Dư luận viên Việt Nam ‘xuất đầu lộ diện’?
Hàng chục thanh niên hôm 14/3 nhảy múa trong tiếng nhạc chói tai trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, trong khi nhiều người khác tìm cách tới thắp hương, tưởng nhớ những chiến sỹ ngã xuống trong trận Gạc Ma, dẫn tới lộn xộn.
Video đăng tải trên mạng cho thấy, lẫn trong đám đông có khoảng một chục thanh niên mặc áo phông màu đỏ, phía trước có in hình búa liềm, sao vàng và đằng sau áo có in chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, kèm theo các chữ cái viết hoa DLV mà nhiều người cho là chữ viết tắt của "dư luận viên".
Trong các đoạn video, hàng chục người "đi tưởng niệm trận Gạc Ma", đeo dải băng đỏ trên đầu, trong đó có cả trẻ em và người lớn tuổi, chen lấn, xô đẩy nhau với những thanh niên "bảo vệ đảng cộng sản", làm náo động cả một góc phố gần Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội.
Ngoài ra, có thể nghe thấy hai bên nhiều lần lớn tiếng miệt thị nhau và có những hành động khiêu khích.
Đây có thể coi là lần đầu tiên những người vốn được coi là “các chuyên gia bút chiến” trên mạng công khai xuống đường.
Hồi năm 2013, một quan chức thành phố Hà Nội đã triển khai đội ngũ chuyên gia "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch".
'Bật đèn xanh'
Vụ việc xảy ra trong khi báo chí trong nước đồng loạt đăng tải các bài viết về trận hải chiến với Trung Quốc làm 64 binh sĩ Việt Nam tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988.
Khác với những năm trước, truyền thông trong nước năm nay rầm rộ đưa tin về các buổi lễ kỷ niệm ở nhiều nơi.
Có thể thấy các hàng tít như: “Mãi mãi không quên sự hy sinh của chiến sỹ Gạc Ma”, “Nước mặt Gạc Ma” hay “Gạc Ma bất tử”.
Các buổi lễ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc những ngày qua có những tuyên bố khẳng định chủ quyền lãnh hải mạnh mẽ, coi biển Đông là "sân nhà" của mình.
Một số nhà quan sát nhận định với VOA Việt Ngữ rằng báo chí do nhà nước quản lý "không thể lên tiếng, nếu không được bật đèn xanh".
Sau sự kiện gây nhiều tổn thất về người cho Việt Nam 27 năm trước, Trung Quốc đã cho lấn biển, xây dựng trên bãi Gạc Ma, bất chấp sự phản đối từ Hà Nội.