Hành trình về quê- phiên bản 2016

19 Tháng Ba 20176:50 SA(Xem: 2509)

HÀNH TRÌNH VỀ QUÊ- PHIÊN BẢN 2016

82-0600





Nguyễn Viết Đĩnh


HUẾ-THUẬN AN-LĂNG CÔ

 

NGÀY 1 (2/12/2016)

Huế hững hờ đón người lữ khách bằng một hợp tấu khúc với cung bậc tuyệt vời của gió mưa, sấm sét, của hơi lạnh mùa đông. Giòng thiên nhạc dấy lên cảm giác hoài niệmvề một thời vàng son dĩ vãng.

Tấu khúc có lúc thiết tha, có khi cuồng nộ bồng bềnh theo bản trường ca mưa Huế kéo dàitưởng chừng như bất tận.

Đâu đây, tiếng tí tách của giọt nước rơi từ mái hiên. Giọt buồn từ vòm cây nhỏ xuống mặt đường. Nước thấm sâu vào tường thành xanh rêu.

Tôi cảm nhận mình đang bước vào một khung trời chập trùng mưa bão. Lòng bất chợt ngả nghiêng giữa cơn gió mùa đông.

Tấu khúc đột nhiên chuyển cung trầm buồn, như thể đó là một lời nhắn gởi âm thầm cho những tâm hồn yêu thương Huế.

Thành phố đang lênh láng nước. Gió mưa phủ kín khung trời!

Đó là hình ảnh đầu tiên của buổi trùng phùng với Huế.

 

Từ phi trường Phú Bài về nội thành nhà xây san sát, cái trồi cái sụt. Đâu đó chen vào những biệt thự kín cổng cao tường. Không còn đồng ruộng trống hoang như thời trước 1975 nữa.

Xe qua cầu Phú Cam, bên phải là chợ, xưa là nơi thân quen, nay thấy xa lạ. Tôi ngỡ ngàng không nhận ra ngay.

Nhà phố xếp hàng hai bên. Có cả khách sạn hạng sang và các nhà cao tầng.

Tôi mừng như bắt được vàng khi thấy trước mặt là cầu Trường Tiền thân quen. Ít ra cũng còn điểm tựa để bám víu giữa quê xưa, giờ đã xa lạ vô cùng.

 

Taxi rẽ phải vào đường Lê Lợi, chạy dọc sông Hương một đoạn ngắn. Rẽ phải một lần nữa là tới Midtown Hotel, phía bên trái trên đường Đội Cấn.

Xe vừa đỗ phục vụ đã nhanh nhẹn chạy tới mở cửa chào hỏi, rồi chuyển hành lý vào trong.

Các cô tiếp tân trang phục áo dài tím, phong cách xinh đẹp từ diện mạo, tiếng nói, đến điệu cười đã đánh tan cảm giác xa lạ trong lòng du khách khi vừa đặt chân về thămphố cũ.

Phòng tiêu chuẩn đặt trước qua mạng, nên chỉ chưa đầy 5 phút thủ tục hoàn tất. Du khách được hướng dẫn nhận phòng trên lầu 8.

Phòng có tầm nhìn ra cầu Trường Tiền và sông Hương trước mặt, lúc này đang ướt đẫm  mưa.

Trời vẫn nhỏ giọt buồn. Theo tiên đoán, trời còn mưa dai dẳng nhiều ngày. Bão đang rình rập đâu đó ngoài biển Đông.

 

Mới 3-4 giờ chiều, trời đã âm u mong ngóng đêm về.

Tôi lấy dù khách sạn đội mưa mà đi. Đi để làm quen với phố phường và để ra mắt Huế:“Chào Huế thân thương, tôi mới trở về!”

Lần theo chỉ dẫn, chiều nay nhất định tôi phải ghé thăm một người đặc biệt, chủ nhân quán bún bò nổi tiếng đất thần kinh.

Nói là vậy, tôi đâu có quen chủ quán. Tôi cũng chẳng muốn thăm ông ta làm gì. Điểm chính là tôi chỉ muốn tìm hiểu thương hiệu bún bò nổi tiếng của ông ta mà thôi.

Từ khách sạn rẽ phải, rồi trái, lại rẽ phải lần nữa, tôi âm thầm đi trong mưa với niềm cảm xúc buồn vui

Trời lại mưa như thác đổ. Chỗ nào cũng xũng nước. Cuối cùng rồi cũng tới nơi.

Cửa hiệu bún bò rành rành ra đây, nhưng sao cửa đóng then cài? Đập cửa. Tiếng vọng từ trong: “5 giờ mới mở!”

Đồng hồ mới chỉ 4 giờ. Dân Huế làm ăn kỳ cục quá! 5 giờ chiều mới mở hàng thì bán cho ma à?

Nhưng không, họ vẫn giữ tác phong trưởng giả của con dân đất kinh kỳ. Tiền cần thật, nhưng chúng tôi vẫn có lề thói riêng. Quý vị phải theo chúng tôi, nếu muốn thưởngthức  đặc sản đúng nghĩa.

Tiếng nói còn vọng ra: “Nếu muốn ăn sớm, có vài cửa hàng đầu phố!

Dù sao cũng phải cám ơn lòng hiếu khách thừa thãi của chủ nhân.

 

Bụng đói meo, sao chờ với đợi được nữa. Thời gian trôi qua nhanh, không đợi một ai. Trong đời nếu muốn làm gì, thì làm ngay. Đừng trù chừ, sẽ hối tiếc về sau.

