Mạch Sống Media
Ngày 13 tháng 8, Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ công bố 2 thư chung gửi các chính phủ Việt Nam và Thái Lan. Cả 2 thư chung đã được gửi ra cách đó 2 tháng và chỉ được công bố sau khi không được hồi đáp trong thời hạn 60 ngày. 13 chuyên gia nhân quyền của LHQ ký tên 2 thư chung này.
Ngoài tâm điểm là Ông Y Quynh Bdap, người tị nạn ở Thái Lan đang đối mặt dẫn độ, và Hội Người Thượng vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice, MSFJ), bị Bộ Công An chỉ định là khủng bố, thư chung gửi Việt Nam còn là tài liệu tổng hợp về chính sách đàn áp người bản địa Tây Nguyên kéo dài gần 50 năm qua.
Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, hành vi manh động của Bộ Công An nhắm vào Ông Y Quynh Bdap và MSFJ tạo điều kiện để BPSOS vận động quốc tế quan tâm đặc biệt đến khu vực Tây Nguyên.
Ông Y Quynh Bdap và nhiều thành viên của MSFJ, tổ chức nhân quyền do một số người Thượng trẻ thành lập năm 2018 với sự bảo trợ của BPSOS, đã tiếp xúc các giới chức Hoa Kỳ, chuyên gia và giới chức LHQ cũng như đại diện của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Trong 7 năm hoạt động, tổ chức MSFJ đã nộp cho LHQ gần 200 bản báo cáo đàn áp tôn giáo diễn ra ở Tây Nguyên, và đã góp thông tin cho tất cả các cuộc rà soát định kỳ của LHQ đối với Việt Nam, kể cả 2 cuộc Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review, UPR) năm 2019 và 2024.
“Giới chức LHQ biết rõ Ông Y Quynh Bdap và MSFJ chủ trương hoạt động ôn hoà và lý do duy nhất để bị Bộ Công An chỉ định khủng bố là do đã giúp LHQ và quốc tế nhìn thấu tình trạng đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên mà nhà nước Viêt Nam muốn che giấu,” Ts. Thắng giải thích. “Đó là hành vi đe doạ, trả thù nhằm bưng bít thông tin về vi phạm nhân quyền.”
Hình 1 - Ông Y Quynh Bdap với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ Sam Brownback, Bangkok, Thái Lan ngày 04/11/2019
“Lộ liễu hơn, họ còn cáo buộc một nhân viên của BPSOS là khủng bố,” Ts. Thắng cho biết. “Cô nhân viên này là đối tác đắc lực với nhiều định chế LHQ và tổ chức nhân quyền quốc tế.”
Thư chung của LHQ gửi Việt Nam cho biết cô Hbiap Krong (Becky), nhân viên của BPSOS, đã phải gấp rút rời khỏi Thái Lan đến một quốc gia châu Âu vì bị nguy hiểm bản thân.
Cô Krong là một người tị nạn được BPSOS đào tạo để lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế cho các đồng bào Thượng bị đàn áp. Mới đây, cô hoàn tất khóa đào tạo 1 tháng của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ về quyền của người bản địa. Trong nhiều năm qua Cô Hbiap Krong tham gia các buổi kiểm định của LHQ đối mặt với các đoàn đại diện Việt Nam.
“Khi Bộ Công An Việt Nam cáo buộc cô Hbiap Krong là khủng bố thì các chuyên gia nhân quyền LHQ mà tôi tiếp xúc đã nhìn ra ngay rằng đó là lời vu khống trắng trợn,” Ts. Thắng giải thích.
Từ tháng 3, một số nhân sự của BPSOS đã họp thường xuyên, vừa trực diện vừa trực tuyến, với các định chế nhân quyền LHQ trong quá trình họ biên soạn thư chung. Đích thân Ts. Thắng đã đến Geneva tháng 4 và tháng 6 năm nay để họp với báo cáo viên đặc biệt về chống khủng bố và nhân quyển Ben Saul, báo cáo viên đặc biệt Nazila Ghanea về tự do tôn giáo hay niềm tin, tổ công tác về giam giữ tuỳ tiện, bộ phận về đe doạ và trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền, v.v.
Trong thời gian này, Cô Hbiap Krong cũng đã họp với báo cáo viên đặc biệt LHQ Surya Deva về quyền phát triển và báo cáo viên đặc biệt LHQ Francisco Cali Tzay.
Hình 2 - Cô Hbiap Krong (Becky) (bên trái) tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niểm Tin Khu Vực Đông Nam Á do BPSOS đổng tổ chức, ngày 09/11/ 2022, Bali, Indonesia
Theo Ts. Thắng, 2 thư chung vừa được công bố là tài liệu có giá trị tổng hợp về chính sách đàn áp người bản địa Tây Nguyên của nhà nước Việt Nam rất hữu ích cho vận động quốc tế trong nhiều năm tới đây.
“Tiếng nói độc lập của các chuyên gia nhân quyền LHQ có giá trị trên trường quốc tế,” Ts. Thắng nói.
Một ngày sau khi thư chung được công bố, theo lời mời của Ủy Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giăo (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), Ts. Thắng đã tường trình về tình hình đàn áp tôn giăo ở Việt Nam, trong đó Tây Nguyên được quan tâm đặc biệt. Nhân dịp, Ts. Thắng chia xẻ 2 thư chung của các chuyên gia nhân quyền LHQ đến với USCIRF.
Tháng 9 tới đây, Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ sẽ báo cáo về tình trạng đe doạ và trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền. Việt Nam sẽ khó tránh bị nêu đích danh liên quan đến Ông Y Quynh Bdap, tổ chức MSFJ, Cô Hbiap Krong và những người Thượng báo cáo vi phạm nhân quyền.