Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ
Thanh Trúc
RFA
Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, phần đề cập đến Việt Nam nói rằng Hà Nội tiếp tục dành quyền kiểm soát, răn đe, trừng phạt, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự chấp thuận của nhà nước.
Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới 2016 được đương kiêm ngoại trưởng Rex Tillerson công bố sáng thứ Ba ngày 15 tháng Tám năm 2017 ở Wahington DC.
Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới phần nói về Việt Nam nhấn mạnh rằng hiến pháp Việt Nam qui định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phương theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà Nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc.
Phần mở đầu phúc trình về Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ, phải được chính phủ công nhận tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt.
Tháng Mười Một năm 2016, phúc trình dẫn chứng, quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Tôn Giáo, sẽ có hiệu lực áp dụng tháng Giêng 2018, với nhiều điều khoản không thay đổi liên quan đến điều kiện ghi danh của các tổ chức tôn giáo, thời gian chờ được cứu xét, những hình thức xử phạt hành chính đối với cá nhân hay tổ chức nào vi phạm luật tôn giáo của chính phủ, làm phương hại trật tự công công cũng như phá hoại tình đoàn kết dân tộc.
Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đặc biệt phần nói về Việt Nam, nêu những vụ việc xảy ra cho các nhà truyền đạo và các tín hữu ở Việt Nam những năm qua, từ tỉnh thành đến thôn quê, từ các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các tổ chức nhỏ như các nhóm Tin Lành ở vùng sâu vùng xa, đang là đối tượng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán.
Những chi tiết điển hình như trường hợp những nhà truyền giáo người H’mong, người Dao, người Thái ở miền Bắc, hoặc ở Tây Nguyên miền Trung như các tín đồ Tin Lành người Ê Đe, Ja Rai, Sedang, M’nong, đã và đang bị nhà cầm quyền đe dọa, buộc phải chối bỏ đức tin của mình.
Hai trường hợp được nêu bật trong phúc trình là mục sư Ksor Xiem thuộc Giáo phái Tin Lành Dega bị cấm ở Việt Nam. Theo tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Cho Người Miền Núi ở Hoa Kỳ, ông Ksor Xiem chết vì bị tra tấn trong tù hồi tháng Mười Hai năm 2015. Người thứ hai, mục sư Nguyễn Công Chính, bị kêu án 11 năm tù vì tôi tuyên truyền và âm mưu lật đổ chính phủ, gia đình vợ con ông ở bên ngoài thường xuyên bị hành hung bị khủng bố.
Sau 6 năm bị cầm tù, mục sư Nguyễn Công Chính cùng gia đình được đưa từ Việt Nam sang Mỹ tháng Bảy vừa qua. Đầu thang Tám, mục sư Nguyễn Công Chính đã có cuộc họp báo để trình bày về trường hợp bị bách hại của ông và của các đạo giáo trong nước.
Phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2016 không quên nhắc đến những tôn giáo nhỏ khác với nét văn hóa truyền thống và đặc trưng của người Việt, ít nhiều cũng gặp khó khăn và bị giới hạn như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tư An Hiếu Nghĩa, Tổ Tiên Chính Giáo vân vân...
Bên cạnh đó, những đạo du nhập từ bên ngoài cũng được nhắc tới là Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo Ba Ni, đạo Mormons hay còn gọi là Mặc Môn.
Với tổng dân số hơn 95 triệu tính đến lúc này, một phần hai trong đó là Phật Giáo, kế đến là Thiên Chúa Giáo, rồi Cao Đài, Hòa Hảo và những tổ chức tôn giáo khác, Việt Nam vẫn là một đất nước mà người dân không được toàn quyền sống trọn vẹn theo đức tin cũng như không được biểu hiện giá trị của lòng tin đó. Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn ghi rõ Việt Nam sử dụng Luật Tôn Giáo để gây trở ngại cho cuộc sống cũng như sinh hoạt thờ phượng của những cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa trong nước.
Sau cùng, phúc trình nói rằng Hoa Kỳ luôn khuyến khính cũng như thúc đẩy Việt Nam cải thiện cũng như thăng tiến tình hình tự do tôn giáo của mình. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng là quyền phố quát làm nên giá trị của nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ luôn mong muốn làm việc chặc chẻ với Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội tôn trọng cũng như phát triển quyền tự do tôn giáo cho người dân của mình.