FB. Trần Khải Thanh Thủy
IV.Bãi tắm tự nhiên:
Có lẽ trong trại tôi là người bị mất nhiều nhất, phần vì được gia đình quan tâm chu đáo, phần vì đuểnh đoảng, để đâu quên đấy, thậm chí không nghĩ mọi sự lại kinh kiếp đến mức ấy...Chiếc nón đội trên đầu vừa kịp mua 60,000 một chiếc, chỉ quanh quẩn ra giếng, xuống canteen, hoặc ngồi chơi nơi bờ tường cạnh hội trường, để ngay dưới chân, quay đi quay lại đã mất, dù cái tên Trần Khải Thanh Thủy dài thoằng, to tướng, tưởng nó có muốn lấy , nhưng còn cái tên đặc biệt như thế thì giấu đi đâu được? Vậy mà mất vẫn hoàn mất, năm lần bảy lượt như vậy. Tên thì chúng nó dùng bút xóa xóa đi, viết lại tên khác vào, quai nón thì thay bằng quai khác rồi đem ra ngoài đội, hoặc xưởng mới dùng, chẳng ai biết đấy là đâu, cũng chẳng ai biết đâu mà lần... Bút xóa tôi để trong túi áo trại, treo ngay trên thành cửa sổ, chỉ ngồi thụp xuống xem bạn tù đan quạt mà chưa đầy năm phút đã không cánh mà bay. Xà phòng thơm, nước mắm, mì chính, thức ăn để trong xô nhựa có đậy nắp đàng hoàng, cất kỹ trong lều chung của trại mà tờ mờ sáng hôm sau mở xô ra, tất cả đã bốc bay như có phép lạ...Quần áo, bít tất phơi ở dây mà không ghi tên, đánh dấu cũng bốc bay mất tăm mất dạng... hai mốt tháng trời, tôi không biết mình mất bao nhiêu bi tất, xà phòng, bánh trái vì nạn trộm cắp trong trại nữa?
Tắm giữa giếng sâu hun hút, hàng nghìn người tồng ngồng chen chúc bên nhau nơi bờ giếng múc nước tắm… Những bộ ngực đen đủi, lép kẹp, chảy dài thõng thượt như những túi đựng bùn nhão nhoẹt phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, cũng là phơi ra trước mắt bạn tù. Tất cả như một cái trại nuôi súc vật khổng lồ, ồn ào, chen lấn, mắng chửi nhau trong một khoảng thời gian và không gian vô cùng chật chội, eo hẹp, để còn kịp giờ điểm buồng, nhốt phạm…
Thời gian đầu tôi xấu hổ không sao dám hòa mình vào đội quân ô hợp khổng lồ ấy, cứ chúi vào sau cánh cửa buồng, trong nhà mét* để tắm, mặc mọi người đi qua đi lại, “bỏ của” thối um cho mình ngửi, rồi bị bạn tù mắng sa sả vì tội xấu hổ không phải lối, tôi đành phải trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật với câu châm ngôn bất hủ để làm quen, xã giao cũng là đỡ mặc cảm xấu hổ:
-Ôi dào, đấy đâu phải sự bày biện lăng nhăng
Tạo hóa chưa bao giờ hùng hồn đến thế
Hoặc:
- Xin chào bãi tắm tự nhiên ! Xin chào cả nhà !
Thôi thì đủ mọi thành phần lớn bé già trẻ, mười tám, đôi mươi hơ hớ xuân thì phồn thực cũng có mà bảy nhăm, tám mươi gần đất xa trời cũng có. Từ vú mướp, vú bánh dày, vú cau vú dừa...tất tật phơi ra, trưng ra dưới ánh nắng mặt trời ,mặc các chú “choang” đứng gác trên bệ cao phải quay mặt đi, đầy tiếc rẻ...
Buổi tối là thời điểm vui vẻ nhất của trại, ngồi bệt xuống đất rồi, không còn gì phải gìn giữ , nên cánh bạn tù thường rất thích hát những bài nhạc chế. Thay vì nhạc đỏ phải nghe mãi rồi, bị đầu độc chán chê mê mỏi rồi, nên để thay đổi không khí môi trường tù túng trong tù, mỗi người từ ngày còn bị tạm giam ở Hỏa Lò hay Cầu Cao- Thanh Hóa, Trần Phú- Hải Phòng , Hang Son- Quảng Ninh đều giữ cho mình một bộ sưu tập các bài hát về đời tù. Bản thân tôi là người thấy rõ cái hay, cái bổ ích, độc đáo của thể loại ca tù này nên đã cất công chép lại không dưới 50 bài. Vậy mà ra đến cổng trại để bay sang đất Mỹ đã bị lũ công an đảng, thực chất là bọn “đâm thuê chém mướn” theo lệnh đảng tịch thu hết cả, giờ ngồi lại chỉ nhớ câu được câu chăng:
“ Khi biết em mang kiếp cầm cu, đêm đêm phòng mờ dâng thân xác cho người bỏ tiền mua dâm thì hỏi anh ơi, còn yêu em nữa không ?
