Đan Quyền Là Gì?
Hình Internet
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Từ ngữ Đan Quyền ít khi được nói đến và những ai tìm hiểu về tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A sẽ biết được từ ngữ này. Nhưng ngay cả những người học hỏi tư tưởng Duy Dân chưa chắc đã hiểu rõ ý nghĩa của Đan Quyền trong cơ chế cầm quyền ra sao cũng như trong mọi thứ cuộc sống.
Có người định nghĩa một cơ chế đan quyền với lời lẽ như sau “Cơ chế chính trị đan quyền (trung ương tập quyền, địa phương phân quyền) tương tự thể chế liên bang của Hoa Kỳ: tiểu bang có hiến pháp và những quyền riêng tư mà liên bang không được xâm phạm (như quyền mở cửa cơ sở thương mại trong đại dịch Covid-19) - tức địa phương phân quyền …”.
Nhận định bên trên cho người đọc thấy thí dụ đan quyền như là cơ chế chính trị của Mỹ mà hình thức liên bang và tiểu bang. Câu hỏi đặt ra: phải chăng đó là đan quyền mà Lý Đông A nói đến? Bài viết này sẽ không đi sâu vào đan quyền trong cơ chế Duy Dân của Lý Đông A. Bài viết này đưa ra thí dụ gọi là đan quyền và chứng minh hệ thống liên bang, tiểu bang của Hoa Kỳ không phải là đan quyền như nhận định bên trên.
Trước hết phải tìm hiểu Đan Quyền là gì trong tài liệu của Lý Đông A. Tài liệu Duy Dân Cơ Năng, trong phần Cơ Năng Quyền Chế, Lý Đông A nhận định “Quyền chế của Cơ Năng Hiến Pháp không phải tập quyền (centralization) như Pháp, cũng không phải là phân quyền (decentralization) như Mỹ, thực cũng chẳng như học thuyết quân quyền (đều quyền) của Tàu”. Rõ ràng Lý Đông A không cho Mỹ là cơ cấu đan quyền mà là cơ cấu phân quyền. Vậy thì phần nhận định bên trên hoàn toàn trái ngược lại nhận định của Lý Đông A.
Các tài liệu của Lý Đông A thì chỉ có một đoạn nhỏ, trong tài liệu Duy Dân Cơ Năng, Lý Đông A giới thiệu đến cơ chế Đan Quyền rất tổng quát, không chi tiết. Tuy ông có nhắc đến sự đan quyền giữa địa phương và trung ương nhưng để hiểu toàn bộ ý nghĩa đan quyền thì phải đọc, so sánh toàn bộ tài liệu Cơ Năng Hiến Pháp và Duy Dân Cơ Năng để nắm rõ cái ý nghĩa đan quyền ra sao chứ không thể nào phán một câu … hoàn toàn khác với nhận định của Lý Đông A về cơ chế chính trị của Mỹ. Thực tế thì cơ chế chính trị của Mỹ, từ liên bang đến tiểu bang đều theo cơ chế Tam Quyền Phân Lập mà trong đó Hành Pháp, Lập Pháp, và Tư Pháp hoàn toàn độc lập. Sự không can dự của chính quyền liên bang vào tiểu bang cũng là hình thức phân quyền chứ chẳng phải là đan quyền dưới cái nhìn của Duy Dân.
Vậy thì đan quyền là gì? Nói một cách đơn giản đan quyền là hệ thống độc lập mà không cơ quan nào tự mình làm tròn nhiệm vụ của mình nếu không có sự hiện hữu của cơ quan khác cần thiết trong hệ thống thiết kế và chấp hành nhân sinh. Hành pháp, lập pháp, tư pháp là hệ thống nhất quán cần thiết lẫn nhau, dựa (đan) vào nhau để thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Và nếu hành pháp, lập pháp, tư pháp làm sai trái thì người dân có một cơ quan khác để điều chỉnh cái sai trái đó trong Cơ Năng Hiến Pháp của hệ thống Duy Dân. Cơ chế Mỹ thì nếu Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp có những quyết định sai trái thì người dân chẳng làm được gì, chẳng có tiếng nói gì ngoại trừ chờ đợi mùa bầu cử để thay thế người. Nhưng cho dù có thay thế người, cá nhân được thay thế đó không làm được gì bởi tinh thần đảng tranh và các tổ chức vận động hành lang đè bẹp tiếng nói của người dân.
