Viettel bị cáo buộc ‘lạm dụng’, tiếp tay cho quân đội Miến Điện
vi phạm nhân quyền
RFA
Vào thứ bảy ngày 20 tháng 2, khi các cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tại Miến Điện lên đến hàng trăm ngàn người khắp trên nước, cảnh sát tại TP Mandalay đã nổ súng vào người biểu tình.
Lực lượng an ninh, cảnh sát đã bắn chết hai người và gây thương thích cho 40 người tại đây. Như vậy tính đến ngày 20 tháng 2, đã có ba người tử vong trong đợt biểu tình chống quân đội lật đổ chính quyền do dân bầu. Trong số người thiệt mạng có một cô gái 20 tuổi bị bắn vào đầu khi biểu tình.
Nhiều quốc gia dân chủ đã nhanh chóng lên án quân đội Miến Điện về những hành vi vi phạm nhân quyền, phi dân chủ như thế.
Các tổ chức nhân quyền, giới đấu tranh cũng đã mạnh mẽ lập lại lời kêu gọi tẩy chay quân đội Miến Điện và những nguồn tài chính của họ - trong đó có Viettel, doanh nghiệp viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam.Tổ chức Justice for Myanmar (Công lý cho Miến Điện) vào cuối tháng 12 công bố kết luận trong một phóng sự điều tra, cáo buộc Viettel đồng lõa với những vị phạm nhân quyền tàn bạo tại Miến Điện qua việc đầu tư vào doanh nghiệp của quân đội Miến Điện. Viettel là cổ đông lớn nhất với 49% cổ phần trong công ty viễn thông Mytel do quân đội Miến Điện điều hành.
Phát ngôn nhân của Justice for Myanmar, là Yadanar Maung nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thư như sau:
“Báo cáo [của chúng tôi đã nâng cao nhận thức về những mối nguy nghiêm trọng mà người dân Myanmar phải đối mặt từ hoạt động kinh doanh của Viettel với quân đội Myanmar. Nó đã mang lại nguồn thu nhập quan trọng, khả năng tiếp cận công nghệ, vũ khí nước ngoài và một bộ máy giám sát mở rộng mà quân đội Miến Điện có thể áp dụng đối với người dân. Mytel được thiết lập bởi Bộ Truyền thông Miến Điện và được quân đội Miến kiểm soát phần của chính phủ, tước đoạt doanh thu thuộc về người dân. Những tài sản bị đánh cắp này phải được trả lại. Đáng buồn thay, chính phủ đã không có hành động chống lại Mytel trước cuộc đảo chính quân sự bất hợp pháp diễn ra vào ngày 1 tháng 2.”
Những vi phạm nhân quyền, hoạt động tham nhũng mà Justice for Myanmar lên án đã tiếp diễn trong nhiều năm qua dưới chính quyền quân phiệt, nhưng với cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, khi quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền của Cố vấn Nhà nước là bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) của bà, những lời kêu gọi quốc tế trừng phạt hoặc cấm vận chính quyền quân phiệt lại cất lên.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực Á Châu nói với Đài Á Châu Tự Do về những vi phạm nhân quyền mới nhất:
“Kể từ cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 1 tháng 2, chúng ta không chỉ thấy sự hủy hoại một hệ thống dân chủ. Việc từ chối một chính phủ mà người dân Myanmar đã bỏ phiếu bầu vào tháng 11 năm 2020, tự nó đã là một sự lạm dụng nhân quyền. Tiếp đó chúng ta còn chứng kiến việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện hàng loạt người, gồm các quan chức cấp cao của chính phủ, các thành viên tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động, giáo viên, bác sĩ, v.v. Hơn 600 người đã bị giam giữ. Nhiều người đang bị giam giữ vô tội vạ tại các nơi bí mật. Họ đang phải đối mặt với sự đàn áp của quân đội và có thể phải ngồi tù nhiều năm tùy vào cuối cùng họ bị buộc tội gì. Chúng tôi cũng đã chứng kiến việc sử dụng vũ lực quá mức và vũ lực gây chết người, bao gồm vụ giết một phụ nữ ở Naypyidaw hai tuần trước và vụ giết hai người trong đó có một cậu bé 16 tuổi, vào thứ Bảy tuần trước ở Mandalay”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cùng với gần 137 tổ chức đấu tranh, phi chính phủ hôm 24 tháng 2 đã gửi một lá thư đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Miến Điện.
