Tham vọng Quốc tế Cộng sản III hay là lúc cáo chung?!
Viết Từ Sài Gòn
RFA Blog
Tất cả các chế độ chính trị, theo kinh nghiệm và quan sát từ lịch sử, đều có biểu hiện chung khi rơi vào bế tắc, hay sâu xa hơn là sắp tan rã, là huy động, vơ vét tiền từ nhân dân một cách bất chấp. Điều đó như một sự gắng gượng, vớt vát khó hiểu, rất khó để nhận định chính xác về hành vi này… Và lần này thì sao?
Những ai từng sống qua hai chế độ, từng trước thành trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa và từng thụ hưởng những giá trị tự do, tiến bộ của chế độ này chắc cũng đều nhớ đến những khái niệm cuối cùng để lại hệ lụy không nhỏ của chế độ này trước 30 tháng 4 năm 1975: Lâm tín cục, Quĩ dạo phòng (tức quĩ quốc phòng?). Đó là những dạng tín phiếu thu hút hàng triệu người tham gia để kiếm lãi. Kết cục của việc này, chắc ai cũng rõ, không cần bàn thêm. Và bây giờ, chế độ mới (Cộng sản) lại… cho thấy rằng chế độ này sắp sập hay là một kiểu đốt lò mới?!
Đương nhiên tôi không có ý so sánh giữa hai chế độ, tốt – xấu ra sao chắc ai cũng rõ, giáo dục thời trước 1975 và sau 1975 vênh nhau cỡ nào, chắc không cần nhắc thêm. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là khi một chế độ chính trị sắp sụp đổ, biểu hiện lớn nhất của nó là mất sức sống, cạn sinh lực. Xét về khía cạnh tài chính, chế độ Việt Nam Cộng Hòa những ngày cuối tháng Ba năm 1975 rơi vào khủng hoảng thiếu. Nguồn viện trợ bị cắt giảm xuống còn chưa tới 30% thường niên và sẽ chấm dứt trong vài tháng sau, bắt đầu giải giáp quân sự, mọi thứ đều cho thấy tình hình hết sức thê thảm.
Để cứu vớt và giải quyết tình huống, miền Nam Cộng Hòa đã huy động vốn trong nhân dân. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, ông tôi mất một khoản tiền mà cho đến giờ này, qui ra vàng, nó tương đương với 60 lượng vàng để mua tín phiếu từ “quĩ dạo phòng”, “lâm tín cục”. (Mấy khoản này tìm trên Google không thấy, nhưng bất kỳ người nào có kinh tế khá một chút và sống thời trước đều biết đến). Và có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người giống như cha tôi thì thật khó mà nói. Nhưng, điểm khác biệt cơ bản giữa thời đó với thời bây giờ là thời Việt Nam Cộng Hòa, người dân tin vào nhà nước gần như tuyệt đối, người ta tự nguyện mua và xem đó là cơ hội làm giàu. Còn thời bây giờ, niềm tin của người dân dành cho nhà nước là không có.
Động thái mới nhất của nhà nước trong thời gian gần đây là để các mặt hàng thiết yếu tăng giá đồng bộ và tăng phi mã (giá xăng, mặt hàng tối thiết yếu tăng hơn 1800 đồng/lít, mức tăng cao chưa từng thấy). Và dự tính chương trình huy động vàng trong nhân dân bằng cách in vàng giấy. Mục tiêu cuối cùng là huy động chừng 500 tấn vàng của nhân dân nhằm phục hồi kinh tế. Khi động thái này diễn ra, nó cho thấy điều gì?
Trước nhất, nó cho thấy nhu cầu củng cố về kinh tế của chính phủ, rõ ràng, ở đây, dù chưa có công bố, công khai nào về mặt ngân sách quốc gia nhưng nếu quốc khố không trống rỗng thì chẳng ai dại gì bàn tới chuyện này, ngay trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn và đặc biệt, nhân dân đang gặp khủng hoảng vì dịch, chết chóc, tang thương vẫn còn trước mắt. Hơn nữa, nó cũng cho thấy hệ thống kinh tế quốc dân tồn tại lâu nay chỉ là cái máng lợn để vỗ béo những con lợn nhà nước. Biệt phủ này, lâu đài nọ, có giá từ ngàn tỉ trở lên, cùng với đời sống xa hoa như các ông hoàng, bà chúa trên nền chúng dân rên xiết đau khổ là có thật. Và giả sử người ta đặt câu hỏi rằng ngân sách đã đổ về đâu? Thì nhân dân có ngay câu trả lời ở những khu biệt thự, những ngôi nhà như cung điện, những hồ bơi và những công viên toàn cây quí ở các tư gia quan chức.
Thời nào cũng vậy, khi tham nhũng, hưởng thụ, bất chấp đã thành một khía cạnh, một mặt và cái khía cạnh, cái mặt này chiếm tỉ lệ quá cao trong xã hội, nó như là gương mặt chính thức của xã hội, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chế độ chính trị bao trùm lên xã hội ấy đã đến lúc mục ruỗng, thối nát, khó có thể cứu chữa hay cứu chuộc.
