Tựa đề bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm đăng trên BBC tiếng Việt và Tiếng Dân ngày 19-10-2022: “Việt Kiều và Nhà nước VN: ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36‘. Bài viết này chỉ là nhận định cá nhân về bài của ông Liêm, không bàn đến những biệt danh mà nhiều người tặng cho ông Nguyễn Hữu Liêm là Kẻ Đánh Giầy Bằng Lưỡi, hay Người Cầm Đèn Chạy Trước Ô-tô…
Trước khi vào chuyện chính, xin được nói sơ qua về ông Tiến sĩ Luật Nguyễn Hữu Liêm. Được biết, ông Liêm qua Mỹ từ cuối tháng 4-1975, theo lời ông tự nhận là đu càng máy bay trực thăng UH-1 bay ra biển, được hải quân Mỹ cứu. Rồi ông đi học lại, tốt nghiệp tiến sĩ Luật, tiến sĩ Triết, dạy triết học tại trường đại học SJSC (San José State University).
Nghe nói ông Liêm có văn phòng luật sư ở Mỹ nhưng văn phòng có hoạt động không thì chẳng rõ, chỉ biết ông thường xuyên có mặt ở Việt Nam. Ông là người duy nhất được chế độ CSVN cho tham dự các “phiên tòa Kangaroo” xử án những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị trong khi thân nhân của họ thì bị cấm. Ông được cho tham dự các phiên tòa là để viết những bài bình luận về các phiên tòa này theo hướng chế độ CSVN mong muốn. Năm 2004, luật sư Nguyễn Tâm đã có một số bài viết về ông Nguyễn Hữu Liêm, gọi ông Liêm là trí vận của CSVN (2).
Trở lại chuyện chính. Bài viết nói trên của ông Liêm khá dài – thuật lại cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn ngoại giao, đại diện chế độ CSVN và một số nhân sĩ Mỹ gốc Việt (đa số ở miền Nam) vào ngày 14-10-2022 tại nhà riêng của ông Liêm. Cả khách lẫn chủ tổng cộng chỉ khoảng 10 người. Cuộc gặp gỡ bỏ túi nhưng không kém phần sôi nổi, nảy lửa khi Nghị Quyết 36 trở thành vấn đề tranh cãi. Tôi chỉ trích dẫn một số việc trong bài của ông Liêm.
Ông viết: “Về phía Phái đoàn ngoại giao thì đánh giá Nghị quyết 36 là một thành công lớn, một bước ngoặc quan trọng trong chính sách của Đảng đối với Kiều bào trong tiến trình hòa giải dân tộc để cùng chung tay xây dựng đất nước, hướng về tương lai.
Phía nhân sĩ kiều bào thì cho đó là một thất bại từ cơ bản vì nó không giải hóa được hố sâu ngăn cách giữa người Việt tỵ nạn và thể chế chính trị Cộng sản Việt Nam. Chưa nói về bình diện vĩ mô, có người nói thẳng rằng hãy nhìn xem buổi gặp mặt hôm nay tại một nhà riêng với một số nhỏ chưa tới 10 người – thay vì là một buổi gặp gỡ công khai, có đông đảo các thành phần người Việt và giới truyền thông tham dự – thì đây là bằng chứng rõ nhất về sự thất bại của Nghị quyết 36”.
Ông Liêm cũng cho rằng, chế độ CSVN đã thay đổi rất nhiều, từ tác phong của anh sĩ quan công an mà ông Liêm hay được mời uống cà phê, đến phong thái các cán bộ trung, cao cấp hàng thứ trưởng, vụ trưởng mà ông có dịp tiếp xúc, ăn trưa chung, đều tỏ ra lịch lãm, có học… – hầu hết đều tốt nghiệp các trường đại học uy tín Âu Mỹ, một số còn là cựu sinh viên từng theo học ông – không còn thô kệch, hách dịch kém văn hóa như trước.
