Yêu Đảng là yêu Trung Quốc
Đảng cs đã nhồi sọ trẻ em từ khi còn thơ ấu để tạo nên một quốc gia duy ý chí mà tên nhà thơ này là một ví dụ - Hình Internet.
canhco
RFA Blog
Câu tuyên truyền mà người dân ngán ngẩm nhất có lẽ là câu: “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội”. Mỗi lần ra đường thấy câu này trên tấm biểu ngữ giăng ngang trong các dịp lễ lạc người dân lại tự hỏi: Nước thì biết rồi nhưng Chủ nghĩa xã hội thì liên quan gì đến nước?
Một mệnh đề rặt mùi chính trị như thế ngờ đâu vài ngày qua lại ứng vào câu chuyện của một người rất nổi tiếng tại Việt Nam. Theo WikiPedia Ông từng được tôn vinh là thần đồng thơ khi mới 8 tuổi. Lên 10 ông có hẳn một tập thơ được “thi bá Xuân Diệu” nâng niu như của quý. Lớn lên ông là nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp VHNT Hà Nội. Ông cũng là Trưởng Ban Chung khảo, Hội đồng Giám khảo Quốc gia của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Bằng ấy chức danh và vị trí ngang tầm “vũ trụ” có lẽ không cần nêu tên thì nhiều người cũng biết đó là Trần Đăng Khoa, người có thơ in trong sách giáo khoa từ những năm 70 của thế kỷ trước vì vậy nếu đã ngồi học trong mái trường xã hội chủ nghĩa thì phải biết tên ông, bằng không thì đúng là học sinh tồi.
Trần Đăng Khoa là một văn thi sĩ tỏa sáng nhờ làm thơ viết văn đỏ hỏn từ khi còn bé. Nhìn các tác phẩm ông trình làng người ta sẽ choáng ngợp vì sức sáng tác không ngưng nghỉ của ông. Ông có những bài thơ đánh Mỹ nổi tiếng khi còn là một chú nhóc, tài năng ấy vịn vào đảng mà đi gần 50 năm qua và tưởng đâu ông sẽ yên ổn thưởng thức những mùa xuân còn lại trong cuộc đời, ngờ đâu số ông lại bạc vào lúc xế chiều bởi gặp phải một thằng ất ơ nó đè ông ra mà gán cho cái tội “đổi màu” “tự diễn biến” vì đã viết bài chống Trung Quốc.
Hai trọng tội này khó được đảng tha thứ vì cụ Tổng đã tuyên như dao chặt vào đá “Chỉ có bọn phản động mới âm mưu tự diễn biến tự chuyển hóa trong đảng ta”. Bị sỉ vả như vậy không khác nào tròng sợi giây thừng vào cổ một người vô tội, vì vậy Trần Đăng Khoa không thể im lặng mãi được, ông nhờ mạng xã hội chuyển đi lời “trần tình” đầy tâm huyết của ông về việc bị chụp cho cái mũ phản động này.
Quả thật đọc bài viết tuy dài dòng và thiếu hẳn giọng văn nghị luận của một người chuyên nghiệp, nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa nêu bật hai điều chính như sau: Ông tuyên bố sau bao nhiêu năm công tác và viết lách ông vẫn đội ơn Quốc hội vì đã không phê duyệt đường cao tốc Bắc Nam và ông căm giận bọn giặc Trung Quốc đã nhiều lần nhiều lúc xâm lược Việt Nam. Ông không hề đổi màu hay chuyển biến, ông trung thành với Đảng, với màu đỏ mà ông theo đuổi trong gần 60 năm qua.
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi xã hội chủ nghĩa, thành công và nổi tiếng nhờ vào cái lý lịch đỏ thắm màu cờ bây giờ vì viết vài bài chống Trung Quốc trong vụ bãi Tư Chính lại bị bọn dư luận viên thóa mạ có đau không chứ?
Trong bài “trần tình” ông than thở “Chả lẽ chống hành vi ngang ngược của TQ, bảo vệ tổ quốc, chống giặc nội xâm phá nát đất nước này là phản động ư? Đổi màu ư? Màu gì. Tôi chỉ có một màu thôi. Màu lính cụ Hồ. Khi còn bé, tôi đánh giặc bằng thơ. Khi đang học dở phổ thông, tôi khai tăng tuổi để vào lính, cầm súng 34 năm. Bây giờ không ở trong quân ngũ nữa nhưng tôi vẫn là một người lính toàn tòng, Vì thế lúc nào tôi cũng mặc áo lính. Tôi tự xác định thế, thay việc cầm súng thì cầm bút, chống lại cái ác, cái xấu, cái nhố nhăng. Ai bảo tôi phản động hay đổi màu thì chỉ ra đi. Phản động, đổi màu ở hành động nào? Bài viết nào? Câu chữ nào? Chỉ đi!”
