Ông Tô Lâm trình diễn nghệ thuật cân bằng "đu dây" của Việt Nam
khi ra mắt thế giới
Zachary Abuza*
RFA
Khi ông Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào tháng 8 năm nay, có nhiều đồn đoán rằng ông cựu bộ trưởng công an có thể sẽ định hướng lại chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Giống với người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lâm có nỗi sợ hãi về “các cuộc cách mạng màu” đang phổ biến và cũng đàn áp thẳng tay đối với những người bất đồng chính kiến trong những năm ông đứng đầu ngành công an. Nhưng hiện vẫn chưa có sự sắp xếp lại chính sách đối ngoại của Việt Nam và cũng sẽ không có điều đó.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam thường được Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN đề ra và thêm nữa đã được đưa vào Sách trắng Quốc phòng năm 2019. Văn bản này viết rằng “tùy diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp ....với các quốc gia khác.”
Quan trọng hơn, chính sách ngoại giao không liên minh, liên kết của Việt Nam đã tỏ ra rất hữu ích cho quốc gia này và các nhà lãnh đạo Việt Nam là các bậc thầy về nghệ thuật giữ thế cân bằng 'đu dây'.
Trong vòng ba ngày sau chuyến thăm lịch sử tới Mỹ và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã có mặt tại Diễn đàn Hương Sơn tại Bắc Kinh và gặp gỡ những người đồng nhiệm Trung Quốc của mình.
Người ta đã từng coi chuyến thăm đầu tiên của ông Tô Lâm với tư cách Tổng Bí thư tới Trung Quốc là bằng chứng cho thấy xu thế nghiêng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ trước và tuân thủ theo một khuôn mẫu đã có từ lâu.
Sau khi được bầu làm Chủ tịch nước trong tháng 5, ông Lâm đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Lào và Campuchia – một thông lệ đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trung Quốc luôn là chuyến đi thứ 3 của một nhà lãnh đạo cấp cao nước này.
Chuyến đi tới Mỹ dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) của ông Tô Lâm một lần nữa thể hiện rõ chính sách ngoại giao không liên minh, liên kết của Việt Nam.
Bên lề các hoạt động tại LHQ, ông đã không thăm Washington D.C. – bỏ lỡ một cơ hội [tăng cường quan hệ với Mỹ]. Mặc dù vậy, quyết định này là một tín hiệu quan trọng đối với Trung Quốc.
Ông Lâm chắc chắn đã bận rộn tại New York, với các phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Đại học Columbia và Viện nghiên cứu chính sách Asia Society.
Những bài phát biểu này của ông không có gì mới mà lặp lại các luận điểm ngoại giao và các ngôn từ/khẩu ngữ quen thuộc mà người ta có thể nghe được từ bất cứ nhà lãnh đạo nào của Việt Nam. Các bài phát biểu này không có gì mới xét ở khía cạnh đề xuất chính sách, cũng không báo hiệu về một làn sóng mới nào về tự do hóa hay đối mới kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội & thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Nga
Có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là việc ông Lâm dường như không tự tin trong các phần hỏi đáp. Ông cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam là một người sắc sảo nhưng [khi được hỏi,] ông lại đọc các câu trả lời soạn sẵn cho các câu hỏi chung chung, từ một quyển sổ của mình.
Ông Lâm đã có một cuộc hội đàm ngắn với Tổng thống Joe Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ – một trong các cuộc họp theo kiểu gặp gỡ ngoại giao nhanh. Hai bên tái khẳng định cam kết phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập một năm trước đó khi ông Biden thăm Hà Nội.
Ông Lâm hối thúc Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam – một sự công nhận mà Bộ Thương mại Mỹ đã từ chối hồi cuối tháng 7.
Mặc dù Việt Nam coi việc có được quy chế kinh tế thị trường là một ưu tiên ngoại giao nhưng họ đã ngây thơ khi nghĩ rằng quy chế này có thể được trao trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống - vốn là một cuộc đua tranh khốc liệt mà ở đó phiếu bầu tại các bang chiến trường quan trọng, nơi có khu vực sản xuất và chế tạo lớn, có thể quyết định kết quả của cuộc bầu cử.
Có lẽ cuộc gặp quan trọng nhất của ông Lâm ở New York là cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Mặc dù Việt Nam tuyên bố duy trì chính sách đối ngoại trung lập, nhưng chính sách của nước này đối với Ukraine lại vô cùng tồi. Việt Nam đã tiếp tục hợp tác với Nga ở cấp cao nhất, tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tháng 7/2022, Thủ tướng Dmitry Medvedev vào tháng 3/2023 và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6 năm nay.
Việt Nam đã đẩy mình vào ngõ cụt vì ông Putin tiếp tục khẳng định rằng Ukraine là một phần lãnh thổ của Nga và phủ nhận bất kỳ ý niệm nào coi Ukraine là một quốc gia. Điều này đặt ra một tiền lệ rất nguy hiểm cho Việt Nam vì họ đã từng là một tỉnh của Trung Quốc trong hơn một nghìn năm.
