Petrus Key là ai?

01 Tháng Năm 20239:06 CH(Xem: 1692)

PETRUS KEY LÀ AI?

petrus-truong-vinh-ky


                                                           Trương Vĩnh Ký - 1837-1898

 

[Trích: Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp]







Vũ Ngự Chiêu Ph.D. J.




Chương I

PETRUS KEY LÀ AI?

Petrus Key, sau này đổi thành Petrus Trương Vĩnh Ký, P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, hay Petrus Ký, thường được coi như một văn hào của miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Có người xưng tụng Petrus Key như “đại ái quốc,” “đại học giả,” “bác học,” thông thạo tới “26 thứ tiếng.” Dưới thời Pháp thuộc (1859-1945, 1949-1955), rồi Cộng Hòa Nam Kỳ Quốc (1/6/1946-15/5/1948), Quốc Gia Việt Nam (1/7/1949-26/10/1955), và Việt Nam Cộng Hòa (26/10/1955-30/4/1975), người ta lấy tên Petrus Key (Ký) đặt cho trường trung học công lập [lycée] lớn nhất ở Sài Gòn, đúc tượng để ghi công lao, v.. v... Với chính sách giáo dục nhiều hạn chế (nhắm mục đích ngu dân [obscuranticisme] và ràng buộc trâu ngựa [cơ mi]),[4] được đặt tên cho trường công lập lớn nhất miền Nam là vinh dự không nhỏ; vì nơi đây chỉ có con ông cháu cha cùng những học sinh xuất sắc được thu nhận, qua các kỳ thi tuyển khó khăn.

Thực chất, chúng ta biết rất ít về Petrus Key. Hầu hết chi tiết về gia đình, thân thế và hoạt động tuyên truyền, chính trị của Petrus Key đều chịu ảnh hưởng chung của hai trào lưu trong nước: Đó là “cung văn” và “đào mộ.” Nhưng đã 121 năm qua sau ngày Petrus Key nằm xuống, xúc động về lập trường chính trị hợp tác-kháng chiến, đạo-ngoại đạo, hay yêu-ghét đã lắng dịu, đủ để các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp tái dựng lại vai trò Petrus Key trong lịch sử.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, muốn tìm hiểu về Petrus Key, phải đặt trả Petrus Key vào bối cảnh xã hội hậu bán thế kỷ XIX—một vương quốc Đại Nam kém phát triển kỹ thuật, còn nặng về nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm sản và tiểu công nghệ Trung Cổ; sự xâm lăng của văn hóa Tây phương, dưới bảng hiệu tôn giáo, chủ nghĩa cá nhân vật bản và chiến lược thực dân của Pháp, cùng phản ứng của thực dân Tàu—một nước lớn lân bang tự xưng “Trung Quốc” [Zhongguo] khống chế mọi sinh hoạt của Việt Nam từ thế kỷ X, và rất có thế sớm hơn, từ thời Đông Hán (25-220).

Môi sinh tại những Nhà Chúa Bl’ời và ba [3] năm huấn luyện tại Chủng viện Penang [Collège général de Penang] trên Đảo Cau [Pinang], thuộc Malaysia của Bri-tên, khó thể gọi bình thường.

Một đặc điểm dễ phát hiện nhất là thiện cảm với nền văn hóa Ki-tô vật bản do các nhà truyền giáo tây phương nhồi sọ, uốn nắn từ thuở thiếu thời. Song song với học vấn là chính sách bài đạo từ vua Nguyễn Phước Đảm (14/2/1820 -20/1/1841)  [niên hiệu Minh Mạng, 14/2/1820-22/1/1841] tới Nguyễn Phước Thời (10/11/1847-19/7/1883) [niên hiệu Tự Đức, 4/2/1848-27/1/1884] gây nhiều trở ngại cho các Nhà Chúa Bl’ời—và nỗi hả hê, thắp sáng hy vọng về những bài học hải pháo năm 1839-1844 trên đầu cổ vua quan Thanh triều Ái Tân Giác La Mẫn Ninh (1820-1850) và 1858-1860 triều Ái Tân Giác La Tái Thuần (1850-1861)—đưa đến việc ký kết Hiệp ước Thiên Tân ngày 26/6/1858 [23/5 Mậu Ngọ] giữa nhà Thanh và Pháp-Bri-tên, đồng ý cắt nhượng Canton [Quảng Châu] cho Pháp; tự do kinh doanh và giảng đạo Ki-tô. Hiệp ước này bổ túc mà không hủy bỏ Hiệp ước Nam Kinh ngày 29/8/1842 và 1844, tức tôn trọng tự do hút và buôn bán thuốc phiện của dân Tàu. (Có người ghi là 4/7/1858). Gần gũi hơn là những cuộc thị uy với vua quan Nguyễn năm 1845, 1847, 1856, 1858—để “đòi nợ máu” các vua Nguyễn đã vay trên xác chết các giáo sĩ, hay những tín đồ nằm vùng trong triều đình như Võ Văn Điểm, Michel Hồ Đình Hỷ. Mọi diễn biến lịch sử chỉ được đánh giá trên thế đối đãi phe ta và phe địch. Địch là Satan, quỉ dữ, sẽ chìm đắm, rên xiết dưới địa ngục, và phe ta sung sướng đời đời trên thiên đàng. Bài giảng lễ của các giáo sĩ Âu Châu và linh mục cùng thày kẻ giảng bản xứ trở thành lời chúa, đáng tin cậy như thánh kinh—dù chính bản thân chưa hề được đọc thánh kinh, được dạy bảo là chân lý; và, rất ít người dám bàn luận về vấn đề thần học như cựu hay tân ước; phục sinh, mẹ vô nhiễm, hay vũ trụ được tạo ra trong vỏn vẹn sáu ngày.

Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp bởi thế chỉ là ỷ chúa, một thứ “hồng ân,” và quan tướng Pháp hay Espania trở thành thiên sứ xuống trần cứu vớt tín đồ khổ nạn, bị bạo chúa ngoại đạo tàn hại—ít nữa trong tâm trí Petrus Key và quan dân Pháp.

Trước hết, cần minh định tại sao tôi dùng tên “Petrus Key” mà không “Petrus Ký” trong sách này.

Như chúng ta đã biết, các tài liệu về Trương Vĩnh Ký thường đặt trước tên ông bí danh cổ ngữ Latin “Petrus,” tương đương chữ “Pierre” của Pháp, “Pedro,” tiếng Portuguese, hoặc phiên âm Hán Nôm “Bách Đa Lộc” hay “Bá Đa Lộc” (theo Linh mục Leopold Cadière, chủ biên tạp chí Pháp ngữ Bulletin des Amis de Vieux Hué [Đô thành hiếu cổ]).[5] Petrus Key còn kèm cả tên thánh “J.B.” tức “Jean-Baptiste” [Gioan Bao-xi-ta] trước tên Trương Vĩnh Ký. Người Pháp, khi viết về Petrus Key, thường ghi Pétrus Ký hay Petrus Ký.[6] Đây có thể do cách gọi đặt tên trước họ theo kiểu Âu Mỹ, nhưng lược bỏ những chữ “J.B. Trương Vĩnh.” Cách gọi tên này còn hàm ý ông ta theo đạo Ki-tô [Da Tô, hay Chrétiens/Xtiens, theo Henri Borelle]. Petrus Ký cũng có thể tiêu biểu thói quen gọi tên kép quen thuộc tại miền Nam, như “Paulus [San],” “Simon Của,” “André Đôn,” “Raymond Khánh,” v.. v…. Trên công báo Le courrier de Saigon ngày 7/9/1898, còn thấy xuất hiện tên “Petrus Trương Vĩnh Ký;” và ngày 4/9/1898, ba học trò Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản làm văn tế khóc thương thày, “quan lớn Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký”—“trước ngực tiên sanh chiếu rõ cái mề đay điều … chỉ rõ cái công lao phò tá lưỡng bang chánh phủ.”[7] 

Nhưng những tài liệu văn khố do tôi phát hiện trong các chuyến du khảo tại Pháp năm 1982-1999 cho thấy năm 1859, người mà chúng ta sau này biết là Trương Vĩnh Ký tự xưng, được đặt hay tự đặt cho mình tên “Petrus Key,” không có ba chữ Trương Vĩnh Ký kèm theo.

Có ba tài liệu văn khố giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này.

1. Tài liệu thứ nhất là thư Petrus Key được Dominique Lefèbre [Lơ-phep-brơ], Giám Mục Đường Trong Tây từ 1858 tới 30/4/1864, chuyển cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry [Giăng Bec-na Giô-rê-guy-be-ry, phiên âm qua chữ Nho là Thanh Cát Hà Tự]; chỉ huy trưởng căn cứ Sài Gòn từ ngày 23/3/1859 tới tháng 4/1860.

Trong thư ra mắt Jauréguiberry và quan tướng Pháp, thông ngôn được các giáo mục đề cử Petrus Key [hay chú Ký, theo Linh Mục Henri Borelle, phụ tá của Lefèbvre], ca ngợi binh đội Pháp như những thiên thần được Thượng đế gửi xuống cứu giúp giáo dân Ki-tô An Nam đang rên xiết dưới bạo quyền ngoại đạo; và van nài thiên thần của Thượng Đế sớm giái phóng dân Ki-tô bản xứ. Đã công bố trên nguyệt san Quốc Dân năm 1996, và tâm bút Paris Xuân 1996 (1997). Năm 2015-2016, chúng tôi mới công bố nguyên văn lá thư khá dài, 4 trang, trên cùng những tư liệu liên hệ, và lược dịch trong Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện hay Không Kiện?[8]

Petrus Key kết luận lá thư cho “Grand Chef et Vous Tous, très honorables officiers de la flotte francaise”:

Ayez pitié de nous ; Ayez pitié de nous. Vous êtes nos libérateurs et la main des ennemis nous a touchés ! Hala! The wearer knows very well where the shoe pincheth (?). Nous savons aussi que “qui trop embrasse mal étreint ;” Et cependant nos souffrances nous poussent à invoquer votre puissance et à vous exposer du fond du cœur tout ce que je vient de soumettre à votre prudence et à votre sagesse.” (GG2 99 :2)

Trong báo cáo ngày Thứ Bảy, 2/4/1859 lên Phó Đô đốc [Vice Amiral] Charles Rigault de Genouilly [Sác-lơ Ri-gôn đờ Giơ-nui-y], Tư lệnh cuộc “biểu dương lực lượng 1/9/1858-1/11/1859—đang trên đường ra Vũng Tàu, trở lại Đà Nẵng, sau khi hạ thành Sài Gòn ngày 17/2/1859, thiết lập soái phủ xâm lược thứ hai trên lãnh thổ Đại Nam—Jauréguiberry gửi kèm “lá thư dài, chẳng có gì quan trọng, của viên thông ngôn đã chờ đợi bấy lâu” trên, cùng một số cáo thị của quan Việt trong tuần do Giám Mục Lefèbvre dịch qua chữ Pháp.[9] 

Jauréguiberry sau này trở thành Phó Đô đốc, Thượng Nghị Sĩ, Bộ trưởng Hải Quân và Thuộc Địa từ 1879. Dưới thời chính phủ Jules Ferry, cho phép Thống đốc Charles Lemyre de Villers [Sac-lơ Lơ-mia-rơ đờ Vi-le] (7/7/1879-13/1/1883) mở rộng quyền bảo hộ ra Bắc Kỳ, qua cuộc xâm lăng của Trung tá Henri Rivière [Hăng-ri Ri-vi-e-rơ] năm 1882-1883.

2. Tài liệu thứ hai là danh sách ban thông ngôn của toán liên lạc Soái phủ Sài Gòn, do Trung tá Henri Rieunier [Hăng-ri Ri-ơ-ni-ê] (1833-1918) cầm đầu, có nhiệm vụ hướng dẫn sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp và Espania (21/6/1863-21/3/1864)—với ảo vọng chuộc lại ba tinh miền Đông Nam Kỳ, tức Gia Định, Biên Hòa và Định Tường, đã cắt nhượng qua Hiệp ước “hòa bình, hữu nghị 5/6/1862.”

