Kết Quả 13 Năm Đốt Lò:
Tham Nhũng Ở Việt Nam Bộc Phát Trở Lại.
"Doanh Nhân" Trương Mỹ Lan, em khác cha khác mẹ với Trương Mỹ Hoa và cũng là chị vợ đại bác bắn không tới của con giòi Lê Thanh Hải, bí thư thành hồ đã về vườn - nguồn Internet.
Nguyễn Quốc Khải
Việt Báo
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
VỤ VẠN THỊNH PHÁT
Gần đây báo chí trong và ngoài nước bàn tán sôi nổi về một vụ tham nhũng có thể nói là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Đó là vụ gian lận tài chánh của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) dẫn đến việc bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình và làm sáng tỏ một số vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng.
Bà Lan dùng Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (Saigon Joint Stock Commercial Bank - SCB), để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của VTP. Bà nắm giữ hơn 91% cổ phần của Ngân Hàng TMCPS thông qua các công ty phụ trợ.
Hơn một thập kỷ trước khi bị bắt vào năm 2022, Lan đã vay ngân hàng TMCPS bất hợp pháp $44 tỷ để tài trợ cho các dự án của Vạn Thịnh Phát. Bà ta đã sử dụng hàng trăm công ty vỏ bọc (shell company) và tài sản thế chấp với trị giá thổi phồng.
Bà Lan thực hiện kế hoạch nhờ vào các quan chức tham nhũng: Một cựu thanh tra ngân hàng trung ương Việt Nam bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ $5.2 triệu để phớt lờ những sai phạm ở Ngân Hàng TMCPS. Vụ án liên quan đến khoảng $27 tỷ và 42,000 nạn nhân.
Việc thẳng tay trừng trị tham nhũng đã dẫn đến việc các chủ tịch nước và lãnh đạo chính phủ Việt Nam phải từ chức và các viên chức và doanh nhân hàng đầu phải ngồi tù. Bà Lan là nữ doanh nhân đầu tiên phải đối mặt với án tử hình.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một người trong ngành ngân hàng, nói với Channel News Asia: “Không có gì đảm bảo rằng đây sẽ là trường hợp cuối cùng… Những người vi phạm đã lách luật một cách dễ dàng. Tôi không ngạc nhiên về sự gian lận. Nhưng tôi ngạc nhiên về tầm quan trọng của nó.”
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc Hội, cho biết: “Vụ việc có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể còn có những tảng băng trôi khác chưa bị vỡ.”
CÁC VỤ THAM NHŨNG LỚN TRƯỚC ĐÂY
Nhiều vụ tham nhũng lớn đã xẩy ra ở Việt Nam trước đây. Một trong những vụ này liên quan đến ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng nguyên là Ủy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam các khóa X, XI, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, đồng thời là đại biểu Quốc Hội Việt Nam từ khóa XI đến khóa XIII.
Ông từng là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam; Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên – Huế (11/2003-12/2005); và Chủ Tịch Tổng Công Ty Sông Đà trước khi trở thành Bộ Trưởng Bộ Giao Thông vận tải (tháng 4, 2001- tháng 10, 2003). Ông là một trong những nhân vật thân cận nhất với Ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vào ngày 7-5-2017, ông Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi Bộ Chính Trị do vi phạm pháp luật khi còn là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, những vi phạm dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Ông bị bắt vào ngày 8-12-2017 vì hành vi quản lý sai trái của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam và hối lộ, dẫn đến khoản lỗ $88 triệu từ khoản đầu tư vào Oceanbank. Ông Thăng còn phải chịu trách nhiệm về khoảng $523 triệu đầu tư không thành công và bị cáo buộc đã ứng trước $67 triệu cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng này không sử dụng vốn đúng mục đích, gây thiệt hại $5.5 triệu cho nhà nước.
Vào ngày 22-1-2018, ông ta bị kết án 13 năm tù. Ông Thăng bị xét xử vào ngày 14 và 15 tháng 12, 2020 vì liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng khác và nhận 10 năm tù.
Trường hợp của Thăng không phải là trường hợp cá biệt. Khoảng 20 cá nhân khác có liên quan đến lĩnh vực dầu khí và ngân hàng cũng bị kết án, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Petrovietnam, người bị bắt ở Đức và đưa về Việt Nam. Ông Thanh bị kết án tù chung thân. Sau đó, Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi là “Vũ Nhôm”, một ông trùm kinh doanh bị bắt ở Singapore. Ông Vũ Nhôm lãnh 17 năm tù.