Nói vậy, nhưng tôi không phải là người theo chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Satre, đã một thời rộ lên lối sống bất cần đời. Thanh niên, sinh viên miền Nam khoảng năm1958-1970 tóc dài ngang vai, quần jean bó, áo chemise sắn tay bạc màu. Miệng phì phèo thuốc lá, họ thường la cà các quán cà phê, quán rượu, mơ màng theo giòng nhạc ngọai của SylvieVartan, Francoise Hardy...

 

Văn chương miền Nam cũng chạy theo mốt thời thượng. Hết dịch thuật đến khảo luận các tác phẩm của Satre và đồ đệ. Nhiều sáng tác theo phong cách này được giới độc giả miền Nam nồng nhiệt đón nhận.

Đâu đó được vài năm phong trào hiện sinh này cũng tàn theo tháng ngày.

Nhưng giờ này, phút này, không biết tại sao tôi lại là kẻ theo chủ nghĩa hiện sinh cuồng tín!

Bún bò ơi, bún bò! Ta phải tìm “mi” để trao đổi với “mi” về văn chương ẩm thực truyền thống. Ta muốn làm bạn với “mi”ngay lúc này.

Ta không muốn đợi nữa. Cuộc đời là một chuỗi những năm chờ, tháng đợi. Cuối cùng tóc đã phai màu. Rồi ta được gì?

Có-không. Câu trả lời tùy thuộc từng người với tầm nhìn khác biệt.

Riêng tôi, có!  Tô bún bò! Tôi phải có tô bún bò trong chiều đông lạnh giá hôm nay! Tôi phải sống với nó trong giờ phút hiện sinh gió bay mưa tạt này. Tôi phải theo đúng tư duy của triết gia Satre như một đồ đệ trung thành. Hoan hô chủ nghĩa hiện sinh! Hoan hô bún bò Huế

Đành men theo lề đường tìm quán bún khác. Thật chán mớ đời! Quán này cũng mới sửa soạn kê đồ đạc. Nhanh lắm cũng trên nửa giờ nữa mới khai trương.

 
Chung Loay hoay lui tới, tình cờ tôi khám phá ra một cửa hàng nhỏ đang đầy thực khách địa phương. Mừng quá, tôi vội xà vào.

Một bát bánh canh tôm cua nống hổi, trên rắc chút hành lá. Thêm chút tiêu, chanh ớt. Canh nóng, bánh dẻo, thơm mùi biển cả là một tác phẩm tuyệt vời trong nghệ thuật ẩm thực đường phố. 

Món ăn dân dã, rẻ tiền mà ngon. Hèn chi quán lúc này khách ra vào nườm nượp. Hầu như toàn là khách quen.

Nếu muốn ăn no, thực khách phải dùng ít nhất là 2-3 tô. Ở đây tô (bát) bánh canh rất nhỏ, chỉ to hơn tô cơm một chút.

Dân Huế có khác. Ăn uống  kiểu cách chi lạ. Ăn mà như thưởng thức hương hoa. Món ăn cầu kỳ, mỗi thứ một chút.

Lâu lắm tôi mới được ăn món bánh canh đường phố nồng nàn hương vị ngọt bùi tôm cua, đặc sản cồn Hến hay Thuận An?

 

Xong, trở lại điệp khúc bún bò. Thực khách đã lác đác tới lui. Một tô đặc biệt là điểm nhấn trong bản trường ca gió mưa vào những ngày cuối đông cận Tết.

Cũng là bún bột gạo trắng, giò heo, thịt bò. Thêm gân, huyết, chả nếu muốn làm sang. Cộng hành, ngò, chanh ớt. Một chút tiêu cho ấm lòng. Đặc biệt nước lèo thơm mùi xả, vị ngọt của xương và chút váng đỏ màu mè điểm tô cuộc đời.(1)

Thế là tác phẩm trình làng. Như một cô gái xuân thì bước lên sân khấu kịch, hay bước vào cuộc đời thật. Khen chê, hay dở tùy lúc, tùy người.

 

Trời mới năm sáu giờ, màn đêm đã kéo về. Cộng thêm mưa khuya, gió lạnh. Không còn chi cho du khách phải nấn ná thêm nữa, ngoài việc trở về khách sạn.

Vẫn nụ cười và câu chào giọng Huế lễ độ từ phòng tiếp tân và lời dặn dò về địa điểm ăn sáng.

 

Mở cửa để gió mưa lùa vào từ ban công, tôi ngồi co ro lặng ngắm cầu Trường Tiền thấp thoáng trong đêm. Sông Hương tím đen, bồng bềnh nước lũ.

Thả hồn theo giòng nhạc Trịnh phát hành từ năm 1959, khi tôi còn học đệ tam:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi.

Lòng ta như chơi vơi.

Người ơi! Nước mắt hoen mi rồi.

Đừng khóc trong đêm mưa.

Đừng than trong câu ca…” (2)

 

Nghe đi nghe lại chục lần trong đêm mưa lạnh, ngoại trừ ly rượu nhạt, uống suông một mình. Buồn muốn ngất!

 

Nhưng kìa! Có tiếng gì lạ? Tôi giật mình nghe đâu đó hình như là tiếng hú, tiếng than, tiếng rên, tiếng khóc cuốn theo luồng gió đập nhẹ vào cửa kính, chờn vờn trên lan can, đu đưa trên mái ngói, rồi mất hút vào hư vô.

Hơi lạnh từ đâu ập vào phòng, ủ vào người khiến tôi rùng mình. Cảm giác hoang mang chen lẫn hình ảnh kinh hoàng của biến cố Tết Mậu Thân năm nào.

