Ai cũng biết nước Mỹ là nước tự do. Cái quyền tự do đó không những dành cho cá nhân mà dành cho cả công ty. Đối với công ty thì quyền tự do của họ cao hơn, không bị luật pháp ngăn cản. Để chứng minh điều này, xin đưa ra hình ảnh thực tế để chúng ta cùng học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân và có cái nhìn thực tế hơn về xã hội Mỹ.
Nếu bạn có Facebook (FB) thì bạn được sử dụng không tốn tiền. Thế thì tiền đâu FB có để cho mọi người sử dụng trang mạng của họ? Tiền từ quảng cáo. Dĩ nhiên đây là cách làm ăn rất đàng hoàng, công bằng cho người tạo ra FB lẫn người sử dụng FB. Có nghĩa là để có tiền cho nhiều người tạo những chương mục trên Facebook mà không trả tiền, chủ nhân FB phải nhận quảng cáo và quảng cáo đó sẽ hiện lên khi ai đó sử dụng FB.
Nhưng sự thật không đơn giản như cách nhìn bên trên. Bạn sẽ thấy rất nhiều quảng cáo trên FB là thuộc dạng lừa gạt (scam) mà người lừa gạt của thời điểm hôm nay, không cần phải lo sợ trái lại họ công khai đăng quảng cáo trên FB và FB sẵn sàng hợp tác (nhận quảng cáo từ người lừa gạt) với những người lừa gạt để lấy tiền bạn.
Khi bạn thấy một quảng cáo trên FB mà quảng cáo đó thật khó tin. Có nghĩa là quảng cáo bán một sản phẩm, mà sản phẩm đó bán ở ngoài thị trường giá 300 đô hoặc 500 đô nhưng trên FB quảng cáo là 100 đô gồm cả tiền chuyên chở. Đây chính là quảng cáo lừa gạt từ những người ở ngoài Mỹ, mua quảng cáo của FB để nhắm vào thị trường tiêu thụ người Mỹ. Bảo đảm với bạn là sau khi bạn đưa chuột vào phần quảng cáo đó, bạn sẽ vào một trang mạng khác để bạn có thể mua món quảng cáo bạn thấy, hoặc những món khác trên trang mạng đó, rất rẻ. Tất cả chỉ là trò chơi tâm lý của kẻ gian, muốn lấy tiền của bạn.
Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng dạng credit thì bạn có thể đòi số tiền đó lại từ người cung cấp thẻ tín dụng cho bạn khi bạn phát hiện ra đó là sự lừa gạt chứ chẳng phải là mua bán thật sự. Cá nhân người viết lá thư này cũng đã bị lừa gạt một lần nhưng dùng thẻ tín dụng loại credit nên không bị mất tiền. Nhưng khi bạn sử dụng tiền từ nhà băng, hoặc bằng thẻ debit thì cơ hội của bạn lấy lại số tiền đó rất hiếm tùy theo điều kiện mà nhà băng hay công ty cấp thẻ debit của họ đặt ra trước đó. Và khi họ có chương mục nhà băng của bạn, họ có thể vào đó lấy hết tiền của bạn mà bạn sẽ không làm được gì bởi họ ở nước khác chứ không phải là ở Mỹ. Nói chung, kẻ lừa gạt sẵn sàng bỏ tiền ra để mua quảng cáo từ FB và người mua sẽ bị chúng lừa gạt bằng quảng cáo với sự tiếp tay của FB chấp nhận quảng cáo của người lừa gạt.
Khi bạn gặp những quảng cáo như thế trên FB và bạn thông báo cho FB biết là bạn đánh giá đó là quảng cáo lừa gạt. Quảng cáo đó không còn hiện trên FB của bạn nhưng những quảng cáo khác, cũng giống như thế tiếp tục hiện lên. Bạn càng báo cho FB bao nhiêu thì quảng cáo thuộc thể loại đó tiếp tục hiện lên. FB không quan tâm người mua quảng cáo từ FB là thuộc dạng làm ăn đàng hoàng hay làm ăn gian dối, lừa gạt người. Và FB cũng không chịu trách nhiệm khi bạn bị lừa gạt dù rằng FB cũng là đồng phạm trong vụ này.
Người viết lá thư này không hiểu sau khi bạn báo với FB là quảng cáo đó thuộc dạng lừa gạt thì FB xử lý như thế nào. Tuy rằng FB có chính sách cấm sự lừa gạt này nhưng tất cả đều dựa vào máy vi tính AI để làm chuyện kiểm soát này. Bao nhiêu người báo với FB là quảng cáo thuộc loại lừa gạt thì FB mới có hành động ngưng nhận quảng cáo? Câu hỏi không có câu trả lời và điều tốt nhất, bạn đừng bao giờ mua những món hàng quảng cáo trên FB mà giá bạn nghĩ là rẻ.
Cũng với câu chuyện trên, nếu bạn là cá nhân thì bạn sẽ đi tù vì bạn hợp tác với kẻ lừa gạt, giúp đỡ kẻ lừa gạt lấy tiền người khác để bạn nhận phần trăm tiền từ sự lừa gạt này. Trong khi công ty như FB, họ được luật bảo vệ và họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm dù kẻ lường gạt trả tiền cho FB, dùng FB để lừa gạt người khác và FB nhận tiền từ họ.
Luật của Mỹ là luật của kẻ giàu mua luật, làm áp lực với giới làm luật để tạo ra luật mà họ có quyền hợp tác với thành phần lừa gạt để làm ra tiền qua hình thức quảng cáo nhưng họ lại không có trách nhiệm trong sự lừa gạt này. Đây là thực tế và có lẽ thực tế này ít người chịu nhìn nhận đó là một sự bất công trong luật giữa những cá nhân và giữa công ty trong việc lừa gạt người tiêu thụ.
TTLA
Tháng 6 năm 2020
(Việt lịch 4899)