Danh sách ban thông ngôn soái phủ Sài Gòn này xếp chữ typo, với phụ chú chữ Nho ở phía tay trái, và có chữ ký chứng thực của Rieunier. Phần sắp chữ typo, chỉ đề tên “Petrus Key, Giáo viên trường Thông ngôn.” Phần chữ Nho, có thêm chi tiết: “nhất đẳng thông ngôn Trương Vĩnh Ký.” Đã trích đăng trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con nguòi & Huyền thoại (1997), và Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1884-1945 (1999).[10]

Rieunier phục vụ nhiều năm ở Việt Nam—khởi đầu từ cấp úy trong sư đoàn hải quân của Rigault de Genouilly, cung cấp những thông tin về cuộc biểu dương lực lượng tại Đà Nẵng hay miền nam.[11] Năm 1860, trở thành một hạm trưởng; rồi ngày 8/2/1862, tùy viên của Đề đốc/Thống đốc Louis Alphonse Bonard [Lu-i Bô-na] (29/11/1861-30/4/1863) [cho tới ngày 11/3/1862]. Thư gửi cha ngày 1/3/1862 Rieunier tiết lộ Bonard  muốn chứng minh cho người Việt biết là Pháp tới Đại Nam để ở lại mãi mãi [Il veut montrer aux annamites que nous sommes ici pour toujours; les travaux que l'on fait à Saigon, le leur montrer assez].[12] 

Năm 1864, Thiếu tá Rieunier đã xuất bản một bài về thương mại và kinh tế của Cochinchine.[13] Có lẽ nhằm mục đích ủng hộ chính sách chiếm giữ Nam Kỳ, chống lại chủ trương cho Huế chuộc lại ba tỉnh miền Đông như đã hứa với Phan Thanh Giản tại Pháp. Sau này, Rieunier trở thành hội viên của nhóm thuộc địa, ra sức cổ vũ việc chiếm toàn bộ Nam Kỳ.

Thống đốc Bonard là người đã áp lực vua Nguyễn Phước Thời phải sai Phan Thanh Giản (1796-1867) và Lâm Duy Hiệp [Thiếp] vào Sài Gòn ký hiệp ước 5/6/1862, và rồi phê chuẩn hiệp ước trên tại Huế ngày 16/4/1963, trước khi bàn giao cho Đề đốc/Thống đốc Pierre Bénoit de La Grandière [Pi-e-rơ Bê-noa đơ La Grăng-đi-ê-rơ] (1/5/1863-31/3/1865, [Phó Đô Đốc] 20/11/1865-4/4/1868). Điều kiện để trao đổi: Ngưng yểm trợ cuộc nổi loạn của Pedro Tạ Văn Phượng/Lê Duy Minh ở duyên hải Bắc Kỳ mà Petrus Key có thể liên hệ. Và đồng ý cho gửi sứ đoàn Nguyễn qua Pháp.

Từ năm 1862, Bonard đã bí mật gửi Trung sĩ Charles Duval ra Bắc giúp Tạ Văn Phượng/Phụng đánh thắng nhiều trận. Ngày 29/3/1862, Hải tặc Phượng làm chủ miền Quảng Yên. Lấy Đồ Sơn làm sào huyệt. Cầm đầu là hai cố đạo Bộ và Ước. Có chừng 50-60 thuyền, 300 quân. Suy tôn Lê Duy Minh (Tạ Văn Phượng/Phụng) làm chủ soái. Ngày 5/5/1862, Bonard sai Trung tá Charles Simon mang tàu Forbin ra bỏ neo ở sông Hương, trao tối hậu thư cho triều đình Huế, đòi hỏi:

1. Cử một Đặc mệnh toàn quyền vào Sài Gòn thương nghị.

2. Phải bồi thường quân phí.

3. Phải nộp trước 10 vạn làm tin.

Petrus Key tháp tùng sứ đoàn này. Ngày 28/5/1862, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp [Thiếp] bắt đầu thương thuyết trên chiến hạm Duperrié tại Sài Gòn, và chín ngày sau ký hiệp ước 5/6/1862 [9/5 Nhâm Tuất] với Bonard, cùng Đại tá Palanca y Guittiérez (nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Phú Lãng Sa, tự do truyền đạo, trả chiến phí 4 triệu Mỹ kim, trong vòng 10 năm. Vì triều Nguyễn không có Mỹ kim, một Mỹ kim tính bằng 72% lạng bạc [tức 2,888,000 lạng bạc x 0.0375 =108,300 kg] (điều 8).[14] 

Trưởng ban thông ngôn là Trung tá Gabriel Aubaret [Ga-bri-en Ô-ba-rê], một chuyên viên chữ Hán, người chủ trương hợp tác với dân bản xứ để cai trị, thay vì Pháp hóa và Ki-tô-hóa như các giáo sĩ cổ võ. Ngày 27/2/1862, Bonard báo cáo về một tờ trình của Aubaret, liên quan đến việc tổ chức hành chính ở Cochinchine [Cô-sanh-sin]:

“Người bản xứ cai trị, dưới sự kiểm soát của chúng ta, theo ý tôi, là cách duy nhất giải quyết vấn đề [L'administration par les indigènes, sous notre surveillance, est à mon avis, la seule manière de résoudre le problème].”

Các nhà truyền giáo mở một chiến dịch tố cáo vua quan Nguyễn thiếu thành thực, chỉ vờ hoà hoãn để rảnh tay đánh dẹp “con cháu nhà Lê,” mà vẫn chưa thành tâm phóng thích tất cả giáo dân bị bắt giữ.[15]

Ngày 10/12/1862, Bonard trả lời rằng các giáo sĩ quá nghiêng về chính trị. Giám Mục Francois-Marie Pellerin gửi cho Bonard một đề nghị đưa cháu nội Thái tử Cảnh lên ngôi; trong khi giáo sĩ ngoài Bắc [Pierre Retord, J D Gauthier, và Giám mục Espania] muốn dòng giõi nhà Lê. Bởi thế cần thận trọng về những lời kêu than bị bài đạo. Tất cả những mưu mô chính trị đều có màu sắc tôn giáo.[16] 

Ngày 10/12/1862 này, Bộ trưởng Hải Quân Chasseloup-Laubat cũng cho Bonard biết vua Napoléon III chấp thuận đường lối của Bonard về Xiêm, Kamboja và Huế. [17]

Từ ba năm trước, ngày 10/6/1859, Phó Đô đốc Rigault de Genouilly đã đề cập đến vấn đề này. Trích dẫn báo cáo ngày 30/5/1859 của Jauréguiberry về việc các giáo sĩ phá hoại việc thương thuyết. Theo Rigault, đã tìm thấy nhiều chứng cớ; và Pellerin thì cũng giống như Lefèbvre. Các giáo sĩ tung tin đồn Pháp nhất định lật đổ nhà Nguyễn, v.. v... khiến vua Việt không chịu thương thuyết. Các giáo sĩ còn đưa ra [Tạ Văn Phượng,] một phụ tá thông ngôn, kẻ đã giả mạo ấn tín nhà Lê và phủ ngập toàn quốc bằng những tuyên cáo.

Ngày 10/6/1859, Rigault cũng xin được thay thế, vì từ tháng 1/1859 bắt đầu thấy mệt mỏi (BB4-769).

3. Tài liệu thứ ba là bản dịch thư sứ đoàn Nguyễn gửi “Phó vương” Alexandrie, cảm tạ sự tiếp đón nồng nhiệt sứ đoàn. Dưới bản dịch Pháp ngữ này có chữ ký Petrus Trương Vĩnh Key; và lời thị thực của Rieunier.

Ngoài ra, còn nhiều tài liệu văn khố khác—gồm, dù không giới hạn trong cảc thư của Lơ-phep-brơ, Bô-ren, hay công điện trao đổi giữa Phó Đô đốc Ri-gôn đờ Giơ-nui-y, cùng Giô-rê-guy-be-ri, v... v...—không ai có căn bản giáo dục phổ thông cùng sự lương thiện trí thức tối thiểu có thể phủ nhận:

Ngày 6/3/1859: Lefèbvre, Giám mục d'Isauropolis, báo cáo là đã có thông dịch viên, nhưng bị đau chưa tới đồn Pháp được. (SHM (Vincennes) GG2 99, carton 2).

Ngày 24/3/1859: Linh mục Henri Borelle, Quản lỷ Giáo phận Đường Trong Nam,  viết thư cho Lefèbvre. Thông báo “chú Ký” đã trên đường tới Sài Gòn. Bị bắt giữa đường, nhưng rồi tiếp tục đi. Nói gián điệp của triều Nguyễn đã xâm nhập quanh Lefèbvre, dù Giáo hay Lương. Tại Long Hồ và Mỹ Tho, quan lại gia tăng các biện pháp chống lại giáo dân, nhất là các giáo dân không được di chuyển vì quan lại đặt thập tự giá tại các trạm thuế. Người Lương cũng không dám đi mua bán vì quan lại trưng thu thuyền bè. Lúa chín không gặt được. Dân chúng, kể cả người Lương, đều muốn quân Pháp xuống ổn định tình hình. Theo họ chỉ cần hai tàu chiến Pháp đã đủ. (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 2).

Thứ Bảy, 2/4/1859: Jauréguiberry chỉ thị cho tổ chức lễ mỗi sáng chủ nhật tại đồn Sài Gòn hay trên tàu Durance. (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 1).

- Jauréguiberry báo cáo tình trạng chung ở Sài Gòn. Có 80 quân nhân phải nghỉ bệnh. Quân Việt đang tập trung khoảng 10,000 người quanh khu vực Lăng Cha Cả, có voi trận. Đã bắt giữ một số Hoa kiều vì tội cung cấp thực phẩm cho Pháp. Số dân quanh đồn Pháp ngày một gia tăng. Tuy nhiên, thiếu thực phẩm tươi.

Có người tới đề nghị cung cấp 50 cu-li để di tản thương binh hay khuân vác đồ vật, nhưng Jauréguiberry thoái thác. Jauréguiberry cũng từ chối việc cung cấp võ khí.

Gửi ra Tourane 2 tù binh bị dân bắt. Gửi kèm theo báo cáo lá thư dài, chẳng có gì quan trọng, của viên thông ngôn đã chờ đợi bấy lâu (Petrus Key), và bản dịch một số cáo thị của quan lại Việt trong tuần qua do đích tay Lefèbvre thông dịch. (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 1).

5/4/1859: Rigault de Genouilly thả neo ở Cap St Jacques trên đường ra Tourane.

10/4/1859: Lefèbvre báo cáo đã lập thêm một làng Ki-tô.

11/4/1859: Jauréguiberry thư cho Lefèbvre: Trước khi lên đường trở lại Tourane, Rigault de Genouilly đã quyết định:

1. Không chấp thuận cho các giáo dân được chia bất cứ phần lãnh thổ nào dưới sự che chở của đại bác Pháp; nhưng cho họ tạm mượn nhà cửa và đất gần đó.

2. Muốn làng mới mở rộng về diện tích theo chiều dài (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 1).

15/4/1859: Rigault de Genouilly tới cửa Hàn.

16/4/1859: Lefèbvre, thư cho Jauréguiberry:

- Borelle là phụ tá của Lefèbre, phụ trách bốn tỉnh Tây Nam Nam kỳ.

- Nếu tình trạng này tiếp tục, giáo dân Ki-tô sẽ bị chết đói vì lệnh cấm di chuyển.

- Người ta bắt đầu than thở rằng người Pháp không đến đây để giải cứu giáo dân Ki-tô khỏi sự đàn áp, mà chỉ đến để tìm những lợi nhuận nhất thời. Yêu cầu Jauréguiberry cho biết rõ hơn ý định của Pháp: Rigault de Genouilly sẽ đánh Huế ngay hay còn chần chừ? Quan lại Việt đang tập trung kho tàng ở Sa Đéc, cửa ngõ vào Châu Đốc, và muốn bỏ rơi các tỉnh miền Đông.

