Cỏ Cụ Hồ và cây vú sữa miền Nam Hải Ngoại
hồ chiếu manh tưới cây - nguồn hình từ bài chủ
Nguyễn Văn Lục
Đàn Chim Việt
Lời dẫn ‒ Cây vú sữa miền Nam theo tài liệu của Wikipedia vốn thật ra chỉ là một loại cây quả du nhập từ các xứ nhiệt đới như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan như cây sầu riêng, cây chôm chôm vào Việt Nam. Nhưng vào tháng 12/1954, trong cuộc tập kết của bộ đội cộng sản ở xã Trí Phải, tỉnh Cà Mâu đi ra tàu Ba Lan. Họ có mang theo một cây vú sữa do bà Tư nhờ cầm ra Bắc biếu bác Hồ.
Câu chuỵện đơn giản chỉ có thế.
Ý của bà Tư là thành ý, là chân thành bộc lộ tâm can của một người quý mến một người, một lãnh tụ. Chuyện mà bất cứ ai cũng có thể làm.
Nhưng câu truyện trở thành một huyền thoại, biến toàn dân miền Nam nhớ tới Bác, gửi gắm qua cây vú sữa là chuyện không đúng. Một người miền Nam biếu một cây vú sữa thì không thể kéo toàn dân miền Nam vào đó. Nói thế là nói bừa.
Phần Bác biểu diễn đứng chụp cảnh bác tự tay tưới cây vú sữa “mỗi ngày” sáng chiều. Nếu chỉ là tuyên truyền – mà chắc là như thế – thì bác đã phụ lòng một người đàn bà quý mến mình.
Bác đã phụ lòng một người đàn bà. Đó là một lỗi nặng.
Thật sự báo nhà nước cộng sản đã viết bài huyền thoại hóa câu truyện Cây vú sữa miền Nam từ mấy chục năm. Càng ca tụng, càng giả dối, càng phụ lòng người đàn bà chất phác kia. Họ ca tụng không hết lời về tấm lòng của Bác đối với dân miền Nam. Như tờ báo Ảnh Việt Nam, ngày 16/5/2009 ông Nguyễn Văn Minh có viết bài: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” có viết trích lời Bác:
“Bác tha thiết, nếu không còn con đường nào khác thì các cháu cho Bác đi bộ, các chú đi được thì bác cũng đi được, chưa chắc Bác đã thua các chú đâu.”
Tội nghiệp Bác chưa thực hiện được ước mơ đi vào thăm miền Nam thì đã mất vào vào năm 1969.
Nhà văn Tưởng Năng Tiến khi đọc câu truyện Vú sữa miền Nam ngứa mắt đã viết một bài: Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác. (Trích DCVOnline.net, ngày 05/08/2006).
Tưởng Năng Tiến đặt câu hỏi là Bà Tư mong muốn được ra thăm lăng Bác một lần, vậy mà Trung Ương đảng không mua nổi cho bà một vé xe hỏa hay máy bay để bà thỏa mãn lòng kính yêu bác Hồ? Và anh bực bội kết luận:
Tình cảm của những đồng bào ở những “vùng tận cùng của tổ quốc” (rõ ràng) đã đổi. Cây vú sữa ở Phủ Chủ Tịch – ngoài Hà Nội – không biết có còn sống hay không chớ tấm lòng của dân miền Nam đối với Bác, Đảng và Nhà Nước thì đã chết – và chết từ lâu rồi. Cuốn Lịch Sử Tây Nam Bộ 30 Năm Kháng Chiến chắc phải viết lại, và sắp sang trang.
Theo tôi thì chính Tưởng Năng Tiến cũng phải viết lại. Vì có chỗ nào, bằng cớ ở đâu cho thấy dân miền Nam kính yêu bác Hồ? Riêng cây Vú sữa miền Nam không thể nào trồng ở miền Bắc được, vì không hợp phong thổ. Nếu nói dại thì cây cây miền Nam không sống được trên đất cộng sản. Cây vú sữa, một cây duy nhất trồng ở chỗ bác ở bảo đảm không sinh hoa kết trái như ở miền Nam. Cùng lắm cho những quả thui chột, ăn không được. Nay nếu cây cây có còn thì chắc là cây bằng plastic.