Tham nhũng ở công ty quốc doanh xây cất tầu Vietnam Shipbuilding Industry Group, gọi tắt là VINASHIN, là một trường hợp thứ hai. Công ty này được thành lập vào năm 1996 là một công ty quốc doanh lớn nhất của Việt Nam với mục tiêu trở thành một trong những cơ xưởng sản xuất tầu lớn nhất thế giới. vào 11-12-1918, Cơ quan Cảnh sát điều tra Việt Nam đã bắt giữ hai giám đốc điều hành của công ty đóng tàu nhà nước Vinashin vì tội biển thủ công quỹ. Lúc bấy giờ, những người làm tại Vinashin đều là tay chân của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một người theo chính sách tư bản bè phái (crony capitalism).
Trương Văn Tuyển, cựu giám đốc công ty và Phạm Thanh Sơn, phó giám đốc hiện tại, bị buộc tội lợi dụng chức vụ của mình để chuyển tiền vào mục đích riêng. Theo cơ quan công tố, Sơn và Tuyên đã làm việc với một cựu kế toán viên của Vinashin để chuyển $4.5 triệu tiền bất hợp pháp vào tài khoản tại Ocean Bank, một tổ chức tài chính hiện không còn tồn tại có liên quan đến các vụ tham nhũng khác. Hàng chục nhân viên của Ocean Bank đã bị bị kết án tù dài hạn, cựu giám đốc ngân hàng Nguyễn Xuân Sơn đối mặt với án tử hình về tội lạm dụng quyền lực quyền lực và tham nhũng.
Đây không phải vụ biển thủ công quỹ đầu tiên ở Vinashin. Vào tháng 2, 2017, ba cựu giám đốc điều hành của công ty đóng tàu con Vinashinlines bị kết tội biển thủ $11.3 triệu từ các hợp đồng vận chuyển đã hoàn tất vào năm 2006-2008. Giang Kim Đạt, nguyên Giám đốc kinh doanh Vinashinlines và Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc bộ phận tổng giám đốc bị kết án tử hình. Các công tố viên kêu gọi mức án đặc biệt nghiêm khắc vì doanh nghiệp nhà nước trở thành doanh nghiệp thua lỗ sau khi xảy ra vụ trộm cắp.
Vụ án tham ô tài sản tại Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Biển gồm một số các vụ án trong đó một số tướng lĩnh trong Ban Thường Vụ Đảng Ủy Cảnh Sát Biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2021 bị cáo buộc biển thủ tài sản, cách chức hết các chức vụ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, khai trừ khỏi đảng hay bị khởi tố, tạm giam. Cụ thể, cựu Trung Tướng, cựu tư lệnh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Nguyễn Văn Sơn bị cáo buộc cùng nhiều cấp dưới biển thủ 50 tỉ đồng từ ngân sách mua vật tư, thiết bị rồi chia chác cho nhau. Ngoài ông Sơn, còn 11 vị tướng và đô đốc liên hệ đến vụ tham nhũng này.
Một vụ án trong số đó là một trong mười đại án được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ xét xử trong năm 2022. Đó là vụ các quan chức cảnh sát biển nhận hối lộ liên quan đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng, một trong những vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển và Bộ Đội Biên Phòng.
CHÁNH SÁCH CHỐNG THAM NHŨNG CỦA NHÀ NƯỚC
Ông Nguyễn Tấn Dũng thất sủng một phần vì những vụ tham nhũng và thất bại như ở công ty Vinashin và nói chung là chính sách tư bản bè phái. Kinh tế trong những năm ông là thủ tướng phát triển chậm lại từ 8% xuống còn khoảng 3%.
Ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí Thư vào 2011, thay thế ông Nông Đức Mạnh. Ông đã khởi động kế hoạch bài trừ tham nhũng hay còn gọi là chiến dịch Đốt Lò. Vào 2015, Đảng CSVN tuyên bố rằng tham nhũng đã được ưu tiên đưa lên chương trình nghị sự chính trị và khuôn khổ pháp lý cho giải quyết tham nhũng đã trở nên "phát triển tốt hơn."
Chiến dịch đốt lò, theo mô hình của Trung Quốc, xem ra đã đạt được kết quả tốt một phần nào. Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam được cải thiện chút ít. Vào cuối nhiệm kỳ (1) của ông Trọng, chỉ số chống tham nhũng của Việt Nam tăng được 2 điểm từ 31 điểm vào 2012 lên đến 33 điểm vào 2016 và 41 vào 2023 theo Transparency International. Việt Nam được xếp hạng vào thứ 83 trong 180 nước với Denmark đứng đầu và Somalia đứng thứ 180. Vào năm 2020, Việt Nam đứng hạng 104. Cuộc thăm dò vào 2023 cho thấy 64% dân Việt Nam cho rằng tham nhũng trong chính quyền là một vấn đề lớn và 15% dân đã hối lộ nhân viên chính quyền.
