Bốn tù nhân lương tâm tố trại giam An Điềm ngược đãi
RFA
Một số tù nhân lương tâm (TNLT) ở Trại giam An Điềm kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm vì bị cán bộ quản giáo đối xử vô nhân đạo.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương - đang thụ án tù 10 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước,” cho biết thông tin trên ngay sau chuyến thăm ngày 21/4.
Trong buổi thăm gặp, ông Phương nói đã gửi thư từ gần hai tuần trước nhưng hiện gia đình vẫn chưa nhận được. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 22/4:
“Trong ngày 8/4, anh Phương gửi thư cho em dài khoảng bốn trang rằng là phía Trại giam An Điềm đang xâm phạm tới quyền con người của mọi người.
Trong bức thư này cũng có ý kiến của anh Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình và Phan Công Hải kêu gọi quốc tế đồng hành cùng với anh Phương nhà em và các tù nhân lương tâm trong trại giam An Điềm về việc trại giam đã ngược đãi các tù nhân lương tâm.”
Bà cũng cho biết, những TNLT nói trên đã tuyệt thực hơn ba ngày bắt đầu từ 8/4 để phản đối việc cán bộ trại giam xâm phạm quyền con người, tuy nhiên sau đó đã ăn trở lại sau lời khuyên của các TNLT khác.
Bà Thu được chồng cho biết thức ăn mà trại giam cung cấp không hợp vệ sinh khiến ông Phương vài lần ăn vào bị đau bụng và tiêu chảy, do vậy, ông chỉ ăn cơm trắng của trại cung cấp.
Nước sinh hoạt dường như được bơm trực tiếp từ sông lên và không qua lọc nên rất đục và nhiều khi có cả cá con và nòng nọc chết, khiến đa số người tù ở đây bị viêm da triền miên, ông Phương kể lại với vợ.
“Hiện nay thì phía Trại giam An Điềm đang đối xử một cách vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm, rất mong cộng đồng và quốc tế có thể lên tiếng để phía Trại giam An Điềm ngừng ngược đãi các tù nhân lương tâm,” bà Thu chia sẻ.
Sự việc bắt đầu từ ngày 26/3, công an quản giáo vào từng phòng ở khu an ninh (nơi giam giữ những người có án an ninh-PV) thu giữ hết các dụng cụ sinh hoạt, trừ đồ của trại giam phát hoặc mua từ căng-tin, viện dẫn quy định của Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10).
Ông Huỳnh Đắc Túy, người bị giam cùng khu và được trả tự do ngày 19/4 vừa qua, xác nhận thông tin đúng như những gì người nhà ông Trịnh Bá Phương kể lại. Ông nói với RFA:
“(Người-PV) nhà gửi đồ vô công an nó cho sử dụng nhưng khi lục soát thì nó mang đi hết, như xoong inox, bình thủy giữ nhiệt, ấm đun siêu tốc, cùng rất nhiều vật dụng khác.”
Ông Tuý cho biết trong khu tù an ninh quốc gia, hai người bị giam chung trong một phòng có diện tích 16 mét vuông (4mx4m), bên ngoài là một “chuồng cọp” có kích thước tương tự với hai lớp cửa ngăn cách các phòng giam với khu chung.
Thông thường, quản giáo mở cả hai lớp cửa vào giờ hành chính để người tù được đi lại trong khu an ninh và giao tiếp với nhau, tuy nhiên mọi chuyện chấm dứt từ ngày 08/4.
Ngoài ra, không khí trong buồng giam rất nóng dưới cái nắng mùa hè nên tù nhân phải dùng hộp xốp bịt cửa sổ nhằm chống nóng, nhưng trong ngày 26/3 vừa qua, cán bộ trại giam đến thu đồ đạc và phá dỡ luôn miếng xốp này.
TNLT Hoàng Đức Bình bị kỷ luật biệt giam và cùm chân
Do lớn tiếng phản đối lại việc thu giữ đồ dùng sinh hoạt, ông Hoàng Đức Bình (Hoàng Bình), người đang thụ án tù 14 năm về hai tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “chống người thi hành công vụ” tại Trại giam An Điềm, bị kỷ luật với hình thức biệt giam và cùm chân trong 10 ngày, bắt đầu từ chiều muộn ngày 26/3.