Và giả sử bây giờ, nếu đặt tiếp câu hỏi: Huy động kiểu gì? Huy động như thế nào số lượng vàng đó trong dân? Thì liền có hai câu trả lời: Hoặc đây là cái bẫy chống tham nhũng, hoặc đây là cú vẫy đuôi của con sư tử sắp chết?
Ở đáp án thứ nhất, giả sử đây là cái bẫy chống tham nhũng, không phải không có cơ sở của nó. Bởi theo sau động thái in vàng giấy sẽ có những đợt thống kê, kê khai, kiểm kê tài sản ở mọi ngóc ngách xã hội. Và đến lúc đó, chắc chắn sẽ có một câu chuyện “đánh tư bản” như những năm sau 1975 đã từng. Và, đối tượng, “bọn tư sản” bị đánh lần này không phải là tư sản của “ngụy quyền”, “thân Mỹ” mà là bọn tư sản Cộng sản, một loại tư bản rừng rú đã đủ béo để làm thịt. Câu chuyện lúc đó sẽ li kì, gay cấn và đau khổ cho không ít người cứ ngỡ như mọi thứ đã hạ cánh an toàn. Bởi lẽ, dù có nhắm mắt, có điên khùng cỡ nào, nhà nước, chính phủ cũng còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng nhân dân là một đám nghèo, nheo nhóc, nhân dân mãi là vậy. Vàng trong nhân dân nằm tập trung hết ở giới quan chức và nhóm tư bản rừng rú, lấy vàng của họ, tức là huy động nhanh, hiệu quả, và làm sáng tỏ nhiều thứ… Muốn lấy uy tín của đảng trước đám đông nhân dân thì không có cách nào khác là tiến hành tấn công người anh em cựu đảng viên, cựu quan chức cùng đám tư bản dây mơ rễ má.
Ở tình huống thứ hai, tức là đây là cú vẫy đuôi của chính những tư bản rừng rú, muốn tồn tại chế độ, muốn giữ dây cương để ngồi yên trên lưng ngựa mà lại không muốn đụng tới người anh em, tập hợp tất cả đồng đảng và người anh em lại càn quét nhân dân cho dù có chết cũng cam lòng, gọi là được ăn cả ngả về không. Có vẻ như giả định này không có cơ sở. Bởi hiện tại, nói gì thì nói, hệ thống Cộng sản thế giới đã tắt ngúm từ rất lâu về cả thực lực và hình thức, nhưng hệ thông Cộng sản ở Châu Á vẫn là câu chuyện đáng bàn bởi chính hệ thống này đã kịp thích nghi với những bước phát triển thời đại. Thứ mà hệ thống này duy trì cho đến lúc này là độc tài về mặt quyền lực và độc đoán về mặt ý thức hệ. Ngược lại, các yêu cầu về phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và tạo ra những con cá mập của hệ thống thì họ đã thành công, họ tạo ra được sức mạnh về cả tài chính lẫn quân sự, an ninh của họ nhờ vào khả nắng “vặt lông nhân dân”. Chính vì vậy, họ chẳng bao giờ đủ ngu ngốc để đánh đổi cả một quá trình xây dựng mấy chục năm nay, thậm chí cả trăm năm nay để lấy vài trăm tấn vàng. Và cú vẫy đuôi này, nếu có, nó phải trên phương diện quốc tế, trên khái cạnh trí tuệ, chính trị toàn cầu chứ không bao giờ là phương diện kinh tế quốc dân. Chắc chắn là vậy!
Trong lúc tình trạng ngân khố đối mặt với nguy cơ trống rỗng, trong khi đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, họ có thể mở bán bằng cách này hay cách khác để làm đầy quốc khổ trở lại, nhưng họ không chọn cách này, mà chọn theo cách in vàng giấy (thông qua việc mượn miệng một con tốt chính trị ở cấp độ nghị viên không mấy thực quyền). Điều này chứng tỏ đã có một bài toán được tính toán khá kĩ lưỡng cho đợt đốt lò thứ hai và cũng rất có thể, khi ngọn lửa đốt lò thứ hai này đủ bùng cháy, sẽ có một bước chuyển mới, một sự thay thế quyền lực mà ở đó, mọi tính toán cũng đã thành bài.
Rất khó nói với người Cộng sản, khi họ nói một đường làm một nẻo. Và họ chẳng bao giờ suy nghĩ về đời sống nhân dân như thế nào, mà vấn đề họ trăn trở là làm thế nào để giữ độc tài, làm thế nào để nhân rộng thể chế của họ và thiết lập đế chế Cộng sản khu vực. Đó là thứ tham vọng không nguôi về một Quốc tế Cộng sản III. Và những cuộc đấu đá, thanh trừng của họ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, bởi đau khổ đầu tiên và cuối cùng bao giờ cũng thuộc về nhân dân!