Người Thượng tị nạn ở xứ Chùa Vàng
Phóng viên RFA
Trong số những người Việt đang ở Thái Lan tìm qui chế tỵ nạn có những người Thượng. Cuộc sống của họ hiện nay ra sao nhất là khi chính phủ nước sở tại có chính sách khắt khe hơn với lao động nhập cư?
Phóng viên RFA tại Thái Lan ghi nhận.
Cảnh sát thường xuyên bố ráp
Từ cuối tháng 6 đến nay có 3 người Thượng Việt Nam hiện đang tìm qui chế tị nạn ở Thái Lan bị bắt khi đang đi làm xây dựng để kiếm sống. Tình trạng này khiến cộng đồng người Thượng ở đó thêm phần lo lắng, hoang mang.
Chúng tôi đến dãy nhà trọ của những người Thượng chỉ một ngày sau khi những viên cảnh sát Thái Lan tìm đến nơi này. Gương mặt vẫn còn toát lên vẻ sợ hãi, bà Rmah H’Hin cho hay:
“Hôm qua lúc 11 giờ, người Thái ở tầng dưới nói lên là người Việt Nam trốn đi, có cảnh sát kiểm tra. Mấy người Việt Nam người thì ra ngoài trốn, người thì trốn trong nhà, khóa cửa lại.
Đến 2 giờ chiều mấy ông cảnh sát vẫn còn ở đó, quay phim, chụp hình từng nhà.
Có một chị chạy ra ngoài trốn, một chị khác có bat UN (Giấy của Cao Ủy tị nạn LHQ) nhưng chồng chị không có, con chị ấy khóc quá sợ không an toàn nên chồng kêu chị ra ngoài trốn đi, còn chồng trốn trong nhà.”
Bà Rmah H’Hin có chồng tên Siu Tôn cũng là một người Thượng tị nạn bị bắt vào ngày 26/06/2017 khi đang làm phụ hồ cho một công trình xây dựng. Bà vừa may mắn được thăm chồng ở trong trại giam và được cho hay 48 ngày nữa người ta sẽ đem chồng bà ra tòa.
“Anh rất tội nghiệp, anh xanh xao, ốm yếu lắm. Có cơm ăn nhưng ít. Đông người quá, ngồi không được, ngủ không được, nằm cũng không được. Người ta không có đánh đập gì cả. Có ngày đi làm sửa xe, ngày thì đi làm bút chì, ngày thì xếp bì.”
Còn ông Y Huec Nie đã phải thôi công việc phụ hồ từ 2 tháng nay khi luật mới của Thái Lan ban hành, lúc cảnh sát đến nhà trọ của người Thượng, ông khóa cửa lại và trốn luôn trong nhà vệ sinh.
Chúng tôi tin chắc rằng nếu họ bắt được sẽ nhốt hoặc trả về Việt Nam, 100% như vậy vì họ từng nói thế.
- Ông Y Huec Nie
“Theo như tôi biết năm nay họ làm căng thẳng hơn rất nhiều. Từ tháng 6, họ ra lệnh truy bắt những người lao động không có giấy tờ hợp pháp. Nó ảnh hưởng lớn đến những người không có giấy tờ, cả cộng đồng của chúng tôi những người xin tị nạn đang sống bất hợp pháp.
Chúng tôi tin chắc rằng nếu họ bắt được sẽ nhốt hoặc trả về Việt Nam, 100% như vậy vì họ từng nói thế.”
Người Thượng Việt Nam ở Thái Lan hiện nay có khoảng 100 gia đình với 300 nhân khẩu, hầu hết theo đạo Tin Lành. Sở dĩ họ có mặt ở đây là vì phải trốn chạy những cuộc đàn áp của chính quyền Việt Nam nhắm vào tôn giáo của họ, và những cuộc cưỡng chế đất đai.
Bà Grace Bùi, hiện đang là Giám đốc chương trình của tổ chức Dự án hỗ trợ người Thượng (Montagnard Assistance Project - MAP) cho biết, tình cảnh hiện giờ của những người Thượng rất là khó khăn do mang thân phận tị nạn và cư trú bất hợp pháp trên đất Thái Lan trong đợt truy quét lao động bất hợp pháp.
“Khó khăn nhất là họ là những người sống bất hợp pháp, họ không đi làm được và vì vậy họ không có tiền để sinh sống. Mà gia đình nào cũng 2 vợ chồng với mấy đứa con, hoặc là 2 vợ chồng, những ai mà độc thân mình cũng không nói tới nhiều. Phần lớn là gia đình họ không có tiền nhà, không có cơm ăn. Khi đi làm thì họ có thể bị cảnh sát Thái bắt bất kể lúc nào.
Đặc biệt là Thái Lan họ đang gắt gao về những người tị nạn bất hợp pháp, những người lao động bất hợp pháp. Trước đây những người Thái họ rất thương người Montagnard nên họ mướn, mặc dù bất hợp pháp họ trả tiền mua chuộc (hối lộ) cho những người cảnh sát Thái.
Nhưng mà luật bây giờ rất là khó, người chủ Thái mặc dù rất là thương nhưng người ta phải đuổi. Họ cho những người này nghỉ hết, khi bị phạt có thể lên đến 100 ngàn Baht.”
Những người đi tìm tự do
Hiện giờ, tổ chức MAP chỉ giúp đỡ được cho khoảng 25 gia đình người Thượng, với kinh phí hạn hẹp dành hỗ trợ cho tiền thuê nhà, tiền ăn hàng tháng… Bà Grace Bùi gọi người Montagnard là những người đi tìm kiếm tự do nhưng bị lãng quên.
“Tôi nghĩ đây là những người bị bỏ rơi, tất cả mọi người đang quên họ. Bên Thái Lan này có một khu vực nhỏ họ đang sống chung với nhau. Họ thực sự là những người đang đi tìm tự do.
Có những người nghĩ họ đang đi tị nạn kinh tế là không phải. Nếu như họ có thể ở Việt Nam để thờ phượng tôn giáo của họ, thờ phượng Chúa thì tôi nghĩ không bao giờ họ rời khỏi VN.
Còn ông Y Huec Nie người có thâm niên 10 năm ở Thái Lan bị Liên Hiệp Quốc đánh rớt ở Campuchia và Thái Lan nói:
Nếu như họ có thể ở Việt Nam để thờ phượng tôn giáo của họ, thờ phượng Chúa thì tôi nghĩ không bao giờ họ rời khỏi VN.
- Bà Grace Bùi
“Tôi muốn cộng đồng hải ngoại cứu giúp chúng tôi, những người tị nạn ở đây, ko chỉ người Thượng, cả người Kinh của chúng ta cũng vậy, mong người nước ngoài có lòng thương xót cứu giúp chúng tôi trong thời gian khổ sở này.”
Dù khó khăn muôn bề về mặt vật chất, những người Thượng vẫn cố gắng nhóm họp để thờ phương theo niềm tin tôn giáo của họ vào những ngày chủ nhật, dịp lễ quan trọng.
Trong những dịp như thế, và ngay cả hằng ngày khi đến tại nơi trú ngụ của người Thượng, hình ảnh những cháu bé vui đùa hồn nhiên dường như không hề biết gì về tương lai bất định của chúng và gia đình.