Tu Dưỡng Thắng Nhân: Tự Kiểm
Hình Inc. Magazine
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Sau khi đã thực hiện tu dưỡng trong ăn uống, thân thể khỏe mạnh thì điều kế đến trong việc tu dưỡng bản thân là kiểm điểm lại chính mình. Đây là công việc đòi hỏi sự thành thật ở chính mình và tâm phải mở rộng. Tâm không trong sáng thì khó mà soi gương ở chính bản thân mình.
Hãy cố gắng nhìn lại cách đối xử của mình với những người chung quanh ra sao. Hãy để tâm lắng đọng, nhìn lại quá khứ trong những ứng xử của bản thân với những người chung quanh gồm trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xóm làng hoặc những người lạ gặp trong xã hội lúc giao tế.
Hãy tự hỏi bản thân mình có tôn trọng mọi người mà không kể địa vị xã hội, bằng cấp, giàu-nghèo, già-trẻ, tôn giáo, chủng tộc, bệnh hoạn v.v…. Cần phải phân biệt giữa tôn trọng và bất đồng ý kiến trên một lãnh vực nào đó. Thí dụ: một người nhỏ tuổi và bạn thảo luận một vấn đề nào đó và cả hai có hai cái nhìn trái ngược nhau. Tuy nhiên không vì sự trái ngược đó mà bạn cho rằng trình độ người trẻ thấp hơn trình độ của bạn. Thái độ này cho thấy bạn bị cảm tính điều khiển bản thân bởi sự đánh giá về trình độ phải là người ngoài cuộc chứ không phải là người trong cuộc. Bạn có thể không đồng ý với lý luận của người trẻ đưa ra nhưng vẫn tôn trọng ý kiến đó của người trẻ và thời gian sẽ trả lời là bạn đúng hay người trẻ đúng trong một nhận định nào hay cách giải quyết vấn đề.
Tôn trọng người khác được thể hiện bằng chính hành động ứng xử trong cuộc sống. Nếu trong một sinh hoạt của tập thể, bạn chỉ muốn dùng người khác cho chủ đích cá nhân của bạn (được bao bọc cái vỏ sinh hoạt cộng đồng hoặc yêu nước) thì bạn đã không tôn trọng người khác. Sự tôn trọng phải được thể hiện qua tính minh bạch. Khi ai đó đặt một vấn đề về chính bản thân bạn trong sinh hoạt của tập thể, bạn không thể nào đi đêm, gõ cửa từng người để hỏi những người khác xem nhận định của cá nhân kia có đúng cho bạn hay không. Hành động đi đêm này không minh bạch và không nói lên được tính tôn trọng người khác khi cá nhân đó đặt vấn đề đối với bạn và bạn không dám mở một buổi họp để minh bạch vấn đề đã được đặt ra với bạn. Sự thiếu minh bạch đi song song với độc tài và sợ hãi. Bởi sợ người khác thấy cái xấu, thấy hành động độc tài của mình cho nên mình không trực diện mà chỉ đi gõ cửa tìm đồng minh và lẫn tránh vấn đề.
Sự tôn trọng không những đối với Người mà còn phải tôn trọng đối với môi trường mình đang sống. Chưa bao giờ mà môi trường của thế giới hôm nay đang gặp khủng hoảng mà từ không khí, nước uống, thức ăn, khí hậu trở thành vấn đề quan tâm cho mọi người. Nếu bạn không tôn trọng môi trường để sống thác loạn hoặc vì lợi nhuận mà không quan tâm đến môi trường thì đến một lúc nào đó, trái đất này không nuôi dưỡng được con người bởi môi trường đã bị tàn phá.
Hãy tự hỏi mình có tánh lắng nghe hay không? Nếu chưa thì hãy tập tánh lắng nghe tiếng nói khác biệt để tự chính mình xét về cá nhân mình. Điều này khó lắm bởi khi bạn đã có thói quen trong suốt cuộc đời trưởng thành của chính mình mà trong đó chuyện lắng nghe không hề có thì làm sao có thể tập được tánh lắng nghe. Mà để thực hiện sự lắng nghe thì tâm phải lắng đọng. Tâm của bạn đóng một vị trí rất quan trọng trong vấn đề tự kiểm của bản thân.
Ngoài tánh lắng nghe bạn cũng cần phải tập tánh im lặng. Phải biết lúc nào cần nói và lúc nào phải im lặng. Dĩ nhiên im lặng không có nghĩa là đồng lõa với cái ác mà là im lặng trong hoàn cảnh không nhất thiết phải lên tiếng. Thí dụ trong tranh luận, bạn hiểu rõ cá nhân A không biết luật của tranh luận thì tốt nhất bạn đừng nên tiếp tục tranh luận với cá nhân đó vì sẽ mất thời gian cho việc vô bổ.
Hãy nhìn lại những quan niệm của bản thân về con người, cuộc sống, xã hội, và môi sinh. Những quan niệm trên luôn luôn được hình thành từ kinh nghiệm sống và có thể thay đổi hoặc không thay đổi. Sự thay đổi có hai chiều hướng tốt và xấu. Sự không thay đổi là một dấu hiệu nguy hiểm bởi cuộc sống luôn luôn động và sự thay đổi cần thiết để điều chỉnh cho cuộc sống của bản thân người hơn, nhân bản hơn, hướng thiện hơn. Một cá nhân sống thực tức là cá nhân đó luôn luôn thay đổi quan niệm sống cho phù hợp với sự thay đổi của thế giới, của môi trường để giúp mọi người cùng tiến.
Quan niệm sống tốt sẽ tạo ra hành động và tác động tốt trong xã hội. Ngược lại nếu quan niệm sống xấu chỉ vì chính mình thì sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho xã hội và đôi khi cho chính bản thân mình. Phải có đủ tâm thức và sự thành thật ở bản thân để soi rọi quan niệm sống của chính bản thân và điều chỉnh nếu cần.
Trong thời gian tới chúng ta sẽ cùng nhau mổ xẻ về quan niệm sống. Đây chính là nền tảng của Con Người để xây dựng một xã hội với tình người thay vì xã hội mạnh được yếu thua đang xảy ra trên thế giới hiện nay.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 1 năm 2021 (Việt lịch 4900)