Hiện tượng vừa rồi làm sao giải thích? Trừ phi phải hỏi “ nhà Huế học” nổi danh Nguyễn Đắc Xuân hay chính tác giả của sự kiện này, Hoàng Phủ Ngọc Tường may ra mới có câu giải đáp rõ ràng.

Nhưng chưa chắc! Tên Tường và nhà Huế  học tự xưng này rất khôn lanh. Khi Sài Gòn mới thất thủ tháng 4/1975, đang lúc muốn tranh công, tên Tường đã huyênh hoang vỗ ngực thừa nhận chính mình và NĐ Xuân cùng lũ đồ đệ là tác giả của hàng chục, hàng trăm trong số hàng ngàn nấm mồ chôn vội ở Huế trong dịp Mậu Thân.

Một thời gian sau, dư luận thế giới và trong nước lên án tội ác tàn bạo này. HPNT thấy lạnh gáy, bền đổi chiều chong chóng. Hắn chối bai bải:” Không! Không phải em! Em không có mặt tại Huế trong thời điểm này?”

Phải tin ai bây giờ? Nhân chứng, vật chứng cộng thêm lời thú tội rành rành. Tin hay không, biến cố này cũng đã đi vào lịch sử.

Đó là bi kịch của chiến tranh, cũng là bi kịch của nạn nhân lẫn đồ tể trong thảm trạng này.

Hãy để chính lương tâm của những kẻ tội đồ tự phán xét. (3)

 

Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc mơ cảnh địa ngục Mậu Thân vẫn còn đầy đọa tôi, như một ám ảnh vô hình bắt tôi và những người yêu thương Huế phải nhớ mãi thảm kịch này.

 

NGÀY 2 (3/12/2016)

Bừng mắt dậy, trời đã sáng rõ. Hôm nay, mặt trời le lói chiếu những tia nắng yếu ớt cho đời, cho người.

Trên tàn cây, những giọt nước vẫn còn đọng đầy. Mưa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Tôi xuống tầng trệt ăn sáng. Phòng ăn sáng sủa, rộng đẹp. Thức ăn ê hề. Trình bày phong cách. Có hai dàn đồ ăn cho khách lựa chọn, Tây và Ta.

Đặc biệt đồ Huế gồm đủ thứ bánh bèo, nậm, bánh ram kèm giò chả. Thêm cả bánh canh, bún bò và rất nhiều thứ khác nữa, nhớ không hết. Còn cả chục loại chè tráng miệng.

Có thể nói, đây là phòng trình diễn (showroom) ẩm thực đông tây.

Du khách có dịp đến Huế, xin dừng chân ở đây một lần cho biết. Quảng cáo không công cho Midtown Hotel, như một lời cám ơn cho tất cả nhân viên phục vụ. và cho những nụ cười Huế có duyên!(4)

 

Một ngày thảnh thơi đang chờ trước mặt. Cũng vẫn sẵn áo mưa và dù đủ bộ. Trời Huế hay có những thay đổi bất ngờ. Mưa nắng thất thường. Ví như các cô gái đất thần kinh!   “Dạ có!” , nhưng thật sự là “không”! Chỉ tội các chàng trai ngu ngơ tin theo, rồi chờ đợi mỏi mòn!

Tôi thả bộ trên đường Lê Lợi, dọc sông Hương. Công viên sát sông xanh tươi, sạch sẽ.

Trời lại lất phất mưa bay. Phía trái dưới chân cầu Trường Tiền, xưa là trường lớp đại học văn khoa, nay trở thành khách sạn Morin Huế.

Đi xa chút nữa, tôi không nhận ra thư viện đại học. Kiến trúc đã đổi thay rất nhiều.

Đại lộ Lê Lợi, đường chính bên hữu ngạn hầu như vẫn giữ nguyên nét dáng bề thế, thoáng mát. Hàng cây dọc đường thẳng tắp xanh rờn. Nhà mới nhiều hơn cũ, khiến du khách hụt hẫng cảm giác và tầm nhìn. Nét lạ, nét quen. Lòng ngổn ngang nỗi nhớ.

 

Đã trên 50 năm rồi còn gì. Năm 1963 tôi xa Huế sau khi đã sống ở đây gần 10 năm.

Mười năm kể từ khi còn là một gã thiếu niên lớp đệ lục (lớp 7) Hàm Nghi. Rồi lên trung học đệ nhị cấp Quốc Học. Ghi danh năm thứ nhất đại học Luật Huế, năm đầu của tuổi thanh niên.

Tôi may mắn được sống ở Huế trong thời gian thanh bình nhất của nền đệ nhất Cộng Hòa.

Hạnh phúc đơn giản là những ngày đạp xe cùng bạn đến trường. Thứ bẩy, chủ nhật đạp xe qua hai phố chính Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu vài vòng.

Huế đã mưa dầm, mưa dai từ dạo đó. Mùa mưa có thể kéo dài hàng tháng. Đường xá luôn xũng nước. Sông Hương có lúc dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi. Nước sông tràn qua Đập Đá, khiến lưu thông tắc nghẽn.

Đó là lúc học sinh được nghỉ học. Bạn bè rủ nhau lội nước thỏa thích. Tiếng cười, tiếng nói chuyên chở mạch sống tuổi trẻ mùa xuân. Nhìn đời mầu hồng, vô tư chi lạ!