- Một cố đạo bị bắt ở Mỹ Tho với một giáo dân. Ba người khác đến thăm họ cũng bị bắt luôn. Như thế, tổng số tù nhân Ki-tô ở Mỹ Tho lên tới 20 người; Long Hồ, 4; và, Châu Đốc, 13.

- Cải chính tin Lefèbvre đã cho lệnh giáo dân nổi lên cưóp bóc.

- Việc làm đường bị đình trễ vì thiếu dụng cụ

- Rigault de Genouilly than phiền rằng giáo dân Ki-tô không tích cực yểm trợ là không đúng: Việc đòi hỏi 100 cu-li bản xứ chuyển đến trưa ngày Chủ Nhật, Lefèbvre phải cho lệnh làng Chợ Quán, và ngày thứ Hai, lệnh này mới được niêm yết, rồi ngày thứ Tư mới có đủ 100 người, kể cả đàn bà, trẻ con. Lại có lộn xộn về vấn đề trả tiền công, và thái độ không đẹp của các thủy thủ và binh sĩ. (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 2).

* Jauréguiberry trả lời:

- Sẽ chuyển cho Rigault de Genouilly tóm lược lá thư của Borelle.

- Muốn thấy lòng tốt của giáo dân Việt chứng tỏ bằng hành động hơn lời nói. “Jusqu'à présent ils sont loin d'avoir mérité nos éloges.”

- Sẽ trả cho mỗi cu-li một ligature một ngày, gấp 3 lần giá thông thường (GG2 99, carton 1).

17/4/1859: Rigault de Genouilly cử Linh mục Maru làm thông dịch của Jauréguiberry; và, tuyên úy của tàu Gironde thay Pelletier làm Tuyên úy Sài Gòn. (SHM (Vincennes), GG2 99, carton 2).

Sử dụng tên Petrus Key, như thế, trước hết không những chính xác hơn tên Petrus Ký, mà còn tôn trọng ý nguyện của ông ta. Thứ nữa, dùng tên Petrus Key còn  hàm ý kêu gọi nỗ lực nghiên cứu thêm về gia thế ông. Các nhà “Petrus Key học” tương lai nên tìm hiểu, một cách rõ ràng chính xác mà đừng nhắm mắt suy đoán vu vơ, là tại sao Petrus Key sau này tự khai (hoặc lấy lại) tên Trương Vĩnh Ký? Phải chăng “Trương Vĩnh Ký” chỉ là tên Việt hóa của Petrus Key, cho những mục tiêu nào đó (như bỏ tu, lấy vợ, trở lại xã hội)? Hay, Petrus Key đơn giản chỉ là bí danh đầu tiên của “Trương Vĩnh Ký,” như chúng ta thường hiểu?

Khi đã lớn tuổi, Petrus Key còn dùng tên hiệu “Sĩ Tải” Trương Vĩnh Ký.[18] 

Tuy nhiên, hầu hết các sách của Petrus Key vẫn đề “P.J.B. Truong Vinh Ky.” Xem, chẳng hạn, Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine [Bài giảng sử An Nam dành cho các trường tiểu học ở Nam Kỳ thấp] hiện tàng trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp, Paris, với danh số [cote] LK10-102 (1); nhưng tập II đóng lên trước tập I.[19] Ngoài ra, còn 27 cuốn khác; kể cả 2 bản Abrégé de grammaire annamite (1867, 1924), 1 bản Grammaire de la langue annamite (1883), 1 bản Cours pratique de langue annamite (1868), 2 bản Mẹo luật dạy học tiếng Pha-lang-sa: tóm lại văn vắn để dạy học trò mới nhập trường (1867, 1872), 1 bản Dictionnaire francais-annamite (1878), 2 bản Petit dictionnaire francais-annamite (1884, 1920), 2 bản Poème Kim Vân Kiều truyện (1875, 1889), 1 bản Lục vân tiên truyện (1897), 1 bản Lục súc tranh công (1887), 1 bản Poèmes populaires annamites (1889), 1 bản Huấn mông khúc ca: sách dạy trẻ nhỏ học chữ nhu (1884), 1 bản Tam tự kinh cuốc ngữ diễn ca (1884), 1 bản Voyage au Tonking en 1876 (1881) hiện lưu trữ tại thư viện Pháp.[20] 

 Vì Petrus Key là người của hai nền văn hóa–đúng hơn, hai nền văn hóa rưỡi, tức văn hóa thuộc địa/bảo hộ Pháp, thần quyền Ki-tô Vatican, và văn hóa Trung cổ Việt đang suy thoái–gọi Petrus Key bằng bất cứ tên nào đều có thể chấp nhận được. Nhưng để tôn trọng tâm nguyện của Petrus Key, xuyên suốt nghiên cứu này tôi sẽ dùng tên Petrus Key hay Trương Vĩnh Ký, hoặc “P.J.B. Truong Vinh Ky.” Với ai đó, tên “Petrus Key” có thể hơi “lạ,” nhưng cách ghi này chỉ là nguyên tắc thông thường. Nên trả lại cho Cesar những gì của Cesar, vật hoàn cố chủ, theo đúng nghĩa đen của chữ.

 

SƠ LƯỢC VỀ NHỮNG TÀI LIỆU GIÚP NGHIÊN CỨU PETRUS KEY:

Cho tới năm 2019, quan điểm và mục tiêu chính trị giai đoạn vẫn ảnh hưởng mạnh trên hầu hết các tác phẩm viết về Petrus Key.

Khối văn chương “cung văn” [hagiographies] có bốn nguồn chính: tài liệu truyền giáo, các tác giả Pháp, cựu học sinh hay giáo chức trường Petrus Ký, và những người muốn mượn tên tuổi Petrus Key làm hậu thuẫn chính trị. Kiểu Giáo sư Nguyễn Văn Trung nói với tôi ở Houston: Cần kéo Petrus Ký “về phe ta.”

Về tài liệu truyền giáo, tiêu biểu có Pierre Khorat với bài “Les personalités annamites catholiques [Những người nổi tiếng An-nam-mít có đạo Ki-tô]” trong cuốn Annales de la Société des Missions Etrangères [Niên giám Hội truyền giáo hải ngoại] năm 1913 (tr. 243-249). Khorat ca ngợi Petrus Key như một trong bốn giáo dân Ki-tô góp công lớn trong việc thiết lập nền bảo hộ Pháp, bên cạnh Linh mục Trần Lục (Père Six, cánh tay bản xứ của Giám mục Paul Puginier, người tự nhận là cầm đầu hệ thống tình báo dân gian, với chủ trương cần loại bỏ bọn nho sĩ râu dê [goatees], sử dụng giáo dân Ki-tô, bạn trung thành nhất của Pháp), Huyện Sỹ Philippe Lê Phát Đạt (1838-1900, ông ngoại cựu Hoàng hậu Nam Phương), Tổng đốc Trần Bá Lộc (cấp chỉ huy quân sự lừng danh từ Nam Kỳ ra tới Bình Thuận trong các chiến dịch “bình định” của quân viễn chinh Pháp), Đỗ Hữu Phương, v.. v...

Vài tác giả Pháp cũng viết về Petrus Key như Henri Cordier, và đặc biệt là Jean Bouchot, một viên chức quản thủ văn khố [archivist]. Bouchot thu thập tư liệu của gia đình Petrus Key hầu viết tiểu sử ông.[21] Học giả Mỹ và Bri-tên cũng nhắc đến Petrus Ký hay dịch sang chữ Anh [English]  tác phẩm của ông.[22] Đây quả là vinh dự cá nhân cho Petrus Key. Nhưng, đồng thời, những tư liệu trên cũng hùng hồn chứng minh vai trò trung gian bản xứ ngoại hạng [collaborateur] mà Petrus Key thủ diễn trong cuộc xâm lăng và bình định xứ Nam Kỳ của Pháp [Cochinchine francaise], cũng như mở rộng cuộc xâm lăng ra Bắc và Trung Kỳ (1859-1886), hay sát nhập nước Ai Lao vào Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (1889). Lãnh tụ Trốt Kít Trần Văn Thạch (1905-1945), dưới bút danh Petit Cloud [cây đinh nhỏ] trên La Lutte [Tranh Đấu]  gọi Petrus Key là “biopatriote,” nhà ái quốc lưỡng bang, phục vụ hai Tổ quốc.[23]

Cựu học sinh và giáo chức trường Petrus Ký lên tới hàng chục ngàn người, gồm nhiều khoa bảng và viên chức cao cấp từ thời Pháp thuộc tới Việt Nam Cộng Hòa, và rồi chủ nghĩa xã hội hiện nay. Một số người không thể không viết tốt về nhân vật được đặt tên cho ngôi trường thuở thanh thiếu niên của họ. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,” như một nhà thơ từng viết.[24]

Một số tác giả miền Nam còn mang tâm trạng “tôn sùng vĩ nhân” bản xứ. Trường hợp tiêu biểu nhất là Viên Đài & Nguyễn Đồng, qua bài “Nhân ngày giỗ thứ 60 P.J.B. Trương Vĩnh Ký: Người đã mở đầu một kỷ nguyên văn học Việt Nam mới.” Rất tiếc chẳng những không giúp được gì cho sự hiểu biết thêm về cá nhân hay sự triển biến tư tưởng của Petrus Key, hai tác giả trên chỉ đóng góp được một phụ bản chữ ký của “P. Trương Vĩnh Ký” vào ngày 23/7/1872, và bản danh sách 127 [trong số “143”?] tác phẩm Petrus Key đã biên soạn. (Ibid., 40:54) Còn lại, thuần những dữ kiện mờ tối, cần kiểm chứng và truy cứu thêm mà Bouchot và các tác giả khác đã phóng bút từ năm 1927.[25] 

Đáng quan tâm hơn nữa là đôi ba người không những chỉ coi như “chân lý” các dữ kiện “cung văn” kiểu Petrus Key thông hiểu “26 thứ tiếng,” Petrus Key là nhà “đại ái quốc,”[26] Petrus Key tượng trưng cho tình thần bất khuất, nhìn xa thấy rộng, “muốn tự trị” của Nam Kỳ lục tỉnh, v.. v..., mà còn ra công bảo vệ thứ “chân lý giả ngụy” này bằng mọi giá.[27] 

[Một tác giả trong nước, còn tiểu thuyết hóa cuộc đời Petrus Key, hết lời cung văn cho việc hợp tác với quân viễn chinh Pháp, coi đó là một hành động yêu nước. Theo đúng thủ thuật cung văn quen thuộc của các chế độ chuyên chính, và được sự cổ võ của vài ba nhân vật quyền thế như Sáu Dân Võ Văn Kiệt [Phan Văn Hòa], tác giả này cho Petrus Key từ thuở lên bốn, lên năm đã đọc tứ thư, ngũ kinh Khổng Giáo (chỉ dành cho những khóa sinh chuẩn bị thi Hương hay thi Hội); đọc Thánh kinh (Bible) viết bằng tiếng Latin từ lúc chưa đầy tám, chín tuổi, dù ngay đến các giáo sĩ Pháp cũng rất ít khi, nếu không phải chẳng bao giờ được quyền mang theo Thánh kinh đi giảng đạo (họ chỉ mang theo sách giảng tám ngày, sách lễ và đại loại); tảng lờ hoặc không biết đến những báo cáo do đích tay Petrus Key viết trình lên thượng cấp người Pháp; bịa đặt ra những cảnh giáo dân Ki-tô bị quan quân đập chết bằng vồ, con nít bị xé xác làm nhiều mảnh trong các chiến dịch bài đạo của vua Nguyễn Phước Đảm, v.. v... (dưới dạng ngủ mơ); có lẽ với mục đích bảo vệ quyết định của Phan Văn Hòa/Võ Văn Kiệt thay tên đường Thái Văn Lung—một Luật sư thủ lĩnh nhóm Thanh Niên Tiền Phong do Nhật bảo trợ năm 1945, chết trong phòng tra tấn của Pháp năm 1946—bằng Alexandre de Rhodes [A Lịch Sơn Đắc Lộ], rồi cho lập trường trung học tư (dân lập) Petrus Ký, vì trường công lập cũ đã bị đổi tên thành Lê Hồng Phong (1902-1942)—tức Lê Huy Doãn, một cựu cán bộ Comintern [Marxist-Leninist Communism] Nga Sô và đảng viên gongshan [Cộng Sản] Tàu, bí danh Mikhail Litvinov, Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng Sản Đông Dương nhiệm kỳ 1935-1939.[28] 

