LĐV: Trong loạt bài ” Tuyên truyền và sự thật” kỳ này liên quan đến cuộc biểu tình chống Formosa mà nhiều người dân đi biểu tình bị đánh đập tàn nhẫn. LĐV giới thiệu bài phân tích của tác giả Hồng Long cho thấy đằng sau cái gọi là “500 triệu dollar” bồi thường cho người dân, thực chất là gì ?

Hồng Long

Trong một nhà nước độc tài độc đảng, những gì xuất hiện trên truyền hình, cũng như báo chí “chính thống”, thường rất tích cực, rất tốt đẹp, rất lý tưởng. Tuy nhiên, hiện thực cay đắng của cuộc sống nhân dân lại trái ngược với tuyên truyền. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn đến khoảng cách rất xa giữa tuyên truyền và sự thật thông qua mâu thuẫn giữa cách truyền thông lề đảng đưa tin về Formosa và nỗi căm uất của người dân trước những hành động của Formosa.

Miếng cơm của đảng, thảm họa của dân

Formosa là một trong những nghịch lý lớn nhất, độc ác nhất đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam. Một mặt, nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả chất độc ra biển Vũng Áng vào đầu năm 2016, gây nên một thảm họa môi trường đầu độc vùng biển của bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, gián tiếp tác động đến kinh tế, đời sống của người dân rất nhiều vùng xung quanh. Mặt khác, phần lớn truyền thông lề đảng liên tục bảo vệ Formosa, thứ nhất là đưa tin không đúng mức về những thiệt hại đã xảy ra, thứ hai là liên tục nhấn mạnh, cường điệu hóa “500 triệu USD” bồi thường của Formosa, trong khi thực tế cuộc sống của ngư dân các tỉnh miền Trung chỉ khổ càng thêm khổ trong gần trọn năm 2016.

Có quá nhiều sự thật cay đắng và độc ác xung quanh thảm họa môi trường mà Formosa đã gây ra, nhưng trong phạm vi phần này của bài viết, chúng tôi chỉ bàn đến sự lựa chọn của đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần phải nhắc lại và nhấn mạnh rằng, không lâu sau thảm họa môi trường, khi những dòng chất thải – chất độc chảy từ nhà máy Formosa ở Vũng Áng không thể thoát khỏi tầm mắt của người dân nữa, đại diện của Formosa ở Việt Nam, ông Chu Xuân Phàm, đã đưa ra một lựa chọn như lời thách thức gửi đến dân tộc này: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”[1].

Rõ ràng, trước lời thách thức của kẻ ngoại xâm mang hình dáng doanh nhân, tất thảy những người Việt Nam còn lương tri, còn lòng yêu nước, còn lòng tự trọng và danh dự, đều chọn cá. Cá ở đây không chỉ là cá, mà còn là biển, là môi trường, là tài sản cha ông để lại, là một phần không gian sinh tồn của người Việt.

Nhưng, cách thức truyền thông lề đảng làm tin bài cho thấy cấp trên của họ không lựa chọn như người Việt, họ không chọn cá như người Việt Nam yêu nước, họ chọn nhà máy. Bởi vì nhà máy thép của Formosa, cũng như bao nhà máy, bao dự án có bóng dáng của chủ đầu tư Trung Quốc trên khắp lãnh thổ Việt Nam, mới là miếng cơm, là vốn quý, mà chính quyền phải giữ cho bằng được.

Điểm quan trọng nhất mà dòng truyền thông bám sát sự chỉ đạo của đảng thường nhấn mạnh là “500 triệu USD” bồi thường của Formosa[2]. Những kẻ tự bẻ cong ngòi bút thường dựa vào chi tiết này để khẳng định rằng Formosa dù đã để xảy ra “sự cố”, nhưng vẫn có ý thức và trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ không nhắc lại tính chất “mì ăn liền” của số tiền 500 triệu USD, bởi đã có bài viết chứng minh số tiền này không thể bù lại được thiệt hại về môi trường, kinh tế, an ninh lương thực mà miền Trung phải gánh chịu[3]. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh một chi tiết mờ ám xuất hiện gần như ngay sau số tiền 500 triệu USD của Formosa.

Đó là thông tin Formosa đã được nhà cầm quyền Việt Nam miễn, hoàn thuế khoảng 10000 tỷ đồng. Thông tin này được khẳng định bởi chính báo cáo của Tổng cục Thuế.

Như vậy, một mặt, Formosa chấp nhận “đền bù” 500 triệu USD (khoảng 11000 tỷ đồng), mặt khác, Formosa được chính quyền Việt Nam trao lại khoảng 10000 tỷ đồng. Số tiền đi và số tiền về không khác nhau là bao, và mức chênh lệch (nếu có), chắc chắn cũng không thể làm Formosa phải chịu tổn thất chỉ bằng đến một phần nhỏ nỗi đau mà biển và người miền Trung đã phải chịu đựng.

