CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở TÙ (tiếp)
FB.Trần Khải Thanh Thủy
II. Luật bất thành văn
Ngay ngày đầu tiên tôi vào trại , Hà Cổ Nhuế đi gặp gia đình về đã nhăn nhó nói với tôi:
- Chị Thủy ạ, bố em đem vào 7 triệu mà em chỉ giữ cho mình được hai triệu để tiêu vặt trong mấy tháng
-Ơ tôi làm bộ ngạc nhiên : Thế 5 triệu kia đi đâu?
Hà cúi đầu nói nhỏ vào tai tôi:
- Phải làm luật chị hiểu không, em chạy từ đội ruộng về đội thêu đã mất tiêu hai triệu rồi, cứ mỗi cửa 500 nghìn, còn lại 3 triệu bố em biếu các thầy, sau này còn có cửa để lo lót đầu ra, Chỉ cần thêm dăm bảy triệu thì ít nhất nó cũng xuống khung cho mình 3 tháng
Thấy tôi cứ ngây ra như kẻ mắc bệnh trì độn, ngơ ngẩn... Không muốn để tôi phải “ lăn tăn” lâu, Hà hạ giọng, ra vẻ quan trọng :
- Chị không phải tù cùng đinh như bọn em, chị không hiểu đâu, đảm bảo cả mấy năm chị ở đây, mả bố thằng nào, con nào dám ăn của chị một xu, nhưng bọn em khác , và Hà hạ giọng , kết luận một câu xanh rờn:
- Ở tù nước mình nó thế, nhục lắm chị à.
Cũng vì đã thành luật ngầm rồi, nên bất kỳ ai cũng không qua được cửa ải ấy, một chị ở Nha Trang mà tôi quen và ngấm ngầm giúp đỡ, kể lại với tôi:
- Tội lắm em ạ, con chị nó đi từ trong Sài Gòn ra, đem được cho mẹ vài thứ đồ lặt vặt mua ở canteen, chị mới hỏi nó: - Ơ sao con không cho mẹ tiền mặt à?
Nó ngớ ngẩn hỏi lại:
- Mẹ ơi ở tù thì mọi thứ trại phát , mẹ còn tiêu tiền mặt làm gì , ai cho mẹ tiêu?
Chị dở khóc dở cười bảo nó:
- Con ơi, mẹ ở trại này mấy tháng nay rồi, mẹ phải biết hơn con chứ
Thế là nó móc túi nọ túi kia tất tật được 350 nghìn đưa cho mẹ, còn nó thì phải thuê xe ôm về Hà Nội gặp người quen mới vay được tiền trả, chứ đi xe khách của nhà nước thì ai bán vé cho mà lên nếu không có tiền. Khổ thế đấy em ạ.
Biết rõ luật rừng trong trại, tôi hỏi:
- Nếu như thế thì hiện chị còn bao nhiêu , có đủ tiền trả nợ không?
Chị rơm rớm nước mắt :
-Chỉ trả được 50 nghìn thôi em à, còn phải đưa cho các bà hết rồi, người năm chục, người một trăm.
Thật là chó cắn áo rách, tôi gầm lên trong óc, cổ họng réo sôi một nỗi bực tức mơ hồ
Chả là trong thời gian ở cùng phòng với chị trước khi tách đội, tôi biết rất rõ gia cảnh chị. Từng là công an của chế độ mới sau 1975, chỉ vì bán bến, bán bãi cho người vượt biên lấy mấy chỉ vàng rồi chia bôi không sòng phẳng mà chị bị “khật”, rồi vợ chồng bỏ nhau , cuộc đời chị cứ như chiếc xe bị tuột dốc, càng ngày càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Chị bắt đầu sa vào con đường buôn bán ma túy. Lần đầu bị án 2 năm, lần sau án 9 năm , đi tù 6 năm thì được thả, không có tiền tìm về Nha Trang thăm con, trong khi mẹ đẻ đã mất, chị đành nhắm mắt làm liều, ở lại Hà Nội giúp bạn chuyển mối hàng cho các con nghiện, mỗi ngày được trả một triệu. Chị dự định làm đúng 20 ngày lấy 20 triệu, đủ tiền mua vé và chi phí dọc đường sẽ ngừng luôn. Đến ngày thứ 19 thì chị bị bắt, tổng cộng chị ra tù chưa đầy một tháng trời đã bị bắt trở lại. Lại hai bàn tay trắng xây nên đời tù.
Để tồn tại trong bối cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, đầy cực nhọc, khó khăn chị phải múc và gánh nước thuê cho bạn tù, mỗi ngày mỗi người trả chị 1.000 đồng, không trưa nào chị được nghỉ, cứ quần quật từ 5 giờ sáng tới tối thui, cũng chỉ được mỗi tháng 90.000 bằng 2/3 thùng mì tôm(30 gói) bán ở trại.