Loại phóng bút hoang tưởng này bất chấp những sự thực lịch sử như Việt Nam, đặc biệt là đất Đà Nẵng/Hội An, đã dung chứa hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Nhật trốn chạy cuộc thảm sát Ki-tô ở Nhật trong giai đoạn 1597-1624; mở rộng vòng tay đón nhận những giáo sĩ “Hòa Lan” đầu tiên như Francesco Buzomi (Italia), Diego Carvalho (người Portugal), Antonio Diaz (người Espania), cùng hai người Nhật Joseph và Paul từ ngày 18/1/1615; rồi đến các giáo sĩ Andrea Fernandez (Portugal, 1615), Francisco Mareto (Portugal), Francesco di Pina (Italia, 1617), Christoforo Borri (Italia, 1618); và cho phép họ mang thông ngôn đi hỏi người Việt, “Con Gnoo muon bau lom laom Hoa laom chỉa?” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chưa?).[29] 

Tại Đường Ngoài, chúa Trịnh cũng vậy. Trên thực tế, vua chúa Việt không hề tắm máu giáo dân Ki-tô như vua chúa Nhật, mà thường chỉ trừng trị hàng giáo sĩ ngoại quốc hay giáo mục bản xứ--theo hình luật phiến gian, thụ đảng, hay tả đạo. Cổ nhân thường dạy “Dậu đổ, bìm leo,” là vậy!]

Tháng 3/1859, sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, tại Giáo phận Cochinchine Tây chỉ có khoảng 20 giáo dân bị bắt.

Trong số người muốn dùng Petrus Key để bày tỏ quan điểm chính trị của mình có Hồ Hữu Tường và Nguyễn Văn “Bảy” Trấn, cựu đao thủ phủ đất Chợ Đệm trong hai năm 1945-1946. Qua bài “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký: Từ người trí thức tới kẻ sĩ phu” đọc tại Sài Gòn và đăng lại trên báo Bách Khoa năm 1974, Hồ Hữu Tường đưa ra những biện hộ ôn hòa, dù chẳng sử dụng được một tài liệu nào mới, và dữ kiện đưa ra thường không đúng sự thực.[30] Gần 20 năm sau, “Bảy” Trấn giải thích rằng chữ “người Pháp” (mà Petrus Key cổ võ thúc dục người Việt phải đưa cả hai tay ra mà bám chặt lấy để đứng lên) trong thư từ hay báo cáo Petrus Key viết cho các viên chức Pháp phải hiểu rộng thành “Tây phương.”[31] Lối giải thích quá rộng rãi này, dù với hàm ý gì đi nữa trong giai đoạn “đổi mới” tại Việt Nam—thường biết như Tư Bản Đỏ/Xã Hội Chủ Nghĩa—có thể khiến Petrus Key phải dơ tay phản kháng từ đáy mồ. (Vì Petrus Key rất hãnh diện được làm dân của nước [patrie] mới là Cochinchine francaise [Nam Kỳ Của Pháp], nơi chôn rau cắt rốn, và tổ quốc vĩ đại hơn là Pha Lang Sa, siêu cường thế giới.[32] Và quan trọng hơn, nô bộc [serviteur] của quan tướng Pháp, lúc nào cũng “sẵn sàng xẻ tư thân xác” cho chủ.

Nguyễn Thanh Liêm, vào khoảng năm 1995, thì trích dẫn lại hầu hết những lời xưng tụng “nhà giáo dục” Petrus Key mà không kiểm chứng mức độ khả tín của tư liệu, và nhất là quên đi khía cạnh “thày thông ngôn và quan Tây,” cùng nhiệm vụ tuyên truyền khi làm báo, viết sách thuê cho Pháp để đáp ứng mục tiêu chính trị của nền giáo dục thuộc địa ấy. (tr. 11-22)

Dĩ nhiên, nhiều cựu học sinh trường Petrus Ký [Dược sĩ Trần Văn Lắm, cháu gọi Y sĩ Nguyễn Văn Thinh là cậu; Giáo sư, y sĩ Trần Ngươn Phiêu]  biết rất rõ vai trò đích thực của Petrus Key cũng như khả năng ngôn ngữ và vai trò “văn hóa” của ông, nhưng họ đã chọn thái độ im lặng. Chẳng ai muốn khuấy bùn làm đục nước ao. Khả năng và tinh thần yêu nước của các cựu học sinh trường Petrus Ký chẳng liên quan gì tới vai trò lịch sử hay tài năng của Petrus Key, một cá nhân đã được chính quyền thuộc địa đặt làm tên trường học của họ (và họ không có lựa chọn nào hơn phải chấp nhận). Họ phân biệt rõ ràng giữa “tinh thần trường Petrus Ký” và “tinh thần Petrus Key.” Hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, cựu giáo chức và học sinh trường Petrus Ký đã đổ máu hay hy sinh mạng sống trong cuộc đấu tranh kháng Pháp, giành độc lập, giương danh quốc dân và đất nước Việt trên thế giới, hoàn toàn trái ngược với lời hô hào hãy đồng hóa quyền lợi của người An-nam-mít với quyền lợi Đại Pha Lang Sa mà Petrus Key đề xướng–hai thứ quyền lợi khác nhau như nước với lửa. Ngay việc không xin vào dân tây của Petrus Key, theo ông—ngoài ý nghĩ con quạ không thể biến thành cò, chim ưng không thể hóa thành chim công (Thư gửi Trần Tử Ca, Trấn, 1993, tr 165-166)—còn nhằm phục vụ tổ quốc pha lang sa một cách tích cực hơn, đồng thời che mắt dân dưới phố với bảng hiệu “yêu cả hai nước” [dual patriotism] hầu che đậy thân phận nô bộc, tôi tớ trung thành của ngoại nhân, (Thư cho Siéfert; Trấn, 1993, tr 172) với số lương hậu hỹ lên tới 1,880 francs hàng năm vào 1887.[33]

Cũng có tác giả nghiêng về khuynh hướng “đào mộ,” thích gọi Petrus Key bằng những tiếng xúc phạm nặng nề như “Việt gian,” “tay sai đắc lực cho thực dân Pháp,” v.. v... Từ thập niên 1960, tại miền Bắc đã công khai dùng tiếng này.[34] 

Tại miền Nam, một số tác giả cũng đặt lại vai trò Petrus Key trong lịch sử. Tiêu biểu nhất có những bài viết trên Bách Khoa của Nguyễn Sinh Duy [8/1974] và Phạm Long Điền [11/1974]. Hai tác giả Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền đã trả lời khá xuất sắc cung văn của Hồ Hữu Tường về Petrus Key.

Vào thập niên 1990, con người và tác phẩm Petrus Key lại được đem ra mổ xẻ. Phần vì có thêm những tư liệu mới. Phần vì có nỗ lực chính trị để thiết lập một trường trung học dân lập (tư thục) mang tên Petrus Ký tại Sài Gòn. Ngoài ra, còn âm mưu bành trướng ảnh hưởng của một thiểu số giáo mục và giáo dân Ki-tô tham vọng. Tôi không theo dõi kỹ những cuộc tranh luận này vì vài lý do.

Trước hết, tôi không nuôi tham vọng làm một “nhà Petrus Key học.” Những tư liệu tìm được về Petrus Key chỉ rất tình cờ. Hơn nữa, vai trò lịch sử của Petrus Key đã được xác định, từ lâu: một trong những khai quốc công thần của nền thuộc địa/bảo hộ Pháp; nhưng vẫn chỉ là một thành phần trung gian bản xứ “được khai hóa” thường tự xưng là “tôi tớ hèn mọn” [humble serviteur]. Chỉ cần nhìn vào hàng huy chương trong di ảnh Petrus Key đủ chứng minh điều này: Nào là Bắc đẩu Bội tinh, Long Khánh Bội tinh, v.. v... Lá thư gửi quan tướng Pháp năm 1859—bị Jauréguiberry phê bình là chẳng có gì đáng nói—chỉ là một tư liệu giúp minh định thời điểm thông ngôn Petrus Key trực tiếp xin hợp tác với các  thiên sứ thực dân xâm lược Pháp.

Thứ hai, tôi hiểu rằng với các sử quan “Cộng Sản,” hay Ki-tô, mọi nghiên cứu sử học chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, hay Giáo Hội. Những kết luận lớn và nhỏ của các sử quan (chưa hẳn đã là sử gia) trong nước, bởi thế, chẳng nên bận tâm. Vì chúng sẽ được thay đổi hay bỏ quên khi cần. Chỉ so sánh những tài liệu sử quan Cộng Sản viết về “Trung Hoa” trong thập niên 1950 và 1960, với những gì họ công bố từ năm 1980 tới 1990, rồi những gì họ đang viết về “Trung Quốc”vào đầu thế kỷ XXI (và ngược lại) đủ hiểu thân phận và nỗi buồn của người nghiên cứu còn lương thiện trí thức tại quốc nội. Nói cách khác, kết luận của những buổi hội thảo về Petrus Key chẳng đóng góp gì nhiều cho kiến thức sử học.

Tuy nhiên, một trường hợp đặc biệt cần ghi nhận. Đó là trường hợp cuốn Trương Vĩnh Ký: Nhà văn hóa của Nguyễn Văn Trung. Một thời, nhóm Giáo sư Trung (trí thức Ki-tô tiến bộ và đảng viên Cần Lao trung kiên) đả kích cả Petrus Key và Phạm Quỳnh khá nặng. Nhưng trong tập sách mới trên, ông Trung tự nhận đã thay đổi quan điểm. (Ibid., tr. 49, 137) Sự thay đổi này do mục đích chính trị giai đoạn hơn văn hóa. Trước hết, Giáo sư Trung ra công sưu tập được một số tư liệu nguyên bản của Petrus Key tại Sài Gòn và Hà Nội–như danh sách 141 tác phẩm do chính Petrus Key tự liệt kê vào năm 1892 (Ibid., tr. 109-131), danh sách bảy [7] ngoại ngữ Petrus Key từng học hỏi ghi trong hồ sơ cá nhân, (Ibid., tr. 138) hay phân tích khá kỹ lưỡng tờ học báo ít người chú ý, tức nguyệt san Miscellanées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et les familles (Thống Loại Khóa Trình) trong hai năm 1888-1889 (loại tài liệu dạy trong bộ môn khoa học, hay cách trí thường thức ở bậc đồng ấu và tiểu học). Ông Trung cũng tham khảo những bài viết về Petrus Key của một số tác giả, như Lê Thanh, Nguyễn Văn Tố, và một cây bút ít ai biết như Pierre Vieillard [Villard?], v.. v... Nhưng vì mục đích “kéo” Petrus Key về với văn hóa Việt Nam, ông Trung mất đi thế đứng trung dung của người nghiên cứu, để lộ vài kẽ hở kỹ thuật. Một trong những nhược điểm này là tránh phân tích nội dung tác phẩm của Petrus Key như bộ Bài học sử An-Nam-mít, hay Lịch sử Annam, nếu muốn, v.. v... Giáo sư Trung chỉ ghi nhận rằng Petrus Key đả kích các vua Nguyễn một cách “nghiêm khắc.” (Nguyễn Văn Trấn lược dịch năm 1993, tr 48-52) Thực ra, trong tập “giáo khoa sử tiểu học” trên, Petrus Key không những chỉ “nghiêm khắc” mà còn bịa đặt ra, hoặc sao chép lại những lời bịa đặt của người khác, cho mục đích chính trị nhất thời. Thí dụ như không hề có việc Nguyễn Văn Thành [mà Petrus Key viết thành Nguyễn Văn Thiềng] làm “vice-roi” [Phó vương] miền Bắc, bị vua Nguyễn Phước Đảm hại chết (Cours, 1875-1877, II:260); hay việc Nguyễn Phước Đảm giết hai con Thái tử Nguyễn Cảnh (6/4/1780-20/3/1801) và chị dâu sau khi khiến chị dâu góa bị mang thai. (Cours, 1875-1877, II:259-260; xem thêm chương VI). Hai Hoàng tử của vua Nguyễn Phước Tuyền hay Dung (11/2/1841-4/11/1847) [nhưng Petrus Key ghi sai thành Thiệu Trị Nguyễn Phước thì] không phải “Hoàng Bảo” và “Hoàng Nhậm;” tên đệm của họ là “Hường” hay Hồng. (Cựu Giáo sư Đại học Harvard Alexander B Woodside, gốc Bri-tên, trung thành chép lại) Từ thời điểm này nhìn lại những bịa đặt, chỉ trích đầy sai lầm về dữ kiện ấy chẳng xứng đáng với lời “cung văn” của Nguyễn Văn Tố như “science, conscience, modestie” [khoa học, lương tâm, khiêm tốn].[35]