 

Vượt qua dinh tỉnh trưởng cũ tiếp đến là trường Đồng Khánh (tên mới Hai Bà Trưng), rồi đến trường Quốc Học.

Tôi tần ngần đứng nhìn cổng trường uy nghi, nét sơn đậm đẹp. Lần vào khuôn viên cây cối thẳng tắp, xếp hàng hai bên lối vào mở rộng. Toàn bộ kiến trúc hai tầng kiểu Pháp bền chắc, bề thế.

Kìa tầng trệt bên trái, phía đầu giẫy là lớp đệ tam(lớp10), năm đầu tôi mới vào học. Xa tít đầu bên kia là lớp đệ nhất (lớp 12) B2/Toán với những bạn học thông minh, sau này thành danh trong nhiều lãnh vực.

Còn nhiều, rất nhiều các bạn Quốc Học hiện giờ sống ở Việt Nam và rải rác các nơi trên toàn thế giới. Xin gởi lời chào thân ái đến toàn thể các bạn

Trời lúc này mưa bạo. Mưa liên hồi. Giọt nước tạt vào mặt vào lưng. Sao tránh được trời, chân cứ mạnh dạn bước đi.

Gần cuối khuôn viên trường, sát khu nhà ngang, có một tượng đồng mới thế chỗ bức tượng cũ thời trước năm 1975. Có cả bảng tiểu sử hẳn hoi.

Niềm hối tiếc đâu đó tràn về. Thương cho cuộc bể dâu,  nay còn, mai mất. Thế mà con người lúc nào cũng muốn tranh dành bằng được lợi danh về mình!

 

Vẫy chào tạm biệt trường xưa, tôi tiếp tục hướng về ga Huế. Lòng trống vắng lạ lùng. Bước thấp bước cao qua khu trường Luật cũ, giờ cũng đã thay tên. Kiến trúc đã đổi, tên trường ĐH Kinh Doanh hay Ngoại Thương gì đó, tôi không buồn nhớ.

Chim đã vỡ tổ, ngậm ngùi mà bay, ngó lại là gì?

Rẽ trái vào đường Nguyễn Huệ thân quen mỗi ngày đi về thuở trước, nay toàn nét lạ. Nhiều quán cà phê thời thượng thế chỗ các biệt thự kín cổng cao tường. Mưa quá, tôi phải ghé vào một quán nghỉ chân.

Quán sang, rộng đẹp. Trang hoàng mới. Lác đác vài cặp tình nhân trẻ rù rì nói chuyện. Không khí trầm lắng.

Ly trà gừng nóng trình bày trang nhã làm ấm lòng người đi trong mưa.

 

Quá trưa, du khách lại tiếp tục hành trình đường phố. Vẫn men theo đường Nguyễn Huệ hướng về Bến Ngự. Phía trái Nguyễn Huệ, xưa là khu cư xá công chánh cũ, nơi tôi ở, nay thấy lạ lùng.

Rẽ phải về Bến Ngự, tôi cũng không còn nhận ra nhà nào quen. Không gian vật đổi sao rời.

Tôi đứng giữa cầu Bến Ngự ngơ ngác bên giòng nước hững hờ trôi. Mưa lại lác đác rơi, lúc thưa, lúc dầy. Giòng xe vô tình, chạy ngược chạy xuôi. Lữ khách đứng ngây tượng đá, như kẻ mất hồn.

Phía xa xa, men theo sông An Cựu là nhà hai chị em Bắc Kỳ Lê Diễm, Dao Ánh, bông hồng thấp thoáng trong nhạc “Diễm Xưa” của nhạc sĩ họ Trịnh. Sát bên hàng xóm có người đẹp Huế, Minh Quyết. Bên chợ Bến Ngự là nhà một yểu điệu thục nữ gốc Hoa. Xa nữa gần ngã tư Nguyễn Huệ, là tư dinh phó tỉnh trưởng cũ, cũng có một tiểu thư xinh xắn trăng rằm. Còn nhiều người đẹp nữa ở An Cựu, Thành Nội, Gia Hội, Kim Long.

Họ đều học cùng lớp hoặc cùng trường Đồng Khánh với em gái tôi. Nhớ cả TV Thúy, em gái nhạc sĩ Trịnh, nay về đâu bến đỗ?

Đã xế chiều, tôi gọi taxi đi vòng lên chùa Từ Đàm trên đầu dốc Nam Giao, vái vọng trước khi về khách sạn nghỉ ngơi.

Đi bộ nhiều, chân cũng mỏi nhừ. Tối nay trời vẫn mưa dai. Tôi quyết định ở lại khách sạn khám phá phòng ăn trên tầng10 xem sao.

7:30 tối, sau khi chải chuốt dung nhan về chiều, tôi lững thững lên phòng ăn. Nơi đây trang trí kiểu tây với gam màu đen trắng thanh lịch. Vòm kính rộng mở ra bầu trời chung quanh.

Phục vụ ân cần chăm chút từng chi tiết. Thực đơn tây ta đồng bộ. Phòng rộng sao thực khách lác đác dăm ba người toàn khách ngoại. Không khí trầm lắng.

Thực đơn Việt ba món kèm vang trắng. Thế là tạm đủ cho bữa tiểu yến mừng người lữ khách mới trở về. Sau 50 năm, gần trọn một đời còn gì?

Tôi nâng ly: “Xin chào sông Hương và những người đẹp Huế một thời!”

 

Khung trời bên ngoài tối đen, điểm vài ánh đèn le lói. Thây kệ! Ta cứ vui chơi với bạn rượu là đời lên hương rồi. Đào đâu ra bạn thật giữa trời mưa bay gió lạnh bây giờ?

