Lãnh Đạo: Đặc Tính Có Quan Trọng Không?
Hình Amazon
Trần Công Lân
Trong các cuộc vận động tranh cử ở Mỹ chúng ta thường nghe nói đến đặc tính (character) của ứng cử viên. Có người nói là có, kẻ cho là không.
Người Mỹ theo quan niệm thực dụng (pragmatism) thì cho rằng cứ làm được việc là được. Thế nào là được việc? Đa số chỉ chú trọng vào một vài mục tiêu mà họ cho là quan trọng nhất: việc làm, kinh tế, y tế, giáo dục... thành thử nếu ứng cử viên có tai tiếng về đời tư, quá khứ... không phải là điều quan trọng.
Còn người Việt?
Chúng ta bỏ nước ra đi vì nạn cộng sản. Cộng sản nói láo, đe dọa, áp bức, thủ tiêu, coi mạng người như rác .... Vậy bao nhiêu người còn nhớ các thủ đoạn của cộng sản? Nên nhớ cộng sản ở đâu cũng vậy: Nga, Tàu, Cuba, Bắc Hàn... chúng đưa ra những nhân vật rất tốt đẹp bên ngoài, đánh bóng với đủ mọi thành tích, đặc tính (thí dụ: Hồ Chí Minh). Dĩ nhiên tất cả những ai biết sự thật về HCM đều bị bịt miệng hay thủ tiêu.
Ca dao tục ngữ VN có câu "trông mặt mà bắt hình dong..." và khoa học Đông phương cũng có khoa tướng số nhưng khó học, lại bị coi là mê tín nên không được trọng dụng. Nhưng ai biết sử dụng thì đó là một ưu điểm để nhận diện con người, nhất là các nhân vật chính trị.
Tướng đi đứng, nét mặt (diện mạo), âm thanh, cử chỉ, lời nói (ngôn ngữ sử dụng)... cùng với những đặc tính về ăn uống, thói quen, lối cư xử với người xung quanh (thân nhân, cộng sự viên, nhân viên...) sẽ đan thành một mẫu người mà chúng ta có thể đi đến kết luận sẽ lãnh đạo như thế nào.
Trong mùa tranh cử, người dân nôn nóng về những vấn đề cần giải quyết nên chỉ nghe hơn là suy nghĩ, nhận diện. Khi đương quyền thì chú trọng đến sự kiện vượt qua mọi sự chống đối để thực hiện cho được ý muốn. Vậy khi vở kịch hạ màn, nhiệm kỳ đã mãn (hay khi mùa bầu cử đã qua) là lúc để "ôn cố tri tân". Tuy rằng lịch sử Mỹ cho thấy nhiều khi phải 20, 30 năm sau mới giải mật các vấn đề quan trọng.
Vậy đặc tính của nhà lãnh đạo chính trị là gì? Có khác gì với nhà lãnh đạo công ty?
Nhiều người cho rằng nếu làm chủ tịch công ty lớn và thành công như Trump thì sẽ lãnh đạo quốc gia giàu có như ông ta đã làm cho công ty của ông? Đó là "luận" nhưng không có "lý". Mà "luận" thiếu "lý" thì là nói nhảm, nói theo cảm tính, ước muốn (wishful thinking).
Ai có theo dõi lịch sử của các triều đại trên thế giới, các thời thịnh-suy để thấy rằng các nhà lãnh đạo chính trị (vua, chúa) thời xa xưa đều phải đối đầu với thù trong, giặc ngoài. Trị quốc an dân không phải chỉ là xua quân chém giết như Thành Cát Tư Hãn, A Lịch Sơn đại đế (Alexander the Great) hay Tần Thủy Hoàng... mà phải gìn giữ biên cương, lo thiên tai, bão lụt, nạn đói, dịch.... Cho đến khi cách mạng kỹ nghệ mở đường cho tầng lớp thương gia, kỹ nghệ gia làm giàu qua phong trào đi chiếm thuộc địa trên thế giới: bóc lột các nước chậm tiến tạo nên chủ nghĩa cộng sản gây phân chia thế giới ngày nay.
Vậy thì giá trị của một nhà chính trị chuyên môn (hoạt động suốt đời cho công chúng) và một thương gia (suốt đời lo làm giàu cho bản thân) có giống nhau không?
Con người chính trị phải đối phó với mọi mặt, mọi vấn đề và đi từ dưới (địa phương) lên tột đỉnh (quốc gia, thế giới). Còn thương gia chỉ nghĩ đến làm giàu, giàu hơn nữa, trong nước, ngoài nước, toàn thế giới... một lãnh vực, nhiều lãnh vực...nếu luật pháp không cho phép thì tìm cách vận động đổi luật. Nếu chính trị gia không đồng ý thì tìm cách thay người chịu "hợp tác". Đó là thực chất của thương gia.
Đặc tính (hay cá tính) của một người không phải trong một ngày mà thay đổi: "chiếc áo không làm nên thầy tu" chỉ có những kẻ u mê mới tin rằng một thương gia nhảy ra làm chính trị sẽ làm mọi chuyện tốt đẹp hơn.
Bản chất của một cá nhân mất dạy vẫn là mất dạy. Nói láo quanh năm thì vẫn là nói láo cho dù có ngồi ghế tổng thống.
Vậy nếu bạn không dựa vào đặc tính để chọn người lãnh đạo thì bạn dựa vào điều gì? Lời hứa (cuội) hay chăng? Và khi biết mình đã sai lầm thì bạn sẽ làm gì?
Người Nhật trước khi tiếp xúc với văn minh Tây phương có truyền thống mổ bụng tự sát của giới võ sĩ đạo (samurai) mỗi khi làm điều sai trái với đạo lý. Sau này, tập tục đã bãi bỏ nhưng chính giới Nhật vẫn từ chức khi có lỗi. Phải chăng sinh hoạt chính trị Tây phương quá dễ dãi nên mới "lắm thầy, thối ma"? Phải chăng tôn giáo cho phép kẻ phạm tội sẽ "sám hối" hay "xưng tội" rồi lại tiếp tục... phạm tội?
Có ai giao du với kẻ cướp làm bạn? Và nếu có người không đồng ý với bạn thì bạn tố cáo người đó là kẻ cướp?
Phải chăng đó là hình ảnh của nước Mỹ 2016-2020?
TCL
(Việt lịch 4899)