Tại Thư viện Quốc Gia Pháp có tựa báo Thông Loại Khóa Trình của Chánh Tổng Tài Trương Sĩ Tải này, nhưng hiện không được phép tham khảo vì “không sử dụng được”) [Xem phần sau]. Và dĩ nhiên, khó thể xếp loại Petrus Key là “sử gia trung thực và có lương tâm” [historien fidèle et consciencieux] như ông tự phong (Cours, 1875-1877, II:251), hay được “cung văn.” (Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 45) Sử gia, theo tiêu chuẩn quốc tế, phải có bằng Tiến sĩ sử học, có tác phẩm, giảng dạy cấp đại học hay liên tục nghiên cứu tại các văn khố và xuất bản công trình nghiên cứu của mình.

Không được huấn luyện chuyên nghiệp về sử học, Petrus Key không trưng dẫn xuất xứ các tài liệu, mà còn viết trong lời tựa là chỉ chép lại những việc ai nấy đã biết bằng tiếng Pha Lang Sa—chẳng hiểu phiên âm từ tiêng “France” hay “francais.” (Nho gia Việt dùng tên Phú Lang Sa hay Phật Lang Tây; mãi tới năm 1882, sau khị đã xin nội thuộc nhà Thanh, Nguyễn Phước Thời mới cho lệnh dịch tên “France” thành “Pháp.”)

Ông Trung còn tránh đề cập đến khía cạnh “tài tử” trên lãnh vực ngôn ngữ học của Petrus Key; hoặc đúng hơn, chưa phân biệt rõ ràng khía cạnh “thực dụng” của khả năng ngoại ngữ (thông ngôn, giáo viên dạy tiếng Việt, Miên và Pháp) và “lý thuyết” ngôn ngữ học mà Petrus Key không hoặc chưa có dịp thảo luận. Tôi nghĩ những ghi chép vỏn vẹn 1, 2, 3 hay 5, 10 trang về một ngôn ngữ chưa đủ phản ảnh, hay chưa đủ số lượng tư liệu để lượng giá, khả năng hiểu biết của tác giả về ngôn ngữ ấy. Và, gọi là “tác phẩm” thì hơi quá đáng.

Hơn nữa, ông Trung cố lý luận rằng Giáo viên trường Thông ngôn và rồi Tập sự Hành chính (hay, “Hậu bổ” nếu muốn) đã trở thành một nhà ngôn ngữ học–có lẽ do những chữ linguiste hay philologue ghi trong hồ sơ cá nhân Petrus Key–dù chính ông chưa được tham khảo, hay biết mỗi cuốn trong [6] tựa sách liệt kê dày bao nhiêu trang, nội dung ra sao. Cuốn Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales [Bàn về sự tương đồng trong các ngôn ngữ và cách viết Đông phương] còn dưới dạng bản thảo, được Giáo sư Elucian Luro nhắc đến năm 1872, và in lại trong Thành tích biểu Hội Giáo dục Đông Dương [BSEI], (tome XV, No. 1-2, 1er & 2è trimestre 1940, tr. 73). Bản thảo Analyse comparée des principales langues du monde [Phân tích tỉ đối các ngôn ngữ chính trên thế giới] do Nguyễn Văn Tố nhắc đến năm 1937 trong Thành tích biểu Hội Truyền bá Quốc Ngữ Bắc Kỳ [BSEMT], (tome XVII, No. 1-2, Janvier-Juin 1937, tr. 37). Bản thảo Etude sans titre sur les langues de la Pennisule indochinoise [Nghiên cứu không có tựa đề về các ngôn ngữ ở bán đảo Đông Dương] do Lê Thanh nhắc đến trong cuốn Trương Vĩnh Ký, in tại Hà Nội năm 1941. (Có lẽ là tập ghi chép 33 trang trao tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn năm 1958). Tương tự, ba bản thảo Etude comparée sur les langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’Indochine [Nghiên cứu tỉ đối về ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng và phong tục Đông Dương]; Combinaisons des systèmes conventionnels des écritures idéographiques, hiérogliphiques, phonétiques et alphabétiques [Sự phối hợp những hệ thống qui ước về các lối chữ viết hội ý, ký hiệu (giống như chữ cổ Ê-gípt), ghi âm và bằng mẫu tự Latin]; và Etude comparée des écritures et des langues des trois branches linguistiques [Nghiên cứu tỉ đối về ba ngành ngôn ngữ học] chỉ thấy ghi trong thư mục chép tay của Petrus Key năm 1892, nhưng chưa ai được tham khảo. Hình dạng sách hay bản thảo chưa hề thấy, nội dung sách hay bản thảo chưa được đọc mà cứ nhắm mắt lại khen nức nở, sợ có thái quá chăng?

Đoạn nói về “Nghiên cứu nguồn gốc chữ viết Việt Nam” của Petrus Key, ông Trung dẫn hai cuốn Sách mẹo Annam, Abrégé grammaire annamite (1867, 1924) và Ecriture en Annam [Chữ viết ở An-Nam] để giới thiệu “thuyết” của Petrus Key rằng “chữ cổ Việt” vốn “ghi âm” [phonétique] hơn “tượng hình.” Lời võ đoán này chẳng dựa trên bằng chứng cụ thể nào ngoài câu tuyên bố vu vơ như dấu khắc tìm thấy trên đá núi Dahia.[36] Sợ rằng đây chỉ là thứ lập luận . . . “mua vui cũng được một và trống canh!” Chưa một tài liệu nào, kể cả các bộ cổ sử nặng mang tính cách dựng quốc thống của Ngô Sĩ Liên et al, hay di tích khảo cổ, cho phép tuyên bố nước cổ Việt đã có chữ viết giống như những nét khắc trên đá “ở đỉnh núi Dahia?” Dựa vào những câu phụ chú hoang tưởng [exotic] của Kinh Thư và Sử Ký về sứ nước Việt Thường tiến cống rùa vàng (đời vua Nghiêu, 2356-2255 TTL) hay chim trĩ trắng (năm thứ sáu đời Chu Thành vương, 1115-1079 TTL), “chín lần” hay “ba lần” thông ngôn mới hiểu được nhau, để đoan chắc hoặc phóng tưởng rằng người cổ Việt đã có chữ viết từ thế kỷ thứ V TTL (?),[37] sợ rằng chẳng “science, conscience, modestie” chút nào! Nó là một thứ võ đoán, trong nhiều võ đoán khác của Petrus Key rải rác trong các sách còn lưu giữ được, tương tự như lời phán “con nít từ nách chui ra.”

May mắn khi Petrus Key còn sống, những di tích khảo cổ chưa được phát hiện, bằng không có thể sẽ có những loại lý luận kiểu “hoa văn [hình khắc] trên trống đồng Đông Sơn” là “chữ cổ An Nam theo dạng ghi âm!”

Nên lưu ý, Petrus Key không hề nhắc đến quốc hiệu Việt Nam hay Đại Nam—chỉ dùng những tiếng Annam, Tonkin, Cochinchine, Cochinchine francaise. Không hiểu do cố ý, bắt chước các cố đạo Âu Châu.

Du khách và thông dịch Tây phương, kể cả các giáo sĩ Pháp, mượn tiếng Tàu “An Nam” để đề cập đến xứ nằm về “cực Đông của cựu thế giới có người ở” này. Không hiểu những nhà thông thái trên đã tìm ra tên “An Nam Đô hộ phủ” đời Đường (679), dựa theo tước “An Nam quốc vương” của các vua Việt từ năm 1164, hay sử dụng thuật ngữ “An Nam Đô thống sứ ti” của nhà Minh từ 1541 tới 1647,[38] và “An Nam quốc” từ năm 1667 triều Thanh Thành tổ Ái Tân Giác La Huyền Hoa (1661-1720) tới năm 1804 triều Ngung Diễm (1796-1820).[39] 

Cách nào đi nữa, người Portuguese dùng tiếng “Onam” để gọi người Việt. Các giáo sĩ và học giả Pháp sáng tạo thêm từ “annamite” để chỉ người Việt và những gì thuộc về nước Việt. Quốc hiệu Việt Nam từ 1804 tới 1838 (và từ 1945 trở đi), hay Đại Nam (từ 1838 tới 1945) hầu như biến dạng trên thế giới.[40] Cũng chìm vào lãng quên là quốc hiệu Đại Việt từ thời Lý Nhật Tôn (Thánh Tông, 3/11/1054-1/2/1072) tới Tây Sơn (1778-16/7/1802).[41] 

Ngoài địa danh An Nam, các giáo sĩ còn dùng những tiếng Đường/Đàng Ngoài và Đường/Đàng Trong—tức hai phần lãnh thổ Bắc và Nam sông Gianh, được đặt tên là "Tonqueen" hay "Tong-quin" (Tonkin) và "Cochin-chine" dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1620-1777). Cho tới năm 1858, tức hơn nửa thế kỷ sau ngày Nguyễn Phước Chủng thống nhất vương quốc, bốn xứ Bắc Kỳ, Hữu Trực Kỳ, Tả Trực Kỳ, và Nam Kỳ vẫn bị tảng lờ. Hệ thống hành chính của các Hội truyền giáo tiếp tục dùng sông Gianh (Linh Giang, nam Bố Chính, tức Quảng Bình ngày nay) làm biên giới hai nhóm giáo khu Đường Ngoài [Tonkin hay Tonking] và Đường Trong [Cochinchine]. Mãi tới đầu thế kỷ XX, sau khi Pháp đã xâm chiếm toàn bán đảo Đông Dương, thành lập L’Indochine Francaise, các giáo phận mới được gọi theo tên chỗ đặt Tòa Giám Mục, như Hà Nội, Vinh, Huế, Sài Gòn, hay Vĩnh Long.

Từ năm 1875-1877, Petrus Key không chỉ khai tử quốc hiệu Đại Việt, mà làm đám tang cả tên Việt Nam, Đại Nam, thay bằng “royaume d’Annam.” Ngoài ra, dành đôc quyền tước hiệu Hoàng đế cho vua Tàu, chỉ chép vua Annam như “roi” [vương, wang], tảng lờ việc các vua Hậu Lê và Nguyễn đều xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu riêng—dù vẫn dùng lịch Tàu, niên hiệu vua Tàu, và vương tước, tên húy do vua Tàu đặt trong các tư liệu ngoại giao. Không hiếu được bản chất thượng quốc [suzerainty, bảo hộ gián tiếp] này, Petrus Key cố ý hay vô tình khiến độc giả hiểu nhầm rằng Pháp đã chính danh thay Tàu bảo hộ Annam. Những võ công bảo vệ đất nước, dân tộc từ Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, tới Lê Lợi, Nguyễn Huệ bị mất giá. Và hoạt động kháng Pháp từ Nam chí Bắc trở thành mù lòa, ương ngạnh, ngu xuẩn.

