Biển Đông: Mỹ Sừng, Tàu Xìu
Vi Anh
Trước tiên về sự kiện và thời sự: Về Mỹ, bất chấp mọi hăm he của TC, Mỹ cho một chiến đoàn tinh nhuệ của Mỹ gồm có một số chiến đấu cơ bay trên trời, chiến hạm trên mặt nước và tàu lặn dưới biển cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tuần tra tại Biển Đông từ ngày 18/02/2017. Đây là cuộc tuần tra Biển Đông đầu tiên trong nhiệm kỳ tân TT Trump và tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis. Đây cũng là cuộc tuần tra bằng hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ ở Biển Đông. Điều này cho thấy tân chánh quyền Mỹ tăng cường độ và mức độ quân sự, dùng phương tiện chiến quân sự ở Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm, trong cuộc ngăn chận TC bành trướng. Nếu TC dùng tàu hải giám, tuần cảnh, ngư thuyền dân quân biển lấn biển chiếm đảo, thì Mỹ dùng chiến cụ, vũ khí chiến lược đại qui mô ngăn chận TC và bảo vệ tự do hàng hải là quyền lợi cốt lõi của các nước trong đó có Mỹ. Mỹ làm chớ không nói, làm mạnh, phớt tỉnh Anglais mọi hăm he, cảnh cáo bằng miệng của TC.
Về TC, TC lại cũng đánh võ mồm tuyên bố bằng miệng rằng TQ sẽ sửa luật để tăng cường kiểm soát Biển Đông. Rằng TQ sẽ sửa Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984 cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là «vi phạm an toàn hàng hải» hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc, kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế. Và buộc các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này. Tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi vùng biển của Trung Quốc. Nhưng 2020, tức gần 4 năm nữa mới có hiệu lực, hết nhiệm kỳ 1 của TT Trump.
Và hãng tin Reuters hôm 22/02/2017, TC sắp hoàn tất việc xây dựng khoảng hơn hai chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, dường như để chứa các hoả tiễn địa đối không tầm xa. Nhưng các giới chức Mỹ nói với Reuters, việc xây dựng này không phải là một mối đe dọa lớn về quân sự đối với lực lượng Mỹ trong khu vực, nhưng là một hành động nhằm trắc nghiệm phản ứng của chính quyền tổng thống Donald Trump, vốn đã tỏ ra rất cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông.
Tiếp theo đi vào phân tích. Khi tung chiến đoàn đầu tiên với hàng không mẫu hạm vào tuần tra Biển Đông, Mỹ phớt lờ TC. Mỹ coi đó là vùng biển quốc tế, Mỹ có quyền cho tàu đi đến bất cứ nơi nào Luật Biển cho phép. Chuẩn Đô đốc James Kilby, chỉ huy nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson, cho biết chiến đoàn sẵn sàng chiến đấu. Hàng không mẫu hạm rành Biển Đông như chỉ tay của mình, đã đến biển Đông 16 lần trong lịch sử 35 năm hoạt động của tàu.
Theo Navy Times, những tàu chiến Mỹ này sẽ đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa trái phép ở biển Đông. Sẽ tuần tra bên trong vùng 12 hải lý các bãi đá TC đã quân sự hoá một cách bất hợp pháp theo phán quyết của Toà Trọng Tài về Luật Biển nhơn khi xét kiếu tố của Phi chống TQ. Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nổi tiếng ở Washington, D.C., khẳng định với Navy Times. Rằng “Tôi nghi ngờ khả năng họ sẽ thúc ép Trung Quốc rút ra khỏi các hòn đảo mới xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn hành động bồi đắp đất, quân sự hóa thêm nữa cũng như cản trở Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới để dọa dẫm và ép buộc các nước láng giềng”.
Còn báo chí Nhật cho biết các cuộc hội đàm kín trong chuyến công cán châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bảo đảm với các quan chức Nhật rằng quân đội Mỹ đang có kế hoạch thực hiện lập trường kiên quyết với Trung Quốc ở biển Đông.
Và theo thông tấn xã của Pháp AFP, tuy khẳng định nhiệm vụ «tuần tra theo thông lệ», chỉ huy trưởng «nhóm hải chiến», phó đô đốc James Kilby, nhấn mạnh đến mục tiêu «tăng cường quan hệ vững chắc với các đồng minh trong vùng Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương».
Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra nói trên của chiến đoàn tinh nhuệ có hàng không mẫu hạm Mỹ, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng, chiến hạm và tàu sân bay có quyền họat động trong vùng, theo luật quốc tế. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chung chung, chớ không chống đối mạnh mẽ như trước đây. Rằng Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Hoa Kỳ «không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc» và «phải tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam (Biển Đông).»
Đây không phải là lần đầu TC tỏ ra “tử tế” với chánh quyền Mỹ. Lần thứ nhứt, khi TT Trump còn là tổng thống đắc cử, chưa nắm chánh quyền, TC đã nể vị tổng thống mới quá cứng rắn, quá sừng sỏ với TC. Khi TC cướp tàu lặn không người lái dân sự của Mỹ thăm dò hải dương bị TC bắt tịch thu. Ô. Trump nói đánh đầu TC cứ để họ giữ đồ ăn cướp ấy đi. Thế mà TC sợ giữ tàu ấy sẽ xảy ra đêm dài lắm ác mộng với TT Trump là nhân vật hành động, ăn nói không đoán trước và chống TC hết cỡ thợ mộc này, nên TC đem chiến lợi phẩm ấy đến ngay chỗ cướp giao trả lại cho một chiến hạm Mỹ.
Một điều rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa, là chánh phủ TT Trump xông tới ở Biển Đông, làm mạnh hơn nói so với chánh phủ tiền nhiệm Obama nói nhiều hơn làm. TT Trump muốn dằn mặt Chủ Tịch Tập cận Bình từ lâu thấy TT Obama chủ hoà, xìu xìu ển ển, khi chuyển trục quân sự Mỹ về Á châu Thái bình dương, khiến TC chiếm cứ, quân sự hoá hầu hết Biển Đông. TT Trump và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis, Cựu Tướng 4 sao của Thuỷ Quân Lục Chiến cho tuần tra Biển Đông bằng hàng không mẫu hạm để chứng tỏ với TC và các nước đối tác, đồng minh Mỹ, rằng Mỹ quyết tâm với Á châu Thái bình dương.
nguồn: http://hon-viet.co.uk/ViAnh_MySungTauXiu.htm