Hoá trang thành Hồ Chí Minh có vi phạm pháp luật?
Halloween hóa trang Boác Hù là đúng rồi, bởi vì bác là trùm Ma (cô), Chúa Quỷ (đảng), ma quỷ mà thấy boác là có nước chạy té khói - QĐB
Cao Nguyên
RFA
Một nhóm thanh niên ở Hà Nội bị Công an triệu tập, điều tra vào ngày 4/11/2020 vì đã hoá trang thành ông Hồ Chí Minh trong đêm Halloween. Một người hoạt động ở Hà Nội nhận định rằng ở Việt Nam, sẽ rất rủi ro, nguy hiểm nếu ai đó dám “đụng chạm” đến “lãnh tụ” hồ Chí Minh.
Luật xử lý “xúc phạm lãnh tụ” mơ hồ
Nhóm thanh niên này, trong đó có một người hoá trang thành ông Hồ Chí Minh, dạo trên đường phố, đùa giỡn rồi đi vào quán bar. Họ quay phim lại rồi đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
Báo chí Nhà nước Việt Nam nói rằng dư luận rất bức xúc vì đây là hành vi vi phạm đạo đức, xúc phạm đến lãnh tụ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết sẽ làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm. Nhưng vi phạm vào tội gì thì không thấy thông tin.
Công an cũng cho biết cơ quan này sẽ tiến hành mở rộng điều tra xem có tổ chức nào đứng sau xúi giục, kích động hay không để khởi tố hình sự.
Báo Giao thông dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng :
“Bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, thiếu nghiêm túc, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi có mục đích chính trị hoặc có ý đồ xấu thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự."
Luật gia Minh Hà, đang theo học thạc sỹ ngành Chính sách công tại Châu Âu, trả lời RFA qua mail ngày 5/10 rằng có thể nhóm người này sẽ bị xử lý theo điều 16, Luật An Ninh Mạng, cấm các hành vi “xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc…”
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Hà thì hành động hoá trang của nhóm thanh niên này không vi phạm luật pháp, các điều khoản quy định về hành vi “xúc phạm lãnh tụ” cũng rất mơ hồ:
“Thực tình tôi chả thấy vi phạm gì. Người hóa trang đóng phim ảnh Bác Hồ đầy ra. Tại sao hóa trang đi xuống phố vào bar thì lại bảo là xúc phạm. Nó rất cảm tính. Chả có cơ sở pháp luật gì. Thậm chí cũng không có yếu tố bôi nhọ, nói xấu ở đây.
Đợi xem công an gán vô cái tội gì. Không hiểu họ nghĩ gì. Chắc là dân xì xào, vì cái gì liên quan đến Bác Hồ đều là “vùng cấm”.
Trên fanpage “Chính trị rất thú vị”, một trang được lập với mục đích cung cấp kiến thức về các quyền dân sự và chính trị cho công dân Việt Nam, nêu quan điểm rằng nếu muốn thực thi một hình phạt liên quan đến cáo buộc “Bôi nhọ và xúc phạm lãnh tụ” thì Nhà nước Việt Nam cần làm được các điều sau:
“Có một danh sách cụ thể tên họ, ngày tháng năm sinh, quê quán, sơ yếu lý lịch, hình ảnh nhân vật qua các thời kỳ,... của những người là lãnh tụ ở Việt Nam.
Có một ban chuyên thẩm định những công dân nào có gương mặt giống với lãnh tụ và một bộ tiêu chuẩn các đặc điểm có một không hai của các lãnh tụ, giống bao nhiêu phần trăm các tiêu chuẩn đó sẽ bị coi là giống với các lãnh tụ.
Và quan trọng nhất là: Có một lực lượng chuyên đi tìm các công dân trên khắp nước Việt Nam, những người mà theo bộ tiêu chuẩn ở trên được cho là giống lãnh tụ. Công việc tiếp theo của lực lượng này là theo dõi 24/7 cuộc đời của những người này để kịp thời phát hiện những lời nói, hành vi mà ảnh hưởng đến hình ảnh của các lãnh tụ và từ đó có các biện pháp nhắc nhở cũng như hình phạt nghiêm khắc theo luật định.”
Ở Việt Nam, rất nguy hiểm khi dám “tỏ thái độ” với “lãnh tụ”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động ở hà Nội từng nhiều lần bị tấn công, quấy nhiễu vì bị cho là nhạo báng “lãnh tụ” Hồ Chí Minh.
Năm 2015, một nhóm người đến tận nhà riêng đổ mắm tôm, hắt sơn đỏ vào nhà ông Thắng. Thậm chí còn đến tận nơi con gái ông Thắng đang học để gây hấn, tấn công.
Bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, thiếu nghiêm túc, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.- LS. Đặng Văn Cường
Năm 2018, có 3 đến 4 người tự xưng là hội cựu chiến binh đem loa công suất lớn đến trước nhà, ca hát và kêu gọi ông Thắng ra ngoài nói chuyện vì cho rằng ông này "phản cách mạng”, “xúc phạm Bác hồ”, yêu cầu phải công khai xin lỗi.
Nói với RFA, ông Thắng cho rằng đây là điều bình thường trong một đất nước độc tài:
“Cái chuyện đó đương nhiên là sẽ phải xảy ra trong một đất nước phản dân chủ. Bởi vì trong một đất nước phản dân chủ thì người dân không có quyền có chính kiến hay thái độ gì đối với những người gọi là “khai quốc công thần”.
Nhưng cái chuyện đó đó cũng chỉ là cái cớ thôi. Bởi vì khi đụng chạm đến “lãnh tụ” là nó làm đủ trò.
Và tất nhiên mình không đến mức độ là xúc phạm, nhưng mà cứ động đến chủ đề đó thì rất dễ làm cho người khác nổi điên.
Thế thì khi người ta muốn tấn công mình thì người ta không trực tiếp tấn công vào việc đấy, mà lại dựa vào chuyện mình nói về ông hồ để xua một lực lượng dư luận viên đến nhà để gọi là “chất vấn”. Thực ra đó là một hình thức đấu tố đàn áp.”
Vào tháng 9/2018, Toà án quận Cái Răng, Cần Thơ kết án Nguyễn Hồng Nguyên (38 tuổi) 2 năm tù và Trương Đình Khang (26 tuổi) 1 năm tù, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo cáo trạng, Nguyên và Khang thường xuyên truy cập internet để xem các bài viết, hình ảnh, video có các nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan đảng, nhà nước, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó, Nguyên, Khang đã chia sẻ các bài viết có nội dung xúc phạm nghiêm trọng hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ vô sản quốc tế, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với nhiều lãnh đạo của đảng và nhà nước, tiếp tay đắc lực cho các thế lực thù địch, phản động chống phá nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam và lật đổ chính quyền nhân dân.