canhco
RFA Blog
Công an Việt Nam bị cho không thân thiện với người dân khi ngày càng nhiều vụ án oan sai, người chết trong đồn lúc bị bắt, hành hung sách nhiễu vô cớ người dân, hối mại quyền thế, phạt vạ bất công ngoài đường phố hay tảng lờ để côn đồ hành hung dân chúng trong các vụ án mang hình thái chính trị ... Đó là những vết nhơ không thể tẩy sạch trong một sớm một chiều.
Đây là hình ảnh rõ nét nhất về cái được gọi là CAND, chỉ có tư duy cha mẹ của dân mới có thể hành xử như vậy, nó cũng cho thế giới thấy được thế nào là một quốc gia phi dân chủ và nhân quyền. Hình Trong Nước.
Bên cạnh đó là hình ảnh xấu xí của cán bộ viên chức ngành công an khi hành xử giữa chốn đông người bị người dân thu video tung lên mạng ngày một nhiều góp phần tô điểm lên bộ mặt của người công an càng thêm khó coi và đôi lúc thảm hại, trơ trẽn.
Vụ mới nhất vừa xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất được báo Thanh Niên Online loan tải lại theo một video clip của người dân quay được toàn cảnh một phụ nữ có hành vi bất nhã đối với nhân viên phục vụ tại sân bay. Người phụ nữ này là bà Lê Thị Hiền trú tại Hà Nội đi cùng với Ngô Tiến Dũng và Lê Bảo An đến quầy làm thủ tục của Vietnam Airline hôm 11 tháng 8.
Bà Hiền ký gửi 4 kiện hành lý và yêu cầu được ký gửi tiếp kiện thứ 5 nhưng nhân viên check in không đồng ý vì thủ tục hàng không quy định. Sau một lúc đôi co bà Hiền lớn tiếng thóa mạ người nữ nhân viên này bằng những ngôn từ hạ cấp nhất của tiếng Việt. Hành khách lên tiếng bênh vực cho người nữ nhân viên hàng không cũng bị bà Hiền chửi luôn. Đại diện Vietnam Airlines đã quyết định hủy chuyến với bà Lê Thị Hiền để giữ an ninh, an toàn. Trong lúc hướng dẫn bà Hiền liên hệ với Cảng vụ hàng không miền Nam để giải quyết vụ việc, bà Hiền tiếp tục có hành vi to tiếng, chống người thi hành công vụ. Cụ thể, bà Hiền dùng tay đánh vào người, nhân viên an ninh hàng không, gây mất an ninh trật tự công cộng.
Cuối cùng thì người ta được biết bà Lê Thị Hiền là cán bộ công an Quận Đống Đa Hà Nội, với cấp hàm Đại uý. Có lẽ vì cấp hàm này mà an ninh phi trường Tân Sơn Nhất chỉ phạt bà Hiền 200 ngàn tội vi phạm an ninh công cộng và chống người thi hành công vụ.
Có thấy hình ảnh rủa sả người khác của bà Hiền mới nhận ra được chiều sâu của vấn đề. Chửi thì người dân nào cũng chửi nhau trong cuộc đời mình nhưng thóa mạ người khác tại một nơi công cộng như phi trường Tân Sơn Nhất thì hiếm có người dân nào dám công khai làm việc đó. Họ bị chế tài bởi luật pháp một phần, một phần khác lớn hơn con người ít nhiều tự trọng không cho phép họ mở máy “chửi” trước hàng ngàn đôi mắt của hành khách. Phi trường vốn là nơi khác rất xa bến xe đò, hành khách của nó lịch sự tối thiểu là không ăn to nói lớn, không có hành vi côn đồ, không ăn mặc nhếch nhác và nhất là không được bất nhã với nhân viên hàng không. Những khuôn phép bất thành văn ấy hành khách của hàng không phải hiểu biết và tuân thủ nếu không sẽ nhận được những ánh mắt khinh bỉ của người bên cạnh và trong nhiều trường hợp, nhân viên an ninh sẵn sàng cách ly kẻ vi phạm và cấm bay trong một thời gian nhất định cũng như các biện pháp phạt vạ khác sẽ được áp dụng.