Ông Bình cũng bị hạn chế trong việc nhận, gửi thư, nhận quà, mua hàng hoá tại căng-tin, liên lạc bằng điện thoại với thân nhân trong thời gian ba tháng kể từ ngày 05/4; và chỉ được gặp thân nhân hai tháng một lần, mỗi lần không quá một giờ cho đến khi có quyết định công nhận tiến bộ, theo như một thông báo gửi về gia đình vào ngày 26/3.
Ông Tuý cho biết sau 10 ngày bị biệt giam, sức khoẻ của ông Bình trở nên rất yếu vì trong thời gian bị kỷ luật, ông Bình chỉ cầm cự bằng thức ăn do các bạn tù gửi cho như mỳ tôm, bánh ngọt và chuối. Ông Bình đã không nhận thức ăn từ trại trong nhiều năm qua.
Cổ chân ông Bình cũng bị thương do bị cùm lâu ngày và sau gần nửa tháng hết hạn biệt giam đến khi ông Tuý rời nhà tù, vết thương vẫn chưa khỏi.
Theo lời bà Đỗ Thị Thu, ông Phương chuyển lời của ông Bình nhờ gia đình mua thuốc trị đau tim gửi vào. Ông Bình, sinh năm 1983, vốn mắc nhiều chứng bệnh như đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim, đã xin thuốc trị đau tim từ trại giam nhưng không được đáp ứng.
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam An Điềm theo số điện thoại đăng tải trên mạng Internet để kiểm chứng thông tin mà ông Tuý và bà Thu cung cấp.
TNLT Huỳnh Đắc Túy ra tù 10 tháng trước hạn
Ông Huỳnh Đắc Tuý khi bị bắt năm 2019 (ANTV)
Tù nhân lương tâm Huỳnh Đắc Túy ra tù hôm 19/4 trước thời hạn 10 tháng do ông đồng ý nhận tội trong lúc bị giam ở trại An Điềm để sớm được trở về với gia đình.
Ông Túy, 48 tuổi, giám đốc Công ty Xây Dựng Túy Nguyệt, bị bắt giữ vào ngày 22/2/2019 với cáo buộc “tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”
Trong phiên tòa vào tháng 8 cùng năm, tòa án tỉnh Quảng Ngãi tuyên ông 6 năm tù giam và 3 năm quản chế về hành vi bị cho là đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tại, phát tán những bài viết với nội dung kêu gọi người khác chống lại chính quyền.
Tuy nhiên, nói với RFA ông khẳng định bản thân bị bỏ tù chỉ vì cất lên tiếng nói trên Facebook để chỉ trích chế độ trong việc đàn áp người biểu tình phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế năm 2018, thảm hoạ môi trường gây ra bởi Formosa ở ven biển miền Trung năm 2016,...
Ông cho rằng mình bị tòa án xét xử một cách bất công:
“Luật sư không bảo vệ thân chủ mà luật sư lại thay toà kết tội thân chủ. Khi xử tôi không có phóng viên báo chí nước ngoài, không có đại diện nhân quyền quốc tế giám sát, chủ tọa phiên tòa và thẩm phán đều là người trong Đảng cho nên không thể độc lập (xét xử-PV).”
Ông cho biết người nhà đã đồng ý thuê vị luật sư này do phía công an giới thiệu. Ông được giảm án 10 tháng do đồng ý nhận tội trong khi thi hành án vì muốn trở về sớm chăm sóc bố mẹ già yếu và bệnh tật.
Ngày 22/2 vừa qua, ông đã viết đơn kêu oan gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Toà án Nhân dân Tối cao. Phía trại giam nói đã chuyển đơn của ông lên hai cơ quan trên nhưng không đưa biên lai xác nhận.
Do vậy, trong thời gian tới, ông sẽ xem xét việc gửi đơn kêu oan lên hai cơ quan trên thêm một lần nữa, ông chia sẻ với RFA.