Luận bàn về ‘tuyên tuyền chống nhà nước’!
Nguồn hình Thông Luận
Phạm Phú Khải
VOA Blog
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Giáng Sinh và sang năm mới 2022. Có lẽ ai nấy đều mong đợi những tin mừng, những dấu hiệu lạc quan, cho những ngày tháng tới, sau gần hai năm bị gián đoạn nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Sức khỏe, công ăn việc làm, kinh tế, địa chính trị, môi trường sống, hay những nhu cầu căn bản nhất trong cuộc sống như thực phẩm, không khí, nước sạch, thuốc men v.v… luôn chi phối suy nghĩ và toan tính của con người trong suốt thời gian qua.
Trong khi chúng ta có quá nhiều điều nghĩ ngợi như thế, khó thể nào tập trung vào quá nhiều vấn đề cùng lúc, thì tại Việt Nam, chỉ ngay sau Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12, bốn nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị tòa án “nhân dân” tuyên án một cách thô bạo.
Lùi thời gian một chút. Chỉ mới cuối tháng 11, trong chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã hứa hẹn rằng chính phủ ông sẽ cải thiện nhân quyền tại Việt Nam để thu hút đầu tư. Nhưng ngay sau khi về tới Việt Nam được vài ngày, chính phủ ông Chính đã ra lệnh bắt giam người mẹ trẻ Huỳnh Thục Vy. Trong những ngày qua, nhà nước Việt Nam đã tuyên án tổng cộng 35 năm tù đối với bốn nhà hoạt động: 9 năm tù giam dành cho Phạm Đoan Trang vào ngày 14; 10 năm và 6 năm dành cho Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm vào ngày 15; và 10 năm dành cho Đỗ Nam Trung vào ngày 16 tháng 12. Mục tiêu của các bản án này rõ ràng không chỉ để trừng phạt khắt khe những tiếng nói đối lập với chế độ, mà còn được thiết kế để răn đe những người khác nhằm loại trừ mọi hậu họa về sau.
Được biết ngày 24 tháng 12, cô Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư sẽ bị tòa án Hà Nội xét xử. Rồi ngày 31 tháng 12, ông Lê Trọng Hùng, một trong các ứng cử viên ứng cử độc lập vào quốc hội, cũng sẽ bị tòa án Hà Nội xét xử.
Tất cả đều bị truy tố và xét xử cùng tội danh viết tắt là "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Bản án với tội danh trên làm cho tôi, và chắc nhiều người khác, không thể không nghĩ về hai chữ “tuyên truyền” và “nhà nước”.
Một, tuyên truyền là một chính sách nhất quán của nhà nước/chế độ cầm quyền này từ xưa đến nay, điều mà chế độ cũng công khai và chẳng hề giấu giếm gì. Nó là chủ trương ưu tiên hàng đầu của họ để uốn nắn, định hình tư tưởng, bao gồm cả mục tiêu “tẩy não” người dân trong một thời gian dài trước đây để tái định hình, tái thiết kế xã hội (social engineering). Cho đến nay, chế độ vẫn muốn tin vào thiết kế này, như họ đã từng được huấn luyện, đào tạo bởi các thế hệ lãnh đạo của họ trước đây. Những người như Trường Chinh, “kiến trúc sư” chính của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng tiếp thu các tư tưởng này từ Mao Trạch Đông, và Mao tiếp thu từ Joseph Stalin. Nói cách khác, họ cùng trường phái, cùng thuyền cùng hội, nên tuy văn hóa và lịch sử mỗi nước khác nhau, tư tưởng, chính sách và biện pháp tuyên truyền của họ đều cùng một lò mà ra.
Hai, bàn về ý niệm nhà nước, thì thuật ngữ này quả thật quá rộng để có thể hình dung cụ thể. Nhà nước (State), là quan niệm mà giới triết học hay khoa học chính trị cũng không hẳn đồng ý nhau về định nghĩa. Nó có thể được hiểu là tổ chức chính trị của xã hội, hay hẹp hơn, các thiết chế của chính quyền, với mục tiêu thiết lập trật tự và an ninh, làm ra luật và thi hành luật, ghi nhận biên giới và chủ quyền của nó. Nhìn như thế, nhà nước bao trùm mọi hoạt động chính trị tại Việt Nam, trong đó tổ chức đứng đầu là ĐCSVN, giữ đặc quyền và độc quyền trong mọi hoạt động chính trị. Tư pháp, hành pháp, lập pháp, truyền thông, Mặt Trận Tổ Quốc v.v… cũng thuộc nhà nước, thuộc Đảng.
Với ý niệm rộng như thế, bất cứ lời phê bình chỉ trích nào mang tính chính trị đều có thể bị truy tố và xét xử là chống phá nhà nước.
Theo cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, Các Mác (Karl Marx), chức năng chủ yếu của nhà nước là trấn áp các giai cấp thấp hơn trong xã hội vì lợi ích của giai cấp thống trị. Vì quan niệm này, để cho xã hội công bằng, bình đẳng trong thế giới đại đồng, Các Mác và Ăng Ghen quan niệm rằng khi giai cấp vô sản đã dành được thắng lợi từ giai cấp tư sản, nhà nước phải tàn lụi, biến mất (wither away) trong xã hội chủ nghĩa để có thể tiến lên cộng sản chủ nghĩa.
