cấu trúc quân sự ở Trường Sa
RFA
Việt Nam trong các năm gần đây tiếp tục có những hoạt động cải tạo nhỏ ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, theo các hình ảnh vệ tinh và phân tích của trang Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) của Mỹ đưa ra hôm 19/2.
Theo phân tích của AMTI, hoạt động này của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục tập trung vào việc biến những thực thể do Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa thành các căn cứ kiên cố hơn, có thể chống lại được sự xâm lược hoặc ngăn chặn (từ bên ngoài), đồng thời tăng cường khả năng đánh chặn qua việc có thể nhắm tới các cơ sở của Trung Quốc.
Theo AMTI, hai thực thể có những thay đổi nhiều nhất trong hai năm qua là Đá Tây và Đảo Sinh Tồn. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy 70 acres đất mới được nhìn thấy trên Đá Tây là do việc mở rộng đảo từ năm 2013 đến 206. Trong 2 năm qua, Đá Tây cũng có thêm những xây dựng mới quan trọng, bao gồm hệ thống phòng vệ bờ biển, các toà nhà hành chính, các bãi bê tông và boong ke, một tháp lớn được dùng cho thông tin liên lạc và tín hiệu tình báo. Mũi nam và bác của đảo cũng có một hệ thống đường hầm tương tự như ở các thực thể khác mà Việt Nam chiếm đóng tại Trường Sa, thêm vào đó là có rau xanh được trồng tại đây.
Đảo Sinh Tồn cũng có những cải tạo đáng kể trong hai năm qua bao gồm một loạt các lắp đặt phòng thủ bờ biển. Việc xây dựng này, theo AMTI được bắt đầu từ năm 2019 và tập trung vào khoảng 26 acres đất được lấy thêm từ năm 2013 đến 2016. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng các đường hầm mới và công sự bờ biển được xây dựng trên đảo vào năm 2018. Hình ảnh vào tháng 11/2020 cho thấy rau xanh được trồng lại tại khu vực này, chứng tỏ việc xây dựng đã hoàn tất.
Theo đánh giá của AMTI, những xây dựng trên Đá Tây và Đảo Sinh Tồn là tiếp theo những gì Việt Nam đã làm với các tiền đồn trên các thực thể khác ở Trường Sa như Đảo Phan Vinh, Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đảo Song Tử Tây.
Hồi năm 2016, hãng tin Reuters cho biết Hà Nội đã triển khai các hệ thống pháo tên lửa EXTRA mua của Israel ra 5 thực thể ở Trường Sa. Theo AMTI, các hệ thống tên lửa này có thể giúp Việt Nam dễ dàng nhắm tới các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa và đây được coi là khả năng đánh chặn của Hà Nội.
Hiện Hà Nội chiếm đóng 27 thực thể tại khu vực quần đảo Trường Sa, chưa kể 14 nhà giàn Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật (gọi tắt là DK) được dùng với mục đích dân sự ở đây.
Trung Quốc hiện chiếm đóng 7 thực thể với 20 tiền đồn tại Trường Sa. Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã gia tăng các nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo tại đây và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. Theo các phân tích từ nhiều nguồn, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã mở rộng thêm 3.200 acres đất mới cho các đảo nhân tạo ở Trường Sa, cộng thêm vào đó là việc mở rộng quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hồi tháng 12/2020, Sáng Kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc trường Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc công bố các hình ảnh vệ tinh về các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa. SCSPI “tố” Việt Nam đang cho mở rộng các thực thể này, mà cụ thể là ở Đảo Sơn Ca và Trường Sa Lớn.
Theo SCSPI, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai đảo này vẫn đang được mở rộng và xây dựng trên đó với chỗ đỗ máy bay và cầu cảng ở Đảo Sơn Ca, một trạm radar 3D và bãi phóng tên lửa ở Trường Sa Lớn.