Tu Dưỡng Thắng Nhân: Tại Sao?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Bài viết kỳ trước (trong tháng 7) nói về Tu Dưỡng Thắng Nhân là gì. Bài viết này sẽ tìm hiểu tại sao phải tu dưỡng thắng nhân.
Mỗi cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của xã hội. Xã hội xấu hay tốt đều khởi đầu từ những cá nhân. Nhiều cá nhân xấu sẽ tạo ra một cơ chế xấu và sản sinh ra xã hội xấu. Ngược lại nhiều cá nhân tốt sẽ tạo ra cơ chế tốt để kiện toàn một xã hội tốt.
Nhìn về lịch sử Việt của hơn 4000 năm, tại sao Việt tộc không bị Hán hóa dù Hán tộc đã cố gắng, bằng nhiều hình thức, đô hộ Việt tộc nhiều lần, hơn ngàn năm Bắc thuộc, nhưng hoàn toàn thất bại trong việc Hán hóa? Tại sao Việt tộc dưới thời Lý – Lê – Trần rất là thịnh vượng và phát triển trên nhiều lãnh vực của sinh hoạt xã hội dù rằng đó là thời đại của Phong Kiến?
Có nhiều lý do để giải thích hai câu hỏi trên. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất, điểm khởi đầu của tất cả mọi vấn đề, đó là những con người ở thời đại đó đã có sự tu dưỡng ở chính bản thân rất cao -- để họ sẵn sàng hy sinh mạng sống, tài sản, sự nghiệp và kêu gọi những người khác cùng đứng lên chống lại giặc phương Bắc, thoát khỏi sự đô hộ. Chính những con người có sự tu dưỡng đó, biết đặt lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích của đất nước để xây dựng một đất nước Việt thịnh vượng trong thời đại Trần-Lê-Lý.
Trong thời đại bùng nổ của thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự tu dưỡng ý chí, tiềm thức của chúng ta để phân biệt được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả. Chỉ khi nào chúng ta thực tâm thực hiện tu dưỡng ở chính bản thân mình thì lúc đó chúng ta mới đạt được đầy đủ sức khỏe để tu dưỡng về mặc tinh thần, ý chí, và tiềm thức bên trong của chúng ta để đạt đến sự giác ngộ về tri thức của chính chúng ta.
Giác ngộ phải hiểu theo một nghĩa bình dân, không mang tính tôn giáo. Giác ngộ tức là chúng ta biết nhìn vấn đề lúc nào là quan trọng, lúc nào là không quan trọng. Giác ngộ tức là chúng ta nhận diện ra điểm yếu và điểm mạnh của mình để làm gia tăng điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu kém của mình. Giác ngộ tức là chúng ta hiểu biết được tâm sinh lý của chính mình để không làm những chuyện ngoài khả năng (tài năng). Giác ngộ tức là chúng ta sống và ứng xử trong sự hài hòa của cộng đồng, của nhân loại và không làm hại đến xã hội, đến thiên nhiên mình đang sống. Sự hài hòa đó là sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể; quyền lợi dân tộc và quyền lợi các dân tộc khác, quốc gia khác.
Tu dưỡng thắng nhân để tự mình làm chủ lấy chính mình chứ không để cho người khác, hoặc khoa học kỹ thuật làm chủ bản thân mình. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ với chính mình thì lúc đó không một công ty nào dùng tâm lý để chiêu dụ ta mua một sản phẩm mà chúng ta thực sự không cần. Hoặc không một đảng phái nào, nhà chính trị nào dùng tâm lý để mua lá phiếu của chính chúng ta trong mùa bầu cử. Nếu chúng ta không làm chủ lấy chính mình thì người khác sẽ làm chủ lấy chúng ta và chúng ta vô tình trở thành nô lệ cho người khác hay nô lệ cho khoa học kỹ thuật của điện thoại thông minh.
Tu dưỡng thắng nhân để chúng ta có một cuộc sống đơn giản, thực tế, không đua đòi theo số đông hoặc phong trào của vật chất. Thế nào gọi là đủ? Câu hỏi này không đơn giản để trả lời nhưng nếu mỗi người chúng ta đạt được sự tu dưỡng bản thân trong cuộc sống, chọn lối sống đạm bạc để tâm trí được thư giản hầu tạo ra sức mạnh ở tiềm thức phát triển mạnh và tạo ra những tư duy hữu ích đóng góp vào xã hội mình đang sống.
Tu dưỡng thắng nhân để chúng ta nhận diện ra mục đích của xã hội là tạo điều kiện cho mọi người được sống trong tinh thần nhân bản, nhân tính, nhân chủ. Trong tinh thần đó chúng ta cần phải có sự tu dưỡng trong suy nghĩ để hiểu rằng mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta có thể làm ảnh hưởng đến môi sinh, an ninh của người khác.
Tu dưỡng thắng nhân để chúng ta nhận diện ra khả năng, tư cách của từng người để từ đó có thể hợp tác làm việc hoặc giao công việc cho đúng khả năng với mỗi cá nhân. Sự thất bại của hệ thống xã hội hay của bất cứ công ty nào là do sự lựa chọn không đúng người và áp dụng một tư tưởng (triết học hay chính sách) hoàn toàn đi ngược lại thực tế sinh hoạt xã hội loài người của thời đại. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có sự tu dưỡng để nắm và hiểu rõ tâm sinh lý của chính mình và người khác hầu có những ứng xử cho phù hợp, tạo ra sự hài hòa thay vì là xung khắc. Dĩ nhiên chúng ta không thể nào tránh được sự xung khắc trong giao tế nhưng cái quan trọng là nếu có xung khắc thì chúng ta sẽ giải quyết ra sao để biến sự xung khắc giảm bớt và hòa hợp nếu được.
VHABP
Tháng 9 năm 2020
(Việt Lịch 4899)