Sai lầm và cẩu thả nhất là vấn đề ngày tháng. Khi chép ngày lịch ta tức âm lịch, Petrus Key ghi ngày tháng lịch ta, rồi thêm vào năm lịch tây. Thí dụ, Nguyễn Phước Chủng lên ngôi ngày 2/5 Nhâm Tuất, tương đương với ngày 1/6/1802, bị Petrus Key ghi thành “5ème mois 1801” [tháng thứ 5 năm 1801]. (Cours, 1879, II:249) Vì thiếu phương tiện hay thời gian để tra cứu dữ kiện, hay chuyển từ lịch ta sang lịch tây, Petrus Key quên một điều sơ đẳng: Tháng, năm lịch ta thường chổng tréo với lịch tây: Năm Nhâm Tuất niên hiệu Gia Long 1 tương đương với năm 1802-1803 lịch tây [7/2/1802- 22/1/1803], và tháng 5 tương đương tháng 5-6/1802 [31/5-29/6/1802].

Năm 1881, Petrus Key đã xuất bản tập ký sự đi Bắc Kỳ “năm Ất Hợi 1876,” tức đầu năm 1876 lọt vào tháng 12 Ất Hợi. Nhưng trước năm 1877, khi soạn những bài học sử An Nam bằng chữ Pha Lang Sa theo yêu cầu đặt hàng của chính phủ thuộc địa Nam Kỳ, Petrus Key chưa có nỗ lực tỉ đối lịch ta và lịch tây.

Tại hải ngoại, nhờ tư liệu văn khố mới phát hiện và có điều kiện nghiên cứu tác phẩm cùng sách báo nguyên bản, các tác giả đã tái dựng gần đúng sự thực hơn về Petrus Key cùng nhiều tác nhân thời Pháp xâm chiếm Đại Nam. Đáng lưu ý là bài viết của Bùi Kha, Nguyễn Đắc Xuân, v.. v... trên tờ Giao Điểm (California) [số 41 & 42, năm 2001], và nhất là hai tập Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư, tập I (tái bản năm 2000) và Thực Chất Giáo Hội La Mã (2 tập, 1999) của Nguyễn Mạnh Quang. Sử dụng nhiều loại tài liệu, kể cả một số tư liệu văn khố do tôi sưu tập, Giáo sư Quang khẳng định Petrus Key không yêu nước. (Ngược lại, Giáo sư Hứa Hoành, cựu giảng viên trường Võ bị Đà Lạt, tác giả nhiều biên khảo về miền Nam, dù sử dụng phần tư liệu tương tự, lại kết luận Petrus Key chưa hẳn đã là Việt gian, mà yêu nước).

Tóm lại, trước năm 1996, chúng ta biết rất ít về Petrus Key ngoài những huyền thoại, cung văn tức tài liệu truyền đơn, khẩu hiệu. Đã gọi là cung văn thì dĩ nhiên cái gì Petrus Key cũng tốt cũng hay. Những người chê trách thì chỉ sử dụng thông tin cũ và giải thích theo lòng yêu ghét hay quan điểm chính trị giai đoạn của họ. Nhưng hiện nay, văn khố thuộc địa Pháp cũng như Hội truyền giáo Paris đã mở ra cho giới nghiên cứu, đa số những điều người Pháp viết về “công ơn khai hóa” của họ tại Đông Dương bắt đầu bị sự thực lịch sử đào thải dần. Những cung văn về các nhà “đại ái quốc của tân trào bảo hộ Pháp” như Petrus Key, Trần Bá Lộc, Ngô Đình Khả, hay Hiệp sĩ Vatican Nguyễn Hữu Bài/Bồi, Ngô Đình Diệm, v.. v... cũng chịu chung số phận khó tránh.[42] Những tài liệu văn khố mới được công bố này—được bảo quản kỹ càng tại các kho lưu trữ công văn của các chính phủ—rất  khả tín [authentique], và không ai, nếu có đủ lý trí để suy xét và sự lương thiện trí thức tối thiểu, có thể bài bác. Vậy mà, thật đáng buồn, đôi ba người vốn chẳng có kiến thức sử học, lại đầy tư tâm, tìm cách bênh vực Petrus Key bằng mọi giá, nhắm mắt lại mà đả kích những tác giả công bố các tư liệu mới về thông-ngôn-gia chính ngạch kiêm học giả bậc tiểu học miền Nam, mà bất cử hành vi hay công tác nào đều do sự chỉ dạy và điều khiển của Hội Truyền giáo Ki-tô cùng các quan tướng thuộc địa Pháp, hay những tay phiêu lưu như Peine-Siéfert, Constantin này! Từ việc ra báo, viết sách tuyên truyền công khai theo đơn đặt hàng của chính quyền thuộc địa, tới âm mưu tách biệt Tonkin [Bắc Kỳ] khỏi “vương quốc An Nam,” nên được Tổng trú sứ Paul Bert ban thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh—một huân chương cao quí nhất của Pháp mà ai cũng mơ ước.


[1]Hồ sơ “Nguyễn Tất Thành” trong kho Ecole Coloniale, tại Văn Khố Bộ Hải Ngoại [AOM], được tôi phát hiện đầu năm 1983, và công bố qua tác phẩm tam ngữ Một Ngôi Trường Cho Nguyễn Tất Thành/Another School For Young Nguyen Tat Thanh/Une autre école pour le jeune Nguyen Tat Thanh (Paris: Văn Hoá, 1983). Vũ Anh Đạt, Trần Tôn Trí cùng nhiều thân hữu, độc giả tại Pháp nồng nhiệt tiếp tay ấn loát, phổ biến. Được mời hợp tác, sử gia Nguyễn Thế Anh dịch bản tiếng Việt của tôi qua tiếng Pháp, và công bố trên tạp chí Đường Mới. Mùa Xuân 1983, sử gia Daniel Hémery và Pierre Brocheux tuyên bố họ đã tham khảo hồ sơ trên, nhưng chưa có cơ hội công bố.

[2]Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB], bản dịch Viện sử học, 38 tập (Hà Nội: 1963-1978), Đệ tam kỷ [III], quyển LXXII, tập 26:1846-1848, (1972), tr 392-393; Đệ tứ kỷ [IV], quyển I, tập 27:1848-1854,  tr 32-33.

[3]ĐNTLCB, IV, quyển I, tập 27:1848-1854,  tr. 35-36; V, quyển I,  tập 36:1883-1885, tr 23.

[4]Vợ chồng và trang lứa chúng tôi phải thi các bằng tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Tú Tài I, rồi Tú Tài II, mới được vào Đại học. Từ năm 1919, học sinh còn phải thi bằng Sơ Lược sau lớp ba. Năm 1906, mới chỉ có bằng Tiểu học và Tiểu học cao cấp, hai năm sau, dành cho thông ngôn và thày giáo xã thôn. Nguyễn Sinh Côn, tức Hồ Chí Minh, chẳng hạn, được đặc cách nhận vào Tây tự Quốc học Huế ngày 7/8/1908, sau khi đậu tiểu học tại trường Pháp-Nam Thừa Thiên—có lẽ nhờ cha làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện Hay Không Kiện?, 3 tập (Hợp Lưu: 2015-2016), Phụ Bản Tài Liệu 2, tập I, tr 11, tập III, tr 15. (Amazon phát hành)

[5] Xem, chẳng hạn, Léopold Cadière, “Les Francais Au Service de Gia Long: XI: Nguyễn Ánh et la Mission, Documents inédits;” Bulletin des Amis de Vieux Hué [BAVH], Vol XXIII, No 1 (1-3/1926), pp 22-23; hoặc những bài về Pierre Pigneau, Giám Mục Adran, từ năm 1920.

[6] Xem, chẳng hạn, báo cáo ngày 13/1/1886 về việc mua tự điển bỏ túi Pháp-annamite của Petrus Ký từ 1884 tới 1885.

[7]Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký [Con người và sự thực], (Sài Gòn: 1993), tr 107-110.

[8]Phụ Bản Tài liệu I: Tài Liệu Mới Về Petrus Key; đã in trên www.hopluu.net năm 2019, và, Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện Hay Không Kiện?, Phụ Bản 4, tập I, tr 354-375, tập III, tr 363-382.

[9]Service historique de la Marine [SHM] (Vincennes), GG2 99, carton 1. Năm 1999, chúng tôi phát hiện một số thư nguyên bản của Lefèbvre gửi Jauréguiberry, nhưng không được phép làm phóng ảnh.

[10]Xem Phụ Bản I, Tài Liệu 2. Đã trích in trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh, 1892-1969, Con Người và Huyền Thoại, tập I: 1892-1924 (Houston: Văn Hoá, 1997), tr. 68; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hoá, 1999-2000), I, tr 297.

[11] SHM (Vincennes), GG2 198, Carton 1 [Thư ngày 3/9/1858 từ Tourane: Hạm đội rời Hong Kong ngày 17/8/1858, ngày mà Rigault de Genouilly nhận nhiệm sở, hướng về Hoàng Phố (Whampao). Ba ngày sau, tập trung ở Yu-lin-kan. Các binh sĩ tập trận ở đây; và bị dịch tả (choléra), chết từ 15 tới 16 người. Ngày 28/8, khoảng 500 lính Espania từ Philippines [Phi-lip-pin] trên một chiến hạm nhỏ tới tăng viện. Sáng 30/8, hạm đội hướng về Tourane. Khoảng 6G30 ngày 31/8, bỏ neo ngoài khơi Đà Nẵng].

[12]SHM (Vincennes), GG2 198, carton 1.

[13]Lieutenant de Vaisseau [Henri] Rieunier, “Commerce de Saigon pendant l’année 1862; Revue Maritime et coloniale (Février 1864); reprint edition Challemel, Paris, 1884, 12 trang; SHM (Vincennes), GG2 44, carton 1.

[14]Bản văn hoà ước ngày 5/6/1862 có thể tìm thấy trong SHM (Vincennes), GG2-81, d.2; BOEC, 1863, No. 11, pp. 395-99; ĐNTLCB, IV, XXVI, 29:1859-1863, 1974:298, 302-5; H. le Marchant de Trigon, “Le Traité de 1862 entre la France, l’Espagne et l’Annam. Documents réunis;” BAVH, vol V, no. 4 (10-12/1918), pp. 248-252; Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản (Sài Gòn: Tủ sách Sử học, Bộ Văn Hoá, Giáo dục và Thanh niên, 1974), tr. 139-146. [Sẽ dẫn: Oanh, 1974].

[15]Thư ngày 24/10/1862, Hội truyền giáo gửi BNG; AMAE (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et documents, Asie, vol. 28, fol. 150, 199-200 [trích dẫn thư Herrengt, nói về mauvais foi của Nguyễn Phước Thời, trong việc thực thi hiệp ước 5/6/1862]; Cao Huy Thuần, 1990:92.

[16]AMAE (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et documents, Asie, vol. 28, fol. 199-200, 212 [có phụ bản đề nghị của Pellerin]. Cao Huy Thuần, 1990:92-93.

[17]CARAN (Paris), Fonds Marine, BB4 812; Cao Huy Thuần, 1990:94.

[18]Le courrier de Saigon ngày 4/9/1898; Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký Nhà văn hóa (Hà Nội: 1993), bìa sau.

[19]P.J.B. Truong Vinh Ky, Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine [Bài học sử An Nam dành cho các trường tiểu học ở Nam Kỳ thấp] par (1ère édition, Saigon, Impr. du Gouvernement, 1875-1877 [1879?].

[20]Cảm tạ Luật sư Trần Thanh Hiệp đã cung cấp một số phóng ảnh khi Ngàn Năm Soi Mặt được hiệu đính lần chót vào tháng 12/2001.

[21]Henri Cordier, “Pétrus Truong Vinh Ky;” T’Oung Pao, Séries II, 1 (1900), tr. 261-268; Jean Bouchot, Petrus J. B. Truong Vinh Ky, 1837-1898, 2è edition (Saigon: Paulus Cua, 1927)

[22] Xem, chẳng hạn, Milton E Osborne, The French Presence in Cochinchima and Cambodia: Rule and Response (1859-1905) (Ithaca: Cornell Univ Press, 1969), pp 95-96, 97-98, 134, 135; David G Marr, Vietnamese Tradition On Trial (Berkeley: Univ of California Press, 1980), pp 45n, 145, 262n. Xem thêm chương VI.