Để thấy rằng con số 500 triệu USD này có lớn như truyền thông lề đảng tuyên truyền hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng nhà cầm quyền đã phải chi đến 450 triệu USD chỉ để cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè(Sài Gòn). Còn để bồi thường thiệt hại kinh tế cho những người kiếm sống từ biển, hầu hết những cuộc phỏng vấn trung thực, khách quan đều khẳng định kết quả: các mức bồi thường đều không đủ cho thiệt hại mà người trong cuộc phải chịu đựng. Ngay cả những ngư dân an phận cũng không yên lòng với cách bồi thường thiệt hại này. Bởi vấn đề không chỉ là tiền, vấn đề còn là họ phải đổi đường làm ăn, vì thảm họa môi trường không chỉ đầu độc biển mà còn tàn phá cả cơ nghiệp của những người kiếm sống từ biển.

Thật hay giả, dân biết hết.

Ngay cả trong cao điểm của thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa, dòng truyền thông do đảng định hướng vẫn trung thành với luận điệu: người dân cần tỉnh táo, kiên định, không được để bị lôi kéo, giật dây, kích động. Có những tay bồi bút, vì lòng trung thành với lời nói dối, mà sẵn sàng đặt nghi vấn rằng có lẽ thảm họa môi trường không phải do Formosa gây ra[4], còn đa phần những tay bồi bút bất chấp sự thật thì luôn diễn giải vấn đề theo hướng có thể kết luận rằng: đảng làm gì thì cũng phải tin đảng[5].

Tại sao chính quyền chỉ luôn nhấn mạnh người dân phải tỉnh táo, không để bị lôi kéo, trong khi chính họ để cho Võ Kim Cự, kẻ đã mở đường cho Formosa vào được đất Hà Tĩnh, ngang nhiên nói rằng: “Cấp phép cho Formosa, tôi không có gì sai”[6], đảng để yên cho một kẻ dẫn giặc Trung Quốc vào đất Việt mà giết người Việt, thì đảng có còn tỉnh táo không? Tại sao đảng luôn cho rằng người dân bị “lôi kéo”, “kích động”, trong khi quyền lợi sống còn của họ đã bị xâm phạm đến như vậy?

Là lời nói thật hay nói dối, dân biết hết. Vậy nên, mặc cho nỗ lực tuyên truyền của dòng truyền thông lề đảng, thế lửa của lòng dân chưa bao giờ nguội lạnh trong làn sóng biểu tình từ tháng 4 năm 2016 đến nay.

Hôm nay, ngày 14 tháng 2 năm 2017, hàng ngàn người dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã xuống đường tuần hành biểu tình, với mục đích chính là nộp đơn kiện Formosa ở tòa án thị xã Kỳ Anh[7]. Gần một năm đã trôi qua từ ngày những dòng chất độc từ Formosa bắt đầu giết chết sự sống ở biển miền Trung, thế lửa của người dân vẫn không hề nguội lạnh. Sau bao nhiêu tháng bị trấn áp, bị bôi nhọ, bị vu khống, những đoàn người xuống đường đấu tranh, vì mục đích sau cùng là đuổi được Formosa khỏi lãnh thổ Việt Nam, chỉ càng đoàn kết hơn, tổ chức và kỷ luật tốt hơn.

Thế lực bồi bút luôn tuyên truyền rằng các linh mục đã kích động người dân làm loạn. Tuy nhiên, có một sự thực mà tất cả những người có mặt ở hiện trường đều có thể làm chứng: chính những linh mục đã luôn căn dặn giáo dân phải tuyệt đối ôn hòa, không bao giờ để xảy ra bạo lực, mọi việc đều phải được giải quyết đúng luật, dù là luật của nhà cầm quyền. Nếu thực sự cha Đặng Hữu Nam hay cha Nguyễn Đình Thục có thái độ không ôn hòa như báo chí lề đảng hay tuyên truyền, thì bạo loạn đã xảy ra ngay từ cuộc biểu tình ngày 2 tháng 10 năm 2016, khi những người biểu tình đã tập hợp được lực lượng đến khoảng 20000 người, chứ không phải đợi đến bây giờ.

Ngay từ thời khắc mọi chứng cứ đều khẳng định Formosa là thủ phạm đầu độc biển miền Trung, tất thảy người dân ở những vùng chịu thiệt hại đều chỉ muốn tống khứ Formosa đi cho khuất mất. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua kể từ lúc chân tướng kẻ phạm tội đã rõ rành rành, người dân vẫn chỉ xuống đường trong thái độ ôn hòa. Những đoàn người biểu tình vẫn chỉ chọn giải pháp đấu tranh theo luật, là kiện Formosa, nếu kiện cấp xã hoài không được thì họ mới chọn cấp cao hơn. Thế lực bồi bút lề đảng cần hiểu rằng người dân đã phải kiên nhẫn đến dường nào để chọn lộ trình này.

