canhco
Thơ, vốn là những câu vần vè của người bình dân khi cao hứng giữa đồng ngân nga trêu chọc nhau hay ước muốn mưa thuận gió hòa, thôn xóm bình an, gia đình sung túc. Đó là vài trăm năm trước.
Thơ, bước vào đời sống văn học là trăn trở phận người, là hào khí chống giặc, là tình yêu lứa đôi, là triết lý sống hay trăn trở về số phận. Thơ lúc ấy trở thành thi ca. Là nữ hoàng của mọi thể loại văn học. Thơ có một lúc đầy hào quang, ánh sáng mỹ học và như mọi cuộc dấn thân khác, thơ cần tồn tại bằng chính sự sáng tạo. Thơ hôm nay không còn tiếp tục sáng tạo, nó ê a cái cũ, nó ca tụng cái không còn đáng ca tụng, nó như con tắc kè thay màu da khi cuộc sống tác động lên nó. Thơ suy nghĩ theo hướng danh và lợi, hai thứ vốn rất xa lạ với thơ, ngay cả với một câu thơ dở nhất.
Thơ lâu ngày bị quên lãng vì nó không được sáng tác bởi những ngòi bút không cần lĩnh lương. Thơ thật sự bế tắc hiển nhiên ra đó, in gì thì in nhưng nói tới in thơ là nhà xuất bản không cần hỏi lại câu thứ hai, vất.
Nói vậy cũng tội cho thơ. Thơ “chín” vẫn được người đọc thấm thía lắm. “Nước mình lạ quá phải không anh” không cần in, không cần loa phường, thậm chí không cần ông Hữu Thỉnh tuyên dương nó vẫn nằm sâu trong tim vài triệu người đọc.
Có lẽ vì vậy mà ông Hữu Thỉnh bực mình. Ông không muốn cái Hội Nhà văn vốn nuốt vài chục tỉ mỗi năm của ngân sách nhà nước lại chằng có cái gì đình đám. Vậy là ông cùng một số tay cơ hội theo đuổi, nâng cấp, chải chuốt và màu mè tổng lực cái “ngày thơ” rất ấm ớ này. Mục tiêu của nó tuy mờ mịt nhưng ý đồ thì ai cũng thấy: “Ngày Thơ Văn Miếu” sẽ đóng dấu ấn lên cái tên Hữu Thỉnh.
Chủ đề xuyên suốt của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 là "60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành sáng tạo cùng đất nước". Không biết trong 60 năm đó ông Hữu Thỉnh làm chủ tịch bao nhiêu lâu, nhưng ai cũng tin rằng độ lì bám ghế của ông không hề thua ông Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí có người nhận ra rằng ông Hữu Thỉnh hơn Phú Trọng một bậc ít ra là chữ nghĩa và giải thưởng, (Hữu Thỉnh ẳm giải Hồ Chí Minh chứ chơi à?) hai thứ thiết yếu khi nhảy vào một chức vụ cao nhất, bất cứ ở đâu.
Cái hội Hữu Thỉnh vốn rất cần thiết cho công tác tuyên truyền trong quần chúng hạng hai, tức không phải nông hay công nhân, mà chủ yếu là giới có chữ ít nhiều không biết nhưng cứ có chữ là hợp lệ.
Nếu không ý đồ như thế ai lại mang tấm ảnh của chính mình vào cái ngày mình la làng cho cả nước tới xem: Ngày Thơ Văn Miếu?
Hữu Thỉnh không ngần ngại dấu đi cái ý hướng này. Ông cho lính in cái hình của mình thật to treo bên dưới cổng chào, bên cạnh ông là Nguyễn Khoa Điềm, một người từng là Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, lủng lẳng trước bao cặp mắt người tới xem.
Tuy nhiên thật đáng buồn cho ông Hữu Thỉnh, cả hai tấm chân dung khổng lồ ấy đều được “kính cẩn” viền đen chung quanh. Ảnh thờ trong một đám ma cũng không lớn và trang nghiêm hơn thế.
“Con đường thi nhân" dọc theo cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tôn vinh hơn 200 nhà thơ Việt Nam cùng các tác phẩm tiêu biểu của họ, (một sự tiêu biểu rất đáng nghi ngờ) thế nhưng sau khi khai trương, người dân rúc rích cười vì những sai sót mà đáng lẽ trẻ con cũng không vấp phải.
-Ảnh chân dung cụ Phan Thanh Giản được ghi là cụ Nguyễn Khuyến
-Chân dung Chu Văn An bị ghi là Cao Bá Quát
-Hàn Mặc Tử bị đeo kính, khoác thêm cái áo mang tên Yến Lan
-Câu thơ nổi tiếng “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bị sửa lại thành
“Đời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Đó là chưa kể tới những câu thơ chỉ đáng nằm cạnh toa thuốc trị "ghẻ" nay chễm chuệ nằm chung với Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến! bèo lắm cũng là Hàn Mặc Tử! Kinh.
Ai phê bình thì người đó tự nghe, Hữu Thỉnh không có trách nhiệm phải nghe những lời “chim chóc” ấy. Ông còn bận rộn cho những lá phiếu lần tới. Lá phiếu khẳng định sự đúng đắn và thông minh xuyên suốt của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, biết chọn người lo cho vận mệnh thơ của nước nhà.
Hai bên trái và phải của Hữu Thỉnh đã có sẵn hệ điều hành một đảng phái. Bên phải là Trần Đăng Khoa, vốn là thần đồng thơ đáng được Hữu Thỉnh phong chức Trưởng ban Tuyên giáo Thơ Trung ương. Bên trái đã có Nguyễn Quang Thiều, rất thích hợp cho chiếc ghế Chủ tịch nước Thơ. Ông Thiều giống với bất cứ Chủ tịch nước nào vì hội đủ các điều kiên khó khăn nhất của một Chủ tịch: Không nói, không bàn, không kiểm tra.
Người ta vẫn ngạc nhiên tự hỏi tại sao ông Hữu Thỉnh chưa định ngày đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng bí thư Đảng Thơ, trong khi người yêu thơ cả nước bơ vơ bất định rất khẩn thiết cần một nhân tài lèo lái quốc gia Thơ xuất sắc như ông?
RFA Blog