[23]La Lutte (Sài Gòn), s48 180, 12/12/1937; Trần Thị Mỹ Châu, Trần Văn Thạch, tr 259-261.

[24]Nguyễn Thanh Liêm, Trường trung học Pétrus Ký và nền giáo dục phổ thông Việt Nam [n.d.]

[25]Bách Khoa [Saigon], số 40, [1/9/1958], tr. 43-57. (Xem phần dưới)

[26]Pierre Vieillard, “Un grand patriote Pétrus Ký;” France-Asie, ngày 15/2 & 15/3/1947.

[27]Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký [Con người và sự thưc], (Sài Gòn: 1993), tr. 7.

[28]Báo cáo ngày 15/1/1935, Hai An [Litvinov] gửi Comintern [Nga ngữ, 12 tr], RC 495, Box 154, 686; Lê Hồng Phong (Hà Nội: NXB CTQG, 2002), tr 685-697; Đỗ Quang Hưng, “Ban lãnh đạo hải ngoại của đảng qua sự phản ánh của Lê Hồng Phong;” TCLSĐ, 1999, 3:4; Kurihara Hirohide, “The First Congress of the Indochinese Communist Party (1935) and Its Aftermath: A Turning Point in the Comintern-ICP Relations;” Journal of Asian and African Studies, No. 60 (2000), p. 16 [pp.1-35]; Anatoli A. Sokolov, Quốc tế Cộng Sản và Việt-Nam, Dao Tuan dịch (Hanoi: NXBCTQG, 1999), tr 255-258. Nguyên bản là Comintern, dịch theo Tàu thành “Quốc Tế Cộng Sản” không đúng. Đa tạ Sokolov đã tặng tôi một số tư liệu sẽ dùng trong tập Phụ Bản về Hồ Chí Minh/Linov Nguyễn Sinh Côn.

[29] Hồng Lam & Léopold Cadière, Lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam [Huế: Đại Việt, 1944], tr. 169-175 [Việt ngữ]).

[30]Hồ Hữu Tường, “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay là hóa trình từ người trí thức đến kẻ sĩ phu;” Bách Khoa (Sài Gòn), M [1974], tr. 15-22.

[31]Nguyễn Văn Trấn1993, tr. 17; Báo cáo ngày 28/4/1876, P. Truong Vinh Ky gửi Amiral Duperré.

[32]Trương Vinh Ky, Cours d’histoire annamite, tập II [1877], tr. 252, 278.

[33]Thư ngày 28/12/1888 gửi Paul Vial; Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr 92-93, 94, thư  ngày 19/1/1887, Petrus Key gửi Noel Pardon; Ibid, tr 96-98.

[34]Tô Minh Trung, “Trương Vĩnh Ký: tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử ta;” Nghiên cứu lịch sử (Hà Nội), Bộ 65, số 2 (1964), tr. 43-46; Mẫn Quốc, “Trương Vĩnh Ký: một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp;” NCLS, Bộ 60, số 3, 35-38.

[35]“Pétrus Ký (1873-1898);” Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin [BSEMT, Thành tích biểu Hội Truyền bá chữ quốc ngữ Bắc Kỳ], Tome XVII, Nos. 1-2, Janvier-Juin 1937; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 49, 197-198.

[36]Trương Vĩnh Ký, Sách mẹo An-Nam, Abrégé grammaire annamite, [Sai Gon, 1867], phần mở đầu; và “écriture en Annam;” BSEI, année 1888, 1er semestre, tr. 5; Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 143-144.

[37]Trước Petrus Key  bảy trăm năm, Zhang Qiao (Trịnh Tiều, 1104-1162) dựa theo huyền thoại sứ Việt Thường (Yueshang, ước đoán từ Nghệ An tới Quảng Bình, Quảng Trị hiện nay) đến cống Chu Thành Vương (1115-1079 TTL) một con chim trĩ trắng; để tán vào tập sách Tongzhi [Thông chí] rằng sứ Việt Thường đã tới Trung nguyên đời vua “Đường Nghiêu (Yao, 2356-2256 TTL), cống “con rùa ngàn năm trên lưng có chữ khoa đẩu.” Rồi ghi thêm Nghiêu dùng loại chữ ấy để soạn “lịch rùa!” Shu (Waltham), tr. 199-200; Cương Mục (Sài Gòn: 1965), 2:28-9, 29-31. Hơn trăm năm sau, khi dùng “Kinh” Thư [Shujing] để viết Thông Giám Tiền Biên–tức phần Tiền Biên cho cuốn Tư trị Thông Giám [Zizhi tongjian] của Tư Mã Quang (1019-1086)–Kim Lý Tường (Jin Lixiang, 1232-1303) giữ chi tiết “rùa thần” nhưng bỏ các chi tiết chữ “khoa đẩu” và “lịch rùa” của Trịnh Tiều trong Thông chí. Hiện nay, tài liệu khảo cổ tiết lộ chữ “giáp cốt” (tức chữ viết trên mai rùa và xương thú) xuất hiện  khoảng giữa đời Thương-Ân, tức sau triều Bàn Canh. [Xem thêm bài “Tư liệu lịch sử,” và Vũ Ngự Chiêu-Hoàng Đỗ Vũ, Viết Từ Chân Đền Hùng (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2016), tr 84-88; Phụ Bản I, tr 139-143, III, tr 169-186,

[38]Ngày 31/12/1541, Chu Hậu Tổng (Minh Thế Tông, 27/3/1521-23/1/1567) niên hiệu Jiajing, ban cho Mạc Đăng Dung chức An Nam Đô thống sứ ti đô thống sứ (tùng nhị phẩm), ba năm cống hiến một lần, việc trong nước do “phiên ti” ở Quảng Tây quản lý. Phần Lê Ninh tạm giữ động Tất Mã, do Vân Nam quản lí; nếu quả thực con cháu nhà Lê sẽ cho giữ bốn phủ Thanh Hoá. Hệ thống chính quyền phức tạp này—tiến hóa từ kiểu mẫu tusi nhà Nguyên (1260-1367) đã trắc nghiệm ở Quí  Châu, và nhà Minh tiếp tục ở Đại Lý (Vân Nam-Tứ Xuyên) từ năm 1381-1382—nhằm mục đích khiến man, di quên dần vị thế một nước [guo hay vassal state] từng hiện hữu từ thế kỷ XII tới ngày 5/7/1407. Ming shi-lu, Taizong (Wade, NUS database), juan 68:1a-3b, 3b-7a, 80:3b-4a, MSL (Zhongyang), records 515, 603/3279; vol 11, pp 1070/71.

[39]Tháng 3-4/1667, Thanh Thành tổ Huyền Hoa (1661-1720), niên hiệu Khang Hi [Kang Xi] sai Trịnh Phương Triều và Trương Dịch Bí [Bôn] sang phong Lê Huyền Tông Duy Củ/Vũ  (12/1662-1/1663-16/11/1671) làm ANQV. ĐVSK, BKTB, XIX:16ab, Long & Lâu (2009), 3:332; CMCB, XXXIII:21 (Hà Nội1998), II:317. Thực ra, từ tháng 6-7/1647 tàn dư nhà Minh là Chu Do Lang (Quế vương, 1647-1662?) đã phong Lê Thần Tông (TTH 1643-1649)  làm ANQV. CMCB, XXXII:3-4 (Hà Nội: 1998), II:257-258; ĐVSK, BKTT, Nội các quan bản, XVIII:39b-40b, Lâu & Long (2009), (2009), 3:291-292. Nhà Minh và Thanh bảo vệ cho con cháu họ Mạc tự trị tại đông bắc Thái Nguyên—tức Cao Bằng hiện nay. Tháng 2-3/1669, sứ Thanh là Lý Tiên Căn và Dương Doãn Kiệt đã áp lực Phó vương Trịnh Tạc (28/5/1657-9/1682) trả lại lãnh địa cho Mạc Nguyên Thanh tức Kính Vũ, theo phép “thờ nước lớn.” Nhưng tháng 8-9/1677, sau khi Thanh ngả theo Ngô Tam Quế, Đinh Văn Tả mới chiếm 4 châu lãnh địa, chấm dứt 85 năm ba đời An Nam Đô thống sứ ti Đô thống sứ hậu Mạc. ĐVSK, BKTB, XIX:18a-19a, 21b, Lâu & Long (2009), 3:334-335, 337; CMCB, XXXIII:22-23, 25-26, XXXIV:3-5, (Hà Nội: 1959),  XV:21-23 [1527-1529]; XVI:38-39 [1544-1545]; (Hà Nội: 1998), II:320-321, 340-341.

[40]Về quốc hiệu Việt Nam, xem ĐNTLCB, I, q XIX, XXII, XXXIII, tập 3:1802-1809, 1963:91, 141, 157-158, 169-170.

[41]Về quốc hiệu Đại Việt, xem Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch [Quốc Tử Giám tàng bản] Cao Huy Giu và Đào Duy Anh, 4 tập (Hà Nội: 1967), bản dịch [Nội các quan bản] Ngô Đức Thọ et al, [sẽ dẫn ĐVSK]; Quốc sử quán, Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục (1884), TB V:17-18, CB III:20, V:12, bản dịch Việt ngữ của Viện sử học, 20 tập (Hà Nội: 1959-1960), (Hà Nội: Giao Dục, 1998), 2 tập, I:183, 337, 413. [Sẽ dẫn: CM]. 