Đấy là khoảng cách giữa tuyên truyền và sự thật.

 quyền lợi của người lao động Việt hãy từ bỏ Formosa.

Đến giờ này thì không một thế lực bồi bút nào có thể ngụy biện rằng Formosa không liên quan đến thảm họa môi trường ở miền Trung. Tuy nhiên, những kẻ xem tiền bạc hơn mạng người trong đảng Cộng sản vẫn tiếp tục ngụy biện rằng phải để yên cho Formosa làm việc ở Việt Nam, vì sự ổn định của nền của kinh tế Việt Nam, nếu đuổi Formosa đi thì hậu quả còn nặng nề hơn[8].

Tuy nhiên, sự thực sẽ không thay đổi chỉ vì ý muốn chủ quan của những kẻ ngụy biện. Sự thực vẫn là: sản lượng khai thác thủy hải sản ở bốn tỉnh miền Trung đều giảm mạnh sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Bởi vì người dân không thể đánh bắt gần bờ nữa, nên sản lượng khai thác không thể không giảm. Sự thực vẫn là: niềm tin của người tiêu dùng vào thủy hải sản Việt Nam đã phải chịu tổn thương nặng nề sau biến cố biển miền Trung bị đầu độc. Sự thực vẫn là thông tin về thảm họa môi trường này không qua được mắt của những đối tác ở Mỹ và châu Âu, những đối tác vốn đã đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng thủy hải sản. Sự thực vẫn là: các khu du lịch ở bốn tỉnh miền Trung đã phải đón nhận lượng khách du lịch thấp đến bất thường ngay sau thảm họa do Formosa gây ra. Một đại biểu quốc hội đã phải thừa nhận rằng, thảm họa môi trường đã làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động làm ăn của những người kiếm sống từ biển ở bốn tỉnh miền Trung.

Diễn biến như vậy chẳng lẽ chưa phải là tin dữ đối với những người lao động làm trong lĩnh vực thủy hải sản và du lịch?

Trước mắt, đã có những doanh nghiệp thủy hải sản đối mặt với nguy cơ hết đường làm ăn bởi thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Diễn biến như vậy chẳng lẽ lại là tin tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nông sản và thủy hải sản?

Đến khi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đều chịu hậu quả bởi những tác động dây chuyền từ hành vi xả độc ra môi trường, thì công ty Formosa còn có thể làm được điều gì tốt lành, dù là nhỏ nhất, cho đất nước này, cho dân tộc này?

Về ngắn hạn, quả thực Formosa đang tạo ra công ăn việc làm cho những người công nhân làm việc xung quanh dự án Formosa (Nhưng cũng đừng quên các trường hợp người công nhân làm việc ở đấy bị nhiễm độc không lâu sau khi cá chết bắt đầu trôi dạt vào bờ biển bốn tỉnh miền Trung[9]). Tuy nhiên, về dài hạn, sự tồn tại của Formosa cũng đồng nghĩa với sự tồn tại của những dòng chất độc tiếp tục đầu độc biển miền Trung, tiếp tục làm ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường và an ninh lương thực của nước Việt Nam, nghĩa là tiếp tục đe dọa sinh kế của hàng triệu người lao động Việt Nam.

Hồng Long

Ngày 14 tháng 2 năm 2017

[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/formosa-hoan-tat-chuyen-500-trieu-usd-boi-thuong-trong-thang-8-3458772.html

[3] http://luatkhoa.org/2016/11/thu-gui-500-anh-em-ve-500-trieu-usd-boi-thuong-cua-formosa/

[4] http://soha.vn/chon-bat-ca-tom-hay-chon-nha-may-toi-chon-tinh-tao-20160426081857577.htm

[5] http://www.tuyengiao.vn/Home/Bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-Dang/93336/Truoc-moi-van-de-tung-nguoi-dan-can-suy-tinh-ky-luong

[6] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-vo-kim-cu-cap-phep-cho-formosa-toi-khong-co-gi-sai-3441478.html

[7] https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/02/tuong-thuat-giao-dan-song-ngoc-i-nop-on.htmlhttp://chauxuannguyen.org/2017/02/14/hang-ngan-giao-dan-quynh-luu-tiep-tuc-di-khoi-kien-formosa-du-bi-ngan-chan/http://www.tienbo.org/2017/02/hang-ngan-giao-dan-quynh-luu-tiep-tuc-i.html

[8] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160425/dai-dien-formosa-muon-bat-ca-bat-tom-hay-nha-may-chon-di/1090468.html

[8] http://vntb.org/dong-cua-formosa-de-khong.html

[9] http://www.phapluatplus.vn/ha-tinh-29-cong-nhan-nhap-vien-nghi-do-bi-nhiem-doc-d11007.html