Đối với một quốc gia cam kết duy trì và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga trắng trợn xâm lược Ukraine và quyết tâm thay đổi biên giới bằng việc sử dụng vũ lực.
Nhưng quân đội của Việt Nam vẫn có quan hệ rất gần gũi và phụ thuộc nhiều vào Nga. Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất của Hà Nội.
Với ngân sách hàng năm khoảng 9 tỷ USD, vũ khí Nga được xem là hiệu quả về mặt kinh tế đối với Hà Nội và nước này cũng đã được Nga cho phép sản xuất nhiều loại vũ khí trong số đó.
Hơn thế nữa, trong năm 2023, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận cho phép chuyển lợi nhuận từ một liên doanh ở Siberia để tài trợ cho việc mua vũ khí thế hệ tiếp theo của Nga – một thỏa thuận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Mặc dù ông Lâm đã có một số gặp gỡ quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là với các lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ cao nhưng ông đã không đạt được thoả thuận đầu tư lớn nào.
Mặc dù có nhiều tham vọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất chip, Việt Nam thực sự có những hạn thế và trở ngại về cơ cấu cần phải giải quyết, trong đó có sự khan hiếm lao động công nghệ lành nghề, tình trạng thiếu điện, sự chậm chễ trong việc thực thi chính sách của chính phủ và nạn tham nhũng.
Hoài niệm và sự cân bằng về chủ nghĩa Cộng sản
Buổi làm việc quan trọng nhất của đoàn Việt Nam ở New York là cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang với Văn phòng phụ trách Hoạt động Gìn giữ Hòa bình của LHQ.
Việt Nam hiện triển khai ba đơn vị tại các phái bộ của LHQ ở châu Phi, trong đó có một đơn vị/tiểu đoàn công binh và một bệnh viện dã chiến. Gần đây, Việt Nam đã cử 240 quân nhân gìn giữ hòa bình tới Abyei, Nam Sudan để thay thế nhân sự cũ - một dấu hiệu cho thấy cam kết của nước này đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng như sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương.
Nhưng thay vì hướng tới tương lai và thăm Thung lũng Silicon hay một trung tâm công nghệ cao nào khác để gặp gỡ với các nhà đầu tư, ông Lâm đã chọn đi thăm chính thức Cuba – một hoài niệm đối với quá khứ cộng sản.
Xét về kinh tế, chuyến thăm Havana là không hợp lý. Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đạt 111 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, với kim ngạch thương mại hai chiều chỉ ở mức 155 triệu USD, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba và là nhà đầu tư châu Á lớn nhất ở Cuba.
Nhưng chuyến đi này quan trọng với Việt Nam.
Một phần đây là một sự trấn an về mặt ngoại giao của Hà Nội đối với Trung Quốc rằng: Chính sách ngoại giao của nước này không chỉ trung lập – với việc ông Lâm không dành thời gian nhiều hơn ở Mỹ hay Canada – mà còn mang định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là câu trả lời cho những nhắc nhở thường xuyên của Bắc Kinh.
Dù chuyến thăm Cuba không mang tính logic về kinh tế, nhưng lại có giá trị về mặt lịch sử và tình cảm, cho thấy Việt Nam biết ơn sự ủng hộ của Havana trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ. Chuyến đi này cũng diễn ra trước dịp kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cu Ba.
Và người Việt Nam đặc biệt nhớ đến ông Fidel Castro - người không chỉ đến thăm Việt Nam vào năm 1973 mà còn đi tới “vùng giải phóng” miền Nam Việt Nam ở Quảng Trị và là lãnh tụ nước ngoài duy nhất làm điều này.
Các chuyến công du thế giới của ông Lâm vẫn chưa kết thúc.
Ông đã thăm chính thức Mông Cổ và Ai-len trước khi bay sang Pháp thăm chính thức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 19 - chuyến thăm đầu tiên trong vòng 22 năm qua của một nguyên thủ Việt Nam tới Pháp, một đế quốc đã từng cai trị nước này.
Chuyến thăm tới Mông Cổ cũng ít có ý nghĩa về mặt kinh tế vì chỉ đạt được một ít thỏa thuận nhỏ, trong đó có một quan hệ đối tác toàn diện.
Tuy thương mại song phương Việt Nam - Ai-len đã đạt kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2023 nhưng vẫn có tiềm năng tăng trưởng. Ai-len có lĩnh vực công nghệ cao phát triển cùng môi trường đầu tư sôi động. Với khoảng 41 dự án nhỏ có tổng trị giá 61 triệu USD, Ai-len hiện còn là một đối tác đầu tư khiêm tốn ở Việt Nam.
Trở lại Hà Nội, hiện có nhiều đồn đoán về đấu đá nội bộ và những yêu cầu trong Đảng rằng ông Lâm phải từ bỏ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng này.
Có vẻ như ông Lâm đang tận dụng tối đa các chuyến công du nước ngoài nhưng ông cũng đang đưa ra tín hiệu rằng Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại không liên minh, liên kết ngay cả khi các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông xứng đáng nhận được những hồi đáp mạnh mẽ và thẳng thừng hơn thường từ Hà Nội.
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.