BỘ GIÁO DỤC KHÔNG PHẢI RÁCH MÀ LÀ NÁT, KHÔNG THỂ VÁ ĐƯỢC
Có thể nói chiếc ghế Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục là chiếc ghế nóng nhất hiện nay. Bất cứ ai thay ông Phùng Xuân Nhạ để ngồi vào ghế này cũng có khả năng bị búa rìu dư luận chực chờ để bổ xả vào họ. Nền giáo dục XHCN nhìn đâu cũng nát. Và cái nát này nó được sinh ra từ thể chế chính trị.
Giáo viên không ra giáo viên, học sinh không ra học sinh nó có nguồn gốc từ định hướng XHCN trong giáo dục thay vì định hướng khai phóng và nhân bản. Mà khi nền giáo dục rời xa tính nhân bản như vậy thì bản thân con người phải sống sao cho có nhân bản là rất khó. Không phải người ta không nhận ra cái lệch lạc của môi trường giáo dục, tuy nhiên nếu nhận ra mà sửa chữa bản thân theo những giá trị nhân bản thì những con người đó lại trở thành lạc lõng và cuối cùng hoặc họ bị đào thải hoặc họ phải ngã theo số đông. Vì vậy ai đi ngược với nền giáo dục này thì bị nó nghiền nát không thương tiếc.
Vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa là một minh chứng cho sự lạc lõng bị khuất phục bởi cái khung đã định hình lâu ngày của nền giáo dục. Năm 2006, thầy Khoa tố cáo tiêu cực hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A, Hà Tây. Nhờ lời kêu gọi nói không với tiêu cực của ông Bộ trưởng bộ giáo dục lúc đó – Nguyễn Thiện Nhân nên VTV và các tờ báo cũng đứng về phía thầy Khoa. Tuy nhiên cuối cùng thì thầy Khoa vẫn bị trù dập. Điều đó cho thấy, cái khung tiêu cực của nền giáo dục XHCN nó đã trở thành quả núi vững chắc nên dù cho có hô hào như thế nào thì cuối cùng phong trào chống tiêu cực cũng chỉ là hành động húc đầu vào đá mà thôi. Tất cả đều thất bại và nền giáo dục XHCN nó trở về với giá trị vốn có của nó. Nó mãi không thể trong sạch được nên cũng không thể bức phá được.
Nền giáo dục XHCN nó như vòng luẩn quẩn, những con người được giáo dục theo định hướng XHCN rồi sau đó họ được đào tạo thành giáo viên để dạy lại lớp sau. Cứ như vậy từ thầy đến trò cứ tự trói chân nhau, người trước buộc chân người sau dắt đi theo một lối mòn có hình tròn mà đảng đã vạch sẵn. Từng lớp từng lớp cứ đi mãi nhưng vẫn quanh quẩn vị trí cũ. Có thể ví nền giáo dục XHCN nó như con lừa nó cứ đi quanh cối xay vậy.
Lãnh đạo ngành giáo dục các cấp cũng được đảng nặn ra, nền giáo dục XHCN cũng được đảng nặn ra. Trong nền giáo dục ấy cả thầy và trò đều được nặn ra theo khuôn mẫu XHCN. Như vậy nền giáo dục này phải vá từ đâu? Không thể vá được nữa vì giờ đây nền giáo dục đã nát chứ phải rách. Có rách mới vá chứ nát thì làm sao vá?! Vì vậy ghế Bộ trưởng Bộ Giáo Dục là ghế rất nóng, bất cứ ai ngồi vào cũng không thể cải thiện được thực trạng như hiện nay. Và chính vì thế, bất kỳ ông nào ngồi vào ghế bộ trưởng bộ này thì cũng đều bị búa rìu dư luận tấn công mà không biết đỡ như thế nào, đó là điều chắc chắn. Nguyễn Thiện Nhân hô hào rồi cũng bất lực, đến Phạm Vũ Luận rồi đến Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ biết chịu trận. Ông nào cũng chỉ ngồi một nhiệm kỳ rồi.. tróc gốc.
Thực ra bên trong bộ máy lãnh đạo bộ giáo dục nó là bộ máy nhà nước CS thu nhỏ mà thôi. Nếu trong bộ máy nhà nước có những cái chết bí ẩn như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang thì bên trong bộ máy lãnh đạo của bộ Giáo Dục vẫn thế. Năm 2019 ông thứ trưởng Lê Hải An rơi lầu chết một cách bất minh và sau đó là ông Bùi Quang Tín một giảng viên trường Đại học Ngân hàng cũng rơi lầu mà chết. Bên trong bộ GDĐT nó cũng mang gene chung của bộ máy chính quyền, không khác được. Và có thể nói, những ông nào muốn lên bộ trưởng thì cũng vì quyền lực và quyền lợi là chính chứ khó mà vì nền giáo dục tiến bộ được. Với thể chế chính trị còn đó, mọi cải cách giáo dục đều tỏ ra bất lực.
Hiện nay ông Nhạ đã bị rớt khỏi ủy viên trung ương, xem như ông sẽ không làm bộ trưởng khóa 13 nữa. Nguồn cung chức bộ trưởng bộ trưởng bộ giáo dục là các thứ trưởng hoặc giám đốc đại học quốc gia Hà Nội, hoặc giám đốc đại học quốc gia TP. HCM. Hiện nay các thứ trưởng bộ giáo dục không ai trúng ủy viên trung ương. Chỉ có ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM và ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội là trúng ủy viên trung ương. Sắp tới khả năng Nguyễn Kim Sơn vào chiếc ghế nóng này. Dù ông nào ngồi vào thì cũng sẽ chịu búa rìu dư luận trong sự bất lực mà thôi. Bộ Giáo Dục, nơi này không thể sửa được nữa.
Gửi ý kiến của bạn