Con Đường Tranh Đấu
Nguồn hình Getty Images
Trần Công Lân
Bạn thân,
Những gì bạn than thở thì với tôi, tôi sẽ giữ kín nhưng có những khuyết điểm của bạn mà tôi phải nhắc nhở cho bạn và những ai cũng đang đi trên con đường đấu tranh (hay hoạt động xã hội, thiện ích) cần ý thức hay thức tỉnh về sự suy yếu hay suy thoái (tình cảm lẫn lý trí) vì chúng ta đang hay sẽ đối đầu với kẻ thù vô cùng nguy hiểm thì không thể sơ hở như các thế hệ đàn anh trong lịch sử. Hơn nữa một khi (nếu có may mắn) thành công thì trách nhiệm xây dựng lại dân tộc và văn hóa VN lại vô cùng khó khăn hơn nữa. Ý thức như vậy để thấy rằng đây không phải là chuyện sinh hoạt vui chơi qua ngày (ngoài việc kiếm cơm).
Ý kiến thiên hạ
Một khi đã dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng (VN) hay đấu tranh cách mạng (CM) thì phải chấp nhận ý kiến thiên hạ. Vấn đề là ý kiến đó đúng hay sai, đầy đủ hay thiếu sót. Lời phê bình hay ý kiến có ngụ ý gì? Xây dựng thì có phù hợp hay không? Phần nào áp dụng được, phần nào không dùng được. Còn nếu sai thì sai như thế nào? Vì sao họ góp ý sai, vì không hiểu hay cố tình đả phá? Nếu là họ không hiểu thì vì mình làm hay nói không rõ? Còn nếu là đả phá vì mục đích gì? Tranh giành địa vị, danh tiếng, tiền bạc hay nối giáo cho giặc?
Còn chuyện bạn thắc mắc người phê bình đó là ai thì cho dù nhân vật đó thật hay giả (nặc danh) không quan trọng bằng việc bạn có ý thức về việc đã làm và giá trị của lời phê bình. Đúng thì ghi nhận, mà sai thì cũng là cơ hội học hỏi. Thử hỏi nếu không có phê bình mà chỉ là toàn khen ngợi thì bạn nghĩ sao? Trong đấu tranh mà không thấy khuyết điểm thì chỉ có chết mà thôi. Vậy tại sao bạn lo âu về sự phê bình của thiên hạ?
Tại sao họ biết mà phê bình?
Đã đi vào lửa đạn (CM) mà bạn còn hỏi tại sao nó bắn tôi thì xin lỗi, bạn về nhà đuổi gà cho vợ là hơn. Đi vào con đường sinh tử với kẻ thù mà tình báo và phản tình báo không có, không biết thì họp hành, tổ chức làm gì?
Cùng chung chiến tuyến
Bạn nói rằng cùng một mục đích chung cho dân tộc, đất nước mà tại sao phê bình nặng như vậy? Vậy bạn có biết tại sao chúng ta thua CS dài dài không? Chỉ vì chúng ta dễ dãi, tình cảm với nhau không đúng chỗ, đúng lúc. Thay vì phê bình để sửa chữa thì chúng ta xí xóa cho nhau. Cho đến khi sai lầm rạn nứt tới lúc không thể cứu vãn và miền Nam sụp đổ. Trước đây 40 năm cũng có tổ chức đấu tranh bao che những lỗi lầm nội bộ và đã đi "lạc đường vào lịch sử" (xem Nguyễn Mạnh Côn). Bạn có biết nguyên nhân từ đâu không?
Đóng cửa bảo nhau (chứ tại sao xé áo cho người xem lưng?).
Nếu một tổ chức (hay bất kỳ sinh hoạt nào) nếu có trật tự, quy luật, lãnh đạo thì phải biết tu sửa để tiến lên, thu hút nhân tài, ghi nhận ưu-khuyết điểm để đánh giá kết quả…. Nếu thiếu lãnh đạo, huấn luyện, nhân sự thì đó là tổ chức chờ ngày đem chôn. Học tập mà không có cải tiến, phê bình là đứng tại chỗ. Tổ chức mà không tìm được nhân tài, lãnh đạo thì chỉ nên giải tán.
Tại sao có việc người ngoài phê bình chuyện nội bộ? Tức là trong nội bộ đã có phê bình mà không hiệu quả nên mới có chuyện hở (leak) ra cho bên ngoài lên tiếng. Vậy thì chuyện "tại sao bên ngoài biết" chỉ xác nhận chuyện "đóng cửa bảo nhau" không kết quả (hay không hề có).
Chúng ta cùng chung một mục đích
Trước đây (từ 1975) chúng ta cũng đã có biết bao nhiêu tổ chức, sinh hoạt cùng mục đích mà rồi chia hai đấm đá tơi bời, thậm chí ám sát nhau nữa. Vì thế csVN vẫn còn đến ngày nay. Chính vì cùng mục đích nên mới phê bình để cứu vãn. Vì trong nội bộ không chấp nhận phê bình nên mới chia hai, ra ngoài công chúng. Nếu bạn đã làm đúng thì tại sao sợ phê bình? Nếu làm sai thì còn kêu ca nỗi gì? Không phê bình trước dư luận thì chẳng lẽ để bạn tiếp tục sai lầm? Đừng thắc mắc người phê bình là ai, tại sao biết… mà phải nhìn lại vấn đề: Sự phê bình ý kiến đó đúng hay sai.
