Báo chí cách gì cũng thế thôi
Đảng CSVN tìm mọi cách để cổ võ dân đọc báo đảng, nhưng họ lại tìm vào mạng xã hội nhiều hơn. Đây là mối lo không nhỏ của lãnh đạo đảng mà còn của báo chí, vì thị trường thương mại và ảnh hưởng trong dư luận đã bị chia phần. Tình trạng này đã đươc thảo luận tại 3 ngày Hội báo Toàn quốc, được tổ chức tại Hà Nội từ 17 đến 19/3/2023.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, người phụ trách về Văn hóa, nói: “ Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí.
Thậm chí chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.” (báo Chính phủ, ngày 19/03/2023)
THAY ĐỔI TƯ DUY
Vì vậy, ông Trấn Hồng Hà đã yêu cầu báo chí đảng phải: “Thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.” Ông nói: “Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng".
Nhưng muốn làm được như thế không dễ dàng gì, vì ngày nay ở Việt Nam đã có gần 73 triệu người, đa phần là giới trẻ, trên tổng số ngót 100 triệu dân biết sử dụng Internet trong cuộc sống. Nhờ vậy, dân trí đã được mở mang nhờ được tiếp cận nhanh chóng với hệ thống thông tin đa chiều toàn cầu, thay vì chỉ được tiếp cận thông tin một chiều của báo đảng.
BỊ CHỈ TRÍCH
Để đối phó với chỉ trích “chậm” và “khô”, một số báo đảng đã chạy theo thông tin của mạng xã hội khiến “tin chính thống” bị lu mờ. Vì vậy mà Tổng cục Chính trị Quân phải ra tay chống đỡ.
Bài viết của Đại tá, Nhà báo Phùng Kim Lân đã chứng minh điều này. Ông Lân đã nêu ra sự bừa bãi, sai trái, thiếu kiểm chứng của một số thông tin do “mạng xã hội” tung ra đã gây ta “nghi kỵ,mất đoàn kết mất định hướng và nghiêm trọng hơn là nguồn cơn dẫn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ…” (theo báo Lao Động, ngày 25/03/2022).
Hậu quả không dừng ở đây, theo quan điểm của ông Lân, đã có “một số báo chính thống chạy theo mạng xã hội, tự đánh mất mình.” Ông viết: “Nguy hại là thế nhưng đáng tiếc là những câu chuyện ấy không chỉ dừng trên MXH mà lại trở thành chủ đề “hot” của một số báo, đài chính thống. Chỉ vì câu chuyện tăng “view” với báo mạng, tăng “tia ra” phát hành với báo in hay tăng “rating” với đài truyền hình mà một số cơ quan báo chí, truyền thông chính thống đã bất chấp tôn chỉ, mục đích, vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chạy theo MXH đi vào khai thác những đề tài theo hướng giật gân câu khách.”
Bài viết kêu gọi báo đảng: “Cần giữ vững thế mạnh của mình đó là nội dung chất lượng và sự chuyên nghiệp. Độ nhanh nhạy của thông tin cùng khả năng mổ sẻ, phân tích, kiểm chứng tính trung thực và vai trò định hướng sẽ mang đến những tác phẩm báo chí có chất lượng thông tin cao hơn những thông tin từ MXH.”
Trước suy thoái này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi: “Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.” Ông còn yêu cầu: “Các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại"; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.”
Ông cũng “mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp "chấn chỉnh" những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.”
Ông nói: “Hội cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa báo chí, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thực sự "thấm" và tác động tích cực tới từng cơ quan báo chí, từng người làm báo."
Website này yêu cầu: “Các cơ quan báo chí, hội nhà báo và các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí cũng như một số nhà báo có biểu hiện tiêu cực.”
Bài viết không cho biết lý do của “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ báo chí, nhưng đây là tình trạng chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được đảng xác nhận đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa dân và đảng.
Theo số thống kê, có trên 800 cơ quan báo chí đang hoạt động ở Việt Nam. Tổng số lao động trong các cơ quan báo chí khoảng 40.000 người. Trong đó, có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025.
CŨNG THẾ THÔI
Nhưng ở Việt Nam không có báo tư nhân nên danh từ “ký giả” hay “nhà báo” chỉ được hiểu chung là những cán bộ lảm báo đảng. Bởi lẽ. Luật báo chí 103/2016/QH13, ban hành tại Hà Nội ngày 05 tháng 4 năm 2016 đã quy định báo chí: “là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.” (Điều 4)
Điều này cũng viết: “Báo chí có nhiệm vụ: ‘Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…’”
Đối với Nhà báo, Điều 25 quy định họ có các nghĩa vụ, đứng đầu là:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.
Nhưng thế nào là “phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”? Điều mơ hồ này chỉ nhằm hạn chế tối đa quyền được thông tin của người làm báo và của người đọc.
VẪN BỊ LÊN ÁN
Vì vậy, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt) đã đưa tin ngày 03/05/2022: “Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí năm 2022, Việt Nam xếp hạng 174, ngay dưới Cuba (173) và trên Trung Quốc (175), hai quốc gia cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền như Việt Nam. Với vị trí này, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước, trong bối cảnh mà RSF, tổ chức Ký giả không biên giới có trụ sở ở Paris, nhận định rằng các nền dân chủ trên toàn cầu bị suy yếu trong sự trỗi dậy của các thể chế độc tài.”
“Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”, với Triều Tiên đứng cuối bảng (180).”
Bằng chứng của tình trạng tồi tệ này là Chính phủ Việt Nam đã đàn áp các Tổ chức Văn hóa và những người đòi quyền tự do tư tưởng.
Ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phạt Tiến sỹ, nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, phạt các cộng sự viên Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước.
Thật ra những người này đã thành lập Hội Nhà báo Độc lập, ra mắt ngày 4 tháng 7 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, vào ngày 14 tháng 12 năm 2021, Phạm Thị Đoan Trang đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước. Phạm Thị Đoan Trang, sinh ngày 27 tháng 5 năm 1978 tại Hà Nội là một tác giả, blogger, nhà báo, và nhà hoạt động dân chủ.
Ngoài ra, nhà nước cũng đã thẳng tay đán áp và ngăn cấm hoạt động của Văn đoàn Độc lập do Nhà văn Nguyên Ngọc thánh lập ngày 3/3/2014) tại Hà Nội.
Tóm lại, dù Nhà nước CSVN đã dựng lên Hội Nhà báo và Hội Nhà văn để tuyên truyền cho đảng, nhưng dù báo chí có “cách mạng” gì chăng nữa cũng chỉ để tuyên truyền mà thôi.