Thời xưa, khi nước nhỏ đứng trước nguy cơ bị nước lớn tấn công thì thông thường quan văn hay chủ hòa còn quan võ hay chủ chiến. Đó là thời phong kiến, còn thời CS thì khác một chút, họ lại tổ chức quân đội không thuần võ nữa mà trong đó có thành phần quan văn và quan võ, tạm gọi là “tướng văn”, “tướng võ”. Đứng đầu tướng văn là Chủ nhiệm tổng cục chính trị, đứng đầu tướng võ là tổng tham mưu trưởng.
Nói cho dễ hiểu là những sĩ quan quân đội làm ở tổng cục chính trị chính là thành phần “ban tuyên giáo” trong quân đội. Chuyên môn của họ là nhồi sọ sĩ quan các cấp để kiểm soát tư tưởng quân đội. Chính vì vậy, quân đội hèn hay hùng nó phụ thuộc vào thứ “chất kích thích” mà tổng cục chính trị ấy tiêm vào. Thời trước năm 1975, quân đội Bắc Việt bị tiêm ma túy “lòng căm thù Ngụy quân ngụy quyền” thì từ sĩ quan tới người lính đều xem đồng bào của mình là kẻ thù và họ đã ra tay rất ác với đồng bào Miền Nam. Năm 1979, cục chính trị đã làm đúng, họ đã tiêm lòng căm thù quân Tàu cướp nước, và đó là lí do tại sao quân đội CS Việt Nam năm 1979 rất thiện chiến trước giặc phương Bắc. Tuy nhiên đến thời nay thì không biết cục chính trị đã tiêm vào quân đội thứ ma túy gì mà kỷ luật bị lép vế trước luật giang hồ. Trong quân đội CS bây giờ, nạn “giang hồ doanh trại” nổi lên như nấm, nó y hệt như giang hồ trại giam vậy. Quân đội rệu rã.
Sĩ quan thuộc sự chỉ huy của tổng tham mưu thì họ là tướng võ đích thực. Họ phải nắm về khoa học quân sự, các kiến thức mang tính chuyên môn về chiến tranh, họ phải nắm vì họ là người chỉ huy nếu xảy ra chiến tranh. Tuy “tướng võ” thì quan trọng như thế, nhưng ở thời kỳ đảng cần kiểm soát tư tưởng để đảm bảo quân đội tuyệt đối trung thành với đảng chứ không cần quân đội hùng mạnh để bảo vệ tổ quốc thì đảng lại chuộng “tướng văn” hơn tướng võ. Vì thế những tướng văn trong quân đội sẽ có cơ hội leo cao, có khi là vào cả tứ trụ.
Năm 1991 ông Lê khả Phiêu là thượng tướng, ông nắm chức chủ nhiệm tổng cục chính trị, một tướng văn đúng nghĩa. Lúc đó ông cũng được bầu vào ủy viên Trung ương. Cùng lúc đó ông Đoàn Khuê là đại tướng được bầu làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Khuê là gốc tướng võ. Tuy nhiên, năm 1994 tại đại hội giữa nhiệm kỳ ông Lê Khả Phiêu được bầu bổ sung vào Bộ Chính Trị chuẩn bị để cơ cấu vào ghế tổng bí thư. Sở dĩ ông Phiêu được chọn chứ không phải ông Khuê là bởi ông Phiêu là “tướng văn” có tư tưởng thuần phục Tàu và là người có thể kế thừa rất ông Đỗ Mười để tiếp tục đưa Việt Nam vào thòng lọng Tàu Cộng theo đúng lộ trình mà 3 ông gồm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã hoạch định sau Hội Nghị Thành Đô 1990.
Năm 1997 trong đại hội giữa nhiệm kỳ, ông Đỗ Mười đã nhường ngôi cho “tướng văn” Lê Khả Phiêu. Trong 3 năm ngắn ngủi ở ngai, ông Lê Khả Phiêu đã làm khá nhiều: ông đã rước của nợ “16 chữ vàng” về tròng lên đầu dân tộc; ông ký Hiệp Ước Biên Giới 1999 làm Việt Nam chính thức mất một nửa Thác Bản Giốc và nhiều khu vực khác; ông thích liên lạc với Giang Trạch Dân bằng tình báo và gặp bí mật ông này với tư cách cá nhân thay vì lấy tư cách đảng; chính ông đã chấp nhận “chỉ đàm phán song phương” với Tàu Cộng để rồi đến hôm nay, theo tiền lệ ấy Việt Nam phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác vì mất sự hỗ trợ quốc tế vv....
Đó là những gì mà một ông “tướng văn” Lê Khả Phiêu đã làm cho đất nước này. Trong thời kỳ mà người đứng đầu đảng có tư tưởng hèn với giặc thì một “tướng văn” được cất nhắc, điều đó cho thấy tương lai của Việt Nam khá tăm tối. Mới đây ông thượng tướng phó tổng cục chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa lại được Nguyễn Phú Trọng “lẻ bầy” khỏi quân đội và cho giữ chức trưởng ban tuyên giáo trung ương. Được biết người giữ chức này thường là Ủy Viên Bộ Chính Trị, vì vậy có khả năng giữa nhiệm kỳ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa ông Nghĩa vào Bộ Chính Trị và cơ cấu lên cao hơn. Lại một hình ảnh Lê Khả Phiêu đệ nhị được ông Trọng nặn cho lú ra. Có thể nói, với tình hình này thì Việt Nam khó thoát Tàu nếu không muốn nói là sẽ phụ thuộc ngày một nhiều hơn.
Gửi ý kiến của bạn