[42]Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 20249:30 CH(Xem: 1230)
"Ba nhớ là khi các đồng chí lãnh đạo báo cáo là đã cử đoàn công tác vào Huế để tước ấn kiếm và buộc Bảo Đại thoái vị thì Bác Hồ tỏ ra không bằng lòng: - “Sao các chú dại thế? Thế giới người ta đang nhìn mình “đỏ loè”, còn một chút “vàng vàng” thì các chú lại bôi cho “đỏ” nốt!”. Điều này rất nhất quán với chủ trương của Bác là đi theo đường lối dân tộc chủ nghĩa." Thưa các bạn, Các bạn đọc đoạn văn này xong thì có cảm tưởng gì? Riêng tôi thì nghe trong đó giọng của một tên đầu sỏ mafia, đang chê trách lề lối làm việc của đàn em "Sao chúng mày ngu quá ? Phải biết che giấu thân phận thật sự của mình, ai lại vạch lưng ra cho người ngoài nhìn như thế chứ?"
07 Tháng Hai 20248:00 CH(Xem: 757)
55 năm danh phận cáo chồn Nằm cho người ngắm tưởng đâu khôn Bao công sức bạc tiền tiêu tốn Xảo trá muôn đời thứ lộn ngôn Thờ giặc làm giang san khốn đốn Đợ dân bán nước bán linh hồn...
06 Tháng Hai 20248:44 CH(Xem: 3932)
Không phải cứ áo trắng cổ cồn, khoác cái bộ mặt lãnh đạo là có thể xóa sạch quá khứ, lừa mị được người dân, bởi cái lịch sử đảng đĩ này tội ác quá dầy, quá nhiều thì làm sao mà xóa hết cho được, đó là còn chưa nói đến việc cái đảng đĩ này đặt người dân ra ngoài vòng quyền chính trị của mình, theo đó người dân VN không có quyền ý kiến, phản đối, biểu tình mà chỉ phái chấp nhận những gì mà đảng thi hành thì cho dù bọn lãnh đạo đảng có khoác cái gương mặt nguyên thủ như thế nào lên truyền hình phát biểu thì người dân họ cũng ngó qua như xem bọn hề rẻ tiền hài nhảm...
06 Tháng Hai 20248:42 CH(Xem: 690)
“Ông biết tôi là nhà hoạt động nhân quyền thì ông nói là 'tôi ở Thái Lan tôi thích làm cái gì thì làm nhưng mà hãy nghĩ đến người thân của mình bên Việt Nam.' Ý của ông Hải đó là ông lấy người thân của tôi ở Việt Nam dọa để tôi không được hoạt động về nhân quyền nữa.” Tuy nhiên, cả hai bên đều không ghi lại biên bản cuộc nói chuyện, ông Lù A Da cho biết. Ông cũng không rõ chức vụ của ông Hải trong cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Thái Lan, tuy nhiên người này và một thuộc cấp tên Linh thường đến IDC để làm việc với những người Việt bị tạm giam ở đây.
02 Tháng Hai 20246:45 CH(Xem: 617)
94 năm đỉẻng đỏ gạt dân Xuân về càng tham nhũng bất nhân Vơ vét hết giang san khánh tận Giáo điều ngu chủ thuyết cùng bần Ước 94 năm không áo đỉẻng Đâu mang danh lũ cướp ươn hèn Giai cấp trá danh đừng đụt khoét Phận thân nào thế kiếp dân đen Ước 94 năm không có đỉẻng Dân đâu chịu thống khổ miệt khinh Lao đầu lầm lũi đời nô lệ Trả nợ bán thân khổ lạnh mình Ước 94 năm không bợ đỉẻng Nuôi dã tâm lòng sói mặt người Vu khống khảo tra người phản biện Đọa đày giam giữ quá ngang nhiên
01 Tháng Hai 20247:21 CH(Xem: 688)
Năm nay hoa đào nở Tại nơi xứ quê nhà Một thằng Trần Tuấn Anh Uỷ viên Bộ chính trị Phải ngậm ngùi từ chức Kéo thêm bao thằng khác Bị thi hành kỷ luật Vì tội làm thất thoát Hàng trăm ngàn tiền tỷ Tiền bạc của nhân dân Những con sâu mọt này Vẫn còn nhiều vô kể Đang đục khoét khép nơi Tù giam nào chứa hết Đám giặc như quân Nguyên
30 Tháng Giêng 20249:06 CH(Xem: 1528)
Tất nhiên là một nhà nước độc tài cho nên tuyên truyền luôn là ‘chủ trương nhất quán’ của lũ chúng ta, ở xứ đó cứ thằng nào nói dóc hay, dóc tổ mẹ, tổ cha là được triều đình phong cho hàm ‘thiến sỹ’, tha hồ mà vênh mặt nhìn đời, có thế nói đất nước này ‘thiến sỹ’ nhiều nhung nhúc, có lấy đấu mà đong cũng không hết, duy chỉ có điều lũ thiến sỹ này chỉ ăn tàn phá hại, bởi vì chúng nó đều có chuyên môn là ‘chính trị’, chuyên phịa ra những điều hay, điều tốt cho lãnh tụ và băng đảng của chúng chứ chúng nó có biết cái cóc xì gì về khoa học kỹ thuật đâu mà sáng chế với phát minh?!.
29 Tháng Giêng 20247:37 CH(Xem: 1494)
Họ chở tôi về Đồng Nai, khoảng gần 7 giờ tối, dí tôi vào một căn phòng nhỏ, máy lạnh đang mở hết công suất, trên người tôi chỉ mặc cái váy bình thường, cái lạnh đột ngột làm tôi co rúm lại, tôi biết họ cố tình mở máy lạnh như vậy để cho người bị bắt sẽ dễ sang chấn tâm lý, cái lạnh thực thể và sự trấn áp số đông của họ đa phần sẽ làm cho tinh thần con người sợ hãi mà khai báo. Vừa ngồi xuống là họ giật túi xách của tôi, lấy điện thoại ra và dùng bạo lực để lấy dấu vân tay của tôi, họ lấy được mật khẩu điện thoại. Tôi hỏi họ, giấy triệu tập đâu? Bắt tôi vì lý do gì? Họ lấy giấy triệu tập ra, chỉ ghi được cái tên tôi, còn lý do thì để trống. Tôi nói...
28 Tháng Giêng 20246:03 CH(Xem: 1075)
Hai tuần sau, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo.” Bà Hằng còn nói đây không phải là lần đầu tiên tổ chứccó trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) đưa ra “những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
26 Tháng Giêng 202410:00 CH(Xem: 1740)
Nói về công lao cho đất nước thì Nguyễn Phú Trọng không có gì. Lý do là ông chỉ thụ hưởng di sản quyền lực của Hồ Chí Minh và những lãnh tụ CS tiền nhiệm. Tuy nhiên, từ khi nắm được quyền lực tối cao, ông đã đánh mất nhiều cơ hội canh tân cải tổ đất nước. Có 3 cơ hội lớn ông đã đánh mất trong nhiệm kỳ của mình: Trước hết, vào năm 2013, khi chấp bút bản hiến pháp hiện hành, ông có thể từng bước cởi trói cho dân tộc bằng cách không hiến định hóa Điều 4 hiến pháp, tư hữu hóa sở hữu đất đai và củng cố khái niệm kinh tế thị trường chân chính thay vì tái “định hướng xã hội chủ nghĩa”...
28 Tháng Ba 2024
Tuy nhiên Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng, lại “thương mại hóa” hoạt động tôn giáo để quy kết trách nhiệm hình sự. “Trước những hiện tượng thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thời gian gần đây, liên quan đến các hoạt động mang tính chất “thị trường”, “cung - cầu” của một số cơ sở thờ tự Phật giáo ở nước ta, không ít các nhà nghiên cứu văn hóa, học giả đặt câu hỏi: trong tình hình mới, có hay không – nên hay không nên công nhận “thị trường tôn giáo”? Khi đưa vấn đề sinh tồn của tôn giáo vào “thị trường” để “vật chất hóa” vấn đề tâm linh, phải chăng nhà nước muốn kiểm soát gay gắt hơn vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo?
28 Tháng Ba 2024
Nói đến XHCN thì phải nhìn nhận VN là một quốc gia đi theo hàng chót, những quốc gia đã từng xây dựng như Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc…; người dân đã nhìn thấy những bất công, bất cấp của chế độ XHCN và họ đã mạnh dạn thay đổi, Liên Xô, cái nôi của Cách Mạng Tháng 10, của Lê Nin đã không còn là cộng sản mà thay vào đó là một quốc gia đi theo con đường tư bản của những tên độc tài, Đông Đức đã đập bỏ bức tường ô nhục ngăn cách hai miền để tiến đến thống nhất trong hòa bình và trở thành một quốc gia hùng mạnh đi theo con đường tư bản chủ nghĩa...
28 Tháng Ba 2024
Về chính trị, VN cũng chẳng có gì đáng tự hào. Nền tảng chính trị VN trước đây (ở miền Bắc) và sau này (cả nước) lệ thuộc vào Tàu và Liên Xô. VN vẫn theo một chủ nghĩa lỗi thời và đã hết sức sống, một chủ nghĩa mà nơi khai sinh ra nó đã khai tử nó hơn 20 năm trước đây. Người Việt chẳng phát kiến được một chủ thuyết chính trị nào, mà chỉ rập khuôn theo chủ nghĩa Mao – Stalin. Không thể nào tự hào khi mà chính quyền ra rả mỗi ngày bảo người dân phải làm gì và giảng giải rằng yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội!
23 Tháng Ba 2024
Năm 2017, khi còn làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã từng làm xã hội xôn xao với tuyên bố “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”. Tưởng chừng như cánh cửa đón nhận các ý kiến khác biệt đã mở rộng, sau khi luật an ninh mạng – luật không chấp nhận ý kiến khác biệt ra đời. Vậy mà, đó chỉ là lời tuyên bố vui miệng của Thưởng. Năm 2024, ông Đỗ Minh Hiền ở Hà Nội, một người viết lý luận triết học riêng, khác biệt với triết học Marx Lenin, bị 6 năm tù. Không ai biết ông ta viết gì, lập luận ra sao, vì bởi ông ta chưa bao giờ có dịp được đối thoại, hay tranh luận để nhận biết mình sai hay đúng trong giấc mơ mà...
20 Tháng Ba 2024
Những người đảng viên đang yêu đảng, cuồng đảng, đừng cho rằng đây là luận điệu của bọn thế lực ‘chống phá, thù địch’, mà hãy nhìn lại lời nói của lãnh tụ các người, ông Hồ Chí Minh đã từng giáo dục các đảng viên của mình là ‘cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư’, vậy thì các ông, bà nghĩ sao về những bất công, bất cập hàng ngày trông thấy từ chính những người lãnh đạo của mình?!, liệu rằng những đảng viên đảng cộng sản còn có lý tưởng hay chỉ là vào đó chỉ để noi gương tham nhũng theo cấp trên của mình?.
20 Tháng Ba 2024
Việc ông Thưởng từ chức đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn chính trị mới ở Việt Nam. Kể từ Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2021, đã có nhiều vụ cách chức và truy tố cấp cao, trong số đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị (trong đó có Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc), một phó thủ tướng, hai bộ trưởng và hơn chục lãnh đạo tỉnh. Việc thay thế quá nhanh hai Chủ tịch nước đặc biệt đáng chú ý, vì ông Phúc cũng bị cách chức hồi đầu năm 2023, sau khi nhậm chức chưa đầy hai năm.
16 Tháng Ba 2024
Thực tế, trái lại, cho thấy mọi cuộc cách mạng dù tiến bộ và tích cực đến đâu, đều có khuyết điểm và cần phải tu chính thêm. Hơn nữa có những cuộc cách mạng không những hoàn toàn vắng bóng những yếu tố tích cực, mà còn mang lại tại họa cho dân tộc xuyên qua nhiều thế hệ. Điển hình là các cuộc cách mạng Cộng Sản và Hồi Giáo cực đoan mà chúng ta sẽ phân tách trong bài này. Chúng ta cũng sẽ phân tách tầm mức quan trọng chiến lược của yếu tố viễn kiến trong nhận thức của những người lãnh đạo. Yếu tố viễn kiến giữ một vai trò tối quan trọng, giúp chúng ta phân biệt giữa một cuộc cách mạng có tính tiến bộ và một cuộc cách mạng mang tính phản tiến bộ, gây tai họa cho một dân tộc và đôi khi cả nhân lọai.
13 Tháng Ba 2024
Bà Đinh Thảo, một nhà hoạt động nhân quyền và cũng là nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị, hiện đang ở tại Hoa Kỳ, nói: “Tình hình dân quyền năm nay rất ảm đạm. Có thể nói từ năm 2018, xu hướng nhân quyền ở Việt Nam đã đổi chiều đi xuống và cứ thế tệ dần. Đến năm 2023 có thể nói là tồi tệ nhất trong suốt cả một chuỗi dài mấy năm qua.” (RFA, đài Á Châu Tự do, ngày 2023.12.22 Người dân Việt Nam cũng không được quyền ra báo, lập hội, hội họp và lập đảng chính trị đối lập như quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013. Điều này viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
12 Tháng Ba 2024
Kính mời bạn đọc xem video clip của nhà báo - bình luận gia Ngô Nhân Dụng và cô Thu Hà Nguyễn - cựu Phó Thị Trưởng TP Garden Grove về kinh tế VN cs hôm nay, những lý do nào mà ngành xuất khẩu của VN gặp phải, và lý do chính, quan trọng nhất là bởi vì lũ sâu dân, mọt nước chúng nó đều là đảng viên, phải có bôi trơn, tham nhũng thì bọn chúng nó mới chịu làm.
09 Tháng Ba 2024
Bài báo của Học viện Chính trị khu vực I cũng không nêu danh tính các nhà đầu tư bước ngoài đã lợi dụng Doanh nghiệp Việt Nam để chen chân vào các vị trí chiến lược quốc phòng, nhưng với mục đích gì và cho ai? Theo quan điểm được nêu trong Tạp chí Cộng sản thì Việt Nam vẫn phải đối phó với “diễn biến hòa bình”, tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong nhiều năm, nhóm chữ “diễn biến hòa bình” được đảng CSVN sử dụng để chỉ “các thế lực thù địch” do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thực hiện âm mưu thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhưng từ giữa nhiệm kỳ khóa VII (1991-1996), Đảng đã chỉ ra 4 nguy cơ đối với ...