Sau chuyến đi Việt Nam tháng 8-2022, ông Liêm kết luận ngọt sớt rằng “Khi con người thay đổi thì thể chế cũng thay đổi theo”, Việt Nam ngày nay không còn chế độ cộng sản nữa, ông TBT Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản cuối cùng trong bộ chính trị của chế độ CSVN. Thật ra, theo tôi thì ông Trọng cũng chẳng còn là cộng sản. Ông và đảng CSVN đã trở thành một đảng mafia độc tài, sắt máu, sử dụng công an, côn đồ như xã hội đen.
Tuy nhiên, dù sao nhận định của ông Liêm về cuộc gặp mặt cũng có phần khách quan, dùng chữ có phần vì ông đã (dám) nêu ra một phần sự thật trong các chính sách, đường lối của chế độ CSVN từ sau ngày 30-4-1975 đến nay. Mặc dù ca ngợi rằng đảng CSVN đã đi đúng hướng trên hành trình hòa giải dân tộc thời hậu chiến – nhưng chưa đủ và còn nhiều khuyết điểm – ông Liêm đã “can đảm” đưa ra lời kêu gọi CSVN nên có một nghị quyết mới về người Việt hải ngoại.
Ông kêu gọi: “Tôi đề nghị Bộ Chính trị hãy cho ra một Tân Nghị quyết về người Việt ở nước ngoài. Trong Nghị quyết mới này, Đảng hãy can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách đối với dân miền Nam sau 1975. Và có một lời tạ lỗi với họ, và đối với cả dân tộc chung.
Chỉ cần làm điều đó, thì đại khối kiều bào gốc miền Nam, vốn rộng lượng và dễ tha thứ, hy vọng sẽ quên bớt hận thù, để cùng với dân tộc Việt khắp thế giới hướng về tương lai, xây dựng quốc gia như tất cả chúng ta cùng mong mỏi”.
Hơn ai hết, ông Liêm hiểu rằng lời kêu gọi của ông chẳng ai (thèm) để ý, quan tâm tới. Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng gồm nhiều cựu đảng viên hạng gộc của đảng CS, từng viết hàng chục kiến nghị, tâm thư… gửi đảng còn chẳng thấy tăm hơi. Cắc ké như ông Liêm là cái đinh gì để đảng CSVN lắng nghe? Có lẽ ông kêu gọi cho có để đánh bóng cá nhân. Vậy thôi!
Cũng có thể ông Liêm chưa nhận ra, sở dĩ đảng CSVN vẫn để yên cho ông ra vào Việt Nam thoải mái, tham dự những phiên tòa Kangaroo, cho phép ông phê bình đảng trong một chừng mực nào đó, vì họ còn sử dụng được ông như một cái loa tuyên truyền cho chế độ, một cây cầu nối cho những con mồi hải ngoại ngây thơ.
Một ngày nào đó, khi thấy rằng ông Liêm đã đi quá lằn ranh giới hạn thì ông sẽ biết ngay người CSVN thay đổi ra sao. Họ có còn lịch sự, nhã nhặn, có văn hóa với ông nữa không?
Những người cựu đảng viên, đã từng có công với đảng, đã từng đóng góp ý kiến nhưng phản ứng của đảng csvn ra sao? Một sự im lặng đáng sợ nếu không muốn nói là xem thường ý kiến của họ. Còn những “trí thức” Việt như ông Liêm, ông Hoàng Duy Hùng chỉ là những con mồi dễ lợi dụng để tuyên truyền chủ trương cởi mở và “hoà giải” của nhà cầm quyền csvn. Họ đã không xem và không học được bài học về lịch sử tàn bạo của đảng csvn. Họ nghĩ cái bằng cấp họ có thì cho họ cái quyền biết mọi chuyện dù rằng sự hiểu biết của họ rất là yếu kém, không có cái nhìn sâu sắc về trò chơi chính trị của đảng csvn. Đó cũng là lý do tại sao gần 50 năm, nguời Việt tự do vẫn chưa làm gì đuợc đảng csvn. Thực sự mà nói thì nghị quyết 36 của đảng csvn thành công bởi họ nhắm vào những "trí thức" Việt như ông Liêm, ông Hoàng Duy Hùng để những "trí thức" này làm cái loa tuyên truyền không công cho đảng csvn và họ thành công.