Thêm phần các cháu phục vụ tới lui trao đổi về cuộc sống đời thường. Không khí bớt vẻ tẻ nhạt.

Tối nay mệt quá. Hai chân là hai tảng đá, không thuộc về mình. Chúc mọi người ngon giấc.

Tôi cũng đi ngủ sớm.

 

NGÀY 3 (4/12/2016)

Sáng dậy thoải mái. Lại ngắm cầu Trường Tiền lất phất trong mưa. Sao nhìn hoài không chán. Sông Hương thân thiết quá. Thương!

Nhớ những ngày hè nắng cháy, gió Lào hừng hực từ Trường Sơn thổi về. Tôi cùng hai ba đứa bạn hàng xóm rủ nhau ngụp lặn tối ngày trên giòng nước sông Hương, bên tả ngạn, gần chân cầu Bạch Hổ.

Khúc sông này nước chảy xiết hơn vì là ngã ba sông Hương và sông An Cựu. Thế mà nhiều lần, nhờ sức trai trẻ, chúng tôi vượt sông dễ dàng.

Nhờ giòng sông đã tắm mát cho tuổi trẻ khôn lớn nên người. Nhờ giòng sông đã gột rửa bớt những bụi bặm đời thường , để cho tâm hồn thanh niên thế hệ đó trở nên thuần lương hơn, nhiệt thành hơn.

Ôi thương quá những giòng sông Việt. Sông Hồng của tuổi thơ. Sông Hương thời mới lớn. Cửu Long lúc trưởng thành.

Xin những giòng sông lịch sử cứ liên tục chảy mãi, như đã từng chảy từ quá khứ, qua hiện tại và vô cùng tận chảy về tương lai. Đó là mạch sống của dân tộc Việt.

Nhà văn Ngô thế Vinh với tác phẩm nghiên cứu về những giòng sông Việt đã gióng chuông cảnh tỉnh những người có trách nhiệm cai quản đất nước này về tầm quan trọng của những giòng sông. Hy vọng họ chú ý tìm hiểu và lắng nghe.(5)

 

Ai củng biết, Huế có nhiều vẻ đẹp. Riêng trăng Huế đã để lại dấu ấn khó phai cho  những người một lần được trải nghiệm.

Đẹp lạ lùng là những đêm khuya trăng sáng trải lụa vàng trên phố, trên sông, trên tháp cổ. Vầng trăng to lớn huyền ảo lửng lơ trên đầu, đồng hành với bạn trong suốt chuyến dạ hành. Ánh trăng mơ hồ xoi thấu tâm hồn bạn, như muốn chia xẻ với bạn một điều gì riêng tư, chỉ có mình bạn và trăng biết mà thôi.

Trăng và người lúc đó gần nhau, rất cần nhau. Đó là trăng Huế, chỉ một lần trao tặng  vẻ đẹp cho những người yêu Huế, để suốt đời họ mang trong lòng những kỷ niệm vàng son.

 

Thang máy xuống tầng trệt ăn sáng. Nhân viên nhắc nhở hôm nay ở tầng 10. Không sao, tôi lại lên tầng 10.

Điểm tâm nơi nào cũng giống nhau. Trên cao, khung cảnh thành phố hiện ngay quanh vòm kính rộng lớn. Khách đa phần là người nước ngoài. Tầng trệt dành cho khách nhà, khách Việt. Sao lại có sự phân biệt đối xử thế này?

Lại cà phê sữa nóng chào buổi sớm mai. Ngon. Cà phê Việt đẳng cấp số một thế giới nhưng sao vẫn chưa len lỏi được vào thị phần thế giới?

 

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, họ Trịnh tài tình diễn tả rất thơ về mưa Huế.

Hôm nay tôi đi cũng đi thăm tháp cổ Ngọ Môn và đền đài chung quanh.

Taxi chở du khách qua Trần Hưng Đạo, đường phố vẫn đông như thuở nào, có lẽ đông hơn.

Tôi thả bộ từ phòng thông tin cũ, chỗ chân cầu Trường Tiền hướng về Phan Bội Châu. Bên trái bến xe vẫn còn. Quán cà phê Lạc Sơn sao đâu mất hút?

Nhìn tới nhìn lui không nhận được người nào quen. Cảnh cũ còn đây, người xưa vắng bóng.

 

Tôi đi hết phố nọ qua đường kia. Nhìn cái gì cũng lạ, cũng thích. Chợ Đông Ba đông vui như thuở nào. Đường phố ướt át, xin hẹn dịp khác sẽ vào thăm.

Khi quay lại cửa Thượng Tứ, trời đổ mưa lớn. Tôi vội vào một quán chuyên trị bánh khoái và các đặc sản Huế.

Bánh xèo thơm ngon quá. Khuôn đổ vừa ăn, không quá lớn như cái mẹt của bánh xèo di tản miền Little Saigon.

Nem lụi cũng đặt biệt không kém. Nem là thịt heo giã nhuyễn, ướp thơm gia vị, nướng than hoa, ăn kèm rau thơm và vài thứ lỉnh kỉnh. Nước chấm đậm đà. Ngon!

Quán có hai ba lầu, phần lớn là khách ngoại, đủ mọi quốc tịch. Tiếng Tây, Mỹ, Hàn rôm rả, rất vui.

