CỨ HỞ RA LÀ XIN TIỀN DÂN, RỒI XÀI HOANG PHÍ.
Ngày 15/9, bộ Kế hoạch & Đầu tư thống kê có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương vì bão Yagi. Về tài sản thì thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng (1,6 tỷ đô la), ước tính sẽ làm giảm khoảng 0,15% tăng trưởng GDP năm nay
Bão gây hư hại, sập đổ khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn. Khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ. (1)
Những số liệu khổng lồ này cho thấy sẽ phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của để kiến thiết lại sau bão. Nhưng tiền trong dân không thiếu, chỉ trong mấy ngày sau bão (từ 10/9 tới 16/9), Mặt Trận Tổ Quốc đã nhận được hơn 1.236 tỷ đồng. Số tiền này sẽ tiếp tục tăng thêm trong những ngày tới. Ngoài ra thì còn nhiều cơ quan nhà nước khác cũng tham gia kêu gọi quyên góp như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung ương Đoàn Thanh niên, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động… Các ủy ban tỉnh cũng có nguồn quyên góp riêng.
Các lực lượng nhà nước này thực thi chiến lược quyên góp theo kiểu vừa vận động, vừa ép buộc. Cho nên nguồn thu quỹ tăng rất nhanh. Thậm chí nhiều trường học cũng ép học sinh bỏ tiền ăn sáng để quyên góp. Hình ảnh các em học sinh tiểu học, chưa đầy 10 tuổi đã phải xếp hàng bỏ tiền ăn sáng vào thùng quyên góp được chia sẻ suốt những ngày qua khiến cho cộng đồng mạng dậy sóng. Chẳng hiểu sao trẻ em mà họ cũng không tha… Chỉ có điều, thu vào tấp nập là vậy, nhưng chi ra liệu được bao nhiêu, chi đi đâu và dùng có đúng không mới là vấn đề!
Ngoài tài khoản Ban Vận động cứu trợ Trung ương của Mặt trận Tổ quốc thì Việt Nam có 22 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Tổng số dư các quỹ đến cuối năm 2023 là hơn 1,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, 3 quỹ thuộc quản lý của Bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 91% tổng số dư các quỹ.
Cùng với đó là một số quỹ đáng chú ý như Quỹ Phòng, Chống thiên tai Trung ương được lập năm 2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… (2)
Với con số này, chỉ cần chi đúng, chi đủ, sử dụng hợp lý thì chắc chắn có thể bù đắp vào những thiệt hại do bão lũ gây ra. Nhưng trên thực tế thì không như vậy. Từ quỹ trung ương chi xuống địa phương thì có thể không hao hụt, nhưng địa phương chi ra cho dân thì lại khác. Thường thấy nhất là chuyện báo cáo láo, làm giả hồ sơ thiệt hại, ăn bớt ăn xén tiền của dân, mua gia súc ốm yếu, bệnh tật với giá rẻ rồi kê khống hóa đơn, giao cho dân với giá cao.
Ngoài ra là chuyện rút ruột các công trình hạ tầng, cây xanh… Các công trình sửa chữa đê điều, cầu cống, đường xá sau lũ là dễ bị rút ruột nhất. Mùa lũ này qua đi, sửa xong thì mùa lũ khác lại đến, lại chi thêm tiền để sửa. Càng sửa càng hư, dân lãnh đủ hậu quả, tiền thì quan hưởng. Cây xanh cũng vậy. Họ ăn không chừa thứ gì thì tiền dân quyên góp dù nhiều cỡ nào thì cũng như muối bỏ bể .
Trên đây chỉ là nói về trường hợp các quỹ cứu trợ được trung ương chi xuống địa phương. Ngoài ra thì có trường hợp trung ương không chi tiền quỹ, mà dùng để gửi ngân hàng lấy lãi như Quỹ Vaccine phòng Covid-19 lập năm 2021. Tới tháng 9/2023, hết dịch nhưng quỹ vẫn còn gần 10.842 tỷ đồng gửi ngân hàng chưa biết dùng làm việc gì. Có ý kiến cho rằng nên dùng quỹ này để tái thiết xã hội sau lũ.
Nhưng như đã nói ở trên, tiền thì nhiều, mà nếu dùng không đúng cách thì cũng chẳng ăn thua… Và với tình trạng quan liêu hiện nay, cho dù có quyên góp thêm gấp 10 lần con số thiệt hại thì cũng không thay đổi được gì, chỉ có quan thì giàu thêm, còn dân thì vẫn khổ!
https: //vietnamthoibao . org/vntb-cu-ho-ra-la-xin-tien-dan-roi-xai-hoang-phi/
Gửi ý kiến của bạn