Ông Trọng tin rằng ông có thể làm trong sạch Đảng Cộng Sản và phục hồi hình ảnh khắc khổ, nghiêm túc, có tư tưởng của một đảng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông Trọng và các đồng chí của ông dường như nghĩ rằng tham nhũng là một điều kỳ quặc, một sai lầm của hệ thống độc đảng, thay vì phát sinh ra từ bản chất của nó.
Vì vậy, thay vì thay đổi thể chế, ông Trọng nghĩ rằng ông ta có thể thay đổi bản chất con người. Có một danh sách dài các nhà lãnh đạo Cộng Sản trong quá khứ nghĩ rằng họ có thể làm điều tương tự và đã thất bại. Ông Boris Yeltsin, một đảng viên cộng sản phản tỉnh, kế nhiệm Ông Mikhail Gorbachev là vị Thổng thống thứ hai của nước Nga dân chủ nói “Cộng Sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải” (Communists are incurable, they must be eradicated…).
Một phần của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng đã thừa nhận rằng tham nhũng tồn tại trong toàn Đảng – mặc dù hiện nay những người đứng đầu sẽ không bao giờ thừa nhận một thực tế rằng vấn đề thực sự phát sinh từ chính ĐCSVN và hệ thống độc đảng.
CHIẾN DỊCH ĐỐT LÒ NỚI RỘNG
Ông Nguyễn Phú Trọng phát động Chiến dịch Đốt Lò ngay từ lúc lên làm Tổng Bí Thư vào 2011. Chiến dịch này được đẩy mạnh vào 2016 như một quốc sách nhắm phục hồi tính cách chính danh của Đảng CSVN. Trong nhiều năm, chiến dịch chống tham nhũng đốt lò, hàng trăm quan chức nhà nước cao cấp và giám đốc điều hành doanh nghiệp cao cấp đã bị truy tố hoặc buộc phải từ chức.
Bước vào nhiệm kỳ III, ông Nguyễn Phú Trọng xem ra muốn nới rộng thêm chiến dịch Đốt Lò. Ông nhắm đến cả những nhân vật trong đảng và chính quyền đã thất bại trong việc chống tham nhũng hoặc bao che thuộc cấp hoặc thân thuộc gia đình tham nhũng. Các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ ở trong trường hợp này.
Các ông này bị buộc phải từ chức và bị tước những chức vị khác trong đảng vì những lý do chung chung như đã có "những sai phạm, khuyết điểm gây dư luận tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhà nước và cá nhân."
Chủ Tịch Nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã từ chức vào đầu năm 2023 sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền kết tội ông về “những vi phạm và hành vi sai trái” của các quan chức dưới quyền gồm nhiều quan chức, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng. Khi rời Phủ Chủ tịch ông Phúc phân bua: "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á".
Người thay thế ông Phúc là Võ Văn Thưởng hơn một năm sau cũng bị buộc tội tương tự. Trong những ngày qua, đã có đồn đoán về mối liên hệ của ông Thưởng đối với những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn khi ông làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi vào 2011-2014.
RFA tường thuật rằng vào tháng 4, 2023, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines đã bị bắt ở sân bay Tân Sơn Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh vì vận chuyển 11kg ma túy bất hợp pháp. Một trong số bốn tiếp viên này được đồn là cháu gái của ông Thưởng. Việt Nam có án tử hình đối với tội phạm ma túy nhưng cả bốn chiêu đãi viên hàng không đã nhanh chóng thả tự do với sự trừng phạt nhẹ nhàng.
Sự ra đi đột ngột của ông Võ Văn Thưởng là một điều gây ngạc nhiên đối với nhà quan sát Việt Nam. Ông Zachary Abuza, giáo sư tại Đại Học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ (National War College) ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown, nhận định rằng “Ông Thưởng có khả năng trở thành người kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 - dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026. Ông cũng là người miền Nam duy nhất trong số các lãnh đạo cấp cao. Đối với một đảng đang ở rất xa và thiếu kết nối với thế hệ trẻ Việt Nam, việc chọn một Tổng bí thư trẻ hơn có những logic nhất định.”
Vào ngày 26-4-2024, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cũng phải từ chức vì “những vi phạm và khuyết điểm." Chính phủ cho biết như vậy, nhưng không nêu rõ những vi phạm đó là gì.
Một cuộc khảo sát vào tháng Ba vừa qua với hơn 650 nhà lãnh đạo doanh nghiệp do phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện cho biết các công ty nước ngoài đến làm ăn ỏ đây chủ yếu vì sự ổn định chính trị. Những vụ tham nhũng và xáo trộn chính trị liên tục ở Việt Nam gần đây sẽ làm mất niềm tin này.
