ĐẤT NƯỚC TA “BÌNH YÊN” NHƯ THẾ NÀO?
Đỗ Ngà
Facebook
“Bố mày làm thế đấy! Làm gì được nhau nào?” là câu rất quen thuộc trong xã hội Việt Nam mà ai cũng nghe đâu đó. Thông thường, những kẻ ngang ngược cậy thế ức hiếp người thấp cổ bé họng, khi hành động xong họ thường buông câu thách thức như vậy. Khi phạm tội thì đấy là vi phạm pháp luật, khi người ta buông lời thách thức thì đó là vi phạm đạo đức. Nếu chúng ta sống ở một xã hội mà luật pháp không được thượng tôn, và đạo đức xuống cấp thì sẽ thế nào? Liệu có được bình yên hay không?
Với xã hội mà người dân đối xử với nhau theo kiểu ỉ mạnh hiếp yếu rồi buông lời thách thức thì rõ ràng cuộc sống của người dân rất bất an rồi. Thế nhưng ở Việt Nam không đơn giản chỉ là người dân đối xử với nhau như vậy, mà ngay cả lực lượng chấp pháp của nhà nước cũng đối xử với dân cũng chẳng khác chi. Chính vì vậy mà ở xứ này, án oan xuất hiện đầy rẫy.
Từ “dân oan” vốn đã quen thuộc với người dân Việt Nam. Dạo này còn xuất hiện luôn cả “công an oan” khi mà những nhóm lợi ích ở tầng cao đã cướp lấy quyền lợi của những người công an ở cơ sở. Nói cho cùng, đó là tình trạng ỉ mạnh hiếp yếu ngay trong nội bộ chính quyền CS chứ đừng nói chi trong quan hệ chính quyền và nhân dân. Còn nhớ năm 2015, ủy ban tư pháp Quốc Hội cho biết từ năm 2011 đến năm 2014 có 226 người chết khi bị tạm giam. Một con số ớn lạnh. Thế nhưng điều đặc biệt là, những công an gây tội ác bị truy tố vì hành động này hầu như không thấy. Lâu lâu, khi những vụ án gây bức xúc xã hội quá mạnh thì chính quyền mới xử mang tính chất chiếu lệ với những bản án rất nhẹ để đối phó dư luận mà thôi.
Mới đây, ngày 22/11/2019, trên Báo Mới có bài viết “Bố tài xế Mai Linh viết đơn cầu cứu, nghi con trai bị đánh chết trong trại giam” có cho biết một tài xế taxi tên Đặng Thanh Tùng 26 tuổi chết khi bị tạm giam tại Công an tỉnh Hà Nam. Trong bài này có hình cho thấy các vết bầm trên cơ thể nạn nhân rất rõ. Thế mà trên báo Infonet, ông đại tá Trần Minh Tiến - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã nói rằng "Người nhà nạn nhân họ cứ đẩy lên thế, chứ trên người có vết bầm tím nào”. Rõ ràng ở đây ta thấy sự trắng trợn phủ nhận của ông phó giám đốc công an tỉnh dù cho hình ảnh nạn nhân đã được thể hiện rõ mồn một như vậy. “Bố mầy làm thế đấy! Làm gì được nhau?”, ngụ ý của ông này là như vậy.
Cũng trong bài “Bố tài xế Mai Linh viết đơn cầu cứu, nghi con trai bị đánh chết trong trại giam”, người ta có đăng lá đơn kêu cứu của bố nạn nhân. Trong thư, bố của nạn nhân đã kêu cứu khắp nơi, từ chủ tịch phường, rồi giám đốc công an tỉnh, và kêu lên đến cả bộ trưởng bộ công an, thế nhưng, liệu tiếng nói của bố nạn nhân có được ai chú ý không? Nói thật, nếu những lá đơn kêu cứu của dân oan được chính quyền lắng nghe, thì đất nước này đã không có những dân oan án oan đầy rẫy rồi. Ở Việt Nam, khi đã mang phận thấp cổ bé họng thì đừng mong có được công lý. Công lý ở xứ này là món hàng xa xỉ, không tiền nhiều hay quyền lớn thì đừng hòng chạm vào được nó.
Ngày 23/11/2019 trên báo Người Việt có bài “Báo Slovakia ‘nhắc’ Tô Lâm tiền nợ vụ phi cơ chở Trịnh Xuân Thanh đến Moscow” có đưa tin rằng năm 2017, ông Tô Lâm cho người sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và thuê máy bay của phía chính phủ Slovakia chở Trịnh Xuân Thanh quá cảnh đến Nga, nhưng cuối cùng phía Việt Nam lại quỵt luôn khoảng chi phí 17 ngàn Euro đó. Đến nay đã hơn 2 năm, phía Slovakia đòi nhưng Việt Nam không trả - “Bố mầy làm thế đấy! Làm gì được nhau?”. Điều này đã minh chứng rõ ràng cho cái bản chất vừa phạm tội vừa thách thức của cả ĐCS chứ không phải riêng gì Tô Lâm hay Bộ Công An.
Một tổ chức mà nó nó đễ dàng vứt cả danh dự để đạp lên luật pháp quốc tế như trong vụ quỵt tiền kể trên, thì liệu nó có ý thức được tinh thần biết thượng tôn luật để bảo vệ công lý không? Chắn chắn là không! Với bản chất như vậy thì một lá đơn kêu oan được đưa lên, gần như không có khả năng được lắng nghe.
Ở đất nước này, bị oan kêu cứu lên tầng quyền lực cao hơn cũng không được lắng nghe, kiện lên tòa án thì tòa cũng không được lắng nghe vì tòa xử theo mệnh lệnh chứ không theo công lý. Nếu cầu cứu qua báo chí thì báo cũng không dám lên tiếng nếu không nhìn thấy trên cao nháy đèn xanh. Chính vì thế, với dân thấp cổ bé họng thì chỉ có thể sống “bình yên” trong sự sợ hãi và cam chịu thôi. Đó chính là cái “bình yên” mà ĐCS đã ban phát cho nhân dân ở xứ này!