Nói về lãnh đạo và nhân sự.
Nếu trong một sinh hoạt mà không có chương trình sinh hoạt, học tập thì đó là tổ chức gì? Nếu có mà không kết quả là vì sao? Thế nào là có kết quả? Có nhân tài biết và đến với tổ chức, nếu không tất có sai lầm. Làm sao tìm ra sai lầm? Hay hỏi lãnh đạo? Nếu lãnh đạo cũng không biết thì nên dẹp tiệm.
Có người thì có việc. Nếu có người mà không có việc làm, đó là lỗi lãnh đạo. Nếu có việc làm mà không thành cũng là lỗi lãnh đạo. Không phải bất kỳ ai có chức tước, bằng cấp là có thể lãnh đạo đấu tranh (CM). Có nhân tài thì mới đóng góp để có kết quả. Nhân tài không phải độc tài vì độc tài chỉ có thủ đoạn và tàn ác để lãnh đạo. Vậy có người mà người làm không nên việc thì tổ chức cũng nên dẹp tiệm.
Nếu bạn theo học một ông thầy mà qua bao nhiêu năm chỉ là trăng với cuội, đến cuối năm mà chẳng thấy kết quả gì thì bạn phải tự hỏi: Ông thầy này có thực sự là thầy hay không?
Nếu bạn thấy người bạn đồng học bỏ đi (vì bất kỳ lý do nào) thì bạn phải tự hỏi: Lý do đó có thật không? Hay vì lý do khác mà họ không nói ra? Đã là kẻ dấn thân (coi như bỏ mạng) tranh đấu mà phải bỏ đi thì lý do không đơn giản.
Lý thuyết tuyệt vời
Nói về một lý thuyết/chủ thuyết/chủ nghĩa… tuyệt vời để làm gì? Vì đó chỉ là một mớ chữ nghĩa ít người hiểu. Nếu không có người hiểu thì ai là người thực hiện? CM không phải là chuyện Kim Dung: "Tôi có bí quyết trong tay, ai theo tôi thì sẽ…." mặc dù tôi không hiểu nhưng tôi sẽ tìm ra người khác làm dùm tôi, tôi sẽ lên ngôi bá chủ võ lâm????. Vậy nếu chúng ta cùng môn phái (lý thuyết) thì chúng ta phải che chở cho nhau? Cho dù trong chúng ta chẳng ai hiểu gì về lý thuyết mà vẫn mơ vai trò dẫn đường?
Nếu là một lý thuyết hay thì nó phải thực dụng tức là có thể áp dụng hàng ngày. Sinh hoạt của bạn đã trải qua bao nhiêu ngày rồi? Kết quả ra sao? Sao lý thuyết vẫn chỉ là một mớ chữ rối như bòng bong nhai đi nhai lại mà không có lời giải thích hay áp dụng?
Nếu lý thuyết hay thì phải phổ biến để chiêu dụ nhân tài. Nhân tài có đến hay không? Nếu không thì (1) lý thuyết không thể dùng được hay (2) "nhân tài" không thực sự là nhân tài (bất kể bằng cấp, kiến thức, chức vụ xã hội). Bạn hãy xét lại lời phê bình của thiên hạ.
Ngây thơ hay lãng mạn
Từ khi thành lập cho đến khi cầm quyền, cộng sản (cs) VN đã phê bình gắt gao trong sinh hoạt và dùng kỷ luật lẫn thủ đoạn để loại trừ nhân sự không đạt tiêu chuẩn của đảng đề ra. Sự phê bình của cs chỉ thoái hóa khi có sự tranh chấp nội bộ. Nhưng tuyệt đối cs không có tinh thần đấu tranh "ngây thơ, lãng mạn, tiểu tư sản, anh hùng cá nhân"... nhưng đối với phe không cs (gọi là quốc gia hay dân tộc) thì rất nhiều khuyết tật chỉ vì thiếu phê bình. Cũng như bạn, họ nghĩ rằng: Đóng cửa bảo nhau thì sai lầm sẽ biến mất (cũng Tổng Thống Trump nói rằng tới mùa hè thì Covid-19 sẽ biến mất). Đó là ngây thơ.
Còn chuyện bạn nghĩ những người bạn bỏ đi sẽ quay trở về "mái nhà xưa" (tổ chức) và xí xóa những lỗi lầm năm xưa rồi anh em ta sẽ cùng gánh vác việc lớn; đánh thắng quân thù. Đó là lãng mạn.
Kết
Đôi lời cùng bạn và mong bạn hiểu. Chúng ta không có nhiều thì giờ để tâm sự khi "lý thuyết tuyệt vời" đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ, nghiên cứu … và nếu Sinh mệnh Tâm Lý không phù hợp thì cũng phải rút lui mà thôi vì không phải cứ có lòng mà thí thân thì chẳng nên cơm cháo gì mà còn gây ảnh hưởng xấu cho thế hệ sau. Nếu bạn không "tri thiên mệnh" thì tôi chẳng biết nói gì hơn.
TCL
(Việt lịch 4899)