B
án hàng rong có lẽ là một nghề chỉ dành cho thành phần nghèo nhất trong xã hội. Không đủ tiền để mở nhà hàng hay một quán lá bên vỉa hè thì gánh hàng rong là một giải pháp dễ thực hiện nhất. Với đôi quang gánh nặng oằn vai, càng nặng thêm theo từng bước chân trên đường phố dưới cái nắng chói chang hay chiếc xe đẩy ọc ạch giữa những ngày mưa tầm tả. Vốn đã ít thì lời cũng ít. Cuộc sống bán mặt cho đất bán lưng cho trời chắc cũng chỉ để sống qua ngày giữa nền kinh tế thị trường đầy những cạnh tranh khắc nghiệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhọc nhằn ít người quan tâm ấy, những gánh hàng rong theo năm tháng đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trên khắp ngỏ ngách của quê hương. Tiếng rao hàng kéo dài trong buổi sớm của anh bán bánh giò, giọng ngân khàn mời khách giữa buổi trưa hè của chị bán chè hay tiếng lóc cóc của xe mì gỏ đã trở thành những âm thanh quen thuộc trong từng con hẻm, mỗi góc phố. Hình ảnh đó, tiếng rao hàng đó đã thành một thói quen, một sự cần thiết vô hình của bà con hàng xóm. Thiếu nó, người ta sẽ cảm thấy có một cái gì đó hụt hẩng trong đời sống thường ngày.

Thế nhưng, những gánh hàng kẻo kẹt sáng chiều của những người dân cùng khổ đã bị huỷ hoại không thương tiếc bởi điều 15 của Nghị định 71/2012/NĐ-CP.  Người ta muốn ” làm đẹp thành phố” bằng cách tiêu huỷ những nét đặc thù của nền văn hoá ẩm thực Việt Nam. Du khách ngoại quốc đến Việt Nam, yêu Việt Nam cũng bởi những hình ảnh chiếc nón lá đong đưa theo chiếc quang gánh trên từng mỗi bước chân. Người Việt về thăm quê cũng thích xà xuống một chiếc gánh vệ đường để ăn chén chè táo xọn (chè hoa bưởi). Sẽ thiếu lắm, nếu trở về Việt Nam phải vào nhà hàng ăn như mọi nơi khác mà mất đi cái thú ăn quà vặt dọc đường.

Hãy cùng rơi nước mắt với câu chuyện của chị Phạm thị Bích bán trái cây để nuôi 4 con nhỏ và Mẹ già bệnh tật. Công an đã cướp tài sản của chị, đánh đập, bỏ đói, phơi nắng và hạ nhục nhân phẩm của chị. Những con người vô cảm chỉ biết thực hiện luật mà không nghĩ đến 4 đứa con nhỏ và người Mẹ già của chị sẽ ra sao khi chị nằm trên giường bệnh ? Có phải đó là cách lo cho dân của những người nắm quyền lực trong tay ? Hãy nghe một đại diện của dân mắng chửi chị Phạm thị Bích:  “Vất nó ra ngoài đường, nó chết hay nó sống kệ chúng nó. Cái mạng của nó là cái gì …”


nguồn: https://laodongviet.org/2017/04/25/noi-kho-nhuc-cua-kiep-ban-hang-rong/