Binh biến tại LB Nga: chọn lựa giữa dân chủ và độc tài
Chúng là đồng chí nhưng không còn là đồng bọn - Hình Internet.
Luật sư Đào Tăng Dực
Ngày thứ Sáu 23 tháng 6 vừa qua, thế giới bàn hoàn khi nghe tin Prigozhin, lãnh tụ của binh đoàn lính đánh thuê Wagner, đã âm thầm kéo quân từ lãnh thổ Ukraine, bất ngờ chiếm đóng tổng hành dinh bộ chỉ huy đặc khu miền Nam của quân lực LB Nga và binh đoàn này đang thẳng tiến đe dọa thủ đô Mạc Tư Khoa,
chỉ còn cách 200 cây số, mà không hề gặp sự cản trở đáng kể nào từ giới quân sự LB Nga.
Đã nhiều tháng qua, Wagner là một binh đoàn tương đối thiện chiến phía Nga, có công chiếm được Thành Phố Bakhmut của Ukraine và được nhân dân Nga ca ngợi. Tuy nhiên sự nổi loạn của binh đoàn này là một đòn chí tử vào khả năng lãnh đạo và duy trì quyền lực của nhà độc tài Putin, cũng như làm suy giảm trầm trọng tinh thần của quân đội LB Nga đang đối đầu với chiến dịch tổng phản công của Ukraine.
Trước tình thế này, các lãnh tụ thế giới tự do phải họp khẩn vì LB Nga là một cường quốc hạt nhân hàng đầu, nếu bất ổn hoặc tan vỡ thì làm sao bảo đảm sự an toàn của loại vũ khí hủy diệt này? Nếu binh biến tại Nga thì kiều dân và các sứ quán của họ sẽ ra sao?
TT Putin thì vô cùng chấn động, đã phải xuất hiện trên truyền hình và truyền thông, lên án động thái này của Prigozhin là phản quốc và sẽ trừng phạt thẳng tay.
Tuy nhiên chỉ trong vòng vài giờ, thì thế giới nhận được tin từ một đàn em của Putin là TT Belarus Lukashenko là ông ta đã làm trung gian hòa giải giữa Putin và Prigozhin. Prigozhin ra lệnh cho binh đoàn ngưng tiến về Mạc Tư Khoa và rút quân về căn cứ.
Thế giới chưa biết toàn diện thỏa thuận bí mật giữa Putin và Prigozhin, nhưng có các điểm chính sau đây:
1. Putin đồng ý LB Nga sẽ không truy tố hình sự Prigozhin bất cứ tội nào liên hệ đế cuộc binh biến.
2. Prigozhin sẽ lưu vong tại Belarus
3. Những thành viên binh đoàn Wagner tham gia thẳng tiến Mạc Tư Khoacũng được miễn truy tố
4. Những thành viên khác của binh đoàn sẽ được sát nhập vào quân đội chính quy của LB Nga nếu họ đồng ý hoặc họ có thể di chuyển đến Belarus hay trở về với gia đình.
Câu hỏi chúng ta cần nêu ra là: tại sao những chế độ độc tài, bề mặt thì phẳng lặng nhưng bên trong lại hàm chứa nhiều bất ổn như thế khi so sánh với các chế độ dân chủ?
Câu trả lời rất rõ là: độc tài đặt nền tảng trên bạo lực và phi pháp trong khi dân chủ đặt nền tảng trên sự đồng thuận và luật pháp nghiêm minh.
Putin như một nhà độc tài xem thường luật pháp, không những trong nước mà ngay cả tại hải ngoại, đã nuôi dưỡng và bảo trợ cho binh đoàn Wagner, một tập thể lính đánh thuê gồm nhiều thành phần bất hảo vi phạm các tội hình sự và tù nhân trong các trại giam được hứa hẹn nhiều quyền lợi nếu tham chiến tại Ukraine. Binh đoàn này đã giúp cho LB Nga tại các chiến trường Syria, Libya, Cộng Hòa Trung Phi, Mali và bây giờ tại Ukraine.
Các tay súng này áp dụng các thủ thuật vô cùng dã man tàn ác, ngang nhiên vi phạm các công ước quốc tế.
Một mặt họ được LB Nga chống lưng, mặt khác Putin có thể hoàn toàn chối trách nhiệm vì họ không trực thuộc quân đội hoặc chính phủ Nga. Binh đoàn này ký kết những giao kèo vô cùng béo bở với các nhà độc tài tại các quốc gia Phi Châu và được trả hoặc bằng Mỹ Kim, bằng quặng mỏ vàng, dầu hỏa, quặng sắt… Prigozhin trở thành một trong những tài phiệt giàu nứt vách của Nga.
Tất cả những điều trên đều không thể xảy ra trong một chế độ dân chủ chân chính như tại Hoa Kỳ, các quốc gia Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan chẳng hạn, vì cả bạo lực lẫn những hành động phi pháp đều sẽ bị pháp luật chế tài nghiêm minh.
Khi Prigozhin và Putin không còn tin tưởng nhau nữa thì cả Prigozhin lẫn Putin đều tìm cách thanh toán nhau bằng bạo lực vì cả hai đều chỉ hiểu bạo lực là ngôn ngữ duy nhất.
Sự giải quyết bằng đồng thuận và pháp luật nghiêm minh không nằm trong kho ngữ vựng của họ.
Chính Prigozhin và đồng bọn cũng chấp nhận rằng, tuy được miễn tố trên nguyên tắc, nhưng liệu mạng sống của họ có thoát khỏi những đòn phép phi pháp của Putin hay không là một vấn đề khác.
Các chế độc độc tài đều tương đồng trong bản chất bạo lực và phi pháp.
Đảng CSVN trong quá khứ đã thi hành các cuộc đàn áp bất chấp hiến pháp, luật pháp và công pháp quốc tế như Nhân Văn Giai Phẩm 1955-1958, Cải Cách Ruộng Đất 1953- 1955, các trại cải tạo quân cán chính VNCH sau năm 1975, thảm sát đồng bào Huế Mậu Thân 1968, tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đưa về Việt Nam năm 2017 huy động hơn 3,000 công an vũ trang đàn áp nhân dân Xã Đồng Tâm chỉ gồm khoảng 8,000 dân và hành quyết cụ Lê Đình Kình không cần xử án năm 2020 vân vân và vân vân.
Hiện tượng Prigozhin và binh đoàn lính đánh thuê Wagner tuy xảy ra tại một nơi xa là LB Nga, nhưng chứng minh không thể tranh cãi là giữa 2 trật tự chính trị đối nghịch, một bên là độc tài căn cứ trên bạo lực và phi luật pháp. Bên kia là dân chủ căn cứ trên sự đồng thuận và pháp trị nghiêm minh, thì nhân dân Việt Nam chỉ còn một sự chọn lựa duy nhất. Đó là đạp đổ độc tài CSVN và xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.