Vì mức khoán qúa cao, không thể làm 8 tiếng ngoài xưởng được, chị phải đem bạc về trại tranh thủ đêm đến san ra trước, không ngờ bị cán bộ tịch thu khi khám xét, và bà đội thì bắt đền, cực chẳng đã chị tìm đến tôi, kể lể, nài xin. Không có tiền mặt, tôi bèn cho chị một thùng mì để bán đi, lấy ra 100.000 trả cho bà, bù vào hai chi bạc đã mất.
Bây giờ con chị lặn lội tìm vào. Cùng cảnh nhà nghèo, bố mẹ bỏ nhau, ở với bà ngoại, khi bà ngoại mất thì tự lo liệu kiếm sống bằng cách làm thuê làm mướn, nuôi thân cũng không đủ, huống hồ phải nuôi mẹ trong tù? Vì vậy nửa năm một lần ra thăm nuôi mẹ là mừng rồi, mọi sự trong trại chị phải lo hết. Mà ở trại cộng sản thì biết bao nhiêu thứ phải lo, nào tiền ăn uống hàng ngày( Nếu triền miên cơm trại thì chỉ có nước suy dinh dưỡng mà chết thôi), lại còn phải mua cán bộ, đóng góp bao nhiêu thứ theo kiểu “Trại và phạm nhân cùng làm”, từ việc quét vôi lại các bức tường đầu năm đón tết, đón các phái đoàn kiểm tra, cũng tù phải bỏ tiền ra mua vôi thuê đội xây dựng quét, đến việc xây tường bao xung quanh lòng giếng lấy chỗ tắm giặt , tiền mua quạt để trại lắp trong buồng, tiền thuê người dọn vệ sinh trong 5 ngày nghỉ tết v.v trăm thứ tiền không khác gì ở ngoài xã hội, tất cả chỉ trông vào sức vóc chị, vì thế chỉ vài tháng sau khi quay lại trại, chị gầy đen như quỷ đói, nợ nần ngập đầy thân.
Ngoài hai trường hợp cụ thể trên, còn vô thiên lủng những trường hợp dở mếu dở cười khác . Oanh- vốn ở Khâm Thiên gần nhà tôi, ngay khi tôi vừa đến trại, ra mắt hội đồng hương Hà Nội, Oanh đã ngấm ngầm gửi Phạm Thanh Nghiên cho tôi 35.000 đồng tiền mặt để chi tiêu trong những ngày đầu chưa gặp gia đình . Chỉ vì muốn giảm 9 tháng trong đợt xét giảm ngày 2/9 tới mà Oanh phải mất toi 10 triệu. Cò kè bớt một thêm hai mãi, số tiền của Oanh vẫn không được cán bộ xét duyệt, kết quả lần giảm ấy tên Oanh bị bỏ qua vì cơ số đạn bắn chưa đủ(!). Phải nói Oanh đã tức tối lồng lộn lên như thế nào, khi tiền mất hận mang, mình thì ...bị bỏ vào khám (khu kỷ luật) vì tội “vu khống” cán bộ.. Chắc chắn có thêm 8 hay 10 triệu nữa, Oanh sẽ ung dung lọt qua cổng trại mà về với chồng con trước 9 tháng. Chỉ vì vốn ngắn , án dài nên Oanh đành phải chết câm chết lặng, mòn mỏi thêm 9 tháng trong tù.
Nguyễn thị Hằng còn gọi là Hằng Phát Lộc ( nhà ở ngõ Phát Lộc) quận Hoàn Kiếm Hà Nội, lại hoàn toàn ngược lại. Chồng cũ của Hằng vốn là công an, nên tuy bị bắt về tội buôn bán ma túy trái phép, thay vì tù chung thân hoặc “dựa cột”, thì Hằng... dựa vào vai chồng cũ để làm luật còn 11 năm. Đi được hơn nửa thời gian, Hằng lại tìm cách nhắn qua ông bà quản giáo tới tai chồng cố gắng lo cho Hằng giảm 18 tháng , để còn kịp đi chợ trước ngày ông công, ông Táo. Vốn biết rõ sức mạnh của đồng tiền cũng là quen đường ngang ngõ tắt trong cái gọi là luật pháp của nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên thay vì chồng đủ số tiền 30 triệu như Hằng dặn, anh chồng cũ thương vợ, hào phóng cho thêm hẳn 10 triệu để trọn đường lo lót. Kết quả trong đợt xét giảm của trại, Hằng là một trong số ít người may mắn được lọt vào tốp quán quân, giảm liền 24 tháng. Cho nên thay vì ngày 23/12 (âm) mới về thì giữa mùa hè đỏ lửa tràn ngập tiếng ve ngân, Hằng đã “khăn áo gió đưa” ra khỏi trại, trở về Hà Nội trên chiếc xe của công an phường do đích thân chồng cũ của Hằng lái...
(còn tiếp)