Hai Dân biểu Hoa Kỳ ra nghị quyết lên án những vi phạm
nhân quyền của Việt Nam
RFA
Hai Dân biểu Hoa Kỳ đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ- bà Michelle Steel và ông Lou Correa, vào ngày 10 tháng năm ra nghị quyết “Lên án Đảng cộng sản Việt Nam (VCP) bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo, và những tiếng nói đối lập tại Việt Nam”. Nghị quyết được đưa ra vào dịp ngày Nhân quyền Việt Nam 11 tháng năm hàng năm.
Nghị quyết cho rằng những người đang bị Việt Nam cầm tù chỉ vì họ thực thi các quyền tự do lên tiếng của họ. Một danh sách 31 tù nhân lương tâm được nêu ra trong Nghị quyết; trong đó có bốn người từng cộng tác với Đài Á Châu Tự do gồm Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Vũ Bình.
Theo Nghị quyết, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 170 tù chính trị và tôn giáo; gần phân nửa trong số này bị bắt bỏ tù vì bày tỏ ý kiến và hoạt động trên mạng. Việt Nam là nước có số tù nhân chính trị cao thứ nhì trong số các quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ Công an Việt Nam đã dùng bạo lực để bức cung, sử dụng vũ lực quá mức trong khi thi hành nhiệm vụ, tra tấn tù nhân, cưỡng bức lao động, không cho người bị giam giữ được tiếp cận chăm sóc y tế. Nhà tù thiếu nước uống, cơ sở giam giữ vệ sinh kém, quá nóng bức trong mùa hè và thiếu thức ăn cũng như thức ăn bẩn.
Nghị quyết lên án Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền.
Nghị quyết của hai Dân biểu Michelle Steel và Lou Correa kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Biden hiện nay hỗ trợ cho những sáng kiến giúp những người sống còn qua tra tấn và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; xem xét những giải pháp quy buộc trách nhiệm sẵn có đối với những người vi phạm quyền con người và những quyền tự do căn bản; cùng các đối tác trong khu vực gồm ASEAN phối hợp áp lực Việt Nam chấm dứt đàn áp người dân và giải quyết mọi mối quan tâm về nhân quyền.
Ngị quyết có điểm kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam (11/5) được vinh danh và công nhận bởi đạo luật số 103-258 mà Tổng thống Bill Clinton ký ngày 25/5/1994. Trước đó, Nghị quyết chung SJ-168 được cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với đại đa số tuyệt đối ngày 17/5/1994.