Lê Nin, tiếp nối tư tưởng của Mác và Ăng Ghen, triển khai rằng nhiệm vụ của nhà nước là chủ yếu chuyên làm công việc cai trị, vì nhà nước là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị, là bộ mấy trấn áp đặc biệt, của giai cấp này đối với giai cấp khác.
Mác, Ăng Ghen, Lê Nin đều diễn tả thật đúng đặc tính của nhà nước tại các quốc gia còn theo đuổi, trên lý thuyết, xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa, như tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn v.v… Điều nghịch lý là nó không diễn tả đúng với nhà nước của các thể chế dân chủ cấp tiến. Nhìn như thế, chúng ta thấy ngay rằng xóa bỏ giai cấp hoàn toàn là cái cớ để biện minh cho sự lên ngôi của các chế độ cộng sản.
Joseph Stalin đi xa hơn. Sau khi thanh trừng, tiêu diệt những thành phần xét lại chống đảng, với hệ thống trại tù khổ sai Gulag nổi tiếng, dù có thật hay chỉ là cái cớ để thanh trừng nội bộ, Stalin không còn biện minh về thù trong, mà chủ yếu là giặc ngoài. Georgy Aleksandrov, trưởng ban tuyên truyền của Đảng cộng sản Liên Sô, biện luận vào đầu năm 1946 rằng có hai khía cạnh liên quan đến chính sách nhà nước. Một là các cuộc đấu tranh nội bộ mà cần bị xóa bỏ, và hai, là những nguy hiểm từ nước ngoài sẽ gặp phải. Điều kiện một đã đạt được, bởi không còn thế lực phản động nào trong đảng để gây khó khăn cho tiến trình tiến lên xã hội và cộng sản chủ nghĩa. Nhưng điều kiện hai thì chưa đạt được, vì các thế lực nước ngoài vẫn là mối đe dọa, nên cảnh giác chống lại sự tấn công từ bên ngoài đòi hỏi phải bác bỏ lý thuyết của chủ nghĩa Mác về sự tàn lụi của nhà nước. Điều này đúng với chủ trương của Stalin phải xây dựng một nhà nước mạnh và quân đội mạnh có khả năng chiến thắng trong chiến tranh.
Quan niệm về nhà nước của Stalin cũng không khác gì quan niệm về nhà nước của các nước tư bản, như Winston Churchill, chẳng hạn. Nhưng hàng triệu mạng sống đã phải trả giá cho cuộc đảo chánh của ý niệm này.
Sau bao nhiêu thập niên tiến hành các cuộc cách mạng long trời lở đất giết hại cả trăm triệu người trên thế giới nhân danh đấu tranh giai cấp và tư tưởng chủ nghĩa cộng sản đại đồng, với cả hàng triệu người và nạn nhân riêng tại Việt Nam, nhà nước Việt Nam và Trung Quốc v.v… không những không tàn lụi mà còn phì nhiêu ra.
Tóm lại, nói về tuyên truyền thì không chế độ nào tuyên truyền dối trá như các chế độ cộng sản. Và nói về nhà nước thì không có nhà nước nào trấn áp, thống trị người dân một cách toàn diện và tuyệt đối như các chế độ cộng sản.
Vậy mà chỉ một vài cá nhân, với đôi bàn tay trắng, không có nguồn lực nào đáng kể, ngoài việc dám lên tiếng trước những bất công xã hội, thì bị quy tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Thật oái ăm thay!
Theo dõi qua các vụ truy tố và xét xử này, cũng như sắp tới, tôi xin được chia sẻ một số nhận xét như sau.
Một, chúng ta cần có sự thông cảm đối với các luật sư bào chữa những bị cáo/nhà hoạt động trên. Rõ ràng họ đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cho thân chủ mình, nhưng họ cũng bất lực và cũng chỉ biết than oán chứ không thể làm gì hơn. Sau phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh tóm tắt: “Hà Nội, những ngày thật buồn”.
Nếu ở một hoàn cảnh khác, tôi tin rằng họ sẽ bảo vệ được quyền lợi các thân chủ của họ.
Điều 14.1 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) có đoạn như sau :
“Tất cả mọi người sẽ bình đẳng trước tòa án và hội đồng xét xử. Khi xác định bất kỳ cáo buộc hình sự nào chống lại một người, hoặc các quyền và nghĩa vụ của người đó trước một vụ kiện pháp luật, mọi người sẽ được quyền xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập và khách quan được thành lập theo luật định.”
Cựu chánh án Tòa án Tối cao Úc Michael Kirby từng biện luận rằng:
- Không thể bảo đảm nền pháp quyền (rule of law), mà qua đó quyền con người phụ thuộc vào, nếu không có các tòa án và hội đồng xét xử để giải quyết các tranh chấp mang tính cách dân sự và chính trị, một cách thẩm quyền, độc lập và khách quan.