Chủ quán thân tình ra vào chuyện trò về đời thường tại đất cố đô. Ly bia vơi đầy theo giòng hoài niệm vu vơ.(6)

Trời cứ mưa mãi không thôi. Bến sông mờ mịt tầm nhìn. Thượng Tứ vẫn trơ mình giữa âm thầm mưa bay.

Chủ quán nói đừng chờ, cứ thuê xích lô mà đi. Xích lô chạy dọc bờ sông, rẽ phải vào nội thành qua cửa Nhà Đồ.

 

Cả một khung trời uy nghi cổ kính hiện lên. Kia là kỳ đài đen xám đồ sộ cao ngất nhiều tầng, tượng trưng uy quyền Đại Việt một thời.

Cửa Ngọ Môn xừng xững làm lá chắn vững chãi cho ngai vàng uy nghiêm bên trong đại nội, nơi quy tụ linh khí và quyền uy của vương triều Nguyễn.

Thời vàng son đã thuộc về quá khứ. Nay chỉ còn thành quách rêu phong trơ mình giữa mưa chiều tháng chạp.

Gió từng cơn thổi tung bay những tà áo tím quanh đây. Gió lùa mặt nước hào thành tạo ra những thanh âm buồn lắng.

Quốc Tử Giám sát bên. Trước là trường trung học đệ nhất cấp Hàm Nghi, nơi tôi theo học từ lớp đệ lục cho đến hết năm đệ tứ.

Mưa đổ không ngừng. Xích lô chạy dọc theo tường thành đại nội, phía phải có nhiều quáncà phê nhà vườn rất đẹp.

Tôi xuống xe, chạy vội vào quán. Nội thất trình bầy ấn tượng và đẳng cấp. Vọng lâu bằng gỗ quý ánh màu đỏ hoàng gia.Bao quanh là một kiến trúc kiểu đình cổ với những hàng cột song hành. Giữa là hòn non bộ kiểu Việt nước phun róc rách, cộng thêm màn mưa bay tỏa xuống, mang về một niềm nhớ không tên.

Du khách ở lỳ nhìn mưa bay bên ly trà gừng ấm áp. Chiều xuống nhanh. Lòng buồn hơn lá.

 

Tối nay du khách muốn khám phá đời sống về đêm của cư dân Huế, nhất là giới trẻ. Từ đường Đội Cấn rẽ phải vào Lê Lợi, quán bar xếp hàng dọc phố. Nhạc nhẹ du dương. Đây là khu phố Tây, qui tụ nhiều khách ngoại đủ mọi quốc tịch.

Phía bên kia đường tiếng nhạc ầm ĩ vang vọng một góc phố. Du khách tò mò bước sang. Đây là quán nhạc phục vụ ăn uống có kích cỡ rộng lớn. Khách rất đông, đa phần là giới trẻ trên dưới 30.

Nhà hàng được sự bảo trợ của hãng Tiger nên giá bia rất rẻ. Có cả sân khấu để ca sĩ trình diễn. Tiếng gào của cô ca sĩ hòa trong theo điệu nhạc giật gân cũng ầm ĩ không kém. Đây đúng là điểm hẹn tình cờ tối nay của du khách.

Tôm nướng, mực xào đồng hành với bia Tiger là nhất. Không khí vui nhộn cộng với hơi men, du khách tạm quên cảnh mưa gió lạnh lùng cuối đông.

Nhà gần một đoạn ngắn. Thôi thì ta cứ vui chơi vài giờ có chết ai đâu?

 

NGÀY 4 (5/12/2016)

Sáng sớm taxi đưa du khách viếng thăm chùa Thiên Mụ. Nhưng sao xe không vượt cầu Trường Tiền mà cứ qua cầu Phú Xuân?

Taxi chạy dọc bờ sông bên tả ngạn qua những công viên hướng về Kim Long. Đường sạch đẹp, thông thoáng.

Ô, Kim Long sao lạ quá. Dẫy nhà ven sông, nay không còn nữa. Cả một khung trời mây nước hiện ra. Sông và núi trùng điệp trước mặt.

Chùa xưa cổ kính giữa khung cảnh hữu tình. Từ tháp cổ, tượng đá, gác chuông đều có nét thân quen. Nơi đây, thời gian hình như ngưng đọng. Năm mươi năm rồi mà cảnh vẫn như xưa.

 

Taxi đưa du khách về bến đò Đập Đá, giờ đã dời vào sâu trong thôn Vỹ Dạ. Bến vắng tiêu sơ, không một bóng người.

Đang lúc phân vân, may mắn có con đò nhỏ ghé vào. Thế là du khách lại có dịp bồng bềnh sóng nước.

Mặt sông mênh mông. Xa xa phía trước là cầu Trường Tiền. Bên phải là cồn Hến. Đằng sau là thôn Vỹ trong tầm “nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” đẹp như nỗi buồn trong thơ Hàn Mạc Tử.

Thuyền nan lướt nhẹ trên sóng. Nước reo mạn thuyền như gởi lời chào đến du khách phương xa.quanh cảnh vật dật dờ theo làn sương khói lướt bay.

Thuyền cặp bến Đông Ba, khu chợ lúc nào cũng rộn ràng mua bán. Tôi băng qua cầu Gia Hội quen thuộc, xưa có rạp chiếu bóng, nay cũng không còn.  Đường phố cũng thay họ đổi tên.

Mới quá trưa tôi về khu hữu ngạn đón xe buýt về Thuận An. Xe loại nhỏ, chở trên dưới 15 người. 

Xe qua Vỹ Dạ, hai bên nhà phố chạy dài. Không còn thấy những villa rợp bóng và cánh đồng lúa xanh rì thuở trước.