Bà Hiền cho rằng mình không phải là một công dân bình thường như mọi công dân khác. Bà biết rõ sự quan trọng của màu áo cán bộ mà mình đang mặc và bà có quyền hành xử như trong một đồn công an nơi bà công tác. Tư duy ấy giúp bà Hiền vượt qua những đôi mắt soi mói nhìn bà khi bà lên cơn cào ấu đồng loại bằng thứ ngôn ngữ hạ tiện lưu manh của bọn móc túi và kiếm sống tại các bến xe hay chợ búa. Bà Hiền luôn đội chiếc nón công an trong tiềm thức và bà ta tin rằng dù có làm gì cũng không ai dám động vào bà vì động vào công an là động vào đảng, mà động vào đảng thì chỉ có con đường duy nhất là vào tù.
Bà nghĩ như vậy và An ninh Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cũng nghĩ như vậy nên mức phạt dành cho bà cũng ưu tiên như khi phạt công an: 200 ngàn. Mức phạt ấy không lạ, nó đã có tiêu chuẩn từ nhiều năm nay đã áp dụng vào nhiều vụ và vụ ấu dâm của Linh nựng là một điển hình.
Bà Hiền không phải là tất cả công an Việt Nam nhưng mức phạt cho thấy sự đồng nhất của công lý đối với công an là có thật và người dân buộc lòng phải nghĩ nhiều hơn về tất cả những gì mà nhà nước đã và đang hô hào người dân về hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh pháp luật bị coi thường, người dân thấy ra được văn hóa của một bộ phận đang làm mưa làm gió tại Việt Nam: văn hóa công an.
Chỉ có công an mới xem thường người dân đến thế và cũng chỉ có công an mới dám lộng quyền xem luật pháp là của họ. Họ có quyền chà đạp bất cứ ai và bất cứ nơi nào lúc nào. Người dân hèn mọn và yếu đuối đến nỗi chỉ biết khóc như cô gái nhân viên hãng hàng không Air Vietnam trong câu chuyện, còn nhân dân khác cũng tỏ ra sợ hãi khi bà Hiền lộ vẻ công an trong cách nói năng, đi đứng, vì vậy họ đành im lặng không hề dám một lời nào chống lại sự thô bỉ của đương sự.
Chì có công an mới tấn công cả nhân viên an ninh của sân bay và đây là dấu hiệu đáng suy gẫm nhất trong cái văn hóa công an ấy. Họ không những xem thường dân mà còn xem thường phép nước, xem thường tất cả mọi lực lượng vũ trang khác không cùng màu áo như họ bởi vì họ là con cưng của chế độ, là thanh kiếm giữ đảng và vì vậy họ trở thành kiêu binh đỏ.
Trong lúc bà Hiền lên tay lên chân với cô gái ngồi trong quầy vé thì đứa con gái của bà lẩn quẩn kế bên không biết mẹ đang làm gì với người lạ. Dù tuổi còn rất nhỏ khoảng 8 hay 9 tuổi nhưng không may cho cô bé ấy là trong tiềm thức của cô thì mẹ cô luôn luôn đúng và lớn lên cái suy nghĩ ấy không dễ gì thoát ra khỏi cái đầu đã bị in ấn hình ảnh rất “công an” từ lúc ấu thơ sẽ dẫn cô bé tới một mảnh đất khác xa hẳn vùng đất mà người dân bình thường đang sống.
Bà Hiền rồi đây có bị kỷ luật hay không không quan trọng đối với người xem được hình ảnh của bà ta trên báo chí. Quan trọng là sau bà ta chắc chắn sẽ còn rất nhiều câu chuyện tương tự do công an thủ diễn bởi nhận thức của đa số người khoác áo công an đều nghĩ rằng không có vùng cấm trong nhân dân dành cho công an.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do