Báo cáo ĐTM)..
Thế nhưng ở đoạn trên, cũng báo cáo này nói xây hồ sẽ làm tăng trữ lượng nước ngầm ở khu vực, giúp cây cối tươi tốt hơn và giúp giảm nhiệt độ khoảng 5 độ C ở vùng quanh hồ (thế thì ai mua được đất làm nhà nghỉ ven hồ tha hồ đong vàng).
Tôi là ai? Đây là đâu? Tin vào phần nào ở cái báo cáo ĐTM biến thái này?
Tăng khả năng phá các khu rừng ở sâu hơn
Vẫn trong phần đánh giá nguy cơ, Báo cáo ĐTM viết:
“Một nguy cơ có thể xảy ra là tăng khả năng tiếp cận của dân địa phương, dân săn trộm, công nhân xây dựng vào các vùng sâu hơn.
Việc khai thác gỗ trái phép và thu hoạch những sản phẩm ngoài gỗ trong khu vực sẽ gia tăng nếu như không thực hiện những biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Con đường mới được mở sẽ trở thành cơ hội tốt đối với lâm tặc, những tay súng săn và những người khai thác sản phẩm ngoài gỗ của rừng. Hoạt động khai thác gỗ trái phép và các hoạt động săn bắn sẽ rất dễ gia tăng tới mức không kiểm soát được nếu như không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu”.
Có nghĩa là nếu khu vực này không được bảo vệ thật chặt thì việc xây hồ Ka Pet cũng chính là cánh cửa mở giúp lâm tặc vào phá tận những rừng sâu hơn ở bên trong.
Trồng thay thế rừng nguyên sinh bằng cây công nghiệp dài ngày?
Sau khi tự mâu thuẫn chán chê trong Báo cáo ĐTM, họ tiếp tục đề xuất việc trồng rừng bù. Má ơi, hơn 600 ha rừng nguyên sinh “với hệ sinh thái trên cạn và dưới nước rất phong phú và đa dạng, trong đó có 57 loài trong Sách đỏ 2007, CITES và nghị định 32” lại được đề nghị trồng bù bằng “rừng” trồng cây dầu thuần loài hoặc loài bản địa khác.
Sách giáo khoa ngành lâm sinh viết về rừng hỗn loài (nhiều loài cây) như sau: “Do phối hợp được cây ưa sáng với cây chịu bóng, cây rễ nông với cây rễ sâu, cây có yêu cầu về nước, chất dinh dưỡng khác nhau... nên rừng hỗn loài có thể tận dụng được triệt để các điều kiện tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, độ phì…Cải tạo mạnh mẽ điều kiện tự nhiên: rừng hỗn loài thường có nhiều tầng tán dầy kín, nên có ảnh hưởng rõ rệt tới điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, số lượng cành khô lá rừng lớn nên trả về cho đất nhiều chất dinh dưỡng, do đó làm thay đổi điều kiện tiểu khí hậu và đất, đồng thời nhờ quan hệ có lợi giữa các loài kích thích cây rừng sinh trưởng phát triển tốt hơn, sản lượng thu hoạch cao và ổn định về mặt sinh học hơn rừng thuần loại”.
Thực tế, các vùng “rừng” trồng thuần loài ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận… chủ yếu tràm và keo lai để lấy gỗ đã làm biến mất hệ động thực vật bản địa vốn gắn bó với đất này từ hàng trăm năm trước. Trong rừng không thể phong phú côn trùng, trái cây và các loài cây vốn là thức ăn ưa thích của chim chóc và nhiều loài động vật khác nên chúng không thể sống được. Xét về tác dụng giữ đất, giữ nước thì “không thể tốt như rừng tự nhiên và phải mất vài chục, thậm chí đến cả trăm năm thì rừng trồng thay thế mới có thể mang lại tác dụng như rừng tự nhiên” (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, ông Lê Minh Hưng).
Bọn xấu hơi nhiều
Nhiều ngày nay, tỉnh Bình Thuận liên tiếp đưa ra các thông tin bảo vệ dự án xây hồ thủy lợi Ka Pet. Sớm nhất, vào ngày 12/9/2023, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đã đề nghị chính phủ chỉ đạo các bộ và tỉnh Bình Thuận khẩn trương xây hồ Ka Pet.
Lý do vì đó là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội khóa 14 thông qua về chủ trương đầu tư.
Cũng nhiều ngày nay, có nhiều nhóm dân sự tự phát đã độc lập vào sâu trong rừng vùng dự án hồ Ka Pet để khảo sát chất lượng rừng (có nghèo kiệt, chỉ toàn trảng cỏ trống như báo Bình Thuận nói không?) cũng như chụp hình rừng từ trên cao. Những bức ảnh cho thấy vùng lõi dự án đã bị phá, nhưng chung quanh vẫn là rừng rậm dày đặc.
Nhiều ý kiến tâm huyết muốn tỉnh Bình Thuận chứng minh tính hiệu quả của việc thêm một cái hồ nữa vào hệ thống hồ thủy lợi vốn không phát huy nhiều hiệu quả trong các năm qua. Và đã có những bức ảnh, tiếng nói rằng vùng lõi dự án này chính là vùng thánh địa của người Raglai và Chăm, còn những khu thánh tích nơi người Chăm và Raglai đến hành hương mỗi bảy năm một lần.
Trước quá nhiều lỗ hổng trong việc chuẩn bị luận cứ khoa học và những thông tin phản biện cụ thể, đa chiều của xã hội, lẽ ra nên tiếp thu và thuyết minh bằng lý lẽ, minh chứng chính xác cho sự cần thiết phải xây hồ thì ông Nguyễn Phương Tuấn kiên quyết lên án “bọn xấu”: “ … báo chí đưa tin nhưng chưa thực sự sát sao về quá trình thực hiện dự án nên để kẻ xấu lợi dụng đưa tin không chính xác, không đúng sự thật. Ví dụ hình ảnh về cây cổ thụ được đăng tải không nằm trong phạm vi của dự án, bình luận về diện tích rừng, chất lượng rừng chưa đúng với hiện trạng, mang tính kích động, gây tâm lý bất an trong dư luận xã hội”.
Xin nhường phần bình luận cho quý vị.
______________
Tham khảo:
https://baobinhthuan.com.vn/phia-sau-bai-bao-troi-oi-lien-quan-den-rung-ho-ka-pet-111926.html
https://monre.gov.vn/VanBan/Lists/VBDuThao/Attachments/1818/bao%20cao%20DTM%20Kapet%20Tham%20van.pdf
https://baobinhthuan.com.vn/tinh-binh-thuan-phai-khan-truong-trien-khai-du-an-ho-chua-nuoc-ka-pet-112063.html
https://www.facebook.com/photo?fbid=6279308202179566&set=pcb.6279426875501032
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do