Khoảng nửa giờ sau, xe vào bến đỗ. Tôi ngỡ ngàng nhìn quanh. Đây là tiểu thị trấn với đường tráng nhựa, hai bên là phố xá, quán hàng.

 

Tôi tìm đường ra biển. Đây rồi! Hàng phi lao đang ru mình trước gió. Trước cây bằng tầm người, nay cao hàng chục thước.

Bãi biển nét lạ nhiều hơn quen. Mấy con thuyền đánh cá nằm phơi trên cát. Mùa biển động dân chài được dịp nghỉ ngơi.

Xa khơi nước dồn, sóng vỗ. Biển đục xám. Mây vần vũ bầu trời. Bãi vắng, không bóng người.

Ở Huế có ai ra biển mùa đông đâu. Chỉ có những kẻ khật khùng mới tìm về biển lạnh để mang vào lòng nỗi hoài niệm xa xăm.

Bước chân xào sạc trên cát, gió lùa mái tóc muối tiêu, tôi vẫy tay giã từ biển cũ và những con thuyền.

Chúc thuyền và biển bình an!

 

Tối nay, tôi ngồi quán bar trong phố Tây gần khách sạn, nhìn mưa lất phất bay. Đồ ăn tầm thường. Nhờ không khí lai căng với nhạc điệu rộn ràng, nên tạm coi là một đêm vui.

 

NGÀY 6 (6/12/2016)

Buổi sáng, theo lời chỉ dẫn của cư dân, tôi đáp xe buýt địa phương vể thăm Lăng Cô, bãi biển nổi tiếng dưới chân đèo Hải Vân, cách Huế khoảng 70 cây số về phía nam.

 

Trên quốc lộ 1, hai bên đường nước ngập trắng xóa. Xe vượt dốc qua Truồi, cảnh vật bắt đầu xanh tươi. Phía trước ẩn hiện núi đồi.

Trời đổ mưa tầm tã, xe cứ vun vút lăn đường. Một lúc lâu, tài xế la to: “ Đã tới Lăng Cô”.

Lăng Cô thế này ư? Lạ quá! Hai bên xa lộ là dẫy nhà hai ba tầng sen kẽ những hàng quán lụp xụp.

Đường ra biển xuyên qua đụn cát nhấp nhô nhiều nấm mộ.Đi thêm đoạn ngắn nữa là cả một khung trời biển núi nối liền.

 

Mùa đông biển đục xám, trời cũng xám, cộng thêm tiếng sóng, tiếng reo của phi lao tạo thành một bức tranh buồn.

Mưa vẫn rơi từng hồi nặng nhẹ. Có một người lầm lũi trên bãi cát trống hoang.

 

Mai sáng tôi về Sài Gòn. Lần này xa Huế, không biết bao giờ mới có dịp về thăm?

Xin từ biệt Huế và những kỷ niệm một thời.

Huế ơi!

 

 

Nguyễn Viết Đĩnh

Tùng Sơn Trang 2/2017

 

 