Đừng nói thế em ơi, xin đừng nói thế làm gì, anh biết rằng đời đàn ông vẫn thế, cũng mua dâm như em đã từng than...”
Góc này chưa dứt, góc kia đã cất lời, không phải để cho ai nghe mà chủ yếu tự làm mềm lòng mình, sau một ngày cải tạo cật lực:
“Con nằm đây, bạn bè con cũng nằm đây, đói rách xác xơ thân gày cùng chung một kiếp tù đầy. Con nằm đây, ngày ngày cơm không đầy chén, chiều chiều trông theo đàn én, đớp mồi vỗ cánh bay đi
Toa dồn toa, tù vào không có tù ra, nối tiếp dắt tay ra tòa, cùng chung một kiếp xa nhà
Trăng mờ soi, trăng mờ trăng soi buồng tối, đường đời con đi lạc lối nên bị chúng bắt vô đây
Dòng suối mắt, xót xa tình mẹ thương con, mẹ thương con đọng đầy hai khóe mắt ...”
Bài hát này chưa kịp dứt thì góc phòng phía bên kia lại một giọng lanh lảnh cất lên theo giọng “cô gái vót chông”:
“Cô ơi cô lấy chồng đi cô, mai mốt đây nhà nước phân công, ba, bốn cô phải lấy một chồng, đi ra phố mà tranh cướp nhau
Còn Khải, Triết, Thọ, Ba, cô phải nhanh tay lấy, không mai sau nghị định* rồi, trai làng ta vào tù, vào trại giam...”
Không cần ai hưởng ứng, từ trên “gác” lại một giọng ông ổng cất lên:
“Gió bấc thổi bay mất quần của em, anh bắt được thì cho em xin, quần này của bà già, ống rộng một gang tay, chiều dài một mét mốt, dây rút bằng thừng
-Ơ đã có quần đùi, anh giữ lại làm chi anh ơi?
-Quần đùi thì quần đùi, giữ lại để làm tin, ngày về còn kiếm cớ, dấm dớ, nhập nhằng
-Ơ! Xin hãy trả quần cho em, anh ơi, ngày về thì còn dài, lấy gì mà che thân, ngoài trời còn buốt gía, gió bấc tràn về...”
Vài tiếng cười hề hề phụ họa, đám bà già con trẻ như được tiếp thêm sức mạnh lại ông ổng hát theo điệu lý quen thuộc:
Khi bố chồng phải lòng con dâu
Sáng nay bố đến nhà con, chồng con thì đang đi vắng , tính con thì hay yếu lòng, tang tình tang tính tính tang.
Ơ tang tình là tình tang tang...
Bố ơi sao bố nhìn con, nhìn con mà không chớp mắt , khiến con một giây ngã lòng, thôi rồi thôi thế là thôi
Ơi ơi giời là giời giời ơi...
Bố ới xin bố đừng sang , chồng con là hay ghen dữ, lỡ may mà con có bầu, con còn biết nói làm sao ?
Hết chương trình “ca nhạc” tự tạo, cây nhà lá vườn là lúc đồng hồ điểm 9 giờ, giờ vàng chiếu phim hay, hot trên vô tuyến, tất cả lần lượt ngồi dạy để xem, số ít buồn ngủ sớm thì kéo bễ từ lúc 8 giờ...
Xem hết phim tàu lại phim Hàn, phim Việt Nam, đến 11 giờ thì phòng nào phòng nấy tắt ti vi, đóng cầu dao miệng lên bệ nằm thiếp đi đến sáng, kết thúc một ngày cải tạo dài dằng dặc nhưng yên ả. Nhiều buồng, nhiều đêm có người ốm phải đi cấp cứu là tất cả la như cháy đồi, người khiêng, kẻ xốc, chờ cán bộ vào mở cửa dắt díu nhau lên trạm xá rồi lại dắt díu về...lục đục, rên rẩm hết đêm
5 giờ sáng hôm sau, một vòng quay nghiệt ngã, ô trọc lại bắt đầu ...
Trại 5 – tháng 6/2011
Sacramento tháng 6-2016
TKTT
Kỷ niệm 5 năm ngày ra khỏi tù, định cư tại Mỹ
----------------------------------
*Nhà mét : Thực chất là nhà vệ sinh , gồm một bể nước và hố xí hai ngăn, vì diện tích chỉ vẻn vẹn một mét nên tù gọi chệch là nhà mét cho dễ nhớ, đỡ mất vệ sinh
* Nghị định 31CP của thủ tướng Võ văn Kiệt : “Mỗi quận huyện được phép xây mới một nhà tù hoặc trại tạm giam”, nâng tổng số các nhà tù và trại tạm giam lớn nhỏ ở Việt Nam lên gần 900 cái. Trong khi các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề các loại là 372 trường.