Hãy lấy thí dụ đan quyền trong cuộc sống là cơ thể của chúng ta. Cơ thể chúng ta có những cơ quan chính riêng biệt, độc lập nhưng phải nương tựa vào nhau để hoạt động. Những bộ phận chính như tim, phổi, óc, gan, máu, dạ dày, ruột, thận v.v… đều độc lập nhưng nương tựa vào nhau để sống còn. Không có chuyện trái tim muốn cô gái nào đó nhưng bộ óc cho là không -- thế thì trái tim ngừng đập để bộ óc làm theo ý của mình. Tim mà ngừng đập thì cả tim lẫn óc và toàn bộ cơ thể đều chết hết. Dĩ nhiên có những bộ phận phụ nếu thiếu vắng thì cơ thể cũng sống được, thí dụ như mất một con mắt, hay hai con mắt thì cơ thể vẫn sống được. Tuy nhiên những bộ phận chính luôn luôn đan (dựa vào nhau) với nhau để sống còn.
Trong một cơ cấu chính quyền được nhìn với dạng đan quyền thì sẽ chấm dứt tình trạng như ở Mỹ, anh Hành Pháp muốn có tiền làm dự án nào đó nhưng anh Quốc Hội không cho. Thế là anh Hành Pháp không ký ngân sách và đóng cửa chính quyền để bắt buộc Quốc Hội thực hiện đòi hỏi của mình. Hoặc anh Quốc Hội không đồng ý về ngân sách để sẵn sàng đóng cửa chính quyền hầu tạo áp lực lẫn nhau để đạt được cái điều mà Hạ Viện hay Thượng Viện muốn trong thỏa thuận thông qua ngân sách. Tư pháp không làm được chuyện gì trong việc đóng cửa chính quyền. Người dân bị ảnh hưởng hoàn toàn không có quyền lên tiếng ngoài chuyện biểu tình, làm áp lực với giới cầm quyền. Chưa kể tinh thần đảng tranh trong sinh hoạt của chính quyền đã làm cho hệ thống phân quyền của Mỹ trở thành vô giá trị khi mà tư pháp, thượng viện trở thành cơ quan phục vụ quyền lợi của tổng thống thay vì phục vụ quyền lợi của người dân. Chỉ cần một cá nhân bệnh hoạn về tâm lý, độc tài, gian manh có thể phá hoại nền dân chủ của Mỹ một cách danh chính ngôn thuận mà không một ai có thể làm được gì ngoại trừ chờ đợi đến kỳ bầu cử để tống cá nhân đó ra khỏi cơ chế cầm quyền. Và khi chuyện đó xảy ra thì tác hại chính sách của cá nhân độc tài đó làm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này. Cho nên hệ thống Đan Quyền trong Cơ Năng Hiến Pháp và Duy Dân Cơ Năng của Lý Đông A giải quyết được chuyện đóng cửa chính quyền và tạo người dân có quyền đòi hỏi sửa đổi sai trái của các cơ cấu trong bộ máy thiết kế và chấp hành nhân sinh.
Một loạt bài viết về Cơ Năng Hiến Pháp Diễn Giải sẽ được giới thiệu với những ai quan tâm về một Hiến Pháp tương lai với cái nhìn qua dạng Cơ Năng và Bản Vị sẽ được trình bày trong mùa thu này. Đây chính là một cơ chế đan quyền đúng nghĩa chứ không phải như nhận định của ai đó được trích ở bên trên.
VHABP
Tháng 1 năm 2021
(Việt lịch 4900)