1. Quán bún bò, số 17, Lý Thường Kiệt, Huế

2. Nhạc bản “Ướt Mi” của Trịnh Công Sơn

3.www.quyenduocbiet.com/hoangphungoctuong/

4. Midtown hotel, số 29, Đội Cấn, Huế

5.“Cửu Long cạn giòng, Biển Đông dậy sóng”, Ngô Thế Vinh

6. Bánh Khoái Lạc Thiện, số 6 Đinh Tiên Hoàng, Huế

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 2024
ngoại giao của nước VNcs tùy theo từng thời điểm, có thể khi công bố Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 thì TQ chưa có những hành vi manh động hung hăng như hôm nay, thế nhưng khi công bố lần thứ hai năm 2019 khi TQ gia tăng cường độ lấn chiếm thì chủ trương của Việt Nam vẫn không thay đổi, điều đó đặt ra một câu hỏi là liệu nhà cầm quyền csVN vẫn chấp nhận không thay đổi đường lối quốc phòng trong khi chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa nhằm đổi lấy một nền hòa bình nhu nhược, yếu ớt, và sự độc lập đang bị chỉ trích khi dân chúng nhìn thấy giới lãnh đạo TQ xem đảng csVN như thủ hạ của mình...
17 Tháng Tư 2024
Ở tấm thứ nhất, hình một viên cảnh sát mặc bộ quần áo màu kem, nón kết cũng màu kem là điều hoàn toàn sai. Đồng phục của cảnh sát VNCH là áo trắng, quần xám, áo 2 túi, nút áo trên gần sát cổ, không hở cổ hoặc phanh ngực, bên trên túi phải có bảng tên, tay áo trái có huy hiệu cảnh sát. Nón kết cũng trên trắng, viền xám ở dưới. Huy hiệu có dòng chữ Tổ Quốc, Công Minh, Liêm Chính khác với huy hiệu của quân đội là Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Cái chào tay của người trong hình cũng sai không đúng quân phong, quân kỷ. Khi chào, lòng bàn tay phải úp xuống, ngón cái hơi quặp lại, 4 ngón còn lại duỗi thẳng khép vào nhau, cánh tay...
12 Tháng Tư 2024
Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo để kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng và cho rằng việc cấp quy chế này cho quốc gia Đông Nam Á sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng.” Kể từ năm 2002, khi Mỹ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam, Washington coi quốc gia Đông Nam Á là một “nền kinh tế phi thị trường.” Trong 21 năm qua, Mỹ đã áp thuế chống phá phá giá đối với nhiều mặt hàng...
11 Tháng Tư 2024
Suy nghĩ gần giống như Phan Châu Thành, Minh Tâm Lê: Hy vọng sắp tới, khi ngắm tượng, nhân dân Nghệ An sẽ khơi dậy được sự tự hào truyền thống, không còn ‘xin gạo cứu đói khi giáp hạt’, không còn chứng kiến những thảm cảnh đau lòng như con em chui vào container” để sang lao động ở Anh, ở châu Âu, không còn cảnh leo hàng rào ở biên giới Mexico - Mỹ để thế lực thù địch, phản động bôi nhọ. Tin tưởng vào một ngày mai tươi mới
10 Tháng Tư 2024
Chủ trương “đảng hóa các tổ chức người Việt ở nước ngoài” là một chính sách từ thập niên 80 nhưng đảng giả bộ như không biết nên đã tìm cách phủ nhận: “Thậm chí các đối tượng còn rêu rao rằng, Việt Nam đang tìm cách “đảng hóa” với cả những hội, đoàn trong tương lai mà Đảng hậu thuẫn tại hải ngoại! Các đối tượng cố tình xuyên tạc, vu cáo rằng kể từ Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”!
08 Tháng Tư 2024
Để trả lời vấn nạn này, trước hết chúng ta nhận xét ngay rằng, tuy hiện giờ CSVN tôn CSTQ là quan thầy, tuy nhiên trong tương quan giữa quân đội và công an thì quân đội CSTQ giữ vai trò vượt trội hệ thống công an. Các cấp bậc chính thức trong công an TQ không rập khuông quân đội, như công an Việt nam. Tuy công an TQ cũng giữ vai trò kiểm soát nhân dân, nhưng uy tín thấp hơn quân đội rất nhiều. Tình trạng tại Việt Nam thì ngược lại. Bộ trưởng công an Tô Lâm và guồng máy công an hầu như làm lu mờ quân đội và mọi khía cạnh khác của bộ máy công quyền. Chỉ cần nhìn vào con số 2 triệu công an bán chuyên trách mà Tô Lâm....
04 Tháng Tư 2024
Dân đóng thuế để trả lương cho cơ quan công quyền, công an…. Để bảo vệ cho họ. Nhưng cơ quan công quyền, công an lại thất trách, không lo bảo vệ nhân dân, mà chỉ lo đi bảo vệ Đảng. CA báo kê các vụ cướp đất, cướp nhà, bảo vệ bọn quan chức tham nhũng, bắt bớ, đánh đập dân lành. Nhiều cái ch.ết của người dân trong đồn công an khi họ được mời lên làm việc…đã nói lên được bản chất man rợ, ác ôn của chúng! Đừng hỏi tại sao dân mất lòng tin nơi đảng! Lòng tin là một thứ xa xỉ của nhân dân đối với Đảng và chính quyền!
02 Tháng Tư 2024
Lý do QĐND viết như thế vì ai cũng biết Chủ nghĩa Cộng sản đã “tiêu diệt con người và xã hội Việt Nam” kể từ khi ông Hồ du nhập vào Việt Nam năm 1930. Trong 94 năm có mặt trên đất nước, đảng CSVN đã gây ra hai cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn”, ròng rã 30 năm 1945-1975 làm mất đi khối nhân lực trên 4 triệu con người, đất nước bị tàn phá không lời nào tả xiết. Vì vậy, khi có khuynh hướng chống lại để bảo vệ đất nước thì các cơ quan thông tin chủ chốt của đảng đã kiên quyết - bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh đế được tiếp tục lãnh đạo. Hơn ai hết, họ cũng biết rằng nếu tách riêng “tư tưởng Hồ Chí Minh ra...
02 Tháng Tư 2024
Hai tháng kể từ khi nhân vật số hai của Công an Trung Quốc xuất hiện ở Hà Nội, ngày 11/3/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã không còn úp mở, thẳng thừng cảnh cáo Hà Nội: ‘Việc tham gia các khối có mục đích ‘đối đầu’ và ‘bè phái’ là không phù hợp’ (4), ngay sau khi Việt Nam và Australia vừa thiết lập quan hệ CSP. Giới quan sát nhận định rằng lời cảnh báo như vậy cho thấy sự lo ngại của Bắc Kinh giữa các nỗ lực của Hà Nội muốn mở rộng các quan hệ đa phương. Bắc Kinh tiếp tục dạy khôn Hà Nội: ‘Không bao giờ được trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ phe phái nào và không bao giờ được lao vào vòng xoáy cạnh tranh...
30 Tháng Ba 2024
Còn chuyện có gắng làm ra vẻ trung lập của mình qua vụ tổ chức Hội Nghị Hoa Kỳ và Bắc Hàn dưới thời TT. D. Trump hay đề xuất làm trung gian hòa giải TQ- Mỹ của ông Sơn mới đây chỉ là trò tào lao, bởi vì không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới đều thấy được đảng csVN đã chọn phe theo trục ác khi chỉ đạo cho Đại Sứ Đặng Hoàng Giang tại LHQ 3 lần bỏ phiếu trắng không lên án nước Nga xâm lăng Ukraine. Vì thế Ngoại Trưởng Bùi Thanh Sơn có cố gắng dùng ba tấc lưỡi để thuyết khách như Tô Tần năm xưa cũng khó mà lừa được ai, bởi vì sau chuyến công du Mỹ ông ta lại có buổi hội đàm cùng tên Ngoại Trưởng cáo già Vương Nghị tại Bắc Kinh!.