TẤM ÁO VĂN HOÁ hình nguồn FB. Luân Lê
FB. Luân Lê
Chúng ta có một thói xấu về văn hoá là thường chỉ trích và cáo buộc những hành xử nào đó là không có văn hoá, thiếu thẩm mỹ, vi phạm thuần phong mỹ tục hay nét đẹp truyền thống, bằng cách họ dùng những thứ văn hoá của những thứ cổ hủ (do nhận thức chưa đủ tầm mức) để buộc lên vai những giá trị thẩm mỹ hoặc nghệ thuật đủ thứ thanh cao hay đẹp đẽ bằng một loạt những thậm từ cực đoan như thô thiển hay là dung tục, bẩn thỉu.
Nhưng thử ngẫm mà xem, trong đời sống hàng ngày, chính họ thường ăn nói bằng những ngôn từ hoặc dùng những câu chuyện pha trò có tính quấy rối tình dục hoặc xâm phạm vào nhân phẩm, danh dự người khác hết sức vô tư, trước mặt cả trẻ em hoặc những người khác giới một cách rất khoái trá và lấy làm thích thú. Nhưng khi gặp cảnh tượng, ví dụ như khi nhìn những bức tượng để lộ các bộ phận sinh dục (nam và nữ) ở một khu du lịch mới đây, thì họ lại lên án bằng vỏ bọc văn hoá như một đòi hỏi có sức nặng để phán xét và kết tội những bức tượng lẫn những người tạo ra bức tượng đó.
Trong câu chuyện đời thường, các cánh đàn ông vẫn thường dùng những câu chuyện giới tính hay chuyện quan hệ, dùng những cử chỉ động chạm hay những lời trêu ghẹo thô tục nhưng lại lấy làm vui vẻ trước mặt phụ nữ hay những đứa trẻ rất thản nhiên, và còn coi đó là điều hết sức bình thường đối với “văn hoá” xã giao đời thường của Việt Nam. Nhưng về bản chất, những thứ hành xử đó là những hành vi có tính chất quấy rối tình dục hoặc gây tổn thương tâm lý, nhân phẩm (từ chủ động đến thụ động) đối với người tiếp nhận. Lạ lùng hơn, chúng ta thường dấm dấm dúi dúi để làm những điều bậy bạ với nhau, nhưng lại dùng vỏ bọc văn hoá để đòi hỏi thanh cao đối với những hình tượng nghệ thuật hay thẩm mỹ. Trong khi chính chúng ta và nhận thức của chúng ta mới là vấn đề.
Thay vì chúng ta chỉ cho bọn trẻ biết đâu là bộ phận sinh dục, nó như thế nào và dùng để làm gì, ai có quyền đối với nó và cần phải phực hiện những biện pháp nào để tránh bị coi là xấu hay xâm phạm vào những quyền năng riêng tư của chính mình cũng như của người khác, thì chúng ta né tránh nó và coi đó là chuyện đáng xấu hổ, không thể nói với con cái hay học sinh (trong giáo dục) một cách cởi mở để chúng hiểu về chính bản thân và những cấu tạo cơ thể mình hơn. Thay vì chỉ dạy một cách khoa học và văn minh về đối tượng, mà là những thứ gắn với con người cũng như (chất lượng) cuộc sống hàng ngày cho đến suốt đời, thì họ lại coi nó như những thứ nhơ bẩn, xấu xa và tởm lợm, không đáng được nói đến, nhìn thấy hay đưa thông tin một cách có ý thức. Thay vì tìm thấy những giá trị của đối tượng đúng mức, họ bôi xấu nó và biến nó trở thành những thứ xâm hại đến con người và nhận thức của con người.
Quả thực là tai hại. Vì thế con người chúng ta cứ nhận thức lệch lạc với nhau vì những thứ vỏ bọc văn hoá thanh cao mà không chịu hiểu và tôn trọng chính bản thân, những cấu tạo và sinh hoạt tự nhiên của cơ thể, của tinh thần, thành ra chúng ta như những kẻ bệnh hoạn mà vẫn cứ nghĩ mình trong sáng, thánh thiện, tốt đẹp, khi cố che giấu những mưu cầu chính đáng và những gì thuộc về bản chất sẵn có của mỗi người như một thiên chức quý báu trong hành trình sống của mình vậy.
Không giáo dục chúng đàng hoàng về bản thân và những bản chất tự nhiên của con người, nhưng lại thường bàn tán và quấy rối người khác bằng những câu chuyện dung tục, thô kệch một cách công khai; không nhận thức đúng đắn về đối tượng, lại thường mang vẻ thanh cao dưới tấm áo văn hoá để làm nó trở nên bẩn thỉu và tồi bại; không tìm cách để làm hài hoà những mưu cầu chính đáng của con người với thực tại một cách khoa học, lại tìm cách né tránh hay phủ nhận chúng để rồi chính mỗi người lại không còn cách nào khác ngoài cách là chấp nhận nó một cách đầy ẩn ức.
Nhận thức của con người là quan trọng đối với đời sống tinh thân và cả đời sống vật chất của con người. Thế nên mới có câu chuyện kẻ giàu mà chỉ biết khoe khoang và làm những trò suy đồi, không có khí chất của người quý tộc hay thành đạt chân chính. Kẻ nghèo thì hèn nhược, vô pháp và bất chấp để làm liều. Kẻ trung lưu thì ích kỷ và bàng quan với thiên hạ. Quan chức thì kém cỏi về trí tuệ lẫn phẩm giá nhưng lại tham lam. Bởi thế mà xã hội mới ngày càng tha hoá về nhân cách và đạo đức, vì nhận thức của con người chưa vượt qua được những giá trị tối thiểu thuộc về một con người tự nhiên mà họ cần phải có để đạt được một đời sống cao đẹp, có giá trị và hữu ích.