Muốn biết dân miền Nam có quý mến bác hay không, chỉ cần so sánh hai sự kiện lịch sử sau đây sẽ thấy lòng dân ở chỗ nào?
Lúc tướng Patton của Mỹ chiếm được Sicily đánh bại quân trục Đức-Ý. Dân chúng Ý thay vì phải tù ghét Mỹ mới phải, nhưng dân chúng các vùng Troina, Messina đã đổ xô ra đường hoan hô, vui mừng khi quân đồng minh tiến vào thành phố. Đông không thể tưởng. Đầy đường. Ai nấy mặt mũi tươi cười vui vẻ.
Vây mà ngày 30/04/1975, dân chúng miền Nam lúc xe tăng Bắc Việt kéo vào dinh Độc Lập, lúc quân đội Bắc Việt đi bộ trên đường Công Lý, xếp hàng hai đi trên đường, dân chúng ở đâu không ào ra đường đón cách mạng? Họ sợ, họ nghi ngờ, họ lo cho tương lai mình. Họ lo là phải. Vậy mà nhà văn Bảo Ninh khi viết về những ngày này diễn tả dân chúng đổ xô ra đón tiếp, vui mừng và hân hoan mang cả cháo ra cho bộ đội xơi.
Cháo gà miền Nam rẻ và sẵn sàng thật.
Truyện Cây Vú Sữa miền Nam nói quá trở thành kịch, có chút “bịp bợm.” Nhà văn Vũ Thư Hiên là người rành rẽ những truyện “bịp” này. Ông cho biết hồi còn ở Việt Bắc, dân miền Nam kính yêu bác, không gửi Cây Vú Sữa Miền Nam mà gửi một cô gái miền Nam làm quà cho Bác. Bác xơi quà mỗi ngày, khỏi phải tưới bón. Ít lâu sau cô gái có bầu.
Dân miền Nam mang biếu bác món quà quý hóa như thế. Một món quà trên đời này không dễ mấy ai có được. Vậy mà không báo chí nào nhắc nhở tới.
Phải chăng món quà đã có người miền Nam xơi trước rồi?
Cũng nhà văn Vũ Thư Hiên kể, bác thường có hai bao thuốc – một bao Basto xanh để biểu diễn, một bao thuốc thơm Philip Morris để hút lén. Đám trẻ như Vũ Thư Hiên thường lén lút ăn trộm thuốc thơm của bác để hút. Sau đó, trước khi về Hà Nội, bác có tặng cho Vũ Thư Hiên một máy đánh chữ cũ hiệu Remington. Vậy mà sau này, không biết bằng cách nào, bảo tàng viện ra chợ trời mua một chiếc mày đánh chữ cũ ghi: máy bác thường dùng để đánh khi ở trên chiến khu. Trời đất, bác bịp. Con cháu bác cũng bịp. Phần tư liệu viết này có sự sự đồng ý của nhà văn Vũ Thư Hiên.
Không biết nhà văn Vũ Thư Hiên nói sai hay bác bịp?
Trong chương trình một series về chiến tranh Việt Nam do nhà báo thân cộng Stanley Karnow viết kịch bản. Tôi nhìn thấy một cảnh không đẹp và khó chịu để thấy một lần nữa bác “bịp” được cả bọn ngoại quốc. Hình chụp bác sắn quần lội qua suối. Hình kia chụp ông Ngô Đình Diệm cũng qua suối nhưng được 4 sĩ quan khiêng trên một ghế bành. Trông như một ông quan thuộc địa vậy.
Thật xấu hổ và khó chịu.
Sĩ quan tuỳ viên Lê Châu Lộc, người từng đi sát tổng thống thấy tội nghiệp cho ông Diệm. Ông Diệm là người luôn đi về nông thôn thăm dân tình. Có nơi, ông sắn quần lội nước. Có nơi, hai thày trò ông, ông Diệm và ông Lê Châu Lộc ngủ lại qua đêm phải nằm trên hai ghế bố. Cảnh đó đáng quay thì nhân viên bộ thông tin không quay sợ “xúc phạm” đến tổng thống. Họ chỉ quay cảnh tổng thống đi duyệt hàng quân danh dự. Có kèn có trống. Thật là kính trọng ông Diệm mà hại ông.
Người miền Nam vẫn khờ khạo, thật thà quá. Không biết tuyên truyền. Mất là cũng phải.
Cây vú sữa miền Nam ở Hải Ngoại
Cây vú sữa được dùng ở đây được hiểu theo nghĩa bóng. Vú sữa như bầu sữa mẹ chảy dồi dào, no đủ, dư thừa. Thực tế, muốn ăn vú sữa đúng kiểu thì chịu khó soa nắn và bóp nhẹ quả vú sữa cho nó mềm ra. Lâu một chút mới được. Sau đó, đừng dùng dao. Thô bạo lắm. Chọc nhẹ một lỗ và mút cho đến khi chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài.
Ăn như thế mới là biết cách ăn vú sữa.
Miền Nam được coi như một cây vú sữa dưới mắt người cộng sản. Vậy mà trước sau họ vẫn coi dân miền Nam như kẻ thù số một. Michel Tauriac gọi dân miền Nam là con bò sữa bị cộng sản vắt. Vắt lúc ra đi và vắt lúc trở về.
Nhưng tôi nghĩ bò sữa ở Việt Nam hiếm có. Cây vú sữa xem ra biểu tượng hơn.
Cây vú sữa ấy vừa bị nuốt chửng, vừa bị coi như kẻ thù như nói ở trên. Nhiều bằng chứng, nhiều bài báo viết về vấn đề này như: Một bộ phận Dân tộc ở xa đất nước, Hoàng Bích Sơn, báo Tổ Quốc, số tháng 10/1986. Để phát huy tiềm năng không nhỏ của người Việt ở nước ngoài, Trọng Nghĩa, báo Nhân Dân, ngày 26/01/1968. Về Cộng Đồng Việt Kiều, Nguyễn Khắc Viện, Đoàn Kết, số tháng 12/1987 cho thấy như vậy.
Ngay từ khi chiếm miền Nam từ 1975-1979, qua đại hội IV, cộng sản đã muốn biến miền Nam theo mô hình xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Những ngôn ngữ được nhắc đi nhắc lại như: “Hợp tác hóa miền Nam,” “Cải tạo công thương nghiệp,” “Thống nhất quản lý kinh doanh,” “10 quy luật của nền kinh tế Việt Nam,” “Quản lý” kinh tế từ cây kim đến sợi chỉ.
Cụ thể là các chính sách đổi tiền, đánh tư sản, chính sách kinh tế mới, học tập cải tạo, và chính sách về người Hoa.
Chỉ sau 10 năm, miền Nam trở thành một nền kinh tế phi kinh tế, sản xuất đình đốn khủng hoảng toàn diện.
Đó là nguyên cớ của hàng triệu người miền Nam bỏ nước trốn đi bằng đường biển hay đường bộ. Và đối với nhà nước cộng sản chỉ coi những thành phần trốn ra nước ngoài là rác rưởi cần loại trừ hoặc nặng hơn họ gọi là phản quốc hay bọn phản động nước ngoài.
Nhưng sau này, sách lược của họ đã có cái nhìn “nghiên cứu” nghiêm chỉnh hơn về những cây vú sữa miền Nam ở Hải Ngoại kể từ Nghị quyết 36/NQ-TW, ngày 26/03/2004 của Bộ chính trị về công tác đối với người Việt ở nước ngoài.
Nhưng thay đổi chỉ là cái vỏ bọc ngoài.
Đặc biệt có tài liệu: Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, tác giả, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà với sự cộng tác của Nguyễn Phúc, Trần Hà Anh, Nguyễn Trọng Thu và sự góp ý của các đồng chí Trần Bạch Đằng, phó chủ tịch Hội đồng khoa học thành phố, Dương Đình Thảo, Trưởng ban tuyên huấn Thành Ủy, Phạm Chánh Trực, Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố cùng với Ngô Văn Lâm, Phó Giám Đốc sở Công An, Vũ Khắc Bồng, giám đốc sở ngoại vụ.
Với một thành phần như thế, chúng ta đủ hiểu nội dung cuốn sách như thế nào.
Đây là một tài liệu tìm hiểu, phân tích khá đầy đủ về người Việt Hải ngoại. Nhất là trong chương 5. Ông này có phân tích, tìm hiểu các vấn đề:
‒ Những hoạt động phá hoại của bọn phản động người Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
‒ Và sự phân hóa trong hàng ngũ bọn phản động người Việt. (Trích Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Nguyễn Ngọc Hà, từ trang 61-74)
Trong suốt cuốn sách, lúc nào cũng kèm theo hai chữ phản động đối với người Việt Hải Ngoại không theo họ.
Cuốn sách Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài trình bày toàn bộ các sinh hoạt chính trị, văn hóa, báo chí của người Việt, nhất là ở California. Đồng thời đưa ra những biện pháp sau đây:
‒ Những phương hướng và nhiệm vụ của công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
‒ Những đề nghị về hệ thống chính sách, chủ trương đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
‒ Với phong trào Việt Kiều, nhằm thu hút đoàn kết, tập họp người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước.
‒ Những nhiệm vụ chung của công tác người Việt ở nước ngoài cũng như những nhiệm vụ cụ thể.
‒ Chính sách đối với những gia đình có người thân ở nước ngoài.
‒ Chính sách huy động kiều hối.
‒ Chính sách khuyến khích đầu tư. (Trích các chủ trương chính sách này trong sách: Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tóm tắt từ trang77-121)
Vì sao có chính sách đánh phá người Việt Hải ngoại? Những cây vú sữa miền Nam
Nói đánh phá thì chưa được chính xác. Một mặt ngoại vi, vẫn phủ dụ, mua chuộc, cài người, vẫn nói giọng tình nghĩa ruột thịt. Mặt khác đánh phá, xâm nhập, gây chia rẽ.
Họ đánh phá vì thế của người Việt hải ngoại đối với dân chúng miền Nam, đối với cộng đồng thế giới và đối với chính kinh tế của chính quyền cộng sản.
Người Việt Hải ngoại – những con bò sữa – có một thế đứng chính trị làm cho cộng sản phải lo ngại.
“ Một số ít người đi ngược lại lợí ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam” (Trích Nghị Quyết 36)
“Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.” (Trích Nghị quyết 36, phần 2).
Thật ra chính nhờ sự chống đối của người Việt Hải Ngoại mà chính quyền cộng sản khá hơn trong tiến trình đổi mới. Không có tiếng nói chống đối ấy, không có sự tác động trái chiều ấy, chính quyền cộng sản sẽ còn ù lì độc đoán và mông muội hơn nhiều. Cách nào, tiếng nói ấy vẫn có mặt tích cực cho chính quyền cộng sản. Thay vì chửi là phản động, họ phải biết ghi nhận và cám ơn.
Cho nên, họ có tiếng nói của họ.
Tiếng nói nhân danh cộng đồng người Việt Hải ngoại tranh đấu cho tiến trình dân chủ trong nước, tranh đấu cho những người bị nhà nước cộng sản đàn áp, tranh đấu cho quyền lợi người dân và các quyền tự do tôn giáo.Những lời chỉ trích, phản đối của họ có ảnh hưởng trực tiếp tới các đại diện địa phương họ đang sống, nhất là đối với người Mỹ.
Có ai đã bao giờ đặt câu hỏi tại sao việc thực hiện xã hội chủ nghĩa đã tiến hành một cách khá xuôi chèo ở miền Bắc sau khi Nhân Văn Giai Phẩm bị loại trừ? Và tại sao việc thực hiện xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, dù có kinh nghiệm của miền Bắc, sau 10 năm, 1975-1985, cỏ cụ Hồ đã hoàn toàn thất bại ở miền Nam? Và kể từ sau đó phải tiến hành “Đổi Mới?”
Miền Bắc sau 1954 là một xã hội cộng sản khép kín với thế giới bên ngoài như một thứ nhà tù. Trong đó tiến hành thực hiện môt chủ nghĩa cộng sản, một ý thức hệ áp đặt bằng bạo lực. Và để duy trì chủ nghĩa ấy thì cộng sản đã thiết lập một chính quyền toàn trị dùng công an khống chế. (Ideology-Terror-and Totalitarian government)
Miến Bắc bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bị bưng bít mọi truyện. Bị tuyên truyền và khủng bố. Họ không thể trông cậy vào ai ở thế giới bên ngoài. Mọi người dân chỉ còn biết ngoan ngoãn cúi đầu. Cỏ Cụ Hồ cắt phạt nhổ tận gốc rễ các cây cau miền Bắc. Chính quyền cộng sản quyết tâm thực hiện cho bằng được hai điều: Tiến hành thực hiện xã hội chủ nghĩa miền Bắc và giải phóng miền Nam.Họ đã thực hiện được.
Nhưng khi họ muốn thực hiện xã hội chủ nghĩa ở miền Nam theo khuôn khổ miền Bắc thì đã gặp thất bại.Họ mất đi cái ảo tưởng một “thiên đường XHCN”. Kết quả là ba nhân vật hàng đầu ở miền Bắc phải tự rút lui trước kỳ đại hội VI. Và Nguyễn Văn Linh lên thế chỗ với “năm bước ngoặt.” Đã có tiến bộ. Lần đầu tiên Việt Nam xuất cảng gạo ra thế giới năm 1989.
Sự thất bại cắt nghĩa được vì người dân miền Nam có một hậu phương lớn: Đó là cộng đồng người Việt Hải ngoại. Họ tin tưởng và cứng đầu; Họ có hậu thuẫn.
– Thứ nhất việc gửi tiền về đã phá gẫy các biện pháp kinh tế, xã hội, chính trị: Như đi kinh tế mới, đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp. Thất bại ngay từ đầu và có nguy cơ dẫn đưa toàn thể đất nước đến phá sản. Sau 10 năm, họ nhìn nhận phải thay đổi nếu không thì chết.
– Thứ hai, hậu thuẫn chính trị, sức mạnh mở ra với thế giới bên ngoài làm cho chính quyền cộng sản không dám làm mạnh như thủ tiêu, ám sát hoặc lưu đầy trong các nhà tù những người chống đối họ. Càng ngày, càng nhiều người dân lên tiếng. Đã phản đối, đã biểu tình chống đối nhà nước. Bắt đầu là những người bất đồng chính kiến, các cựu cán bộ cộng sản, nhất là cựu kháng chiến Nam bộ, các vị sĩ quan và cuối cùng là gìới nông dân thợ thuyền.
– Thứ ba cộng đồng người Việt hải ngoại là một niềm hy vọng và một ước mơ. Ước mơ cho những người rắp tâm ra đi, có can đảm mà đi. Đó là giai đoạn của 1975-1990. Giai đoạn bỏ nước mà đi. Từ 1990 nay không ra đi nữa. Nhưng ở lại để đòi thay đổi. Đòi hỏi ngày càng ráo riết không phải chỉ đòi thay đổi mà còn muốn xóa bỏ chế độ cộng sản. Trong thâm tâm người Việt trong nước bây giờ, nhất là những người từng sống chết với chế độ ấy lại là những người mong muốn hơn ai hết về sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản. Trong dịp người Thiên Chúa Giáo biểu tình ở Thái Hà, một cựu cán bộ cộng sản đã bỏ đảng tịch nói với một người Thiên Chúa giáo là: Nay chỉ có các ông mới làm được truyện này. Tôi không đồng ý quan điểm đó. Tất cả mọi người dân Việt Nam phải nhất tề làm chuyện này. Mọi sự như đã chín mùi. Nhưng đâu là người châm ngòi? Không có cộng đồng người Việt Hải ngoại, tôi tin chắc Việt Nam bây giờ giống như một Bắc Hàn không hơn không kém.
Mỗi khi cộng sản trong nước nhúc nhích cái gì thì y như rằng có tiếng nói phản kháng của cộng đồng người Việt lên tiếng.
Chúng ta không hy vọng thiết lập một thể chế chính trị ở một nước tạm dung. Nhưng điều mà chúng ta có thể làm được là chặn đứng Cỏ Cụ Hồ xoá trắng, nhổ sạch cây dừa miền Nam như họ đã từng làm ở ngoài Bắc. Để cho miền Nam vẫn giữ được cái Identity của mình. Người Việt đóng vai trò cổ võ, tác động.
Để cho mai sau dừa vẫn là dừa.
Tôi viết tóm tắt chủ trương, đường lối của Cỏ Cụ Hồ đối với những người Việt Hải ngoại- Những con bò sữa cụ Hồ cần cảnh giác và sáng suốt để tránh bị cỏ cụ Hồ xâm nhập, phá nát, gây nghi ngờ đấm đá lẫn nhau, gây chia rẽ nội bộ Cộng đồng để lợi dụng.
Như trong tài liệu viết như sau về cộng đồng người Việt hải ngoại:
“Không có một lý tưởng sống rõ ràng, chưa có dịp trải qua những thử thách, nhất là trước cái sống cái chết, nhiều bà con đã không đùm bọc lấy nhau trong cơn hoạn nạn nên có người bị kẻ thù mua chuộc và làm chỉ điểm cho bọn phản động, có người từng khoe là vợ của tỉnh trưởng, bộ trưởng, viên chức cao cấp của chế độ cũ, nhưng chỉ vì cái đói đe dọa mà bán rẻ nhân phẩm mình với bọn giám thị bồi bếp nước ngoài để được chúng bố thí cho, dù chỉ một hộp sữa bò, một khúc giò hoặc một ổ bánh mì nguội.”
(Trích Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Nguyễn Ngọc Hà, trang 21)
Đây là nói về tình trạng đồng bào còn nằm ở các trại tạm cư ở Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Hồng Kông, v.v…
Riêng cộng đồng người Việt định cư tại Mỹ nhất là kể từ năm 1981 đã xảy ra nhiều vụ bạo hành mà đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân như sau:
• Ngày 03/06/1981, công ty xuất nhập khẩu PEDCO ở Los Angeles bị đốt cháy.
• Ngày 23/04/1981. Vụ Ngô Vĩnh Long bị ném bom xăng vào xe, nhưng không nổ.
• Ngày 21/07/1981, ông Dương Trọng Lâm, chủ nhân một tờ báo ở San Francisco bị bắn chết trước nhà.
• Ngày 24/8/1982, ông Nguyễn Đạm Phong, chủ bút, Houston Texas bị kẻ lạ bắn chết trước cửa nhà.
• Ngày 28/05/1984 cũng tại San Fransisco, diễn ra vụ ám sát hai ông bà Nguyễn Văn Lũy và Phạm Thị Lưu. Ông Lũy chỉ bị thương, riêng bà Phạm Thị Lựu, 66 tuổi bị chết.
• Ngày 13/10/1984, tại trường Fullerton, bang California xảy ra vụ ám sát giáo sư Edward Coopennan, ông này phụ trách một chương trình của UNESCO cho Việt Nam.
• Ngày 18/3/1986 Ông Trần Khánh Vân bị kẻ lạ mặt bắn trọng thương khi từ trong nhà ra bãi đậu xe.
• Nhà văn Duyên Anh bị đánh trọng thương. Sau đó được máy bay chở về Pháp. Tôi có gặp một cựu quân nhân, anh tự nhận là người đánh Duyên Anh. Tôi không tin nên không để ý đến sự việc.
• Ngày 19/08/1989, cũng tại California, Đoàn Văn Toại đã bị bắn 4 phát, nhưng không chết.
• Ngày 23/11/1985 Hai cơ sở làm ăn của Việt Kiều đoàn kết là công ty Laser Express và Vinamedic ở Montréal, Canada đã bị đốt.
• Ngày 14/06/1987 Hai cửa hàng Vina Paris và Viet Nam Diffusion, ở quận 13 Paris có sô sát và đập phá mặt tiền cửa hàng Vina Paris.
• Vụ án mạng Hoài Điệp Tử, chủ bút báo Mai và vụ âm mưu ám sát Cao Thế Dung. Chúng tôi chỉ nêu tên mà không rõ sự việc. (Trích nguồn: Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Nguyễn Ngọc Hà, trang 63-67)
Bài viết này không có mục đích tìm hiểu nguyên nhân từng vụ một. Có nhiều bằng cớ cho thấy nội vụ có thể có liên quan với cộng sản Hà Nội. Nhưng cũng có những vụ chỉ là việc tranh chấp nội bộ giữa những người Việt Nam không đồng chính kiến như vụ Cao Thế Dung, Duyên Anh.
Vấn đề còn lại không phải là những người đã chết. Nhưng nó cho thấy dấu hiệu có nhiều xung đột, chia rẽ, phe phái trong cộng đồng người Việt Hải Ngọai.
Điều mà thực tế ai ai cũng phải nhìn nhận là vấn đề có thực.
Cũng như về phạm vi báo chí, phải nhìn nhận rằng báo chí của người Việt đã không làm đúng chức năng là xây dựng và đoàn kết cộng đồng. Và người cộng sản đã đánh giá công việc của báo chí Hải ngoại như sau:
“Giống như báo chí ở Sài Gòn trước kia, chất lượng báo chí nói chung là thấp. Những người cầm bút, trừ một số đã có kinh nghiệm ở Việt Nam, phần lớn còn lại là “tay ngang.” Họ viết báo, theo ý kiến và ý đồ chủ quan, không ngại tung tin vịt, chụp mũ, không ngại tâng bốc tận mây xanh hay hạ xuống tận vực thẳm, bất cần sự thật thế nào. Những mâu thuẫn phe phái xảy ra thường xuyên, các tờ bào thường đánh nhau kịch liệt. Báo này ủng hộ Hoàng Cơ Minh, cho đó là người hùng, báo khác thì gọi y là “con bọ nước,” rồi chửi nhau.”
(Trích Về người Việt Nam ở nước ngoài, Nguyễn Ngọc Hà, trang 70-72, nxb Thành Phố Hồ Chí Minh)
Sự trích dẫn một vài tài liệu của chính quyền trong nước chỉ có giá trị như một thông tin không nhất thiết phản ảnh lập trường của người viết bài.
Nhưng dù thế nào, mỗi người trong cộng đồng khi đọc cũng có thể tự mình rút ra một kết luận. Và giả dụ rằng có sự đoàn kết trong các cộng đồng người Việt hải ngoại – một điều thật hiếm có – thì đó là một sức mạnh vô địch giúp cho tiến trình đòi hỏi tự do, dân chủ cho Việt Nam sớm được thực hiện.
Cũng vậy, trong cuốn sách Hồi ký nổi tiếng của hoạ sĩ Tô Hải trong nước sắp ra mắt bạn đọc trong nay mai, ông cho rằng rất tiếc, nếu trước 1975, chứng ta có một vị tướng can đảm thì quân đội VNCH có nhiều hy vọng ngăn chặn được làn sóng Cỏ Cụ Hồ tràn ngập miền Nam. Ý kiến như thế không phải là không đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Kết luận, chúng ta vẫn thiếu một cái gì. Chính cái thiếu đó làm chúng ta thua cuộc.
Và đây là tài liệu thứ hai không kém phần quan trọng. Tài liệu ghi bên ngoài là để “Lưu hành nội bộ” do Ban tư tưởng-Văn Hoá Trung Ương, do nhà xuất bản chính trị Quốc Gia, Hà Nội 1994, người viết xin ghi lại một vài đặc điểm. Tài liệu cảnh cáo những hoạt động của người Việt Hải Ngoại bằng thứ ngôn ngữ như sau:
“Tăng cường tài trợ, nuôi dưỡng và chỉ đạo bọn phản động người Việt lưu vong, tác động vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài.” (Trích Quyết tâm làm thất bại chiến lược diễn biến Hoà Bình của các thế lực thù địch.Tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ, trang 13)
– “Dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền,” chúng tăng cường chương trình các đài, báo làm chiến tranh tâm lý, tập trung vu cáo ta bóp nghẹt dân chủ, đàn áp bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những người đã cộng tác với chế độ cũ. Chúng đưa ra danh sách gọi là “tù nhân lương tâm,” yêu cầu được xác minh, cung cấp tài liệu, được đến các trại giam để kiểm tra và tiếp xúc với tù nhân, đòi thả những người hoạt động chống nhà nước Việt Nam, kích động và bảo vệ những hoạt động của một số đối tượng chống đối ở trong nước, trắng trợn can thiệp vào cônhg việc nội bộ và chủ quyền của Việt Nam.”
– “Hàng chục ngàn tài liệu đã được tán phát dưới danh nghĩa ân xá quốc tế, tuyên truyền cho nền dân chủ tư sản và những quan điểm, giá trị tự do của Phương Tây. Vu cáo bôi nhọ chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của đảng ta.”
(Trích tài liệu như trên, trang 15)
Một mặt bên trong mạt sát, chửi bới người Việt hải ngoại, bên ngoài, người cộng sản thừa hiểu rằng lực lượng hơn 3 triệu người Việt Hải ngoại chẳng những là nguồn cung cấp ngoại tệ “thuần” cho nền kinh tế còi cọp mà nay số lượng tiền Kiều Hối bơm về cho nền kinh tế Việt Nam là 8 ti đô la. “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước” (Trích Nghị Quyết 36)Ấy là chưa kể số tiền hằng năm do người Việt Hải ngoại chi tiêu trong lúc về thăm thân nhân ở Việt Nam tính ra từ 3 đến 4 tỉ đô la. Một số tiền không nhỏ. Cho nên họ không ngớt tuyên truyền mật ngọt, lừa dối bằng thứ ngôn ngữ tình cảm, đánh động đến tình cảm yêu quê hương của những người Việt Nam xa nhà như: “Người Việt Nam nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.” Hoặc như “Tổ quốc Việt Nam, quê hương thân thiết luôn luôn giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ.”
Cộng sản còn mở ra các Web câu khách Việt Kiều để truyên truyền như: “Người Viễn Xứ” với nhiều đề mục như Vòng tay nhân ái. Người Việt Bốn Phương. Vinh danh nước Việt. Diễn đàn này cũng đã được một số trí thức Việt Kiều như giáo sư đại học, chuyên viên góp ý, góp bài.
Những loạt bài viết rất tình nghĩa, tràn đầy tình yêu quê hương xứ sở như:
* Những người thắp lửa.
* Ở đâu chúng ta cũng là người Việt Nam.
* Sao lai cứ luôn luôn chê bai đất nước mình.
* Kiếp tha phương… Thôi thì đành chịu.
* Lúc nào cũng muốn quê hương giàu đẹp.
* Tổ quốc và lòng tự hào.
Nhưng ai cũng biết đó là truyện “quả lừa.”
Họ không tử tế gì cả.
Bên trong thì dấu sẵn dao găm, đánh lén bằng đủ thứ nghị quyết các đại hội 4, 5, 6 của đảng cộng sản bằng thứ ngôn ngữ đâm chém, thù hận:
Bọn phản động, bọn tay sai nước ngoài, bọn diễn tiến Hoà Bình. Diễn tiến Hoà bình là cuộc “Chiến tranh không cần chiến tranh,” “Chiến tranh không có khói lửa.” Bản chất của nó là chống chủ nghĩa xã hội.
(Trích Quyết tâm làm thất bại chiến lược Diễn Tiến Hòa Bình của các thế lực thù địch, tài liệu lưu hành nội bộ, trang 3)
Người Việt Hải ngoại ngoài sự đóng góp tiền bạc còn có vốn “chất xám” vượt bực so với trí thức trong nước.
Chẳng hạn về bằng sáng chế Quốc tế giữa người Việt trong nước và người Việt Hải Ngoại. Năm 2000, trong nước có 34. Hải ngoại có 1205. Năm 2007. Trong nước 219. Hải ngoại: 2641 (Trích nguồn VietnamNet, ngày 13/05/2008)
Từ 2002-2007. Singapore có 2504 đơn xin bằng sang chế quốc tế. Malaysia: 264. Thái Lan: 53. Việt Nam: 26. (Trích Viet Nam Net, ngày 13/05/2008)
Đây là chỗ dựa của họ sau này. Người cộng sản cũng muốn lợi dụng vốn sở hữu trí tuệ này trong việc phát triển đất nước. Nhưng xem ra, kết quả rất là nhỏ nhoi và khiêm tốn.
Kết luận
Hơn 30 năm rồi, chưa có dấu hiệu cụ thể là chính quyền cộng sản muốn thực tâm hòa giải dân tộc. Bằng chứng vừa trình bày như trên cho thấy, họ vẫn có chủ trương thù địch và tìm cách triệt hạ, bôi xấu miền Nam trong chương trình giáo dục, tìm cách xâm nhập, phá rối cộng đồng người Việt Hải Ngoại.
Ngày xưa khi người ta hỏi Khổng Tử thế nào là một chính quyền tốt. Khổng Tử đáp: Có 3 điều được coi là chính quyền tốt. Thứ nhất là thức ăn, vũ khí và niềm tin của dân chúng. Giả dụ phải bỏ một trong 3 điều đó thì phải bỏ điều nào? Khổng Tử đáp: nếu cả dân tộc không có lòng tin vào người lãnh đạo thì dân tộc ấy coi như đã chết.
Phải chăng đó là trường hợp Việt Nam bây giờ? Nhưng nhiều người vẫn còn tự hỏi bao giờ?
Tôi xin trả lời: còn hai thước nữa.