LÝ DO GÂY RA THAM NHŨNG
Tham nhũng ở Việt Nam cũng như những nơi khác lan rộng và phổ biến do nhiều lý do. Theo nghiên cứu vào 2017 các yếu tố sau đây được cho là nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tham nhũng: Mức độ độc quyền thị trường và chính trị cao; mức độ dân chủ thấp; hệ thống tư pháp yếu; sự tham gia dân sự yếu kém; tính cách minh bạch chính trị thấp; tự do báo chí thấp; tự do kinh tế thấp; bất ổn chính trị; trình độ học vấn thấp.
Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam không có tất cả những yếu tố trên làm sao có thể chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, thu nhập trung bình ở các quốc gia có mức độ tham nhũng cao chỉ bằng khoảng 1/3 so với các quốc gia có mức độ tham nhũng thấp. Chưa có quốc gia nào có thể loại bỏ hoàn toàn tham nhũng, nhưng các nghiên cứu cho thấy ở các nước có nền kinh tế thị trường mới nổi trội có mức độ tham nhũng cao hơn nhiều so với các nước đã phát triển.
Một lý do cụ thể nhất dễ gây ra nạn hối lộ là lương bổng của các nhân viên chính phủ ở Việt Nam quá thấp. Theo ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, mức lương hàng tháng cho vai trò hàng đầu của tổng bí thư Việt Nam khoảng $1,000, các viên chức cấp trung kiếm được khoảng $400, và những người bước vào khu vực công sau khi tốt nghiệp đại học không kiếm đủ tiền để sống nếu không nhận hối lộ hoặc đảm nhận công việc phụ. Những người mới bắt đầu làm việc cho nhà nước, họ nhận được khoảng $150 một tháng. Ông Giang nói thêm “Nếu bạn nhận được mức lương như vậy thì bạn không thể tồn tại được ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.”
Tham nhũng gây ra nhiều hậu quả tai hại như nới rộng khoảng cách giầu nghèo, gây ra nhiều giai cấp, tạo ra cạnh tranh bất chính, tăng bất công xã hội, đầu tư nước ngoài giảm, kinh tế phát triển chậm.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không thành công trong việc làm trong sạch Đảng CSVN ngoại trừ ông trị tham nhũng từ gốc, thay vì chỉ cố gắng hời hợt bên ngoài, chờ dập tắt từng ngọn lửa tham nhũng khi nó bùng lên.
GS Zachary Abuza nói “Tham nhũng là căn bệnh ngoan cố ở Việt Nam và là một phần của hệ thống.”
Nhà Báo David Hutt của The Diplomat nhận xét "Ông Trọng từng nói, ông muốn bắt chuột mà không muốn làm vỡ bình hoa. Ông xem ra chưa bao giờ nghĩ ra rằng chính chiếc bình hoa là nơi đã sinh sản ra chuột."
Mong ông Trọng thành công, sớm bắt được hết chuột, bằng cách này hay cách khác. Năm 1986 Việt Nam mới đổi mới một nửa. Đổi từ kinh tế chỉ huy qua kinh tế thị trường với định hướng XHCN để cứu đói. 2024 phải chứng kiến đổi mới một nửa còn lại: đổi mới thể chế. Việt Nam cần một chế độ pháp quyền để chống tham nhũng.
THAM KHẢO
(1) Zachary Abuza, “Chính xác, điều gì đã xảy ra đối với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng?,” RFA, March 25, 2024.
(2) BBC, “Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước là 'cơn địa chấn chính trị' của Việt Nam,” March 21, 2024.
(3) The Economist, “An anti-graft drive brings down Vietnam’s president,” January 26, 2023.
(4) David Hutt, “How Far the Rot of Corruption Has Spread In Vietnam,” The Diplomat, November 17, 2023.
(5) Elvin Mirzayev, “How Corruption Affects Emerging Economies,” CFA, July 17, 2023.
(6) VOA News, “Corruption still seen as a concern in Vietnam despite death sentence,” VOA, April 21, 2024.
(7) Tung Ngo, “How a death sentence in Vietnam links to a massive anti-corruption drive,” CAN, April 24, 2024.
(8) Associated Press, “Vietnam's Prime Minister Steps Down After 10 Years in Office,” VOA, April 6, 2026.
(9) Huong Le Thu, “The Vietnamese Communist Party’s corruption hunt,” Lowy Institute, January 25, 2028.
(10) Wikipedia, “Corruption in Vietnam,” April 26, 2024.