Như vậy là nhà thơ thần đồng của chúng ta chưa nhuần nhuyễn cái ý nghĩa của câu “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa xã hội” mà Đảng đã giao phó cho tất cả con dân nước Việt. Áp dụng vào thực tiễn câu nhật tụng này không khác mấy với khái niệm “Yêu Đảng là yêu Trung Quốc”.
Qua bài trần tình người đọc thấy ngay cái thành ý yêu Đảng của ông khi còn rất nhỏ tuổi. Bao nhiêu năm qua càng thành công thì ông càng yêu Đảng bởi chỉ có Đảng mới nâng niu ông kỹ lưỡng trên con đường hoạn lộ như thế. Đứng đầu Đảng là Bác Hồ người mà ông làm thơ nhiều nhất, hay nhất, cảm động nhất. Những cái nhất ấy đẩy bài thơ vào sách giáo khoa cho học sinh lứa tuổi của ông cùng yêu bác và yêu Đảng. Khái niệm tuy chưa rõ rệt trong trí não của một đứa bé 8 tuổi nhưng qua những bài thơ về Bác ông đã cho thấy mức độ tin yêu lên tới thượng tầng vì cho tới nay sau gần 50 năm chưa có đứa trẻ hay người lớn nào lại yêu bác tận tình đến thế.
Từ bài thơ Ảnh Bác đã toát lên cái tinh tướng của một thần đồng thơ:
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
Cho đến cái chết của Bác nhà thơ của chúng ta cũng không quên đem vào tuyên truyền cho bè bạn đồng lứa tuổi:
“Bệnh viện vừa truy điệu bác chiều nay
Nhưng bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là bác rời linh cửu
Bác chào chú lính gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ em
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa không những yêu Bác mà còn yêu luôn những tay tổ từng nâng bi Bác, chằng hạn Tố Hữu, cũng được ông nhắc nhở và yêu mến không tiếc lời:
Kính Tặng Chú Tố Hữu
Bây chừ đất nước trong tay
"Dẫu chưa toàn vẹn đã bay cờ hồng"
Chú ngồi dặn cháu trong phòng
Ơi lòng Chú cũng như lòng mẹ cha
Hơi hám của Tố Hữu ăn đậm vào kí ức của Trần Đăng Khoa cho thấy sự sùng kính chế độ đã lên tới mức không thể cân đo đong đếm được. Từ những tình cảm chân thành này lan tỏa tới việc trung thành với Đảng là điều tất yếu không thể bàn cãi.
Nhưng có điều, “Yêu Đảng là yêu Trung Quốc” không khác gì “Yêu Nước là yêu Chủ nghĩa xã hội”.
Đảng đã chứng minh điều này một cách tuyệt đối. Hãy nhìn sự trung thành của Đảng ta đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì rõ. Bao nhiêu lần Trung Quốc âm thầm lấn chiếm biên giới, hải đảo và nhất là công khai đánh Hoàng Sa, Gạc Ma có lãnh đạo nào trong Đảng lên tiếng báo động hay chống đối không? Quốc hội mà ông Trần Đăng Khoa kính ngưỡng đã bao giờ ra nghị quyết về Trường Sa, Hoàng Sa hay bãi Tư Chính chưa hay chỉ lập lờ giao trách nhiệm trên đầu chính phủ trong khi chính phủ lại bị Đảng chi phối một cách triệt để, vậy thì ông yêu Đảng để làm gì khi không chịu yêu Trung Quốc?
Mang danh nghĩa đang nắm giữ những vai trò trọng yếu trong Đảng mà ông lại ngây thơ không biết Đảng và Trung Quốc tuy hai mà một nên ông bị dư luận viên đập cho là phải rồi còn gì. Ông đừng nghĩ bọn chúng do Trung Quốc mua chuộc. Trung Quốc nào rỗi hơi đi mua cái đám xà bần này, bọn chúng là dư luận viên của Đảng hết đấy ông ạ, chúng hót để nịnh đảng. Vu vạ ông đế lấy điểm với bề trên vốn là thủ túc của bên kia và vì vậy ông chuẩn bị về hốt lá sân đình là vừa.
Mà không chừng chính mấy lão ngồi gần ông trong Hội Nhà văn đã chơi đòn đâm lén cũng nên. Cẩn thận ông ạ, vì chống Trung Quốc công khai khi đang còn tại chức như ông là điều cấm kỵ, muốn chống thì hãy về hưu cho nó lành. Còn nếu không đồng ý với cặp phạm trù "Yêu Đảng là yêu Trung Quốc" thì ông hãy bỏ ngay cái tình yêu đơn phương của ông đi, bởi đảng của ông đã ôm cầm sang thuyền khác từ lâu lắm rồi ông ạ.
Chia buồn với ông và cũng chia vui luôn với ông nếu ông ngộ ra được cái câu phù phiếm mà rất hiện thực: Yêu Đảng là yêu Trung Quốc.