Tại sao CSVN sợ biểu tình?
radiodlsn.com
Quyền bày tỏ ý kiến cá nhân hay tập thể, nói nôm na là biểu tình, là một quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người. Nhà cầm quyền CS Việt Nam lại cố trì hoãn thảo luận luật biểu tình. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLDTCNTQ về sự kiện trống đánh xuối kèn thổi ngược trong chính phủ CSVN qua lời trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả,
Ở các quốc gia văn minh trên địa cầu này đều tôn trọng các quyền căn bản của con người, trong ấy quyền được bày tỏ ý kiến cá nhân hay tập thể là một quyền bất khả xâm phạm, chẳng những nó cần được bảo vệ, mà còn phải khuyến khích để có nhiều ý kiến khác nhau nữa. Chính vì các ý kiên khác nhau là yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào việc phát triển xã hội, làm thăng tiến con người, nảy sinh những tài năng mới, tạo ra những sản phẩm trí tuệ mới, phát sinh những tư tưởng mới, và từ đó có những sản phẩm mới tốt hơn, tiện lợi hơn cho con người.
Việc ngăn cấm hay giới hạn quyền biểu tỏ ý kiến là làm thui chột, làm nhụt ý chí của con người, dẫn tới thái độ ù lì khép kín, ích kỷ mà hậu quả là xã hội chậm tiến, con người lạc hậu, quốc gia nghèo đói. Cứ nhìn vào các nước độc tài, chậm tiến hiện nay trên thế giới, đều cấm đoán biểu tình, trong ấy có Việt Nam ta, thì đời sống của người dân thế nào, chúng ta hãy tự trả lời.
Các quốc gia văn minh tiến bộ đều có luật để bảo vệ quyền của người biểu tình, và người không biểu tình đều tôn trọng lẫn nhau, để giữ cho sinh hoạt xã hội hài hòa trật tự, và đem lợi ích cho quốc gia.
Tại sao nhà nước XHCNVN tự nhận mình là dân chủ gấp vạn lần Hoa Kỳ lại cấm đoán biều tình, cho dù trong hiến pháp đã thừa nhận quyền biểu tình và lập hội của người dân? Tại sao năm 2014 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy hoàn thành luật biểu tình sớm, thế rồi mới ngày 16 tháng 3 vừa qua, lại đề nghị hoãn lại việc thảo luận sang năm sau?
Những câu hỏi trên đây cho thấy sự bất nhất trong chính sách và đường lối đường lối điều hành đất nước của nhà cầm quyền CSVN, nói đúng ra là trong Bộ Chính Trị chưa nhất trí để cho phép chính phủ cũng như quốc hội bù nhìn đụng tới vấn đề này. Do đó những ý kiến cho rằng có sự khác biệt giữa các cơ quan nhà nước là thủ tướng, bộ tư pháp và quốc hội là dấu hiệu tốt chỉ đúng một phần rất nhỏ.
Sở dĩ Hà Nội chưa dám cho ra luật biểu tình là vì họ đã có quá nhiều kinh nghiệm về sức mạnh của quần chúng mà chính họ đã lợi dụng để cướp chính quyền. Chúng ta hãy nhớ lại khung cảnh Hà Nội trong những ngày giữa tháng 8 năm 1945, từ một cuốc biểu tình của công chức để ủng hộ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim đã biến thành cuộc biểu tình hạ bệ chính phủ quốc gia này, để rồi hai hôm sau, ngày 19 tháng 8 một cuộc mít tinh để ủng hộ cộng sản.
Hoàn cảnh đất nước và dân trí Việt Nam hôm nay không còn giống năm 1945, nhất là kỹ thuật thông tin đã giúp cho người dân có nhận thức đúng đắn chính xác hơn, nên những mánh khóe, những trò lừa bịp tráo trở mà CS thường áp dụng để lèo lái các cuộc biểu tình đã bị phơi bày, và vô hiệu hóa tức thời. Cụ thể là trong những cuộc xuống đường chống Trung Cộng xâm lược và chống cưỡng chiếm đất đai của người dân trong mấy năm vừa qua, thì những thành phần tay sai trà trộn vào đoàn biểu tình để phá đám đã bị cô lập ngay; nên nhà nước chỉ còn một con đường là dùng sức mạnh bạo lực để đàn áp, bắt bớ, vu cáo, và bỏ tù mà thôi.
Biểu tình còn là một nhu cầu thiết yếu để bảo vệ quyền lợi của giới lao động, điều mà chính đảng CS đã khai thác và lợi dụng triệt để, thế mà khi nắm được chính quyền, họ lại thẳng tay khước từ. Hậu quả là quyền lợi của người lao động VN bị lãng quên, chưa nói đến sự cấu kết giữa nhà nước và giới chủ nhân để bóc lột sức lao động của công nhân nước ta.
Sở dĩ Hà Nội trì hoãn luật biểu tình, hay nói đúng ra không muốn có luật này, vì như vậy sẽ rất khó kiểm soát được người dân, vì bản chất của độc tài toàn trị là muốn biến người dân thành những bộ phận vô tri vô giác trong cỗ máy do đảng điều khiển, thay vì là con người có trí tuệ và tư do.
Cho dù có luật biểu tình hay không, Hà Nội cũng biết rằng càng ngày càng có nhiều người bất mãn và phản kháng chế độ, một khi mức độ bất mãn đã lên cao thì người dân sẽ tự phát bức phá mọi cản trở để chứng tỏ lời nói trong dân gian "ý dân là ý trời" sẽ được ứng nghiệm, đến lúc đó có luật cũng vô ích, mà chắc chắn cái quốc hội kia muốn có cơ hội để làm luật cũng chẳng còn nữa.
Thực tế Việt Nam hôm nay cho dù người dân chưa xuống đường tuần hành biều tình để bày tỏ thái độ ra bên ngoài, thì trong tâm trí, trong ý thức đã và đang nung nấu ý chí để chờ ngày phát tiết ra bên ngoài. Chúng ta đã thấy rất nhiều cách phản ảnh sự bất bình trên các mạng truyền thông xã hội, hoàn toàn trái chiều với luận điệu tuyên truyền của nhà nước, và người dân đang đón nhận sự phản kháng mỗi lúc một đông hơn, mạnh hơn, đó cũng là một hình thức biều tình không có luật nào giới hạn được.
Nếu đảng CSVN chân thành nhận ra đâu là ý muốn của người dân, và sớm đáp ứng thì đất nước sẽ tiến bộ, xã hội sẽ hài hòa ôn định, ngược lại tiếp tục ngoan cố, tham lam, cố chấp thì qui luật tự nhiên "cùng tắc biến, biến tắc thông" ắt sẽ xảy ra.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc