Vài cảm nghĩ về phim Kẻ Nằm Vùng – Tập 2
Hình TV Insider
Nguyễn Tiến Cường
Tóm tắt diễn tiến tập 2:
Tối ngày 29.04.1975. Kẻ Nằm Vùng, Bốn cùng vợ, con trai tên Đức tìm cách lên một chiếc C130 đang trên đường di chuyển ra phi đạo thì bị pháo kích. Cả 4 người kéo nhau lên được phi cơ nhưng Linh, vợ Bốn và Đức chết trên phi cơ. Không thấy cảnh gia đình ông Tướng lên phi cơ nên không rõ ông lên lúc nào.
Kẻ Nằm Vùng, Bốn đến đảo Guam, sau đó được đưa về trại tị nạn Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas. Tại đây họ gặp lai gia đình ông Tướng, Kẻ Nằm Vùng tự nguyện (không có lương) tiếp tục làm “chánh văn phòng” cho ông Tướng. Tập 2 này cũng được biết tên ông Tướng là Trọng.
Điểm khó hiểu là đợt tị nạn đầu tiên đó có khoảng 100.000 người Việt Nam đã đến được đảo Guam, sau đó được phân phối đi các trại tị nạn tạm thời khắp nước Mỹ, chờ người bảo lãnh, đỡ đầu (sponsor) cho ra trại. Bằng cách nào Kẻ Nằm Vùng lại được đưa về cùng trại với ông Tướng để tiếp tục là “tà lọt” cho ông? Đặc ân của ban quản trị trên đảo Guam, cho Kẻ Nằm Vùng đi cùng tướng Trọng dù không phải là thân nhân hay chuyện đó chỉ là sự tình cờ (có sắp đặt)?
Trong trại, dù Kẻ Nằm Vùng có lời khuyên trước là không nên – nhưng tướng Trọng, thay vì mặc quần áo dân sự như mọi người tị nạn khác – tiếp tục diện bộ quân phục đại lễ với đầy đủ phụ tùng, dây biểu chương, huy chương, nón kết… đi vào nhà ăn tập thể. Tướng Trọng được 4 người đàn ông đang ngồi ăn, đứng dậy đón chào nghiêm chỉnh đúng tác phong thuộc cấp. Tuy nhiên ngay sau đó bị một số người, có khá nhiều phụ nữ chửi bới, ném thức ăn vào người, khiến ông tối tăm mặt mũi, được Kẻ Nằm Vùng kéo chạy ra ngoài nhưng rồi phải trốn vào một nhà cầu công cộng.
Bốn và Kẻ Nằm Vùng sau đó, được giáo sư Hammer, khoa trưởng Đông Phương Học của đại học UCLA (University California Los Angeles) bảo lãnh nên được ra khỏi trại sớm. Hammer là giáo sư từng dạy, đỡ đầu Kẻ Nằm Vùng làm luận án tốt nghiệp 10 năm trước. Ngày ra khỏi trại, Kẻ Nằm Vùng lái một chiếc xe mui trần (cabrio) chở Bốn về California sau khi chia tay tướng Trọng.
Về đến Los Angeles, Kẻ Nằm Vùng được giáo sư Hammer đón tiếp, giao việc, trở thành phụ tá cho cô thư ký gốc Nhật của Hammer là Sofia Mori. Trong buổi tiệc liên hoan chào mừng Kẻ Nằm Vùng do Hammer tổ chức, Kẻ Nằm Vùng kể cho Mori nghe chuyện thuở thiếu thời, anh ta từng thủ dâm với một con mực luộc. Mori nghe thấy xốn xang cả người, chịu hết nổi, dẫn đến việc 2 người làm tình với nhau cuồng nhiệt.
Sau đó ít lâu, Kẻ Nằm Vùng gặp lại tướng Trọng cũng đang ở Los Angeles. Tướng Trọng, sau một thời gian khủng hoảng với việc bỏ chạy khỏi Việt Nam năm 1975, đã lấy lại tinh thần để mở một tiệm rượu.
Chỉ ít ngày trước khi khai trương tiệm rượu, một kẻ nào đó chơi khăm, vẽ lên tường bức tranh gợi ý đến hình ảnh tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu đặc công cộng sản Bảy Lốp trong trận Mậu Thân (1968) – Bảy Lốp, người đã hành quyết cả gia đình 1 viên trung tá thuộc cấp và là bạn của tướng Loan – tướng Trọng thấy thế lo sợ chuyện kỳ thị của người Mỹ – ra lệnh cho Kẻ Nằm Vùng phải xóa sạch cái hình vẽ trên tường (graffiti).
Ngày khai trương tiệm rượu, khá đông thuộc cấp của tướng Trọng đến tham dự, đặc biệt có cả điệp viên CIA Claude, thiếu tá Oanh Mập tức Bánh Bao. Tướng Trọng nói chuyện cho những người tham dự biết là trong cộng đồng người Việt hải ngoại có một tên điệp viên Cộng sản đang tìm cách phá hoại cộng đồng và mục tiêu phục quốc của ông. Đám đông tham dự đồng loạt hô lớn “cắt cổ gián điệp”.
Sau đó khi họp riêng, chỉ có 3 người, tướng Trọng, Kẻ Nằm Vùng, Claude, chính Kẻ Nằm Vùng gợi ý cho tướng Trọng rằng Bánh Bao là gián điệp, sau đó tướng Trọng ra lệnh cho Kẻ Nằm Vùng thanh toán Bánh Bao. Kẻ Nằm Vùng đem điều này nói với Bốn, nhờ Bốn giúp thanh toán Bánh Bao.
Nhận định tập 2:
Cũng như tập 1, tập 2 tiếp tục được dàn dựng cẩu thả, thiếu sự tìm hiểu, nghiên cứu chu đáo về Việt Nam từ bối cảnh đến tính cách nhân vật, các chi tiết… Diễn tiến trong phim không theo một trình tự hợp lý, logic cho dù có thể bào chữa là hư cấu hoặc diễn viên không nhập vai. Từ những chi tiết rất nhỏ như:
– Không một chiếc C130 nào cất cánh khi cửa sau chưa đóng hoàn toàn. Hành khách ngồi trong phi cơ không cột dây an toàn khi phi cơ cất cánh, cửa sau mở mà không hành khách nào rơi ra ngoài là chuyện vô lý. C130 là vận tải cơ có thể chở 1 đại đội lính với quân trang, quân dụng, vũ khí đầy đủ. Khi ngồi, người lính phải cột dây an toàn dưới sàn.
– Phi cơ vừa đáp, lấy đâu ra quần áo, khăn tang trắng cho Kẻ Nằm Vùng, Bốn mặc làm lễ mai táng vợ con Bốn ngay tại phi trường?
Cho tới việc xây dựng nhân vật. Việc diễn viên chính thủ vai Kẻ Nằm Vùng không hợp vai và diễn xuất kém đã nói trong tập trước; về nhân vật tướng Trọng có vẻ như được tổng hợp từ 4 ông tướng của VNCH, đó là tướng Nguyễn Cao Kỳ (mở tiệm rượu ở tiểu bang Louisiana), tướng Hoàng Cơ Minh (thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam), tướng Nguyễn Ngọc Loan (hành quyết đặc công khát máu Bảy Lốp), tướng Nguyễn Khắc Bình tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia đến ngày cuối cùng tháng 4.75.
Kịch bản (và cả tiểu thuyết) đã nhặt nhạnh những khía cạnh tiêu cực hoặc hoang tưởng từ 4 vị tướng VNCH nói trên – mỗi người một chút – để dựng thành nhân vật tướng bị chửi bới, ném thức ăn, rượt đuổi từ nhà ăn tập thể trong trại tị nạn phải trốn vào cầu tiêu hôi hám, đầy ruồi và dòi bọ; khi tướng Trọng ban huấn từ trong ngày khai trương tiệm rượu, một thuộc cấp đã kê một thùng gỗ cho ông đứng lên để cao hơn mọi người; cũng trong ngày khai trương tiệm rượu, một sinh viên Việt Nam cũ, cùng trường với Kẻ Nằm Vùng ở UCLA tên Trần Thuyết Sơn, còn được gọi là Sonny, từng tranh luận với Kẻ Nằm Vùng về cuộc chiến Quốc Cộng trước năm 1975, đã nhận xét về cái tên của quán rượu “Yellow Flag Spirit” (Tinh thần Cờ Vàng) rằng: “By the way, er… the name… I get his patriotism, but in America yellow means nothing good. Like urine…” (“Nhân tiện, à…cái tên. Tôi hiểu lòng yêu nước của ông ấy, nhưng ở nước Mỹ, màu vàng không có ý nghĩa tốt. Giống như màu nước tiểu…”); lời hô “cắt cổ gián điệp” trong ngày khai trương tiệm rượu của ông Tướng dù không đại diện cho tất cả người Việt hải ngoại nhưng ít nhiều bộc lộ sự khát máu của họ…
Những chi tiết này đã vẽ nên hình ảnh rất tệ của không chỉ một ông tướng VNCH mà cả hình ảnh của những người “thua cuộc” đã phải mất tất cả và rời nước sang tỵ nạn xứ người.
Rất nhiều cuốn sách, bộ phim của người Mỹ làm về cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây mà mới nhất là The Vietnam War (phim tài liệu truyền hình dài 10 tập, do Ken Burns, Lynn Novick đạo diễn, phát sóng năm 2017) có quan điểm, tư tưởng phản chiến, thường đưa ra những chi tiết tiêu cực, bất lợi cho phía Mỹ, đặc biệt là phía VNCH, mà bỏ qua những chi tiết bất lợi, những tội ác của Cộng sản, thậm chí đề cao Cộng sản Bắc Việt. Có vẻ như bộ phim Kẻ Nằm Vùng cũng không khác.
Về mặt thể loại (genre), bộ phim The Sympathizer như trong Wikipedia có ghi, được xếp loại historical black comedy drama, có black comedy tức khôi hài đen, hài kịch đen, không biết những người khác xem phim có thấy hài hước không, còn tôi, vì quan điểm không khách quan của phim (chỉ mới nói trong 2 tập 1, 2) tôi khó mà thấy hài nổi. Nhưng tất nhiên, đó là cảm nhận của cá nhân tôi.
Có những chi tiết châm biếm rất độc địa như hình ảnh một ông tướng Cảnh Sát Đặc Biệt bị phụ nữ chửi bới, ném thức ăn, rượt đuổi từ nhà ăn tập thể trong trại tị nạn phải trốn vào cầu tiêu hôi hám, đầy ruồi và dòi bọ; khi tướng Trọng ban huấn từ trong ngày khai trương tiệm rượu, một thuộc cấp đã kê một thùng gỗ cho ông đứng lên để cao hơn mọi người; cũng trong ngày khai trương tiệm rượu, một sinh viên Việt Nam cũ, cùng trường với Kẻ Nằm Vùng ở UCLA tên Trần Thuyết Sơn, còn được gọi là Sonny, từng tranh luận với Kẻ Nằm Vùng về cuộc chiến Quốc Cộng trước năm 1975, đã nhận xét về cái tên của quán rượu “Yellow Flag Spirit” (Tinh thần Cờ Vàng) rằng: “By the way, er… the name… I get his patriotism, but in America yellow means nothing good. Like urine…” (“Nhân tiện, à…cái tên. Tôi hiểu lòng yêu nước của ông ấy, nhưng ở nước Mỹ, màu vàng không có ý nghĩa tốt. Giống như màu nước tiểu…”); lời hô “cắt cổ gián điệp” trong ngày khai trương tiệm rượu của ông Tướng dù không đại diện cho tất cả người Việt hải ngoại nhưng ít nhiều bộc lộ sự khát máu của họ…
Những chi tiết này đã vẽ nên hình ảnh rất tệ của không chỉ một ông tướng VNCH mà cả hình ảnh của những người “thua cuộc” đã phải mất tất cả và rời nước sang tỵ nạn xứ người.
Rất nhiều cuốn sách, bộ phim của người Mỹ làm về cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây mà mới nhất là The Vietnam War (phim tài liệu truyền hình dài 10 tập, do Ken Burns, Lynn Novick đạo diễn, phát sóng năm 2017) có quan điểm, tư tưởng phản chiến, thường đưa ra những chi tiết tiêu cực, bất lợi cho phía Mỹ, đặc biệt là phía VNCH, mà bỏ qua những chi tiết bất lợi, những tội ác của Cộng sản, thậm chí đề cao Cộng sản Bắc Việt. Có vẻ như bộ phim Kẻ Nằm Vùng cũng không khác.
Về mặt thể loại (genre), bộ phim The Sympathizer như trong Wikipedia có ghi, được xếp loại historical black comedy drama, có black comedy tức khôi hài đen, hài kịch đen, không biết những người khác xem phim có thấy hài hước không, còn tôi, vì quan điểm không khách quan của phim (chỉ mới nói trong 2 tập 1, 2) tôi khó mà thấy hài nổi. Nhưng tất nhiên, đó là cảm nhận của cá nhân tôi.
Gửi ý kiến của bạn