Theo ông Robertson thì lệnh cấm vận mà các tổ chức đồng ký tên kêu gọi sẽ ảnh hưởng đến Viettel vì nó bao gồm hàng hóa lưỡng dụng như phương tiện giao thông, thiết bị liên lạc, giám sát và thông tin tình báo mà Viettel đang cung cấp cho quân đội Miến Điện. Tuy nhiên ông Robertson công nhận rằng việc này không dễ thực hiện vì một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan là những nước bán vũ khí cho Miến Điện sẽ phản đổi lệnh cẩm vận.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính từ Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 2 rằng vấn đề vi phạm nhân quyền chưa được điều tra một cách độc lập. Ông lập luận:
“Những cáo buộc như vậy cần phải có một cơ quan điều tra. Liên Hiệp Quốc có thể cáo buộc là Viettel cung cấp trang thiết bị liên quan đến quân sự hoặc hỗ trợ cho quân đội của Myanmar. Nhưng tất cả những cáo buộc như vậy cần phải có sự điều tra. Thành ra nếu chưa có một cái điều tra như thế, chưa có kết quả điều tra của một cơ quan độc lập thì chưa thể nói được là Viettel thật sự đang hỗ trợ cho vấn đề vi phạm nhân quyền”.
Viettel bắt đầu đầu tư vào Mytel từ giữa năm 2018 và chỉ trong hai năm đã trở thành một trong hai nhà mạng lớn nhất của nước Miến Điện với hơn 10 triệu thuê bao.
Báo cáo của Justice for Myanmar ghi rõ:
“Justice For Myanmar phát hiện bằng chứng đáng lo ngại cho thấy Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội. Bằng cách đó, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”. -Justice for Myanmar
Đối với ông Phil Robertson của HRW, việc một bộ phận nhà nước như Bộ Quốc Phòng Việt Nam hay Miến Điện gặt hái lợi nhuận trên đầu người dân mà không có một sự tiếp cận gì của chính quyền dân sự cũng đã là điều không ổn. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng Viettel là một ví dụ điển hình của việc quân đội Việt Nam sử dụng ảnh hưởng của mình để kiếm lợi nhuận mà không có phải chịu bất kỳ trách nhiệm giải trình gì đối với người dân Việt Nam và đối với chính phủ dân sự. Quan niệm quân đội có thể điều hành các công ty vì lợi nhuận thực sự là một khái niệm tệ hại. Họ đang kiếm tiền cho ai vậy? Cho các tướng? Họ đang kiếm tiền cho ai? Rõ ràng tiền đó không được trả lại cho người dân”.
Đài Á Châu Tự Do cũng đã nhiều lần liên lạc với Viettel và Mytel về những cáo buộc nêu trên mà không được hồi âm. Phát ngôn nhân của Justice for Myanmar, Yadanar Maung cho biết tổ chức này cũng đã không nhận được phản hồi nào về kết luận điều tra của họ. Nhưng, lời kêu gọi tẩy chay Mytel của họ được nhiều người hưởng ứng.
Hai tháng sau khi báo cáo được công bố, ông cho biết:
“Đã có tác động. Mytel đã tháo gỡ trang Facebook của họ xuống vì họ liên tục bị báo cáo. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của họ trong một thị trường nơi mà Facebook vô cùng phổ biến. Các nhân viên Mytel và công ty con của Viettel tại Myanmar đã xin nghỉ việc và nhiều doanh nghiệp nhỏ đang loại bỏ thẻ sim Mytel khỏi cửa hàng của họ. Người dân Myanmar ngày càng nhận thức được rằng Mytel ủng hộ những hành động tàn bạo mà quân đội gây ra đối với người dân Myanmar và các doanh nghiệp này là một phần của nạn tham nhũng tràn lan của quân đội”.
Mạng thông tin viễn thông tại Miến Điện trong những năm qua đã được tự do hơn và đã giúp người dân ở đây truy cập thông tin, nhưng người phát ngôn Miến Điện này đồng tình với phát biểu của ông Phil Robertson về các vấn đề trong hợp tác giữa Mytel và Viettel. Justice for Myanmar nói người dân có lựa chọn:
“Có hai mạng di động tư nhân tại Miến Điện không kinh doanh với quân đội. Không có lý do gì để quân đội vận hành một mạng lưới viễn thông hay kinh doanh nào cả. Đó không phải là vai trò của quân đội trong một quốc gia dân chủ...” .