- Nếu không có nền pháp quyền và sự bảo đảm đến từ những người làm ra quyết định độc lập, thì hiển nhiên sự bình đẳng trước pháp luật sẽ không tồn tại. Sự đồng nhất, nhất quán và chắc chắn trong các quyết định, sẽ là tình cờ.
Ông Kirby kết luận rằng, Điều 14.1 của ICCPR có giá trị đối với tất cả các nhà nước và cá nhân ở khắp mọi nơi; nó không chỉ đề xuất một nguyện vọng mà còn là một nguyên tắt của luật nhân quyền quốc tế.
Còn theo đương kiêm Tổng Chánh án Tòa án Tối cao Úc hiện nay, bà Susan Kiefel, thì tính độc lập của ngành luật là khả năng để hành động và phán quyết mà không bị áp lực từ bên ngoài (the ability to act and to exercise judgement free from external pressure). Bổn phận của luật sư là thẳng thắn và thành thật trước tòa án trong mọi vấn đề, không chỉ để bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ mình, mà còn là sự thi hành công lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nhưng ngành luật tại Việt Nam thì không được độc lập, và các luật sư thì bị áp lực từ mọi phía. Còn tòa án thì lệ thuộc vào đảng, nhà nước, chính quyền (cũng chỉ là một mà thôi). Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta mong đợi công lý gì từ các bản án này?
Hai, qua các bản án này, những người như Trang, Phương, Tâm, Trung, và bao nhiêu người khác trước đây, cũng như sau này, đã phải đánh đổi tương lai của mình bằng cái giá quá cao. Họ sẽ phải ở tù rất lâu trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Có thể họ biết rất rõ con đường họ chọn, và những hậu quả phải chấp nhận. Nhưng những người chung quanh họ, nhất là gia đình, nghĩa hữu, chiến hữu v.v… không khỏi cảm thấy xót xa. Đặc biệt là các bậc cha mẹ. Mẹ của Trang, ba mẹ của Trung, v.v… tuy hãnh diện về con mình, nhưng 9 năm, 10 năm tù, không phải là thời gian ngắn. Thương con thì sự lo âu, nhớ nhung và khổ tâm sẽ canh cánh bên lòng. Nhất là nhà tù Việt Nam có điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Trong những xã hội văn minh dân chủ, những người này sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực để thúc đẩy các hoạt động nhân quyền và dân quyền. Vì thế cho nên sự phí phạm 9, 10 năm trong tù không chỉ là một tội ác đối với con người: nó còn là tội ác đối với dân tộc Việt Nam. Thương cho những người này, chúng ta cũng có bổn phận hỗ trợ, nâng đỡ và động viên gia đình của các tù nhân lương tâm.
Ba, sau cùng, bản án thô bạo dành cho những người yêu nước Việt Nam như đã nói trên chỉ chứng minh đường cùng của chế độ cầm quyền. Đằng sau những quyết định này là tâm lý sợ hãi, thiếu tự tin, và “quẫn trí”. Về mặt lý trí, họ chính là một phe đảng chỉ giỏi “tuyên truyền” để chống lại dân tộc Việt Nam, bởi “nhà nước” của họ không thật sự đại diện cho dân, và lẽ ra là cái mà người dân phải bứng bỏ bất cứ khi nào có thể. Về mặt tình cảm, họ chủ trương chia lìa, cắt đứt mối quan hệ ruột thịt, máu mủ của gia đình, của người dân, với nhau. Họ đã từng làm thế, một cách phá hoại và thảm bại nhất có thể, đối với giá trị truyền thống gia đình tốt đẹp từ hàng ngàn năm qua. Như đã thấy trong các thập niên 1940s và 1950s, chiến dịch Cải cách Ruộng đất (rồi sau đó tiêu diệt Nhân Văn - Giai Phẩm). Sự bất cân xứng trong cung cách sử dụng bạo lực, cưỡng bức và tra tấn tinh thần lẫn thể xác đối với những người dân ôn hòa cho thấy, chế độ cầm quyền/nhà nước Việt Nam đã lấy các quyết định này không phải vì họ mạnh hay đúng, mà vì họ yếu và sai. Trên hết, là vì họ sợ. Tâm lý sợ hãi sức mạnh của người dân, dù chỉ là những cá nhân nhỏ bé, riêng lẽ, đã làm cho chế độ cầm quyền trở nên hèn hạ.
Sự hèn hạ như thế, xảy ra thường xuyên từ trước đến nay. Điều này cho thấy chế độ cầm quyền không đủ tư cách để lãnh đạo đất nước. Thật ra họ chưa bao giờ đủ tư cách để lãnh đạo nên không dám thi đấu công khai trên bình diện chính trị, nên đành phải ghi nó vào Điều 4 Hiến pháp. Họ chỉ giỏi tuyên truyền dối trá để biện minh cho sự độc quyền và bất tài. Nhưng khi từng mặt nạ, từng bức màn phủ lên bản chất thật của họ được gỡ ra thì cũng là lúc sức mạnh và chính nghĩa sẽ được trả về cho đúng chủ nhân của nó: dân tộc Việt Nam.